Monday, December 05, 2005

25 năm Vietsopetro và tấn dầu thứ 150 triệu


(12/4/2005 11:38:36 PM)

Khai thác dầu khí

Ngày 8-12-2005, XNLD Vietsovpetro làm lễ mừng công khai thác tấn dầu thứ 150 triệu. Đây cũng là dịp XNLD Vietsovpetro tròn 25 năm xây dựng và trưởng thành, XNLD Vietsovpetro có nhiều điều đáng nói trong thời điểm đáng nhớ này.

XNLD Vietsovpetro chính thức tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam từ ngày 19-11-1981 trong khuôn khổ Hiệp định của 2 Chính phủ Việt Nam và Liên Xô ngày 19-6-1981 và Hiệp định sửa đổi ngày 11-7-1991, trụ sở đặt tại TP. Vũng Tàu.

Sau 3 năm hoạt động, ngày 31-12-1983, tàu Mikhain Mirchink đã khoan giếng khoan thăm dò đầu tiên mang số hiệu BH.5 tại mỏ Bạch Hổ và ngày 24-5-1984 phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên. Ngày 3-6-1984, lễ mừng tìm thấy dầu tại thềm lục địa Nam Việt Nam được tổ chức trọng thể tại TP. Vũng Tàu. Phó Thủ tướng Trần Quỳnh và Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam B.N. Saplin đốt đuốc chính thức chào mừng sự kiện lớn lao này.

Ngày 22-7-1984, giếng khoan BH.4 được thực hiện bằng giàn tự nâng Êkhabi. Giếng khoan BH.4 không những gia tăng trữ lượng trong Miocen mà còn phát hiện 2 tầng dầu mới ở Oligocen trên và Oligocen dưới. Ngày 15-2-1985, lần đầu tiên dòng dầu Oligocen dưới phun lên với lưu lượng 200 tấn dầu/ngày. Tổng lưu lượng dầu Oligocen trên (9 vỉa) đạt 1.300 tấn dầu/ngày.

Từ giữa năm 1984 đến giữa năm 1986 là thời gian làm việc khẩn trương chuẩn bị cho khai thác dầu. Ngày 26-6-1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời ngành công nghiệp mới – công nghiệp khai thác dầu khí – đưa Việt Nam thành quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới. Một chương trình khai thác dầu khí đến năm 2000 được vạch ra.

Công tác tìm kiếm, thăm dò liên tục phát hiện các tầng dầu khí: Tầng dầu Miocen ở mỏ Rồng (1985); mỏ Đại Hùng (1988), tầng khí Condensat Oligocen Rồng Đông Bắc (1989). Giai đoạn 1988-1990, XNLD đã mở rộng thăm dò sang các vùng mới và đã tìm thấy các biểu hiện dầu khí ở các cấu tạo Tam Đảo, Ba Vì, Bà Đen, Sói… Giai đoạn 1996-2000, đã khoan 29.712m khoan với 8 giếng khoan thăm dò, hệ số thành công đạt 50%. Giai đoạn 2001-2005, đã khoan 62.202m khoan thăm dò ở Bạch Hổ, Rồng, các cấu tạo Đại Bàng, Thiên Ưng – Mãng Cầu (lô 04-3), Vải Thiều (lô 17)… với hệ số thành công là 57%.

Một phát hiện đặc biệt là tìm ra tầng dầu trong đá móng tiền Đệ Tam tại giếng khoan BH.6 ngày 15-5-1987 và bắt đầu khai thác từ 6-9-1988. Đây là tầng dầu quan trọng và độc đáo. Quan trọng vì từ tầng dầu này đã góp phần tăng sản lượng khai thác dầu hàng năm ở mỏ Bạch Hổ. Một quan trọng nữa là vùng thềm lục địa Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Độc đáo vì tầng dầu ở dạng này chưa tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trong khu vực.

Kiên trì và gian khó để xác lập thân dầu trong đá móng đến việc xác lập công nghệ khai thác dầu trong tầng móng là thành tựu lớn của Vietsovpetro. Lần đầu tiên khai thác tầng dầu trong đá móng nên chưa ai biết phải duy trì áp suất vỉa bằng cách nào. Mãi đến tháng 6-1993 mới quyết định giải pháp công nghệ: Bơm ép nước. Nhờ áp dụng giải pháp công nghệ này mà hệ số thu hồi dầu từ 15-18% được nâng lên đến 40,3%. Nhờ thế mà trong 129 triệu tấn dầu lấy lên từ tầng móng mỏ Bạch Hổ có hơn 50% lượng dầu từ tảng móng được khai thác nhờ áp dụng bơm ép nước. Giải pháp này được Hội đồng xét duyệt cấp Nhà nước phê duyệt vào tháng 3-1993.

Việc khai thác được dầu ở mỏ Bạch Hổ (1986) đã đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu dầu thô và ngày 21-4-1987 lần đầu tiên Việt Nam bán dầu thô ra thị trường thế giới. Từ nhiều năm nay dầu khí luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 20-30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Từ năm 1995, khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đã được đưa vào sử dụng. Năm đầu tiên cung cấp 202,9 triệu m3 khí. Năm 2000: 1,577 tỷ m3; đến năm 2004: 2,126 tỷ m3; năm 2005: 1,800 tỷ m3. Tính đến ngày 7-11-2005 đã cung cấp 14,730 tỷ m3 cho công trình khí – điện – đạm Phú Mỹ, Bà Rịa. 10 năm đưa dòng khí vào bờ, PetroVietnam đã cung cấp cho các hộ tiêu thụ 15 tỷ m3 khí, gần 2 triệu tấn khí hóa lỏng và hơn 8 triệu tấn Condensat. Tổng doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 8.000 tỷ đồng.

25 năm hoạt động, Vietsovpetro đã trang bị cho mình những thiết bị kỹ thuật, phương tiện đủ để độc lập tiến hành các công tác thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa. Cơ sở kỹ thuật đồng bộ này còn có khả năng đáp ứng yêu cầu của các khu vực khác cho phép Vietsovpetro khai thác dầu một cách an toàn.

Năm 1996, Vietsovpetro đã tham gia xây dựng giàn khai thác cho mỏ Rạng Đông (JVPC), và Ryby (Carigaly, Petronas). Năm 2001 Vietsovpetro đã xây dựng và đưa vào vận hành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao công trình đường ống dẫn khí Rạng Đông – Bạch Hổ góp phần tăng lượng khí cung cấp vào bờ. Mới đây (17-10-2005), Vietsovpetro đã ký hợp đồng EPC dự án đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau, giá trị hợp đồng 245 triệu USD. Cuối năm 2006 đường ống sẽ hoàn thành và đưa khí vào bờ.

Từ 1986 đến 31-2-2004, Vietsovpetro đã khai thác 140,153 triệu tấn dầu và 13,375 tỷ m3 khí. Doanh thu từ bán dầu là 22,364 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước: 10,368 tỷ USD. Năm 2005 (dự báo) doanh thu bán dầu: 4,250 tỷ USD, nộp ngân sách 3,053 tỷ USD. Từ năm 1981 đến nay (10-2005) doanh thu đạt 27.317,2 triệu USD và nộp ngân sách đạt 16.604,5 triệu USD.

Hiện nay, Vietsovpetro có 5.944 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 622 chuyên gia người Nga. Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề hoàn chỉnh (37 tiến sĩ, 41 thạc sĩ, 2.033 đại học và cao đẳng, 3.321 công nhân lành nghề…) đáp ứng được các nhiệm vụ quản lý và yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Từ khi thành lập để đáp ứng nhân lực phục vụ khai thác dầu khí, Vietsovpetro đã cử hàng loạt cán bộ, công nhân đến các trung tâm đào tạo của Liên Xô để thực tập và làm việc. Từ năm 1989 công tác đào tạo của Vietsovpetro được mở rộng sang các nước công nghiệp dầu khí phát triển. Đến nay, hầu hết các chức danh chủ chốt từ đơn vị cơ sở đến bộ máy điều hành phần lớn do người Việt Nam đảm nhận. Từ năm 1992, chức danh Tổng Giám đốc do người Việt Nam đảm nhận.

Bên cạnh những thành tựu phát hiện khai thác dầu khí, đào tạo đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, Vietsovpetro coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội. Chỉ tính trong 5 năm (2001-2005) Vietsovpetro đã trích quỹ hoạt động 12.758.498 USD để góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo các địa phương trong cả nước trong đó để xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 7.978.052USD. Bằng kinh phí quyên góp của CBCNV đã ủng hộ 1.455.833USD để phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào bị thiên tai lũ lụt… hoạt động nhân đạo quốc tế. Phía Nga cũng đã ủng hộ 780 triệu đồng để hỗ trợ cho các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TX. Bà Rịa để xây dựng nhà tình nghĩa, trung tâm thể thao văn hóa cho thanh thiếu niên nông thôn.

Đoàn Thiên Tích - Theo báo BR-VT

0 Comments:

Post a Comment

<< Home