Wednesday, May 17, 2006

Bốn nước đua nhau chào bán công nghệ điện hạt nhân


Đông đảo sinh viên và học sinh đến Triển lãm Điện hạt hạt nhân 2006 để tham quan và học hỏi.
Hàng chục công ty Hàn Quốc, Nga, Nhật, Pháp tham gia Triển lãm quốc tế Điện hạt nhân khai mạc tại Hà Nội vào sáng 16-5. Tất cả đều muốn "thắng thầu"...

Tại "Triển lãm và hội thảo quốc tế Điện hạt nhân 2006" khai mạc tại Hà Nội vào sáng 16-5 với chủ đề "An toàn và cạnh tranh kinh tế" do Viện Năng lượng Nguyên tử VN, Viện Năng lượng phối hợp tổ chức, hàng chục công ty của Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và Pháp đã tham gia triển lãm - hội thảo quốc tế nói trên.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên về việc ITAR-TASS đưa tin vào hôm 10-5 về việc Trung tâm báo chí của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nga cho hay, các công ty Nga Rosenergoatom ("Năng lượng nguyên tử Nga") và Atomstroiexport ("Xuất khẩu xây dựng nguyên tử") có thể tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở VN và Kazarkstan, ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN cho biết đó chỉ là "có thể" và đó chỉ là phát ngôn từ phía Nga để thể hiện mong muốn của họ trong việc tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở VN.

Tuy nhiên ông Tấn nói thêm “Tất cả các nước tham gia triển lãm đều "có thể" tham gia xây dựng Nhà máy điện hạt nhân nhưng tiến trình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân của VN đều phải qua quá trình đấu thầu quốc tế”.

Còn TS Alexey V.Ubeev, Phó Giám đốc Ban đối ngoại Công ty Cổ phần Atomstroiexport (Nga) cho biết, Nga rất muốn được tham gia xây dựng Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam, nhưng vấn đề này phải tuân thủ theo các bước và thông qua quá trình đấu thầu quốc tế. Sau đó là sự quyết định lựa chọn của chính phủ VN. Hiện nay, phía Nga vẫn đang trong quá trình thuyết minh công nghệ, trình bày thiết kế. Do vậy, theo TS Alexey V. Ubeev: “Tất cả chỉ đều là "có thể"...”.

Bốn quốc gia Hàn Quốc, Nhật, Nga, Pháp tham gia Triển lãm này đều có những chương trình điện hạt nhân phát triển mạnh mẽ và đã tạo ra được những động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến tháng 5-2006, Hàn Quốc có 20 lò phản ứng đang vận hành với tổng công suất điện hạt nhân đạt 16.810 MW; Nhật Bản có 55 lò phản ứng đang vận hành với tổng công suất 47.593 MW và có một lò phản ứng mới đang xây dựng; Nga có 31 lò phản ứng đang vận hành với tổng công suất 21.743 MW; Pháp có 59 lò phản ứng đang vận hành, tổng công suất điện hạt nhân là 63.363MW. Tính đến hết năm 2005, tỷ trọng điện hạt nhân chiếm trong tổng sản lượng điện của Hàn Quốc là 47,7%, Nhật Bản 29.3%, Nga 15,8% và Pháp 78,5%.

Tuy nhiên, TS Alexey V. Ubeev tỏ ý hy vọng Nga sẽ thắng trong quá trình đấu thầu quốc tế để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại VN.

Trong khi đó, đại diện một số công ty Hàn Quốc có mặt tại Triển lãm thì khẳng định, công nghệ của Hàn Quốc đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và giá cả cạnh tranh hơn các nước khác.

Ông Nam-Ioh-shik, đại diện công ty Hydro and Nuclear Power (Hàn Quốc) cho biết công ty đã mang đến Triển lãm một loại thiết bị-công nghệ có tên là OPR-1000 có xuất xứ từ Mỹ nhưng đã được Hàn Quốc cải tiến cho phù hợp với điều kiện của các nước châu Á.

Theo ông Nam, kể từ sau khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Hàn Quốc đi vào hoạt động từ năm 1970, đến năm 1995, Hàn Quốc đã tự thiết kế được 95% thiết bị-công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân của nước mình. Ông Nam hy vọng, với điều kiện tự nhiên gần giống VN và khoảng cách không quá xa VN như các nước khác thì đây là ưu thế cho Hàn Quốc trong việc đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở VN.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Hiroki Takimoto, Giám đốc kỹ thuật nhà máy điện hạt nhân thuộc Tập đoàm Mitsubishi (Nhật Bản) lại cho rằng, công nghệ điện hạt nhân của Nhật Bản có tính chất đặc thù mà không nước nào có được.

Đó là những thiết bị bảo đảm cho lò hạt nhân hoạt động khi có động đất, đồng thời, có robot kiểm tra tình hình hoạt động bên trong lò phản ứng mà con người không thể vào được. Vì thế, nếu kết hợp xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ Nhật Bản thì giá cả sẽ rất cạnh tranh và hoàn toàn phù hợp với điều kiện VN.

Riêng ông Marcponchet, Giám đốc khu vực Nga, Đông Nam Á và Nam Mỹ thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Hạt nhân (Pháp) thì tỏ ra tự tin vì rằng, "Pháp đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Hàn Quốc, Nam Mỹ, Nam Phi và châu Âu". Đến tham gia triển lãm này, ông Marcponchet bày tỏ ý định muốn truyền bá những kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực này cho VN. Đồng thời, chứng tỏ năng lực của Pháp trong việc đấu thầu tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở VN.

Theo tin từ Ban tổ chức Triển lãm, từ khi khai mạc vào buổi sáng cho đến 16 giờ ngày 16-5, đã có khoảng 2.000 người đến tham quan triển lãm nói trên.

"Triển lãm và Hội thảo quốc tế Điện hạt nhân 2006" còn kéo dài đến hết ngày 19-5 tại Cung Văn hóa hữu nghị, 91, Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Theo VietNamNet

0 Comments:

Post a Comment

<< Home