Tuesday, August 09, 2005

Sản xuất dầu từ gỗ


18:01' 09/08/2005 (GMT+7)

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng dầu thô trên thế giới là mùn cưa, theo một sinh viên trường Đại học Idaho (Nga).

Juan Andres Soria, sinh viên đang học bằng tiến sỹ tại trường Đại học Idaho (Moscow, Nga) cho biết anh đã phát triển quá trình chuyển hóa gỗ thành dầu sinh học, một chất giống với dầu thô. Trong quá trình này, mùn cưa và metanola được hâm nóng tới 900 độ F để tạo ra dầu sinh học.

Juan Andres Soria, sinh viên trường Đại học Idaho (Nga).

Soria đang thử nghiệm lý thuyết này với sự hỗ trợ của Armando McDonald, phó giáo sư về hóa học gỗ và hợp chất trường Cao đẳng Tài nguyên thuộc Đại học Idaho.

Soria cho biết, quá trình này đang thu hút sự chú ý của một số công ty năng lượng và đồ gỗ. Bởi vì phương pháp này rất mới lạ, nên người ta còn dè dặt.

Mặc dù ý tưởng này rất khác thường, Soria và McDonald nhận định lý thuyết này có tiền lệ trong thiên nhiên – than là kết quả của quá trình cây bị hun nóng với nhiệt độ và áp suất cao.

Phó giáo sư McDonald cho biết ông và sinh viên Soria đang nỗ lực tăng tốc tiến trình này. “Tại sao chúng ta không thể tạo ra năng lượng chỉ bằng vài phút thay bằng hàng triệu năm?”, phó giáo sư lý luận.

Cho đến giờ, nghiên cứu của Soria tập trung vào mùn cưa từ cây thông Ponderosa, mặc dù theo anh nói, có thể dùng nhiều loại cây, kể cả các cây lớn nhanh như những loại cây trồng để lấy gỗ làm giấy.

Anh cho biết chỉ khoảng 2% mùn cưa bị mất đi trong quá trình hâm nóng. Sau khi dầu sinh học được tạo ra, Soria tách dầu bằng cách đun nóng lên. Soria tiết lộ đến nay anh đã nhận biết được các loại dầu mà một lúc nào đó sẽ thay thế cho dầu hỏa, nhựa đường, keo và nhựa dẻo để làm những thứ như đồ gỗ.

Mùn cưa gỗ thông, nguyên liệu chế tạo dầu sinh học

Soria và McDonald khẳng định mùn cưa gỗ thông Ponderosa chỉ là bước khởi đầu. Sắp tới, họ sẽ bắt đầu thử nghiệm xem liệu có thể làm dầu sinh học từ vỏ cây và lá thông.

Hiện hai người không nhận được khoản hỗ trợ nào trong nghiên cứu này.

Soria dự định sẽ sử dụng công trình nghiên cứu này trong bài luận văn tiến sỹ của mình. Nếu các công ty tư nhân thích ý tưởng này và tài trợ cho nghiên cứu, anh sẽ cùng họ xây dựng một nhà máy tinh chế dầu sinh học có quy mô công nghiệp trong năm năm tới.

Tuy vậy, theo Soria, hiện nay, dầu sinh học chưa phải là đối thủ cạnh tranh của dầu thô. Hiện dầu thô giá khoảng 60 USD/thùng, dầu sinh học chỉ có thể cạnh tranh với dầu thô khi mức giá này tăng tới 80 USD/thùng.

  • Vũ Minh Thương (Tổng hợp)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home