Friday, November 25, 2005

Giá xăng: Lên rồi chừng nào xuống?

Close


* Doanh nghiệp muốn giảm giá nhưng phải chờ Nhà nước
* Bộ Tài chính: một thời gian nữa mới quyết định
* Người dân trông chờ sự sòng phẳng: có lên, có xuống

TT - Khi giá dầu thế giới giảm mạnh, người dân cũng bắt đầu mong ngóng giá trong nước giảm theo. VN chưa từng có tiền lệ điều chỉnh giảm giá xăng dầu, liệu lần này giá có theo qui luật thị trường là có lên, có xuống?

Theo Bộ Tài chính, hiện các cơ quan chức năng đang đề xuất hai khả năng điều tiết thị trường xăng dầu theo hướng Nhà nước và người tiêu dùng cùng có lợi. Đó là song song giảm giá xăng 500 đồng/lít và tăng thuế nhập khẩu xăng lên 10%.

Doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đã quen với việc chính sách thuế “phập phù” nhưng với người tiêu dùng, việc giảm giá xăng - dù không đáng kể - vẫn là một tín hiệu đáng mừng rằng Chính phủ đang sẵn sàng để giá xăng trong nước tiệm cận với giá thế giới.

Tất cả cùng... chờ

Ông Nguyễn Phước Thanh - giám đốc Vietcombank TP.HCM: Giảm giá có lợi hơn giữ giá

Các đợt tăng giá xăng dầu trước đây đã tạo ra tâm lý giá chỉ có lên. Nay, nếu thật sự có đủ điều kiện để giảm giá xăng dầu thì Nhà nước cũng nên giảm để người tiêu dùng cảm nhận rằng giá xăng dầu đã được hội nhập với giá thế giới.

Hội nhập, đó là có lên, có xuống. Vậy thì nên chọn phương án giảm giá xăng dầu có lợi cho cộng đồng hơn là giữ giá, tăng thuế để điều tiết lợi nhuận của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Trong tình hình hiện nay, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên đến 7,2% thì giảm giá xăng dầu có nhiều cái lợi: thứ nhất, tạo ra một tâm lý nghịch lại với tâm lý đã hình thành bấy lâu nay, giá cả chỉ có tăng lên mà không giảm; thứ hai, tiếp tục kềm hãm, không để giá cước vận chuyển, đi lại tăng thêm, ảnh hưởng đến mức tăng CPI.

Cần lưu ý rằng trong chín tháng đầu năm, nhóm hàng vận chuyển - bưu điện có mức tăng đến 9,8%, cao nhất trong số các nhóm hàng hóa - dịch vụ hình thành CPI.

T.TUYỀN

Ông Bùi Ngọc Bảo, phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), nói: “Ở góc độ một nhà kinh doanh, khi mua rẻ tôi rất muốn bán rẻ để thúc đẩy tiêu dùng và tăng lợi nhuận tuyệt đối. Nhưng trong tình hình Nhà nước còn đang kiểm soát 100% thị trường xăng dầu, chúng tôi chỉ biết... chờ mà thôi”.

Trong lúc Petrolimex và chín đầu mối kinh doanh khác chờ động thái mới từ Chính phủ, họ được hưởng những khoản lợi kha khá từ chênh lệch giá nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước.

Giá xăng A92 nhập khẩu từ Singapore hiện đang xoay quanh dưới 60 USD/thùng, nhập về ở mức giá này cộng với mức thuế nhập khẩu mới 5% và các loại thuế phí khác, các DN lời 800-1.000 đồng/lít.

Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn phải trả 10.000 đồng để mua một lít xăng, tương đương thời điểm giá xăng A92 nhập khẩu vượt trên 70 USD/thùng. Chính vì vậy, người dân đang đợi một sự sòng phẳng từ Chính phủ theo đúng cam kết Chính phủ - doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng san sẻ... giá xăng.

Sự sòng phẳng ấy, theo tiến sĩ Ngô Trí Long, phó viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), chính là tôn trọng qui luật giá cả thị trường kiểu “nước lên thì thuyền lên” và ngược lại.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lịch, viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Thương mại), cũng cho rằng trên nguyên tắc Nhà nước không thể mãi can thiệp quá sâu vào thị trường, kể cả thị trường xăng dầu.

Lúc lên, lúc xuống

Anh Nguyễn Quốc Châu, nhân viên tiếp thị Công ty thực phẩm Phú Gia (Q.11, TP.HCM), than thở: “Công việc của tôi tối ngày chạy ngoài đường, nhưng mỗi lần móc túi đổ xăng đều thấy giá lên chứ chẳng bao giờ thấy giá xuống”.

Rồi anh cười nói thêm: “Khoản giảm 500 đồng thật ra rất bé nhỏ so với những lần tăng cao trước đó, nhưng giảm bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu chứ sao! Mà lỡ sau này giá có lên lại tôi cũng thấy bình thường vì trước đó cũng đã biết được cảm giác... giảm giá thế nào rồi!”.

Ông Trương Quang Mẫn, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mai Linh, cho biết Mai Linh hiện có khoảng 3.000 xe taxi. Với mức tiêu thụ xăng trung bình 15 lít/xe thì một ngày Mai Linh “ngốn” khoảng 45.000 lít, nếu giảm 500 đồng/lít thì đỡ ngay khoảng 22,5 triệu đồng/ngày.

“Nếu giá xăng hạ thì người lao động sẽ được hưởng lợi vì chúng tôi đang thực hiện mức ăn chia theo tỉ lệ DN hưởng 6, lái xe nhận 4” - ông Mẫn nhẩm tính.

Ông Mẫn cũng cho rằng giá lên - giá xuống là một qui luật tất yếu của thị trường, vì thế nếu Nhà nước nghĩ đến việc giảm giá, rồi sau đó lại tăng giá theo giá thế giới thì DN cũng rất dễ chấp nhận.

Người dân vẫn chưa rõ đến bao giờ giá xăng dầu trong nước mới giảm đây? - Ảnh: N.C.T.
Đã tính phương án giảm giá

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, hiện các chuyên gia của bộ vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả trước khi có đề xuất chính thức lên Chính phủ.

“Phương án giảm giá đã được tính đến nhưng còn cần theo dõi thêm một thời gian nữa để thấy rõ xu hướng giá thế giới rồi mới quyết định được” - ông Trung nhấn mạnh.

Ông Hoàng Thọ Xuân, vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, cho rằng việc xem xét điều chỉnh lại giá bán lẻ là điều “tất yếu và sòng phẳng” với người tiêu dùng nếu các DN đầu mối đã cân đối được lỗ lãi.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, người dân cũng cần... thông cảm nếu Chính phủ chưa giảm giá được ngay, vì ngay lúc giá thế giới lên đỉnh điểm, giá trong nước mặc dù có tăng nhưng vẫn còn một khoảng cách nhất định với giá thế giới, tức vẫn được bảo hộ một phần thông qua việc giảm thuế.

Nay giá xuống thì điều tiên quyết là phải tạo nguồn thu ngân sách trước, sau đó nếu giá tiếp tục giảm ổn định thì mới tính đến khả năng giảm giá.

“Thật ra, việc giảm giá không khó nhưng chúng ta cũng đâu biết trước được rằng ngay nay mai thôi giá thế giới sẽ tăng trở lại. Vả lại, với mức giá hiện nay chúng ta đã phải chịu cảnh “chảy máu” nhiên liệu, hạ thêm một chút ít người tiêu dùng trong nước không được lợi bao nhiêu mà thật ra đất nước lại mất đi rất nhiều” - ông Long phân tích.

Thu ngân sách cho đủ

Giá dầu thấp nhất trong 5 tháng qua

Sáng 18-11, giá dầu thô tại Mỹ đã lên lại, đạt 56,36 USD/thùng. Khi đóng cửa thị trường giao dịch tối trước, giá dầu thô tại thị trường New York (Mỹ) giảm còn 56,33 USD/thùng, thấp nhất trong năm tháng qua.

Giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 1-2006 giảm 1,15 USD xuống còn 54,92 USD/thùng trên thị trường London. Giới chuyên môn lý giải hiện tượng này do thời tiết ấm bất thường trong tháng đầu mùa đông ở bắc bán cầu và nguồn dầu dự trữ tại Mỹ đang ở mức khá cao.

Các nhà phân tích còn cho rằng giá dầu hiện nay chỉ là tạm thời và sẽ tăng trở lại một khi thời tiết lạnh hơn.

Tuy nhiên giá dầu khó thể đạt đến mốc kỷ lục 70,85 USD/thùng như hồi tháng tám, trừ khi xảy ra những diễn biến xấu bất thường liên quan đến việc khai thác dầu trên thế giới.

SƠN NGUYỄN (Theo AP, Bloomberg)

Vậy cơ chế nào để việc điều hành thị trường xăng dầu thoát khỏi cảnh lẩn quẩn hết thay đổi giá đến thuế hiện nay?

Ông Bùi Ngọc Bảo nói: “Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là hãy thu ngân sách cho thật đủ để khỏi lấn cấn trong điều hành, vì các DN kinh doanh như chúng tôi sẵn lòng chấp nhập một mức thuế cao nhưng ổn định, chẳng hạn áp dụng mức 25-30% như trước đây. Sau đó, hãy để các DN ngồi lại với nhau bàn mức giá bán thích hợp trên cơ sở một mức lãi hợp lý dựa trên giá định hướng của Nhà nước”.

Điều ông Bảo nói cũng phù hợp với nghị định 187 của Chính phủ về qui chế quản lý kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1-1-2004. Theo đó, các DN được tự quyết định giá bán xăng các loại trên cơ sở giá định hướng của Nhà nước với biên độ +_10%.

Tuy nhiên, chỉ vì các cơ quan chức năng sợ “nền kinh tế và người tiêu dùng không chịu đựng nổi” nên cho đến nay chính sách này vẫn chưa được triển khai vào thực tế.

Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế cho rằng do hầu hết xăng được dùng cho tiêu dùng chứ không phải là đầu vào của sản xuất nên đòi hỏi của người tiêu dùng phải là đối tượng đầu tiên được quan tâm tới khi thiết kế chính sách.

Và với hầu hết người dân, một cuộc chơi sòng phẳng “giá có lên - có xuống” là điều mà họ kỳ vọng vào Chính phủ.

T.V.NGHI - N.HẰNG - N.LINH