Con tàu đầu tiên chạy bằng khí sinh học
03:30' 20/06/2005 (GMT+7) | ||
Con tàu đầu tiên trên thế giới chạy bằng khí sinh học (biogas) - nguồn năng lượng tái sinh từ chất thải hữu cơ - sẽ được giới thiệu đầu tuần tới tại Thuỵ Điển.
Con tàu sẽ nối thành phố Linkoeping, miền Nam Thuỵ Điển, với thành phố Vaestervik cách xa 80km, và chỉ có một toa đơn nhất 54 ghế. Carl Lilliehoeoek, Giám đốc công ty Svensk Biogas sở hữu con tàu, cho biết đây là con tàu đầu tiên trên thế giới chạy bằng khí sinh học. Nó là phiên bản cải tiến của tàu Fiat cũ kỹ với hai động cơ diesel được thay thế bằng hai động cơ khí của hãng Volvo. Động cơ khí sẽ giúp tàu thân thiện hơn với môi trường vì việc đốt khí sinh học làm giảm lượng khí thải nhà kính. Khí sinh học được tạo ra từ thực vật và chất thải động vật. Chúng được trộn với nước trong một chiếc thùng. Ngay khi chất thải phân rã, một loại khí hình thành. Có thể chứa và sử dụng khí đó làm nhiên liệu. Con tàu được trang bị 11 bình khí, đủ để chạy 600km với vận tốc 130km/giờ trước khi cần nạp nhiên liệu. Chi phí chế tạo con tàu này là 1,3 triệu đôla và nó sẽ chính thức hoạt động vào tháng 9 tới. Ngoài con tàu trên, Thuỵ Điển, quốc gia 9 triệu dân, hiện có 779 xe buýt chạy bằng khí sinh học và hơn 4.500 xe hơi chạy bằng hỗn hợp xăng-khí sinh học hoặc xăng-khí tự nhiên. Mục tiêu của nước này trong năm 2005 là thay thế 3% nhiên liệu hoá thạch bằng năng lượng tái sinh- mục tiêu tham vọng nhất trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Theo Lars Guldbrand, chuyên gia năng lượng thuộc Bộ Môi trường Thuỵ Điển, dầu mỏ này càng đắt đỏ và khan hiếm, do vậy con người cần tìm các nguồn năng lượng khác. Ngoài lợi ích về môi trường, khí sinh học có thêm lợi thế là nguồn cung cấp không phụ thuộc vào nhập khẩu, có thể sản xuất trong nước. Mặc dù các con tàu điện được coi là không ô nhiễm song năng lượng mà chúng sử dụng thì lại không sạch. Mọi phương pháp sản xuất điện hiện nay đều có vấn đề. Đốt nhiên liệu hoá thạch là thủ phạm chính gây ô nhiêm. Thuỷ điện phá huỷ hệ sinh thái trong khi điện gió và điện mặt trời lại phụ thuộc vào thời tiết.
|
0 Comments:
Post a Comment
<< Home