Saturday, May 28, 2005

Châu Âu với cuộc cách mạng năng lượng sạch


Trước mối đe dọa thay đổi khí hậu toàn cầu và nguy cơ không bảo đảm an toàn năng lượng, Liên hiệp châu Âu (EU) đã đưa ra chiến lược mới về phát triển năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy triều, năng lượng sinh học, địa nhiệt điện, quang điện...

EU đã đầu tư hơn 800 triệu euro để nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với mục tiêu năng lượng sạch chiếm 12% tổng sản lượng điện của châu Âu vào năm 2010. Chiến lược này của EU được coi là cuộc cách mạng về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất điện.

Hiện nay, các nguồn năng lượng sạch chỉ chiếm khoảng 6% tổng sản lượng điện của châu Âu. Công nghiệp điện của EU chủ yếu dựa vào dầu mỏ, khí đốt, than, hạt nhân... Nhiều chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất điện từ các nguồn địa nhiệt, gió và thủy triều được triển khai tại châu Âu, thu hút sự tham gia của Pháp, Ðức, Anh, Italy, Thụy Sĩ... Năm 2004, Chương trình môi trường LHQ (UNEP) công bố Sáng kiến tài chính năng lượng bền vững nhằm thu hút các khu vực và tổ chức tài chính đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió và pin mặt trời. Năng lượng gió ngày càng được nhiều nước khai thác vì chi phí sản xuất điện từ sức gió đang giảm mạnh. Các nhà máy khai thác năng lượng gió góp phần hạn chế đáng kể lượng khí thải các-bô-níc so với sản xuất điện từ năng lượng hóa thạch và tạo thêm nhiều việc làm. Ðức và Anh hiện là những nước dẫn đầu châu Âu trong việc nghiên cứu và triển khai nguồn năng lượng từ sức gió.

Hiệp hội Năng lượng gió của Anh cho biết, trong năm 2004, tiến độ xây dựng các nhà máy phát điện chạy bằng sức gió của Anh đạt mức kỷ lục với tổng công suất các nhà máy được xây dựng là 253 MW, tăng gấp hai lần năm 2003. Chính phủ Anh đặt mục tiêu tăng gấp hai lần tỷ trọng điện tái sinh từ 10% lên 20% vào năm 2020. Ðể đạt mục tiêu này, Anh phải lắp đặt thêm 3.000 tua-bin điện gió, bổ sung cho 1.000 tua-bin đang vận hành. Dự kiến nguồn năng lượng từ sức gió sẽ chiếm hai phần ba tổng sản lượng điện tái sinh ở Anh vào năm 2010. Chính phủ Anh đã công bố dự án xây dựng nhà máy điện chạy bằng sức gió lớn nhất thế giới trên Biển Bắc với khoảng 200 tua-bin và tổng công suất lên tới 1.000 MW. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năng lượng gió ở Anh sẽ là nguồn năng lượng rẻ nhất vào năm 2020.

Ðức là nước sản xuất hơn một phần ba năng lượng gió trên toàn thế giới, tiếp theo là Mỹ và Tây Ban Nha. Cuộc cách mạng năng lượng gió ở Ðức bắt đầu năm 1991. Chương trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo được Chính phủ Ðức thông qua và chính thức có hiệu lực từ tháng 4-2000. Hiện nay, ở Ðức có hàng chục công ty khai thác năng lượng từ sức gió, đứng đầu là Công ty Enercon. Hiệp hội Năng lượng gió của Ðức cho biết, tới năm 2010, năng lượng gió sẽ bảo đảm cung cấp khoảng 10% nhu cầu điện của nước này. Cơ quan Năng lượng Ðức đề ra mục tiêu đến năm 2015 sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 20% tổng sản lượng điện quốc gia, trong đó 35 nghìn MW điện được sản xuất từ sức gió. Bộ Môi trường Ðức vừa công bố kế hoạch đầu tư 45 tỷ euro từ nay tới năm 2030 để phát triển ngành khai thác năng lượng từ sức gió. Ðức có kế hoạch xuất khẩu thiết bị tua-bin gió và năng lượng từ sức gió, xây dựng các nhà máy năng lượng gió ngoài khơi. Theo Chiến lược về khai thác nguồn năng lượng gió trên biển của Chính phủ Ðức, tới năm 2030 nước này sẽ xây dựng các nhà máy khai thác năng lượng gió trên biển ở khu vực giữa Biển Bắc và biển Ban-tích.

Tổ chức môi trường Hòa bình xanh hoan nghênh nhiều nước châu Âu tham gia giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thực hiện Nghị định thư Kyoto về môi trường. Các chuyên gia kinh tế hy vọng, trong tương lai, năng lượng sạch, đặc biệt là từ sức gió và mặt trời sẽ được nhiều nước trên thế giới sử dụng vì tính ưu việt của nó.


Báo Nhân Dân - BH

0 Comments:

Post a Comment

<< Home