Saturday, January 14, 2006

Vàng xanh lên ngôi

Khí đốt – còn gọi là vàng xanh - là một nguồn năng lượng xưa nay chưa được đánh giá đúng tầm chiến lược của nó.

Nhưng thế kỷ XXI có thể sẽ chứng kiến sự lên ngôi của vàng xanh trong bối cảnh các nguồn cung cấp dầu mỏ - còn gọi là vàng đen – ngày càng teo lại trong khi nhu cầu tăng lên không ngừng

Trong nhiều thập kỷ qua, vàng đen là một thứ vũ khí chính trị đáng gờm trong tay các nước sở hữu những mỏ dầu khổng lồ. Nó còn là nguyên nhân gây ra những cuộc xung đột quốc tế bởi tầm chiến lược của nó trong lĩnh vực năng lượng. Bước sang thế kỷ XXI này, với những hạn chế như gây ô nhiễm, giá cả ngày càng cao - trong đó có một phần nguyên nhân là yếu tố đầu cơ – vàng đen đặt ra nhiều vấn đề bức xúc về mặt an ninh năng lượng và môi trường. Bài toán tìm năng lượng thay thế ít ô nhiễm hơn và dồi dào hơn hiện giờ vẫn đang được giải đáp. Và một trong những đáp số khả thi trên thực tế chính là vàng xanh.

Tương lai xán lạn

So với vàng đen, vàng xanh có nhiều ưu thế. Nó ít ô nhiễm hơn do đó đáp ứng được những hạn chế do Nghị định thư Kyoto áp đặt như cắt giảm khí thải CO2 và các loại khí khác tạo ra hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng dần lên. Nó cũng dồi dào hơn dầu mỏ. Với nhịp độ và trình độ kỹ thuật khai thác như hiện nay, các chuyên gia tiên lượng rằng các mỏ khí đốt bảo đảm nguồn cung đầy đủ trong vòng 66 năm nữa so với 40 năm đối với dầu mỏ.

Theo ông Jean-Marie Chevalier, Giám đốc Trung tâm Địa chính trị về năng lượng và nguyên liệu Pháp, trước nay, người ta chưa đánh giá hết giá trị của vàng xanh vì cứ chăm bẵm vào vàng đen. Điển hình là không thiếu những giàn khoan dầu mỏ đốt bỏ khí đồng hành từ năm này sang năm nọ.

Tương lai của vàng xanh rất xán lạn. Trong báo cáo “Tổng quan năng lượng thế giới 2004”, ông Fatih Birol, trưởng nhóm kinh tế gia của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cho biết: “Từ nay đến năm 2030 mức tiêu thụ khí đốt sẽ gia tăng với tỉ lệ hằng năm là 2,3%. Mức gia tăng này sẽ nhanh hơn thủy điện (1,8%), dầu mỏ (1,6%), than đá (1,5%) và năng lượng hạt nhân (0,4%). Nhưng muốn thỏa mãn nhu cầu vừa kể, cần phải đầu tư rất lớn, khoảng 100 tỉ USD/năm, trong đó phần thăm dò và khai thác chiếm một nửa.

Ý thức được tầm quan trọng của vàng xanh, các đại gia trong làng dầu khí như ExxonMobil, Shell, BP, Total, Chevron và ENI... đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào các dự án khai thác đồng thời dầu và khí đốt. Trong lĩnh vực này họ không muốn thua kém các công ty quốc doanh của Nga, Iran, Qatar, Algeria hoặc Libya.

Chạy đua quyết liệt

Total hiện đang lên 7 dự án lớn từ năm 2010 đến 2030, trong đó có đến 3 dự án khai thác khí đốt tại Iran, Yemen và Qatar. Tập đoàn của Pháp này cũng đang cạnh tranh quyết liệt với các tập đoàn quốc tế khác để giành quyền khai thác các mỏ vàng xanh khổng lồ dưới biển Barents. Trong khi đó, tập đoàn Mỹ Chevron nhanh tay bỏ ra 14 tỉ USD mua lại Công ty Unocal vì công ty này nắm nhiều trữ lượng khí đốt lớn ở Trung Á. Tập đoàn đa quốc gia Shell (hiệu con sò) đã đầu tư 20 tỉ USD khai thác dầu và khí đốt ở vùng Sakhalin – một siêu dự án ở vùng Viễn Đông Nga. Nhiều công ty khác đầu tư vào sản xuất khí hóa lỏng. Đây là sản phẩm chủ yếu sẽ làm tăng gấp 3 doanh số mua bán khí đốt vào năm 2030.

Khách hàng tiêu dùng vàng xanh không chỉ có các hộ gia đình. Nhu cầu tăng nhanh nhất trong lĩnh vực sản xuất điện. Theo IEA, vào năm 2030 điện sản xuất bằng vàng xanh trên thế giới sẽ chiếm 35% tổng sản lượng điện, so với hiện nay là 15%. Tất cả những tập đoàn điện lớn châu Âu như EDF và Suez của Pháp, E.ON-Ruhrgas và RWE của Đức, Enel của Ý và Endesa của Tây Ban Nha đều đầu tư mạnh vào các nhà máy điện chạy bằng khí. Lợi điểm của loại nhà máy này là xây dựng nhanh và ít tốn kém hơn các loại nhà máy điện khác. Xây nhà máy điện chạy bằng khí còn có ưu điểm lớn nhất là không bị dư luận phản đối dữ dội như xây nhà máy điện chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Xung đột vì vàng xanh

Từ ngày 1 đến 3-1 vừa qua, Công ty Dầu khí Gazprom của Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine vì nước này không chịu trả tiền mua khí đốt mới cao hơn giá cũ gấp nhiều lần. Không chỉ Ukraine bị thiệt hại mà nhiều nước châu Âu cũng bị ảnh hưởng. Các vòng đàm phán Nga-Ukraine cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận về giá mới. Nga mở lại van cung cấp khí đốt, nhưng Chính phủ Ukraine bị quốc hội bãi nhiệm trong một phiên họp đầy sóng gió. Chính phủ Ukraine bị chỉ trích mua khí đốt với giá mới cao gấp 5 lần giá cũ.

Cuộc chiến 3 ngày nói trên cho thấy – cũng giống như dầu mỏ - vàng xanh đang trở thành một vũ khí chính trị đáng gờm trong tay các nước có nhiều khí đốt như Nga và Iran. Trước thềm Hội nghị Cấp cao G8 (các nước phát triển nhất thế giới) sẽ diễn ra tại St. Petersburg vào tháng 7 năm nay, mà Nga là nước đăng cai với tư cách là chủ tịch luân phiên nhóm G8, Tổng thống Putin muốn nhắc nhở các nước châu Âu và phương Tây rằng Nga vẫn là một cường quốc về mặt năng lượng. Ông cũng muốn chứng tỏ rằng Nga là một đối tác đáng tin cậy cần thiết cho châu Âu về mặt an ninh năng lượng.

Tuy chưa xảy ra những cuộc chiến lớn vì vàng xanh, thập niên 80 đã từng chứng kiến xung đột giữa Mỹ và châu Âu, khi châu lục này mua khí đốt của Liên Xô. Bản thân Nga cũng gặp rắc rối khi quyết định xây dựng đường ống dẫn dầu và khí từ Nga đến Đức đặt dưới biển Baltic. Các nước Baltic và Ba Lan phản đối dữ dội, bởi mất nguồn thu trung chuyển khí đốt qua đất mình.

Ở phía Đông, Nhật Bản và Trung Quốc cũng hục hặc với nhau trong việc giành quyền ưu tiên hưởng nguồn cung cấp khí đốt qua các đường ống dẫn mới đến từ Siberia. Ở châu Mỹ La tinh, cũng vì Bolivia phản ứng quyết liệt, đường ống dẫn dầu khí từ Venezuela đến Argentina trước đây định thông qua Brazil đã phải thiết kế lại.

Thảo Hương tổng hợp (theo Báo Người Lao Động)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home