Wednesday, October 19, 2005

Công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân VN?


Công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân VN?
04:07' 19/10/2005 (GMT+7)

(VietNamNet)-Dự kiến Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) vào khoảng năm 2020. Tuy nhiên, nên sử dụng một hay nhiều công nghệ? Để làm rõ hơn về vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Nguyên, nguyên Giám đốc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, bên lề Hội thảo Công nghệ Pháp-Việt.

Soạn: AM 589898 gửi đến 996 để nhận ảnh này
PGS TS Nguyễn Tiến Nguyên, Trung tâm nghiên cứu năng lượng và môi trường. (Ảnh: Hương Giang)

*Gần đây Việt Nam đã phối hợp với Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... tổ chức nhiều hội thảo nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phát triển ĐHN. Theo ông, trong tương lai Việt Nam nên lựa chọn một hay nhiều công nghệ?

-Tôi cho rằng Việt Nam nên thúc đẩy các đối tác thành lập một consortium gồm nhiều nước để làm việc với Việt Nam về ĐHN, chẳng hạn như consortium gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Nga... Trong trường hợp như thế sẽ có rất nhiều thuận lợi, vì consortium huy động được nhiều vốn hơn, tạo mối quan hệ đa phương bền vững, lâu dài và một rào chắn chính trị, nghĩa là các nước tham gia đều có quyền lợi, giảm ''sự đối đầu'' giữa họ với nhau. Còn Việt Nam có thể lựa chọn điểm mạnh công nghệ của từng đối tác, chẳng hạn như Nhật Bản mạnh về điện tử, điều khiển... Nói cách khác ta có thể kết hợp ưu điểm công nghệ riêng của nhiều nước khác nhau vì một nhà máy ĐHN rất lớn, nhiều thiết bị, phụ tùng. Làm như thế sẽ tốt hơn so với chỉ có một đối tác.

*Vậy có sợ công nghệ của các nước không đồng bộ với nhau?

Thực ra hiện nay công nghệ của các nước tương đối chuẩn hoá, thiết kế theo xu hướng modul hoá nên có thể giải quyết được những vấn đề đó, chẳng hạn như hệ lò phản ứng của nước A và hệ điều khiển của nước B có thể phối hợp với nhau. Một số nước như Hàn Quốc đã làm như vậy. Do đó phải xem xét, cân nhắc kỹ.

*Dự kiến tới năm 2020 Việt Nam sẽ có nhà máy ĐHN đầu tiên. Tuy nhiên hiện vẫn chưa lựa chọn được công nghệ. Vấn đề này có làm chậm kế hoạch đó không?

Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng , mức độ huy động tối đa khả năng các nguồn năng lượng nội địa của VN tới năm 2020 có thể đạt 165 tỷ kWh, trong đó thuỷ điện chiếm 58 tỷ, nhiệt điện khí 78 tỷ, nhiệt điện than 37 tỷ và năng lượng mới 2 tỷ kWh.

Khi đó VN còn thiếu khoảng 36-65 tỷ kWh. Nhập khẩu điện và than để giải quyết sự thiếu hụt này không phải là phương án tối ưu nếu nhìn nhận từ góc độ an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững.

Do vậy, ngoài các nguồn năng lượng tái sinh như gió, mặt trời, năng lượng sinh khối..., phát triển điện hạt nhân là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chắc là sẽ chậm vì Việt Nam vừa mới hoàn thành Dự án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên và trình Thủ Tướng Chính phủ. Sau đó sẽ là giai đoạn khả thi, chọn địa điểm xây dựng, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu... Những công đoạn này phải mất vài năm. Còn kể từ khi khởi công xây dựng thì phải mất 7 năm mới hoàn thành xong nhà máy. Do vậy, nếu định năm 2020 có nhà máy ĐHN thì bây giờ ta phải tiến hành rất quyết liệt rồi, nhưng hiện nay lại chậm.

*Xây một nhà máy ĐHN gồm 2 tổ máy tại một địa điểm tốn khoảng 4 tỷ đôla trong khi tuổi thọ của một nhà máy thường là 40-50 năm. Vậy khả năng thu hồi vốn sẽ như thế nào và giá điện hạt nhân có cao hơn giá điện từ các nguồn trong nước hiện có?

Khả năng thu hồi vốn khá nhanh song còn phụ thuộc vào cơ cấu vốn, liệu đó là vốn vay trả chậm hay vốn của Việt Nam. Hiện so với các nguồn trong nước thì giá điện hạt nhân cao hơn. Nếu so với giá nhập khẩu thì ĐHN cạnh tranh được. Tuy nhiên, trong vấn đề năng lượng, ngoài giá còn có vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và nhiều khi cũng phải trả giá cho cái đó. Chẳng hạn nếu ta phải nhập khẩu than thì sẽ gặp khó khăn do tình hình an ninh trong vận chuyển, giá than dao động không kém giá dầu trong tương lai...

*Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng xây dựng nhà máy ĐHN ở VN hiện không an toàn do tình trạng thất thoát trong xây dựng cơ bản, nhập khẩu công nghệ và thiếu nguồn nhân lực?

Điều đó đúng. Hiện nay ta chưa đủ nhân lực và tác phong cũng chưa được. Tuy nhiên, phải nhìn rộng. Chẳng hạn trong xây dựng hiện có nhiều thất thoát nhưng các bạn có tin là tới năm 2020 tình hình sẽ được cải thiện? Điểm thứ hai là nếu ta quyết tâm đào tạo và tập trung một lực lượng tinh nhuệ thì sẽ làm được. Có những lĩnh vực đòi hỏi độ an toàn rất lớn mà ta vẫn đảm bảo được như an toàn hàng không, công nghệ dầu khí, công nghệ đóng tàu, xây dựng thuỷ điện. Vấn đề là phải biết tập trung, có những điểm nhấn, kể cả nhân lực, kỷ luật.

*Trước khi xây dựng nhà máy ĐHN tại một địa điểm nào đó sẽ phải thăm dò ý kiến người dân. Vậy nếu người dân phản đối?

Bản thân tôi đã chủ trì triển lãm ĐHN ở Ninh Thuận và Phú Yên, hai vùng được xếp hạng ưu tiên đặt nhà máy ĐHN đầu tiên. Trước khi tổ chức hội thảo và thuyết trình thì đại đa số người dân phản đối. Nhưng sau hội thảo và thuyết trình thì đại đa số lại ủng hộ. Vấn đề là phải chuẩn bị rất kỹ, cụ thể là cung cấp thông tin trung thực.

Xin cảm ơn ông!

  • Minh Sơn (thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Việt Nam sẽ có luật hạt nhân vào năm 2007
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực!
Nên hay không xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam?
Trung Quốc đầu tư gần 50 tỉ USD vào điện hạt nhân
Tiếp tục khẳng định điện hạt nhân
Ngành hạt nhân: Thiếu nhân lực trầm trọng!
23:24' 17/10/2005 (GMT+7)

Nếu mỗi năm, Việt Nam đào tạo được 70-100 người thì phải sau 12 đến 15 năm nữa mới có đủ số cán bộ chuyên môn để vận hành nhà máy điện hạt nhân. Theo Viện Năng lượng nguyên tử, tình hình nhân lực cho ngành hạt nhân nói chung và cho chương trình điện hạt nhân hiện nay ở nước ta là không mấy sáng sủa!

Nếu như tại các khoa của mọi trường đại học, thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào trường luôn phải chen chân quyết liệt thì từ hơn chục năm nay, các khoa vật lý hạt nhân ở các trường ĐH chính như Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn rơi vào tình trạng ế ẩm, điểm chuẩn dù hạ thấp hơn hẳn những ngành khác nhưng chẳng mấy khi thu hút đủ sinh viên theo học.

  • Mỗi năm, chỉ đào tạo được... vài chục người!

Thi vào đại học nhiều, nhưng số người thi và vào học ngành hạt nhân chỉ vài ba chục người mỗi năm... Trong ảnh: Một kỳ thi tuyển sinh vào đại học

Đào tạo nhân lực cho khoa học hạt nhân đã và luôn chỉ là một ngành học buồn vắng... Năm nào cũng vậy, số sinh viên vào ngành học hạt nhân ở các trường đại học ngót nghét đôi ba chục sinh viên.

Viện Năng lượng nguyên tử, đơn vị đón đầu “sản phẩm” đầu ra đã hết sức chú trọng việc đào tạo đội ngũ phục vụ cho ngành mình. Viện đã cấp học bổng cho sinh viên giỏi. Biện pháp tình thế này tuy có làm tăng số sinh viên học vật lý hạt nhân lên chút ít nhưng không đủ sức hút đối với sinh viên.

Một trong những nguyên nhân là do sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý hạt nhân khó kiếm được việc làm, hoặc có thì mức lương cũng rất khiêm tốn do chuyên ngành này chỉ giữ vị trí rất mơ hồ trong các trường đại học cũng như ít có ứng dụng thực tiễn trong xã hội.

Ngòai ra, còn phải kể đến quan niệm nếu gắn bó với ngành hạt nhân hay nguyên tử còn bị ảnh hưởng nhiều đến... khả năng sinh sản!

  • Ngành hạt nhân: đang cần "trẻ hóa"!
Để đưa một nhà máy hạt nhân vào họat động, cần tới 3.500-4.500 người... Trong ảnh: Một nhà máy hạt nhân ở California, Mỹ

Theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dự án đưa một nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động cần khoảng 3.500- 4.500 người, trong đó có khoảng 500-700 người có trình độ đại học và trên đại học, 700-1.000 kỹ thuật viên và 2.200-3.000 công nhân lành nghề các loại.

Việc đào tạo cán bộ đủ chuyên môn từ khâu tiền dự án, quản lý dự án, kỹ thuật, giám sát đến chạy thử nghiệm vận hành và bảo trì, quản lý thải phóng xạ là không dễ dàng và không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, dù có đầy đủ cơ sở vật chất.

Nếu mỗi năm, Việt Nam đào tạo được 70-100 người thì phải sau 12 đến 15 năm nữa mới có đủ số cán bộ chuyên môn này.

Tính đến đầu năm 2005, VN mới chỉ có khoảng hơn 600 cán bộ làm việc trong ngành hạt nhân, phần lớn là cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử.

Trong khi đó, số cán bộ của Viện trong 10 năm qua lại suy giảm khoảng 20% do nhiều nguyên nhân: chuyển ngành khác, làm việc cho công ty nước ngoài, ở nước ngoài dài hạn. Đáng lưu tâm, nhân lực ngành hạt nhân đang bị già hoá, tuổi trung bình của cán bộ Viện hiện là 45, hầu như không có cán bộ giỏi dưới 35 tuổi để đi đào tạo tại nước ngoài. Tình hình nhân lực ở Liên đoàn địa chất xạ hiếm, Trung tâm vật lý hạt nhân - Viện Vật lý... cũng không khả quan hơn.

Vấn đề nhân lực khoa học hạt nhân hầu như bị bỏ rơi trong một thời gian dài, đúng như nhận xét của các chuyên gia tại nhiều cuộc hội thảo chuyên đề do Viện Năng lượng nguyên tử tổ chức. Nếu muốn có một nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020, điều chắc chắn là cần phải có kế hoạch đào tạo bổ sung ngay từ bây giờ.

  • Thời báo kinh tế Việt Nam

VN - Pháp tăng cường hợp tác về điện hạt nhân

Chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm lựa chọn công nghệ và địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) là nội dung của cuộc Hội thảo Công nghệ Pháp - Việt khai mạc sáng 18-10 tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra trong hai ngày, do Bộ KH&CN, Bộ Công nghiệp và Đại sứ quán CH Pháp tại VN phối hợp tổ chức.

Nội dung hội thảo tập trung vào nguyên lý, cấu tạo chung của các loại lò phản ứng (lò phản ứng nước áp lực, lò nước sôi, lò nước nặng, các lò phản ứng thế hệ 4), các tiêu chuẩn về an toàn, kinh tế kỹ thuật, kinh tế xã hội, tiêu chuẩn lựa chọn địa điểm NMĐHN, tiêu chuẩn môi trường...

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng, hội thảo là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học VN trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp Pháp về những vấn đề liên quan tới việc thực hiện Dự án nhà máy điện hạt nhân ở nước ta. Ông Thắng cho biết thêm vừa qua Dự án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở VN đã được hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ.

Được biết NMĐHN đầu tiên ở VN dự kiến sẽ xuất hiện vào khoảng những năm 20 của thế kỷ này. Ba địa điểm ưu tiên được lựa chọn để xây dựng nhà máy là Vĩnh Hải, Vĩnh Phước (Ninh Thuận) và một nơi ở Phú Yên. Ngoài các nguồn năng lượng tái sinh như gió, mặt trời, năng lượng sinh khối... phát triển điện hạt nhân là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hợp tác quốc tế là một trong những nhân tố quan trọng, giúp VN thực hiện thành công dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hội thảo trên diễn ra tiếp theo Hội thảo Việt-Pháp về Pháp luật Năng lượng hạt nhân hồi tháng 6-2005.

Pháp là một trong những quốc gia có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến. Quốc gia này hiện đứng hàng đầu thế giới về phát triển điện hạt nhân với 58 nhà máy, cung cấp 78% lượng điện quốc gia. Ông Nguyễn Tuân thuộc Tập đoàn xây dựng NMĐHN Framatome ANP cho biết Pháp đứng đầu thế giới về lò phản ứng nước áp lực - lò an toàn nhất hiện nay. Chính sách năng lượng đúng đắn là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định của Pháp trong suốt 30 năm qua.

Theo Vietnamnet



Nhà máy điện hạt nhân sẽ được đặt tại Ninh Thuận?

TT (Hà Nội) - Ninh Thuận hiện là địa phương được ưu tiên số một trong việc lựa chọn làm địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN. Thông tin này được đưa ra tại hội thảo về lò phản ứng hạt nhân và việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công nghiệp và Đại sứ quán Pháp tổ chức, ngày 18-10.

Theo dự án nghiên cứu tiền khả thi về xây dựng nhà máy điện hạt nhân VN, tính đến nay ba địa điểm đặt nhà máy được đưa ra để lựa chọn là Phước Dinh (Ninh Phước, Ninh Thuận), Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) và Hòa Tâm (Tuy Hòa, Phú Yên). Trong số ba địa điểm này thì Phước Dinh được xếp hàng ưu tiên lựa chọn thứ nhất, tiếp đó là Vĩnh Hải, Hòa Tâm được xác định là địa điểm dự bị.

Nhà máy điện hạt nhân VN (gồm hai lò phản ứng công suất 2.000MW) dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 2015-2020.

K.HƯNG