Tuesday, August 22, 2006

Hướng đến thả nổi giá xăng dầu: chống độc quyền ngành

Hướng đến thả nổi giá xăng dầu: chống độc quyền ngành

TTO - Cột mốc thời gian thả nổi các mặt hàng xăng dầu được đề nghị là cuối năm 2008, riêng mặt hàng xăng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng có thể chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường trong năm 2006. Thị trường VN đã chuẩn bị gì?

Xây dựng thị trường giao sau xăng dầu

Giá xăng dầu thả nổi theo giá thế giới có thể ảnh hưởng xấu đến chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp VN và tạo ra cơ hội để lạm phát tiếp tục trở thành bóng ma đe dọa nền kinh tế mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng lên, và từ đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Một trong những công cụ có thể nghĩ đến là xây dựng thị trường giao sau xăng dầu ở VN. Khi đã có thị trường giao sau ở VN, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chọn lựa đi mua các hợp đồng giao sau xăng dầu (mà ở các nước có thị trường giao sau thường gọi là các hợp đồng oil futures, hoặc oil and energy futures hay fuel oil futures như ở Trung Quốc) để phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu tăng.

Ví dụ, một doanh nghiệp lo sợ giá xăng dầu trong cả năm 2008 sẽ tăng mạnh, và chính phủ không trợ giá nữa, thì có thể chọn thời điểm trong năm 2007 mà họ thấy giá xăng dầu ở mức thấp để đi ký một hợp đồng giao sau với thời hạn là vài tháng hay cả năm tùy vào tính toán của doanh nghiệp, và với một mức giá cố định là 15.000 đồng/lít xăng chẳng hạn.

Doanh nghiệp không cần phải có kho bãi để tích trữ số xăng dầu giao sau đã mua mà chính thị trường giao sau sẽ làm nhiệm vụ tích trữ này cho họ. Khi đến thời hạn, doanh nghiệp cần xăng dầu thì sẽ nhận được xăng dầu từ phía thị trường giao sau với giá 15.000 đồng/lít, bất chấp giá hiện tại bán ngoài thị trường có là 20.000 đồng/lít đi nữa. Điều này giúp doanh nghiệp không phải lo lắng tới nỗi lo về giá xăng dầu tăng sau khi đã ký hợp đồng giao sau, từ đó chủ động kiểm soát được chi phí đầu vào của mình.

Việc xây dựng thị trường giao sau không phải là điều không thể thực hiện, vì nước láng giềng Trung Quốc của chúng ta cũng đang bắt đầu xây dựng hệ thống thị trường này từ những năm 1990 và đã cho giao dịch giao sau xăng dầu tại Thượng Hải từ 2 năm nay (thật ra thị trường giao sau xăng dầu của Trung Quốc có từ năm 1994 nhưng sau đó đã ngừng hoạt động và bắt đầu hoạt động lại vào tháng 8-2004, đồng thời đã tạo ra những bước phát triển mạnh trong năm nay). Theo các bài báo của Xinhuanet, lý do Trung Quốc xây dựng thị trường này là vì nhu cầu phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng rất cao.

Cần chống độc quyền ngành

Ngay cả khi đã có thị trường giao sau nhưng nếu như ngành xăng dầu vẫn tiếp tục chỉ có một số công ty được độc quyền kinh doanh xăng dầu, thì e rằng hiệu ứng phòng ngừa rủi ro cho người tiêu dùng sẽ không đạt được.

Nếu như chỉ có một số ít các doanh nghiệp được kinh doanh xăng dầu thì rõ ràng có thể lo ngại xảy ra tình trạng giá dầu thế giới lên thì giá dầu Việt Nam lên, giá thế giới giảm thì giá ở VN đứng yên! Mà đã độc quyền ngành như vậy thì trên thị trường giao sau các doanh nghiệp này cũng có thể tham gia thao túng giá, khiến giá giao sau thay đổi theo hướng có lợi cho họ. Họ độc quyền bán xăng dầu, thì lấy ai mà là đối trọng về quyết định giá trên thị trường giao sau với họ!

Như vậy, thả nổi giá xăng dầu theo giá thế giới để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước có thể là một giải pháp cần được đồng tình khi mà theo một số dự báo thì đến năm 2013 nước ta sẽ có thể trở thành nước nhập khẩu năng lượng và khi đó chúng ta đã là thành viên WTO thì việc trợ giá mãi cũng sẽ không được hưởng ứng.

Nhưng đi kèm với việc thả nổi giá xăng dầu như ở các nước phát triển thì cũng phải tạo cho người dân một “phúc lợi” như ở các nước phát triển: đó là có phương tiện phòng ngừa rủi ro giá và ngành xăng dầu phải không bị độc quyền kinh doanh. Ngoài ra, để phát huy tốt nhất hiệu quả của công cụ phòng ngừa rủi ro giá xăng dầu cũng cần có sự tuyên truyền về cách thức sử dụng công cụ này để phòng ngừa và minh bạch thông tin về biến động giá cả thế giới, hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu để làm cơ sở cho thị trường “định giá xăng dầu” theo đúng cơ chế thị trường.

Ở các nước phát triển như Mỹ, hàng ngày trên thị trường giao sau đều cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, trữ lượng dầu ước tính của các doanh nghiệp xăng dầu và của quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia, giá xăng dầu thế giới và các dự báo cho người dân. Những biến động tăng giảm giá xăng dầu trong nước mới có thể mang tính “dự đoán được”, và nhờ vậy thị trường giao sau của Mỹ mới hoạt động hiệu quả, giá cả mới thật sự là do theo đúng cơ chế thị trường.

Từ kinh nghiệm các nước mà thấy, nếu chính phủ chọn con đường chuyển hoạt động xăng dầu sang kinh doanh theo cơ chế thị trường thì thiết nghĩ nên bắt đầu thiết lập một hệ thống thị trường và công cụ kinh doanh đầy đủ (bao gồm công cụ phòng ngừa rủi ro) cho mặt hàng xăng dầu. Tất nhiên, muốn hệ thống thị trường hoạt động hiệu quả thì nhất thiết phải chống độc quyền ngành và thực hiện minh bạch thông tin.

HỒ QUỐC TUẤN (ĐH Kinh tế TP.HCM)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home