Sunday, September 10, 2006

Nghiên cứu ứng dụng nhiên liệu sinh học tại VN:

Nghiên cứu ứng dụng nhiên liệu sinh học tại VN:

Mong đợi giờ... “G”!

Thử nghiệm chạy ôtô bằng nhiên liệu diesel sinh học (pha 20% dầu thực vật vào diesel dầu mỏ), do Viện Khoa học vật liệu ứng dụng thực hiện trong tháng 8-2006
TT - Giới khoa học VN đang “hâm nóng” một hướng nghiên cứu thời sự: phát triển và ứng dụng nhiên liệu có nguồn gốc sinh học gồm: xăng pha cồn, dầu diesel sinh học - biodiesel...

Đã có khá nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng khả quan được công bố. Song “giấy thông hành”, hay nói cách khác hành lang pháp lý cho loại nhiên liệu này đi vào cuộc sống không biết bao giờ mới ra đời.

Lợi cả đôi đường!

Những loại nhiên liệu nói trên được giới khoa học quốc tế “đóng dấu” là “thân thiện môi trường”! Còn tại VN, lĩnh vực này cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu và đi đến kết luận: khả năng sử dụng nhiên liệu sinh học có tính thực tế rất cao và càng ý nghĩa hơn trong điều kiện nguồn nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là dầu mỏ) trở nên đắt đỏ hơn.

Theo PGS.TS Hồ Sơn Lâm - viện trưởng Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (Viện Khoa học và công nghệ VN), dầu thực vật VN có thể làm nhiên liệu diesel với tên gọi biodiesel, nhắm đến ba “đích”: giảm tải và giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu dầu mỏ; giảm ô nhiễm môi trường, cụ thể là khí thải sinh ra từ nhiên liệu biodiesel ít chất độc hại hơn diesel dầu mỏ (khi sử dụng 1kg biodiesel có thể giảm 3kg CO2 so với diesel dầu mỏ và các chất độc hại khác); giải quyết đầu ra cho nông dân trồng cây có dầu, đặc biệt là ở những vùng đất xấu.

Tiến sĩ kỹ thuật ĐỖ HUY ĐỊNH - Công ty phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP):

Cần thử nghiệm nghiêm túc!

Nhiên liệu sinh học đã được nhiều nước sử dụng, còn ở nước ta đang có chủ trương nghiên cứu pha chế loại nhiên liệu này và có hướng dùng thử ở các đô thị đông dân cư. Theo tôi, cần phải thử nghiệm theo ba giai đoạn: thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, thử trên băng thử động cơ chuẩn, thử trên hiện trường dài ngày với các động cơ ôtô chất lượng tốt.

Các giai đoạn thử này để đánh giá tiêu chuẩn nhiên liệu, xác định công suất động cơ, mômen động cơ ở các dải tốc độ khác nhau, suất tiêu hao nhiên liệu, thành phần khí thải, sự tương thích của nhiên liệu với các chi tiết động cơ, sự ăn mòn và mài mòn động cơ cũng như đảm bảo tính ổn định của động cơ trong vận hành.

Ngoài ra, việc phát triển các loại nhiên liệu mới cũng cần có sự đồng thuận của các nhà chế tạo động cơ... Có như vậy người tiêu dùng mới an tâm sử dụng. Các kết quả thử nghiệm cần được công bố trước hội đồng khoa học chuyên ngành nhiên liệu - động cơ để tư vấn cho Bộ Khoa học và công nghệ ban hành tiêu chuẩn VN dành cho loại nhiên liệu này, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lưu thông nhiên liệu mới trên thị trường và người sử dụng an tâm khi mua hàng.

QUỐC THANH ghi

Trong khi đó, cũng tại Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, qua nghiên cứu thực tế đã kết luận: có thể pha biodiesel và diesel dầu mỏ với tỉ lệ 5-20% biodiesel sử dụng cho máy phát điện. Riêng ôtô, khi sử dụng loại nhiên liệu với thành phần 20% biodiesel và 80% dầu mỏ sẽ không ảnh hưởng đến cấu tạo và chế độ làm việc của máy. Với xăng pha cồn, nhóm nghiên cứu Nguyễn Phương Tùng, Vũ Tam Huề, Phạm Việt Hùng, Nguyễn Quốc Hùng, Võ Đức Quý, Lương Thị Bích đã công bố nghiên cứu thành công việc phối trộn hỗn hợp xăng - cồn.

Theo đó, từ các nguồn nguyên liệu trong nước và một số nguyên liệu nhập khẩu, đã phối trộn được xăng pha cồn (10% thể tích cồn) và loại xăng phối trộn này đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật của xăng không chì loại A92. Cũng theo nhóm nghiên cứu, kết quả thử nghiệm động cơ cho thấy các chỉ tiêu trong quá trình vận hành động cơ của xăng pha cồn so với xăng thương phẩm A92 không có nhiều thay đổi.

Để nghiên cứu không quanh quẩn trong phòng thí nghiệm...

Chia sẻ với giới khoa học về hướng nghiên cứu thời sự nói trên, bà Nguyễn Thị Phương Thoa - Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng dầu thực vật làm nhiên liệu diesel có thể sẽ là tiền đề cho hướng phát triển cây thực vật có dầu và mở rộng ngành công nghiệp sản xuất, tinh chế dầu ở qui mô lớn.

Nhưng bà cho rằng trong tương lai gần việc phát triển và sử dụng biodiesel tạo ra từ dầu thực vật tại VN chắc chắn còn bị hạn chế “vì ta chưa có qui hoạch trồng cây có dầu nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu thay thế”. Từ khảo sát về cây có dầu, “trước mắt nên định hướng nghiên cứu sản xuất nhiên liệu diesel từ dầu thực vật không thực phẩm có giá trị thấp như dầu bông, dầu hạt cao su...” - bà Thoa gợi ý.

Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình cho rằng nguồn dầu nguyên liệu (thực vật và động vật) thiếu tính ổn định và ở qui mô sản xuất còn hạn chế có thể sẽ là điều gây khó khăn cho việc chế biến diesel sinh học khi xã hội thật sự quan tâm và có nhu cầu.

Tương tự, để sản xuất xăng pha cồn thì cần có lượng cồn khan hay còn gọi là cồn tinh khiết (99,5%) rất lớn, trong khi năng lực sản xuất cồn đạt chuẩn để có thể pha vào xăng ở nước ta phải nhìn nhận là còn rất yếu, công nghệ lạc hậu và giá cồn loại này lại đắt hơn xăng.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, để pha chế được khoảng 400.000 tấn đến 1,5 triệu tấn nhiên liệu có nguồn gốc sinh học (tạm tính ở tỉ lệ 35% xăng pha cồn, 60% diesel sinh học...) cần trên 31.000 tấn cồn ethanol và cỡ 4.000 tấn dầu thực vật. Nhưng để có nguồn nguyên liệu pha chế này quả là không đơn giản.

Nhưng có lẽ “một nửa còn lại” có tác động sâu sắc đến sự thành bại của việc phát triển nhiên liệu sinh học tại VN đang phụ thuộc vào hành động của các cơ quan quản lý nhà nước. Một trong những điều đầu tiên phải nhắc đến đó là bộ tiêu chuẩn VN về nhiên liệu có nguồn gốc sinh học bao giờ ra đời? Đi kèm theo đó là một hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu, đầu tư sản xuất cồn, dầu thực vật... từ khâu trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Ví dụ như miễn thuế cho nhà đầu tư và người tiêu dùng khi sử dụng và sản xuất nhiên liệu có nguồn gốc sinh học. “Nếu không có “bàn tay” của Nhà nước trong việc đề xuất một lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học và ban hành hành lang pháp lý cho loại nhiên liệu mới này thì các nghiên cứu của nhà khoa học cũng chỉ dừng ở mức làm cho vui mà thôi! Và thế rồi các kết quả nghiên cứu cũng chỉ quanh quẩn trong ngăn kéo...” - PGS.TS Hồ Sơn Lâm bộc bạch.

GIÁNG HƯƠNG

0 Comments:

Post a Comment

<< Home