Wednesday, July 05, 2006

Giao lưu: Học cách biến gió, mặt trời... thành tiền

Giao lưu: Học cách biến gió, mặt trời... thành tiền
10:20' 15/06/2006 (GMT+7)

(VietNamNet) - Vào lúc 15h chiều nay, VietNamNet đã có buổi giao lưu trực tuyến với TS Herrmann Scheer - Nghị sĩ Quốc Hội Đức đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về Năng lượng tái tạo và GS Phạm Duy Hiển - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Cục kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân. Chủ đề của buổi giao lưu này là "Có thể biến gió, mặt trời... thành tiền? - Thực trạng Việt Nam và kinh nghiệm thế giới".

>>Việt Nam: Chưa biến được gió, mặt trời... thành tiền!
>>Cần khuyến khích tư nhân đầu tư năng lượng tái tạo

Trước tình hình giá dầu trên thế giới đang tăng giá, các nước trên thế giới đều lo tìm kiếm các nguồn năng lượng để thay thế. Riêng Việt Nam, không chỉ chịu chi phối bởi giá dầu mỏ trên thế giới... Tin tức báo chí trong những ngày gần cho biết, do sự cố tại Nhà máy điện Phú Mỹ và Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại nên ngành điện phải cắt giảm khoảng 600 -800 MW mỗi ngày trên toàn hệ thống.

Bối cảnh trên đã khiến nhiều nước trên thế giới, trong đó có VN chú ý đến năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng hoàn nguyên (nghĩa là năng lượng được tạo ra từ các nguồn không bị mất đi như gió, nước, ánh nắng mặt trời; nhiên liệu sinh học (biodiesel; biogas...) nhằm giảm bớt áp lực từ năng lượng hoá thạch như dầu mỏ, than đá...

GS. Phạm Duy Hiển TS Herrmann Scheer

Làm thế nào để biến gió, nước, ánh nắng mặt trời... thành tiền? Thực trạng ở Việt Nam và kinh nghiệm thế giới? Xin mời các bạn gửi câu hỏi vào bảng dưới đây, Tiến sĩ Hermann ScheerGS Phạm Duy Hiển sẽ chia sẻ với bạn đọc những thắc mắc này.

Tiến sĩ Hermann Scheer sinh năm 1944 tại Đức, Ông là nhà kinh tế học và xã hội học nổi tiếng người Đức. Năm 1980, TS Scheer là Nghị sĩ Quốc hội Đức đồng thời là đại biểu đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).

Trong 30 năm gần đây, ông là người có lòng say mê tìm kiếm các giải pháp phát triển năng lượng đáp ứng thoả mãn nhu cầu của con người ngày càng tăng mà không có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Chính từ lòng say mê này ông đã liên tục gặt hái được rất nhiều giải thưởng quốc tế về năng lượng tái tạo như: Giải Quốc tế về năng lượng mặt trời năm 1998, Giải Nobel mở rộng về năng lượng năm 1999, Giải quốc tế về Năng lượng sinh học năm 2000, Giải „Hero for the Green Century“ của tạp chí TIME, Giải quốc tế về Năng lương gió năm 2004.

Từ 1988, ông là Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo Châu Âu (EUROSOLAR) và từ 2001, là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về năng lượng tái tạo.

Soạn: AM 807257 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Năng lượng gió đã trở nên quen thuộc ở nhiều nước.

Hiện nay, ông là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất tới các chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Đức và trên thế giới.

Quan điểm của Tiến sĩ Hermann Scheer “Xét về trung hạn, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nhân loại một cách có lợi cho môi trường và có hiệu quả về kinh tế “ khiến ông trở thành đối thủ rõ ràng của năng lượng nguyên tử.

Và một vị khách mời quan trọng nữa là GS Phạm Duy Hiển - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (1980-1991), nguyên Phó viện trưởng Viện nguyên tử Quốc gia (1976-1993), hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Cục kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân.

Mời bạn đọc theo dõi nội dung cuộc giao lưu dưới đây:

Soạn: AM 807667 gửi đến 996 để nhận ảnh này

GS Phạm Duy Hiển đang giao lưu cùng độc giả VietNamNet

Kha Nguyen - Nam 25 tuổi - Tp Hồ Chí Minh:
- Xin hỏi GS Phạm Duy Hiển. 1/ Ông nghĩ gì về dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở VN?. 2/ Phân tích của TS Hermann Scheer trên báo điện tử VNExpress đã nêu ra những lợi ích của "năng lượng tái tạo", ông nghĩ sao khi TS nói "VN không nên xây nhà máy điện nguyên tử"?.
GS Phạm Duy Hiển: - Về hai câu hỏi này tôi sẽ trả lời thành một. Ông Hermann Scheer nói không nên xây nhà máy điện nguyên tử ở VN song theo tôi, năng lượng tái tạo rất cần phát triển. Việc xây dựng những nhà máy điện nguyên tử trước sau gì Việt Nam vẫn phải làm. Tôi rất muốn phát triển năng lượng tái tạo nhưng tôi không cho rằng năng lượng tái tạo có thể thay thế năng lượng hạt nhân, nhất là trong vài thập niên tới. Vì mỗi năm hiện nay, ta cần chừng 3000 MW điện để phục vụ phát triển kinh tế. Yêu cầu đó năng lượng tái tạo chưa đạt được trong thời gian tới.

Do vậy vẫn phải xây nhà máy điện hạt nhân và xây như thế nào thì tôi sẽ nói sau.

Nguyễn Văn Quân - Nam 26 tuổi - Trung Hoà - Cầu Giấy -Hà Nội:
- Vấn đề quan tâm nhất của dư luận tới việc phát triển năng luợng hạt nhân là vấn đề an toàn. Việc xảy ra vụ mất cắp chất phóng xạ gần đây ỏ Viện Xạ hiếm có ảnh huởng gì tới lòng tin của nhân dân và dư luận về việc Việt nam tiếp tục phát triển năng luợng nguyên tử thưa GS Phạm Duy Hiển?
GS Phạm Duy Hiển: - Về câu hỏi này tôi đã từng trả lời phóng sự trên VTV1 lúc 9h30 sáng thứ Bảy vừa qua. Hôm đó, tôi đã nói là kẻ thù số 1 của những người làm hạt nhân là chủ quan. Sự việc mất cắp chất phóng xạ bán ra đồng nát khẳng định đúng nhận xét này của tôi. Việc đó cũng nói rằng đã làm hạt nhân thì nguy cơ về vấn đề mất an toàn là phải luôn luôn chú ý. Bây giờ chưa làm điện hạt nhân mà đã xảy ra điều như vậy thì đến lúc bắt tay vào làm thì sẽ như thế nào.

Cây Cầu Văn Thánh hỏng ta có thể phá đi xây mới. Với điện hạt nhân không thể làm như vậy. Trên thực tế, điện hạt nhân ở ta hiện nay vẫn chưa an toàn. Do đó, nếu lúc nào cũng nói điện hạt nhân rất an toàn thì tự chúng ta đã đưa kẻ thù vào trong người mình. Quan trọng nhất là làm cho các cấp lãnh đạo cảnh giác.

Soạn: AM 807827 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS Phạm Duy Hiển và TS Herman Scheer đang giao lưu cùng độc giả VietNamNet.

Kha Nguyen - Nam 25 tuổi - Tp Hồ Chí Minh:
- Xin hỏi GS Phạm Duy Hiển, theo ông VN nên xây nhà máy điện hạt nhân hay không?
GS Phạm Duy Hiển: - Như tôi đã nói, trước sau VN cũng sẽ làm điện hạt nhân. Và điều này phù hợp với xu hướng hiện nay của thế giới. Ngay hai nước Mỹ và Anh suốt 3 thập niên vừa qua đã bỏ qua con đường này, bây giờ cả hai đều tuyên bố sẽ quay trở lại. Vì khủng hoảng năng lượng đang xảy ra mà năng lượng tái tạo thì chưa đủ sức vào để tạo ra nguồn năng lượng thoả mãn yêu cầu phát triển kinh tế.

Nhưng ở đây có hai vấn đề:

1. Điện hạt nhân hiện nay chưa thật an toàn và chưa thật kinh tế như một số người vẫn thường nói. Một nhà máy điện hạt nhân nếu đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật cao nhất thì cũng có nghĩa là đắt nhất, nghĩa là hiệu quả kinh tế chưa cao. Về an toàn thì tôi đã nói rồi, giữa tính an toàn và tính kinh tế có mối liên quan với nhau. Bảo đảm an toàn cao chừng nào thì giá đầu tư cho nhà máy điện cao chừng đó.

2. Thời điểm nào có điện hạt nhân! điều này không thể dựa trên một luận cứ là đến năm nào đó, chẳng hạn 2020, ta thiếu 36 tỷ KWh mà chưa có nguồn nào để giải quyết thiếu hụt này. Điều này không chính xác bởi: một là, dự báo cho năm 2020 cần đến 2trăm tỷ KWh mà cũng cho thấy là thiếu 36 tỷ KWh, thì không thể có một dự báo chính xác sau 15 năm nữa. Hai là việc có điện hạt nhân hay không còn tuỳ thuộc vào các yếu tố khác, trước hết là về con người. Về con người, có ba yêu cầu: trình độ hiểu biết về công nghệ; tinh thần trách nhiệm để tránh xảy ra sơ xuất; và hệ thống tổ chức quản lý. Nếu chúng ta còn thiếu và cảm thấy chưa yên tâm về ba mặt này thì chúng ta vẫn chưa bắt đầu điện hạt nhân được.

Về trình độ công nghệ, cần phân biệt 2 loại: Điều hành nhà máy thì hãng cung cấp thiết bị có thể giúp đào tạo hàng trăm người trong vòng vài ba năm trước khi nhà máy hoạt động. Nhưng loại thứ hai là loại chuyên gia cao cấp thì hiện nay ta chưa có mà đào tạo thì rất lâu. Cũng chưa rõ cách nào để đào tạo. Đó là những người sau này sẽ ra quyết định chứ không phải là những người thừa hành. Ngay cả việc xét duyệt các dự án thiết kế mà phía người cung cấp đưa cho ta thì ta cũng rất cần chuyên gia có đủ trình độ. Chúng ta không thể làm điện hạt nhân mà phó thác những việc này cho người nước ngoài. Không thể để người nước ngoài dắt tay ta đi.

Về tinh thần trách nhiệm, ở đây có cả ý thức tổ chức kỷ luật của con người. Mặt này chúng ta rất yếu. Vì chúng ta chưa kinh qua nền kinh tế công nghiệp cho nên con người nói chung dễ tuỳ tiện. Mặt khác luật pháp của chúng ta chưa nghiêm. Chúng ta đang xây dựng luật hạt nhân và đây phải là luật gắt gao nhất nhằm tạo ra một hệ thống pháp lý, khắc phục nhược điểm thiếu tổ chức kỷ luật của con người.

Về tổ chức quản lý thì đây là vất đề rất đáng ngại, căn cứ vào những gì mà báo chí phản ánh hàng ngày. Ở đâu có tiền và tiền nhiều, ở đó có tham nhũng và lãng phí. Liệu điện hạt nhân có tránh khỏi kịch bản này không? Hiện nay tôi chưa tin. Và như đã nói ở trên, một công trình bình thường, nếu lãng phí và tham nhũng có thể chưa nguy hiểm nhưng nhà máy điện hạt nhân nếu lãng phí và tham nhũng thì cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, bao giờ có điện hạt nhân thì câu trả lời không thể duy ý chí được. Và nhất là không được để cho các hãng cung cấp thiết bị hạt nhân của nước ngoài tìm cách thuyết phục ta với mục đích riêng của họ.

Nguyễn Đức Trung - Nam 26 tuổi - Hà Trung, Hà Nội:
- Thưa ông Phạm Duy Hiển, hôm qua Tiến sĩ Lê Văn Hồng có trình bày về kế hoạch nghiên cứu xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam. Theo đó, đến năm 2020 nhà máy có thể sẽ đi vào hoạt động. Cá nhân ông có ủng hộ dự án này không? Và ông đánh giá thế nào về khả năng thành công cũng như lợi ích của dự án này với tương lai của Việt Nam?
GS Phạm Duy Hiển: - Tôi ủng hộ là trước sau gì cũng phải có điện hạt nhân. Nhưng bao giờ có thì như tôi đã nói trên. Tôi không thiên về bất cứ thời hạn nào để đặt ra một cách duy ý chí. Và tôi cho rằng ngành năng lượng nguyên tử cần chuẩn bị tích cực hơn nữa về đào tạo nhân lực và nâng cao trình độ chuyên môn thì thời điểm đó mới sớm xảy ra. Mặt khác, tôi cũng tin rằng những tệ nạn, tiêu cực, tham nhũng trong xã hội rồi dần sẽ khắc phục, có thể giúp cho người dân tin tưởng là chúng ta làm điện hạt nhân một cách an toàn.

Nguyễn Văn Quân - Nam 26 tuổi - Trung Hoà - Cầu Giấy - Hà Nội:
- Thưa GS Phạm Duy Hiển, theo tôi đuợc biết Việt Nam đã chuẩn bị để xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Vì vậy việc phát triển các ngành năng luợng mới có phải là đối thủ của năng luợng hạt nhân hay không? Năng luợng hạt nhân đã chuẩn bị gì và đã sẵn sàng cho cuộc chạy đua về các nguồn năng luợng?
- Để trả lời câu hỏi này, tôi phải nói tại sao ông Herman Scheer lại được mời đến VN. Ông Scheer là một người trước đây chuyên nghiên cứu về hạt nhân song mấy chục năm gần đây ông chuyển sang năng lượng tái tạo. Một người như vậy dĩ nhiên có thể cung cấp cho chúng ta về cả hai ngành năng lượng. Và ông được mời đến để nói đầy đủ các khía cạnh về hai ngành năng lượng đó. Cho đến nay, những bàn luận về điện hạt nhân thường là một chiều. Chính phủ và nhân dân VN cũng cần biết những thông tin khác. Đó có thể nói là lý do mà ông Scheer được mời đến VN.

Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu hạt nhân trong nhiều năm, thậm chí gần 50 năm. Nhưng theo dõi những diễn biến trên thế giới trong nhiều năm gần đây tôi cho rằng vấn đề qua trọng hơn năng lượng hạt nhân là làm thế nào để đất nước phát triển năng lượng một cách bền vững. Tôi rất muốn đất nước có điện hạt nhân phù hợp với quy luật phát triển khách quan song tôi còn muốn năng lượng khác cũng được phát triển, nhất là năng lượng tái tạo.

Chúng ta đã nói đến rất nhiều ưu việt của năng lượng tái tạo và có thể ông Scheer sẽ nói thêm. Và như vậy, VN phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo trong khi không bỏ qua phương án năng lượng hạt nhân. Do đó, hai lĩnh vực không có gì cạnh tranh nhau. Cái nào phát triển lúc nào, đó là khách quan sẽ quyết định và cũng có một phần ý chí chủ quan của dân và chính phủ. Và chúng ta đang thiếu năng lượng thì rõ ràng ở đây không có sự cạnh tranh.

Đinh Thị Quế - Nữ - Thanh tra quận Hải Châu- Đà Nẵng:
- Thưa ông Phạm Duy Hiển, hiện tại trên thế giới có nhiều nuớc đã có thể tái tạo lại gió, nuớc, ánh mặt trời thành năng luợng phục vụ con nguời chưa? Các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận đuợc với ý tuởng này đến đâu rồi?
GS Phạm Guy Hiển: - Con người không tái tạo gió, nước và ánh sáng mặt trời mà con người sử dụng chúng để sản sinh ra năng lượng. Có điều các năng lượng này tồn tại gần như vĩnh cửu, dùng xong rồi thì lại có. Không giống như chúng ta đốt than hay dầu, đốt xong là mất.

Các nhà khoa học VN cũng đã nghiên cứu sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện nay Các công nghệ này vẫn chưa đạt đến trình độ đưa vào sản xuất lớn. Có lẽ đây là hướng sắp tới phải tính đến.

Nguyễn Đức Thành Chung - Nam 45 tuổi - Cầu Giấy - Hà Nội:
- Thưa ông Phạm Duy Hiển, là một chuyên gia về năng lượng hạt nhân, ông có nhận xét gì về hướng phát triển năng lượng của Đức? Liệu Việt Nam có nên đi theo hướng này không? (Vì gần đây, Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển hướng sang việc phát triển năng lượng tái tạo)?
GS Phạm Duy Hiển: - Tôi có theo dõi việc nước Đức từ bỏ năng lượng hạt nhân để chuyển sang năng lượng tái tạo. Hiện nay, nước Đức đã có thành công bước đầu: chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm họ đã đưa tổng sản lượng điện năng từ năng lượng tái tạo lên 12 tỷ KWh.

Đấy là một thành công và nếu họ tiếp tục thành công nữa trong tương lai thì họ sẽ để lại một bài học lớn cho thế giới. Tôi cho là VN cần phải học tập kinh nghiệm của họ và của cả Trung Quốc. Ngay cả Trung Quốc cũng đã học hỏi kinh nghiệm từ Đức.

Nguyễn Đức Trung - Nam 26 tuổi - Hà Trung, Hà Nội:
- Thưa ông Phạm Duy Hiển “Nhiều nhà khoa học trong nước đã đề xuất với Chính phủ dự án phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học nhưng chưa được chú trọng. Nếu mỗi năm dành 1% tổng vốn đầu tư cho các ngành năng lượng (năm 2005 khoảng 60.000 tỷ đồng) thì sau 10 - 20 năm các vùng sâu, vùng xa, các hải đảo có điện từ gió và mặt trời, có thể thay thế 10 - 20% xăng dầu khoáng bằng nhiên liệu sinh học… “ (tin đã đăng trên VNN). Vẫn là vấn đề chính sách… Thưa ông, quan điểm của ông có phải là Nhà nước nên dành kinh phí để đầu tư và đầu tư nhiều hơn nữa vào năng lượng tái tạo? Theo ông, thành phần kinh tế tư nhân đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển năng lượng tái tạo ?

Soạn: AM 807815 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS Phạm Duy Hiển

GS Phạm Duy Hiển: - Hiện nay, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt chương trình trọng điểm cấp nhà nước về Khoa học công nghệ, trong đó có chương trình năng lượng. Tôi cho rằng, sắp tới chương trình năng lượng nhà nước sẽ chú trọng nhiều hơn nữa đến phương hướng năng lượng tái tạo sao cho sau một thời gian, dạng năng lượng này có thể được đưa vào sử dụng và càng ngày càng đóng góp lớn vào tổng năng lượng tiêu thụ ở nước.

Về phía nhà nước cũng cần phải có chính sách để khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng năng lượng tái tạo. Ở nhiều nước hiện nay đã có luật về năng lượng tái tạo, nghe nói ở Trung Quốc luật cũng sắp được thực thi. Trong luật này, có quy định người dân không chỉ có quyền được sử dụng điện năng mà còn có quyền đựoc bán lại điện năng từ năng lượng tái tạo vào mạng điện nói chung.

Anh Kiệt - Nữ, 47 tuổi - Số 2 - Giảng Võ:
- Thưa giáo sư Phạm Duy Hiển: Nuớc ta có lợi thế về giờ chiếu sáng của mặt trời, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng luợng mặt trời là loại năng luợng sạch. Vậy kế hoạch đầu tư cho phát triển năng luợng này như thế naò? Làm thế nào để hạ giá thành tấm pin mặt trời để vùng sâu vùng xa nơi khó kéo điện luới đuợc sử dụng?. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tình hình tham nhũng như ở nuớc ta hiện nay làm nguời dân rất lo ngại chất luợng máy móc, chất luợng công trình. Tổ chức IEAE có thể can thiệp giám sát hạt nhân để đảm bảo an toàn trong công việc dân sự như nhà máy điện nguyên tử nuớc ta không ạ. Vì nếu xảy ra sự cố thì đâu có chỉ nguời dân vùng đất có nhà máy điện nguyên tử chịu nạn? Xin cảm ơn giáo sư. Kính chúc giáo sư sức khoẻ.
GS Phạm Duy Hiển: - Đúng là nước ta có lợi thế về năng lượng mặt trời, so với nước Đức chẳng hạn. Tuy nhiên, hiện nay năng lượng này vẫn chưa được khai thác tốt. Ta có nhập thiết bị từ bên ngoài nhưng mà giá thành vẫn cao. Mặc dù vậy, thế giới hiện đang nghiên cứu rất nhiều và tôi tin trong thời gian tới, giá thành pin mặt trời sẽ hạ, khi ấy thì năng lượng mặt trời có thể hoà vào mạng lưới điện và có thể dùng ở những vùng sâu vùng xa.

Phuong Anh - Nữ 29 tuổi - Hà Nội
- Thưa GS PHạm Duy Hiển, trong khi ông nêu lên rằng Mỹ và Anh tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì một số nuớc ở châu Âu như Đức, Áo, Thụy Điển tuyên bố là sẽ dựa vào năng luợng tái sinh. Thậm chí Thụy Điển còn đặt mục tiêu là giảm hoàn toàn việc sử dụng dầu mỏ vào năm 2020. Và trên thực tế họ đã chứng tỏ là điều đócó tính khả thi. Vậy tại sao Việt Nam lại cứ phải nhất thiết dựa vào điện hạt nhân thay vì điện tái sinh?.
GS Phạm Duy Hiển: - Như tôi đã nói, để phát triển kinh tế trong những năm tới cần phải có một lượng điện năng rất lớn. Mỗi năm phải xây thêm chừng 3000-5000 MW điện. Năng lượng tái tạo vẫn chưa thể là phương án độc tôn để giải quyết yêu cầu này.

Phuong Anh - Nữ 29 tuổi - Hà Nội
- Xin hỏi tiếp GS Phạm Duy Hiển, vậy thì Việt Nam sẽ xử lý rác thải hạt nhân như thế naò, liệu ông có luờng hết đuợc những tác động của rác thải hạt nhân tới môi truờng của Việt Nam không?.
GS Phạm Duy Hiển: - Về điện hạt nhân thì có thể có hai loại chất thải. Loại hoạt độ thấp và hoạt độ cao. Hoạt độ thấp thì tự ta có thể xử lý được còn hoạt độ cao thì đây là bài toán của thế giới. Chúng ta cũng phải chờ cách xử lý bài toán này như thế nào của các nước tiên tiến.

Chắc là nếu sau năm 2020 chúng ta có điện hạt nhân và cũng vào thời gian đó thì nhiều nước tiên tiến trên thế giới quay trở lại điện hạt nhân nên sẽ giúp sớm giải quyết thành công bài toán chất thải hạt nhân hoạt độ cao.

Đỗ Hoàng Việt - Nam 31 tuổi - Thanh Xuân _Hà Nội:
- Xin hỏi Giáo sư Phạm Duy Hiển: Tôi rất quan tâm đến Năng lượng tái tạo và đặc biệt là phong điện ( Điện gió ), Tôi xin hỏi Giáo sư một số vấn đề sau:. 1. Tại đất nước ta có những điểm nào có tiềm năng về gió để có thể thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà máy phong điện?. 2. Đã có cơ quan hay tổ chức nào đã tiến hành đo đạc, đánh giá tiềm năng gió trong các tỉnh thành trong cả nước hay chưa?
GS Phạm Duy Hiển: - Tôi được biết ở Bình Định đang có dự án xây dựng nhà máy phong điện, công suất ban đầu lên tới 70 MW. Việc này gần đây được tỉnh Bình Định khẳng định. Khi dự án này đi vào hoạt động thì sẽ giúp chúng ta có nhiều bài học tốt về sử dụng năng lượng phong điện.

Nguyễn Đức Trung - Nam 26 tuổi - Hà Trung, Hà Nội:
- Chào GS Phạm Duy Hiển, thưa ông xin ông cho biết, mức độ tổn thất điện năng ở ta có thể đến 15.8%, trong khi ở nhiều nước trên thế giới mức tổn thất chỉ vào khoảng 7-9%. Một nhà khoa học khác cũng chỉ ra, để làm ra 1 USD giá trị gia tăng, VN tiêu tốn năng lượng nhiều hơn các nước trong khu vực khoảng 30-40%. VN không thể duy trì tăng trưởng GDP cao với cường độ năng lượng cao như hiện nay… Ông đánh giá như thế nào về tình trạng lãng phí năng lượng ở VN? Nguyên nhân là do đâu? Và, đâu là biện pháp để khắc phục, theo ông?
GS Phạm Duy Hiển: - Theo một nghiên cứu mới đây của Dự án Tiết kiệm năng lượng thương mại thí điểm do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, các giải pháp kỹ thuật chống tổn thất do sử dụng điện không hợp lý có thể tiết kiệm được 170 tỷ KWh trong 5 năm tới. Về độ tin cậy của con số này thì chúng ta còn phải chờ xem. Tuy nhiên, con số này nói lên tổn thất của chúng ta rất là lớn.

Gần đây, khách sạn New World ở TP.HCM có thực hiện một số biện pháp tiết kiệm điện và nâng cao hiệu quả sử dụng điện. Kết quả cho thấy, trước đây trong 1 ngày họ phải dùng 42.000 KWh, nay chỉ còn 29.000 KWh, như vậy lượng thất thoát chiếm tới 30%. Nếu mọi hộ tiêu thụ khác đều tiến hành tương tự thì chắc chắn tình hình sẽ rất sáng sủa. Chúng ta sẽ không cần sử dụng nhiều điện như EVN đã quy hoạch cho năm 2010 và 2020.

Tiêu thụ nhiều điện không nói lên trình độ phát triển của đất nước. Tiêu thụ ít điện mà sản sinh ra nhiều của cải, đó mới là trình độ phát triển cao. Do đó, chúng ta phải luôn luôn xem xét hiệu quả sử dụng điện năng như một tiêu chí đánh giá trình độ phát triển bền vững của đất nước.

Do Xuan An - Nam 48 tuổi - 508 Truong Chinh, Hà Nội:
- Thưa GS Phạm Duy hiển.. Tôi xin hỏi GS 1 số câu hổi tiêp theo:. 1- Ảnh huởng môi truờng của phong điện ( Điện gió )là gi .. 2- Khoảng cách bao nhiêu thì không bị ảnh huởng độ ồn của nhà máy phong điện công suất khoảng 100mw, công suất 1 tổ máy từ 1,5- 2 mw cột tháp cao 85m.. 3- Trong phạm vi của nhà máy phong điện có thể nuôi cây, sẩn xuất, chăn nuơi gia suc, du lịch sinh thái có thể kết hợp đuợc không.. 4- Tốc độ tăng truởng của phong điện hàng năm trên thế gió và của việt nam,. 5- Giá thành bình quân cho 1 MW điện gió , so với 1MW của thuỷ điện cao hơn hoặc thấp hơn.. 6- Những vùng nào của Việt Nam có thể đầu tư đuợc điện gió? Cảm ơn ông trả lời. . . . .
GS Phạm Duy Hiển: - Tôi biết là các cối xay gió có gây ra tiếng ồn làm cho nhiều người khó chịu nhưng xin được nhường câu trả lời này cho Tiến sĩ Scheer!

Lê Quang Minh - Nam 18 tuổi - TP.HCM:
- Xin chào GS Phạm Duy Hiển & TS Herrmann Scheer. Cho cháu hỏi thăm, Pin mặt trời có phải là 1 dạnh năng lượng tái tạo không ạ. Và cách tạo ra Pin mặt trời như thế nào ạ. Cháu có học Vật lý nhưng không biết chất hóa học đó là chất gì & có thể mua ở đâu. Xin vui lòng trả lời giúp cháu.
GS Phạm Duy Hiển: - Đúng, pin mặt trời là một dạng năng lượng tái tạo vì mặt trời luôn luôn chiếu sáng trái đất.

Hiện nay có hai cách sử dụng năng lượng đó: Một là biến trực tiếp năng lượng ánh sáng ra nhiệt năng. Một số hộ gia đình và khách sạn hiện nay đang dùng biện pháp này để đun nước... Hai là sử dụng chất bán dẫn để biến ánh sáng thành dòng điện. Về nguyên tắc hoạt động của pin mặt trời, cháu có thể tham khảo trong các sách giáo khoa vật lý.

VO KIEN QUOC - Nam 26 tuổi - TP HCM:
- Tôi đang chế tạo máy lạnh hấp thụ NH3-H2O loại gián đoạn dùng năng lượng mặt trời (collector phẳng). Xin giáo sư hãy cho tôi những lời khuyên trong điều kiện VN cần phải làm như thế nào ?
GS Phạm Duy Hiển: - Tôi sẽ tìm chuyên gia giới thiệu với anh. Anh liên hệ lại theo điện thoại 0913320067. Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này.

ĐINH HỒNG NHÂN - Nam 33 tuổi - ĐỒNG NAI:
- 1. Theo tôi biết điện mặt trời vẫn còn rất xa lạ với nhiều nguời. Do giá thành cho hệ thống này rất cao. Vậy làm sao có thể biến ánh nắng mặt trời thành tiền? Thưa GS Phạm Duy Hiển, GS đến với buổi giao lưu hôm nay có thể cung cấp thêm thông tin về viễn cảnh điện mặt trời?. 2. Hiện nay muốn đầu tư 1 hệ thống điện mặt trời cho gia đình có mức tiêu thụ 300kw/tháng cần khoảng bao nhiêu tiền? Đơn vị nào cung cấp thiết bị và kỷ thuật?. . Cám ơn GS.
GS Phạm Duy Hiển: - Nói biến ánh sáng mặt trời thành tiền như tiêu đề của buổi giao lưu hôm nay thì thật là "lãng mạn". Là nhà khoa học, tôi chỉ có thể nói được rằng sử dụng ánh sáng mặt trời để biến thành điện để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Viễn cảnh về sử dụng điện mặt trời ở VN rất lớn. Lâu nay tôi được biết là đã có nhiều nhà khoa học VN tìm cách khai thác năng lượng mặt trời qua các pin mặt trời nhưng chúng ta chưa sử dụng trên một quy mô rộng để thực sự đóng góp vào tổng lượng điện năng tiêu thụ ở trong nước. Việt Nam cần nghiên cứu và có chính sách thích hợp để phát triển năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng.



Đoàn Thanh Tùng - Nam 27 tuổi - 93 Lý Nam Đế:
- Kính thưa TS Herrmann Scheer, theo ông khả năng khai thác ứng và dụng công nghệ để có "năng luợng xanh'''' ở Việt Nam ở mức nào? Với điều kiện khí hậu và thời tiết luôn tiềm ẩn những bất ổn như ở Việt Nam, mô hình phát triển năng luợng xanh nào là tối ưu và hợp lý (năng luợng mặt trời, sức gió, hay năng luợng sóng biển, năng luợng thuỷ triều...)?
TS Herrman Scheer: - Tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp năng lượng từ nguồn nguyên liệu xanh ngay cả khi nhu cầu cao hơn nhiều so với ngày hôm nay. Ở Việt Nam có thể dùng tất cả các loại năng ượmg tái tạo mà hiện nay chúng ta đã biết từ ánh mặt trời cho đến năng lượng của gió, năng lượng thuỷ điện... Tôi nghĩ Vịêt Nam nên dùng hỗn hợp từ nhiều mô hình.

Nguyễn Đức Trung - Nam 26 tuổi - Hà Trung, Hà Nội:
- Ông là một trong số ít người tin tưởng rằng, năng lượng tái tạo có thể thỏa mãn toàn bộ nhu cầu về năng lượng của con người? Nếu đúng thế, trong tương lai, người ta có thể không cần đến các dạng năng lượng khác như năng lượng hóa thạch hoặc năng lượng hạt nhân?
TS Herrman Scheer: - Tôi không phải việc gì phải suy nghĩ lâu, những người không thuyết phục bởi phương án này thì hãy tự thật thà với chính mình và công nhận rằng khi than, dầu khí và uran hết rồi thì thế giới này sẽ chấm dứt! Vì nếu không có năng lượng thì không có sự sống. Trong khi ánh mặt trời mỗi ngày chiếu xuống trái đất 15 nghìn lần năng lượng như năng lượng hoá thạch và năng lượng nguyên tử cộng lại. Nếu ta chỉ cần thu hoạch được một phần vô cùng nhỏ trong số năng lượng đó để sử dụng thì thế giới không bao giờ còn thiếu năng lượng nữa.

Duong Thanh Tung - Nam 24 tuổi - Xuan Dinh, Tu Liem, Ha Noi:
- Xin chào ông Tiến Sĩ Hermann Scheer, xin cho tôi hỏi ông một số câu hỏi như sau:. 1. Xin ông cho biết tỉ lệ năng luợng tái tạo ở Đức nói riêng và ở trên thế giới nói chung chiếm bao nhiêu phần trăm tổng sản luợng.
TS Herman Scheer: - Câu hỏi này không trả lời chính xác được bởi vì phải để ý đến khía cạnh kỹ thuật. Hàng ngày chúng ta nhận được năng lượng mặt trời miễn phí, cuộc sống của con người và cây cối phát triển nhờ vào năng lượng đó. Giới hạn cuối cùng của sự sống là - 273 độ C. Nhiệt độ ở Hà Nội hôm nay là 37 độ C và sự khác biệt giữa hai nhiệt độ này là 310độ C và đó chính là năng lượng miễn phí nhận được từ mặt trời. Tỉ lệ năng lượng hoá thạch và nguyên tử được sử dụng như vậy ít hơn 1%. Qua đó tôi muốn nói rằng các bảng thống kê chỉ nói đến năng lượng thương mại hoá mà người ta phải trả tiền. Đó là một cách nhìn cạn hẹn và ngăn cản hướng nhìn đến tương lai của năg lượng tái tạo

Nguyễn Văn Hưng - Nam 29 tuổi - Hà Nội
- Như tôi được biết, ở VN, tình trạng thiếu điện cục bộ vào giờ cao điểm. Nếu sản xuất điện bằng sức gió, phụ thuộc lớn vào gió, có thể sảy ra tình trạng lúc cần điện thì không có gió, mà lúc không cần điện thì có gió. Vậy với kinh nghiệm của ông. ông có thể cho biết giải quyết tình trạng này như thế naò. Có thể xây dựng nhà máy phong điện kết hợp với các nhà máy luyện kim, tiêu thụ rất nhiều điện, để tận dụng năng lượng dư thừa do nhà máy phong điện cung cấp được không? Trên thế giới đã có mô hình kiểu đó chưa?
TS Herman Scheer: - Ban đầu tôi đã nói về Việt Nam nên dùng hỗn hợp về năng lượng tái tạo, lý tưởng là kết hợp nhiều mô hình ví dụ như phong điện và thuỷ điện, ví dụ như khi không có gió thì người ta phải chạy thêm một tuabin của nhà máy thuỷ điện, vv... người ta cũng có thể kết hợp trạm phong điện với một máy phát điện sinh học.

Có nhiều khả năng để tích năng lượng dư thừa của phong điện và điện mặt trời trong đó tôi muốn nêu trạm bơm trữ nước hoặc khí nén, khi có năng lượng dư thừa dùng năng lượng đó để bơm nước lên cao lúc cần lại xả nước để chạy tuabin.

Vũ Văn Việt - Nam 28 tuổi - Hà Nội:
- Các nguồn năng lượng này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn trong khi Việt Nam còn nghèo. Vậy kinh nghiệm của ông trong việc huy động tạo nguồn vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng này như thế naò ?
TS Herman Scheer: - Ta phải tính khác đi khi dùng năng lượng tái tạo, không được phép tính chi phí cho một trạm phong điện và so sánh với một nhà máy nhiệt điện chạy than, không được chỉ tính đến giá thiết bị mà phải tính đến tổng chi phí cho đến khi năng lượng được cung cấp. Ví dụ nhà máy điện nguyên tử sẽ cần các chi phí sau: Tiền xây nhà máy điện, chi phí liên tục cho các thanh đốt ngày càng cao, giá chi phí liên tục cho nước làm nguội, chi phí bổ sung cho đường dây điện, chi phí rất cao để lưu trữ rác thải phóng xạ và lưu ý liên tục phải nhập khẩu thanh đốt, chi phí cho an ninh rất cao.

Bây giờ ta so sánh chi phí đó với năg lượng gió: Trạm phong điện không bao giờ cần thanh đốt, không có rác thải phải sử lý, khong dùng nước làm nguội, không cần chi phí cho an toàn. Ngoài ra, nhiều chi tiết kỹ thuật có thể tự sản xuất được, từ đó suy ra rằng có thể các năm đầu tiên, phong điện sẽ đắt hơn đến nănm thứ ba chi phí giá phong điện sẽ bằng, và từ nănm thứ 5 trở đi sẽ liên tục giảm. Một khi đã thu hồi vốn thì năng lượng gió là miễn phí.

Soạn: AM 807823 gửi đến 996 để nhận ảnh này
TS Herman Scheer

Nguyễn Đức Trung - Nam 26 tuổi - Hà Trung, Hà Nội:
- Được biết hôm nay ông đã có một ngày làm việc dày đặc với báo chí và các đại diện của Chính phủ, Bộ ngành Việt Nam. Xin ông cho biết ông đã trao đổi những gì với các quan chức phía Việt Nam?
TS Herman Scheer: - Tôi đã có một lời khuyên rằng hãy chú trọng tuyệt đối mảng năng lượng tái tạo, với mọi công năng của nó. Phải chấm dứt coi thường giá trị của năng lượng tái tạo ngay lập tức như rất nhiều nơi trên thế giới đã mắc phải lõi này. Không có gì nhanh hơn là thực thi ứng dụng năng lượng tái tạo tôi dự đoán rằng nếu các vị tính tất cả các phí tổn cho nhà máy điện hạt nhân mà năm 2020 mới đi vào hoạt động, thì vẫn với số tiền đó trong 5 năm tới đã hoàn tất chương trình về năng lượng tái tạo. Quan trọng nhất là phải biết làm chủ kỹ thuật tối tân.

Nguyen Van Hung - Nam 40 tuổi - Hung Yen, Vietnam:
- Guten Tag, meine Frage an Herrn Dr. Scheer. Die Sonnen oder Windenergie ist noch teuer und sie muß zuerst auf Aku aufgeladen werden. Bei Nutzung muß sie wiederum auf Wechselstrom umwandeln. Die Anlagen kosten viel Geld, als so der wiederverwendbare Strom ist teuer als herkömmliche. Deshalb muß der Staat Subvention leisten. Daher ist der Sonnen oder Windstrom in Vietnam noch Zukunftsmusik. Teilen Sie meine Meinung? . ( Theo tôi được biết, khi sử dụng năng lượng mặt trời thì phải nạp năng lượng qua ắc - quy. Khi muốn sử dụng thì lại phải dùng một thiết bị khác để biến dòng điện một chiều thành dòng điện xoay chiều. Do mua ắc - quy rất đắt nên nhiều người đã không muốn sử dụng điện theo phương pháp này.)
TS Herman Scheer: - Nhận định đó là sai vì năng lượng mặt trời và gió không đi qua con đường nạp ắc quy, chúng tôi đã nêu rõ điều trong bộ luật Đức về Năng lượng.

  • VietNamNet

0 Comments:

Post a Comment

<< Home