Monday, October 17, 2005

Ý kiến nhà khoa học về vấn đề phụ gia tiết kiệm xăng

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện không chỉ một loại mà nhiều loại phụ gia để pha vào xăng dầu và dầu bôi trơn động cơ đốt trong. Chúng tôi may mắn được tham gia thử nghiệm một số phụ gia kể trên của các công ty trong và ngoài nước cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Để giúp cho người tiêu dùng biết rõ thực hư về tác dụng của các chất phụ gia trên đối với việc tăng giảm nhiên liệu của động cơ, ô nhiễm môi trường về khí độc hại cũng như độ ồn của động cơ.

Đầu tiên là các phụ gia pha vào xăng, dầu Gasoil


Phụ gia này do Công ty NASA trước đây đặt trụ sở tại đường Nguyễn Đình Chiểu Q.3, TP.HCM. Theo giới thiệu của Công ty NASA, phụ gia này có khả năng tiết giảm tiêu hao nhiên liệu cho động cơ xăng, động cơ Diesel. Ngoài việc tiết giảm nhiên liệu, phụ gia này còn có tính năng làm sạch lớp muội than đóng kết trên đỉnh piston và trong xy lanh. Ngoài ra, phụ gia NASA còn có khả năng giảm ô nhiễm do khói thải độc hại từ động cơ thải ra như khí CO, CnHm, NOx


Kết quả thử nghiệm khi pha phụ gia vào nhiên liệu chạy động cơ xăng Jeep CJ-2A và động cơ Diesel American Marc AC-2S-STD cho thấy, suất tiêu hao nhiên liệu ở cả hai động cơ thí nghiệm trên băng thử tĩnh tại ở xưởng thực nghiệm, thuộc Bộ môn Động cơ đốt trong trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, đều có xu hướng giảm. Lượng xăng giảm nhiều nhất mà thí nghiệm đạt được là khoảng 20%.


1. Động cơ phát công suất càng ít, nhiên liệu tiết giảm được càng nhiều và ngược lại. Thậm chí ở cá biệt điểm đo, khi động cơ phát công suất đạt xấp xỉ công suất lớn nhất có thể phát ra của động cơ thì lượng nhiên liệu tiết kiệm được bằng số không, có nghĩa là ở chế độ phát hết công suất của động cơ, phụ gia này không còn tác dụng.


2. Động cơ vận hành ở số vòng quay càng chậm, nhiên liệu tiết kiệm được càng nhiều.


3. Riêng về tính năng làm sạch cáu than trong động cơ và khảo sát khói thải động cơ thì chưa có điều kiện khảo nghiệm thời bấy giờ nên chưa có kết luận.


Qua hai kết luận rút ra được từ các khảo nghiệm liên quan cho thấy, khi động cơ hoạt động ở chế độ tải lớn, phụ gia không còn tác dụng. Điều đó chỉ có thể được lý giải rằng trong phụ gia có ngậm một gốc hữu cơ tan trong xăng và có tác dụng làm xăng dễ bốc hơi (giảm sức căng bề mặt phân tử xăng). Vì vậy, khi động cơ hoạt động với công suất thấp, môi trường nhiệt xung quanh động cơ thấp so với khi động cơ phát hết công suất nên điều kiện để xăng bốc hơi không thuận tiện. Nhưng khi có pha phụ gia, trạng thái vật lý của xăng đối với hiện tượng bốc hơi được cải thiện, nên xăng dễ bốc hơi hơn, dễ cháy trọn vẹn hơn và do đó mức tiêu hao xăng giảm.


Khi động cơ phát công suất lớn, môi trường nhiệt của động cơ cao, xăng “bị” hâm nóng hơn, dễ bốc hơi hơn, cháy trọn vẹn hơn và do đó không cần sự trợ giúp của chất giảm sức căng bề mặt của xăng trong phụ gia nữa. Hoặc nói cho chính xác là trong môi trường nhiệt độ bốc hơi cao, xăng tự bốc hơi tốt, việc xúc tác bốc hơi không còn mang lại tác dụng.

Sau khi khảo nghiệm, chúng tôi có tổ chức báo cáo kết quả với SaigonPetro. Kiến nghị của chúng tôi là khuyến cáo người tiêu dùng nên xài loại phụ gia này. Nó sẽ vô cùng hợp lý trên phương diện tiết kiệm xăng, vì phần đông các xe máy Honda và xe ô tô Taxi mà người dân hiện đang xài trong nội thị và kể cả xe chạy liên tỉnh chỉ dùng một phần công suất mà xe có thể phát ra. Trong tình trạng phát công suất thấp như vậy, dùng phụ gia NASA vừa có thể tiết kiệm nhiên liệu, vừa giảm được lượng khí độc hại do động cơ thải ra. Nhất cử lưỡng tiện! Rất tiếc là những kiến nghị này đã không được xã hội quan tâm khai thác.


Mười hai năm đã trôi qua kể từ ngày kết quả khảo nghiệm được báo cáo!


Cách đây khoảng hai năm, Công ty TNHH Thái Dương ở đường Trần Hưng Đạo, Q.5, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã gặp và giới thiệu với chúng tôi viên năng lượng “Viagra” (!), xuất xứ từ USA, có dạng y hệt viên phụ gia của Công ty NASA. Sau một thời gian viên năng lượng được chào bán tại các trạm xăng, đến nay không còn thấy.

Rõ ràng, các cơ quan liên quan đến quản lý môi trường chưa đủ nhạy bén để quan tâm tới những vấn đề tưởng chỉ liên quan đến lợi ích của cá nhân người tiêu dùng, nhưng thực ra lại rất có liên quan đến toàn cộng đồng và vấn đề quản lý xã hội.


Rất mong vấn đề phụ gia pha vào xăng cần được quan tâm thích đáng để có thể mang lại lợi ích nhiều mặt cho người dân và xã hội trong hiện trạng kỹ thuật sử dụng và khai thác xe máy là công suất động cơ của xe máy chỉ được phép phát một phần do tốc độ xe bị giới hạn. Vấn đề cần kết hợp quan tâm là giá cả của “Viên năng lượng” và lượng xăng tiết kiệm được có giá trị âm hay dương. Với giá xăng, dầu như hiện nay tính cho xăng 92 là 8.800đ/l thì khi động cơ chỉ khai thác một phần công suất, việc sử dụng viên năng lượng sẽ có giá trị dương, tuy không đáng kể (Theo dự tính, dùng 1 lít xăng 92 khi mua viên năng lượng để pha vào tiết kiệm được nhiều hơn 450đ khi động cơ phát 50% công suất. Nếu phát 20% công suất, có thể tiết kiệm nhiều hơn). Tuy nhiên, điều có ý nghĩa hơn cả là việc giảm khói độc hại của động cơ xe máy thải ra sẽ giảm đi do nhiên liệu được cháy trọn vẹn hơn. Từ đó, môi trường không khí ô nhiễm hiện nay có thể được cải thiện. Cũng cần nói thêm là trên quan điểm kỹ thuật khai thác công suất động cơ xe máy ở Việt Nam, hiện nay tồn tại một bất hợp lý là công suất trang bị trên xe máy không tương thích với điều kiện vận hành. Với tốc độ vận hành cho phép do điều kiện hạ tầng cơ sở còn yếu, công suất xe máy lại quá lớn nên trong thực tiễn vận hành chỉ có thể sử dụng một phần, gây lãng phí nhiên liệu và ô nhiễm môi trường rất lớn. Đáng tiếc là xe máy phân khối lớn ngày càng có xu hướng phổ cập hóa trên thị trường. Đó là điều rất bất hợp lý mà chẳng cơ quan quản lý nào để mắt tới!


PGS.TS. NGUYỄN LÊ NINH Hội Ô tô và Thiết bị động lực TP.HCM

0 Comments:

Post a Comment

<< Home