Việc con người sử dụng sức nước để sản sinh ra nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất đã trở thành phổ biến. Nhưng với thày giáo Trần Đình Huân, người đã dùng dòng nước thay cho nhiên liệu để bơm nước lên đồi cao, thì quả là một ý tưởng táo bạo.
Vào một ngày đầu tháng 2/2003, khi đang đứng cạnh chiếc máy thủy điện nhỏ do Trung Quốc sản xuất bên dòng suối, thày Huân (hiện công tác tại sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum) đã nảy sinh ý nghĩ: Sao mình không chế ra một chiếc máy bơm chạy bằng sức nước để giảm chi phí cho việc tưới cà phê, khi chỉ cần thêm một chiếc buli và một dây đai?
Nghĩ là làm, kể từ hôm đó thày bắt tay vào việc. Đầu tiên, để có đủ thông số kỹ thuật dành cho việc gia công và sản xuất, thày đã về tận TP HCM để mua tài liệu giảng dạy về thuỷ năng. Mặt khác, cứ mỗi khi rảnh rỗi thày lại truy cập Internet để thu thập thêm tư liệu.
Từ ý tưởng, rồi nghiên cứu thành hình hài chiếc máy đã khó, để chế tạo được ra chiếc máy từ bản vẽ theo thiết kế lại càng khó khăn hơn. Cầm bản vẽ trên tay để đem đi gia công sản phẩm, mọi người đều chẳng tin thày sẽ thành công. Cũng may, thày Huân được một người thợ cơ khí là học trò cũ giúp đỡ. Sau hơn một tuần tháo ra, lắp vào, gọt giũa, tiện mài... chiếc máy bơm của thày đã hoàn chỉnh.
Vui mừng đến quên cả bữa cơm, thày cho chở ngay chiếc máy vào rẫy và lắp thử. Một dòng nước như vòi rồng phun ra trên cả chục mét khiến thày và đám thanh niên giúp việc cùng reo vang. Hôm đó là ngày 20/10/2005.
Theo tính toán của thày Huân, chiếc máy chạy bằng sức nước này đặt ở độ cao chênh lệch của thác nước là 2 m, với ống hút vào có đường kính 30 cm (sử dụng đầu bơm cơ khí Văn Thể VT5), bơm nước đi xa 500 m trong ống dẫn đường kính 5 cm và bơm lên độ cao trên 20 m. Với những chỉ số trên, một ngày đêm bơm được 400 m3 để phục vụ tưới tiêu (tương đương máy bơm dầu diezen công suất 22 mã lực). Ngày trước, để tưới được 1 ha cà phê, gia đình thày đã tốn 70-80 lít nhiên liệu, với chi phí gần 600.000 đồng. Trong khi Tây Nguyên là vùng trọng điểm của cà phê, hồ tiêu và dày đặc hệ thống sông suối có độ dốc tương đối lớn, rất thích hợp cho việc dùng loại máy bơm này.
Để sở hữu được chiếc máy bơm chạy bằng sức nước, mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra 1,5 triệu đồng. Trọng lượng của máy chỉ khoảng 35 kg, cấu tạo đơn giản, dễ vận chuyển và sửa chữa.
Sau khi công trình của thày Huân thành công và đưa vào sử dụng, Sở Khoa học và Công nghệ cũng như Sở Công nghiệp Kon Tum đã cử người đến kiểm tra. Anh Lê Tùng, cán bộ phòng Quản lý thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum, cho biết: "Cơ quan đang hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận giải pháp hữu ích với đề tài của thày giáo Trần Đình Huân".
(Theo VNExpress) |
0 Comments:
Post a Comment
<< Home