Buôn lậu xăng dầu qua biên giới
Buôn lậu xăng dầu qua biên giới (Kỳ 3)
Xin tự thua trên “sân nhà”!
Một trong các chi nhánh của Nhật Linh ở vùng biên giới - Ảnh: H.K. |
>> Kỳ 1: Những điểm “nóng”
>> Kỳ 2: Các cây xăng: “trùm” của đầu nậu
“Thương hiệu” Khánh Dương...
Khu vực biên giới Mộc Hóa có khoảng năm cây xăng lớn nhỏ, nhưng trong đó có đến ba cây xăng bề thế nhất cùng mang tên Khánh Dương, thuộc sở hữu của DNTN Dương Ngọc Trinh. Đây là những cây xăng mà chúng tôi đã đề cập rất cụ thể trong số báo trước. Bà chủ của DNTN này là bà Dương Ngọc Trinh (sinh 1956), vợ ông Võ Minh Khánh, đại tá chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Long An (nhà ở đồng thời là trụ sở của DN).
Theo hồ sơ Tuổi Trẻ thu thập được, DNTN Dương Ngọc Trinh được UBND tỉnh Long An ký giấy phép thành lập ngày 25-11-1992 với số vốn ban đầu là 74 triệu đồng. Trước đó, ngày 16-9-1992, bà Trinh xin cấp phép thành lập đại lý xăng dầu Dương Ngọc Trinh tại 55 Đốc Binh Kiều, thị trấn Mộc Hóa. Mặc dù trên danh nghĩa là đại lý xăng dầu Dương Ngọc Trinh nhưng khi trương bảng hiệu làm ăn bà Trinh lấy tên là Khánh Dương.
Đối tác làm ăn của đại lý xăng dầu Dương Ngọc Trinh thời gian đầu là Công ty Thương mại tổng hợp Long An. Ngày 15-9-1992, đơn vị này đã ký hợp đồng cung cấp xăng dầu cho bà Trinh (với tư cách là đại lý). Nhờ nằm ở vị trí thuộc diện “đẹp nhất thị trấn” nên chỉ trong một thời gian ngắn thương hiệu Khánh Dương đã chiếm phần lớn thị phần xăng dầu của huyện biên giới Mộc Hóa...
Nhằm thâu tóm nguồn cung cấp xăng dầu khu vực biên giới huyện Mộc Hóa, ngày 4-3-1999, bà Dương Ngọc Trinh xin mở thêm một chi nhánh xăng dầu Khánh Vân tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, Hốc Môn (cách cửa khẩu khoảng 80m). Hai ngày sau, Sở KH-ĐT Long An cấp chứng nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh xăng dầu Khánh Vân. Điều đáng lưu ý là mặc dù trên giấy tờ, hồ sơ pháp nhân đứng tên chi nhánh Khánh Vân nhưng khi trương bảng hiệu kinh doanh thì được “hợp thức hóa thương hiệu” Khánh Dương.
Trạm xăng dầu Khánh Dương (gọi theo bảng hiệu kinh doanh) ra đời đã đáp ứng gần như trọn vẹn nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của người dân khu vực biên giới Mộc Hóa và cả đội quân buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Cần nói thêm, khu vực trạm xăng dầu Khánh Dương không phải là khu dân cư đông đúc, cũng không phải là nơi tập trung sản xuất (diện tích đất ruộng rất ít) thì đối tượng phục vụ chắc chắn không phải là người dân bản địa với nhu cầu thiết thực của họ. Qua những lần giá xăng dầu thế giới tăng lên, lượng xăng dầu ào ạt qua biên giới Campuchia có thể minh chứng sự tồn tại cần thiết của nó.
Ngày 14-9-1999, Sở Kế hoạch - đầu tư chứng nhận cho DN bổ sung ngành nghề kinh doanh - đưa phương tiện vận chuyển xăng dầu vào hoạt động; đồng thời tăng vốn từ 74 triệu lên 285 triệu đồng.
Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, trước nhu cầu “cấp bách” của thị trường và để khẳng định sự lớn mạnh của thương hiệu Khánh Dương, ngày 3-4-2001, bà Trinh làm thủ tục đổi tên từ đại lý xăng dầu Dương Ngọc Trinh “nâng cấp” thành trạm xăng dầu Khánh Dương. Ngày 23-5-2001, bà Trinh làm thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh, tăng vốn từ 285 triệu vọt lên 1 tỉ đồng.
Ngày 20-9-2001, bà Dương Ngọc Trinh xin thành lập thêm một chi nhánh ở KP2, Vàm Bà Kén, sông Vàm Cỏ Tây (thị trấn Mộc Hóa). Địa điểm đặt chiếc sà lan chi nhánh xăng dầu Khánh Dương nằm ngay ngã ba sông Vàm Cỏ Tây, một nhánh xuôi về Long An, một nhánh ngược lên xã Thơ May, huyện Công-Phôn-Rồ, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.
Đây được xem là “điểm nóng” của tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới từ nhiều năm qua. Ngay trong ngày 20-9-2001, Sở KH-ĐT Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh cho chi nhánh này, đồng thời cấp chứng nhận đăng ký thay đổi bổ sung ngành nghề kinh doanh, tăng vốn từ 1 tỉ đồng lên 1,410 tỉ đồng.
Theo điều tra, sở dĩ Khánh Dương liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng cây xăng, bổ sung phương tiện vận chuyển (xe bồn) và mở các chi nhánh là vì vào thời điểm đó, tình hình xăng dầu ở khu vực biên giới và Campuchia biến động mạnh, nguồn xăng dầu không đủ cung cấp cho thị trường nội địa lẫn bên kia biên giới.
“Tổng đại lý” Nhật Linh
Sáng 27-4, trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An Võ Thiện Ngộ cho biết kết quả kiểm tra bước đầu của đội kiểm tra phối hợp liên ngành tại ba huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng từ ngày 21-4 đến nay đã lập biên bản ghi nhận ở bốn cây xăng: cây xăng Khánh Dương (thị trấn Mộc Hóa) nghỉ bán vì lý do nhân viên bỏ trốn, cây xăng Nhật Linh (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) buổi sáng kiểm tra không thấy bán vì lý do nhân viên đi ăn sáng, cây xăng Thuận An 2 (xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa) cũng nghỉ bán vì lý do hết xăng và cây xăng Hồng Thủy (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) bị lập biên bản vì đang bơm xăng vào 116 can nhựa, mỗi can chứa 30 lít. Cây xăng Hồng Thủy đã bị đội kiểm tra lập biên bản tại chỗ và xử phạt hành chính 2 triệu đồng do vi phạm các qui định của UBND tỉnh Long An về chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới, trong đó không cho phép các cây xăng bơm xăng vào các can nhựa với số lượng lớn. THÚY AN |
Ngay ngày hôm sau, Sở KH-ĐT Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho bà Bé với số vốn ban đầu 146 triệu đồng. Bà Phạm Thị Bé chính là vợ của ông Nguyễn Minh Hạ (1957), hiện là phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Long An, nguyên chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng. Địa chỉ trụ sở DNTN Nhật Linh đặt tại mảnh đất rộng 510m2 ở ngã ba ấp Long Khốt, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng. Theo hồ sơ, mảnh đất này được phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, ông Lê Chí Linh (lúc đó ông Nguyễn Minh Hạ đang là chủ tịch huyện) ký quyết định giao cho bà Bé sử dụng trong thời hạn 15 năm (từ 28-1-1995 đến 28-1-2010).
Sau một khoảng thời gian dài từ 1996-2000, bà Bé chỉ chú tâm kinh doanh một cây xăng duy nhất nằm gần biên giới. Theo hồ sơ, thời điểm này nhu cầu về xăng dầu tương đối ổn định, giá cả bình ổn nên thị trường cả trong nước lẫn bên kia biên giới không biến động. Năm 1998-2000, giá xăng dầu bắt đầu có dấu hiệu biến động mạnh.
Ngày 14-5-1999, Sở KH-ĐT đã cấp giấy chứng nhận cho DN Nhật Linh thành lập thêm hai chi nhánh là trạm xăng dầu Nhật Linh 2 (ấp Bàu Nâu, Vĩnh Trị, Vĩnh Hưng) và trạm xăng dầu Hoàng Minh (tại đường 831A, khóm 1, thị trấn Vĩnh Hưng - hiện là cây xăng Nhật Linh). Đồng thời tăng vốn thêm 531 triệu đồng. Ngày 14-6-2000, bà Bé làm hồ sơ thay đổi qui mô hoạt động, bổ sung ngành nghề kinh doanh (thêm nhớt, ga, hàng nông sản), đầu tư sà lan bán xăng dầu di động, đồng thời dời trụ sở chính về số 1A đường 831, thị trấn Vĩnh Hưng (nhà của vợ chồng bà Bé).
Ngày 23-10-2000, bà Bé làm thủ tục xin cấp mới giấy chứng nhận ĐKKD cho DNTN Nhật Linh. Đến ngày 25-10-2000, Sở KH-ĐT đã thay đổi, cấp mới giấy chứng nhận ĐKKD cho bốn chi nhánh xăng dầu của DN Nhật Linh gồm: Nhật Linh 1 (ngã ba Long Khốt, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng); Nhật Linh 2 (xã Vĩnh Trị, Vĩnh Hưng); Nhật Linh 3 (ấp Bình Tứ, Hưng Điền A, Vĩnh Hưng); Hoàng Minh (ấp Long Khốt, Thái Bình Trung). Đến ngày 5-12-2000, DNTN tiếp tục cho ra đời chi nhánh Hoàng Minh 2, tại Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, Vĩnh Hưng.
Sự xuất hiện của các chi nhánh này đã chi phối gần như toàn bộ hoạt động mua, bán xăng dầu tại khu vực biên giới.
Đến 16-2-2004, bà Bé “lấn sân” sang huyện Tân Hưng mở thêm chi nhánh Nhật Linh 4 (ấp Hà Hưng, xã Hưng Hà, Tân Hưng). Theo nguồn tin từ Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT tỉnh Long An (thuộc Sở Thương mại Long An), chi nhánh Nhật Linh 4 hiện bà Bé “sang tay” cho một người em quản lý. Người này cũng đứng tên một chủ DNTN kinh doanh xăng dầu ở Tân Hưng.
Ngoài các “công ty con” trên, Nhật Linh còn là “tổng đại lý” của các cây xăng tư nhân, trạm xăng dầu do Nhà nước quản lý. Cụ thể, tại đại lý bán lẻ xăng dầu - Chi nhánh thương mại XNK Vĩnh Hưng (thị trấn Vĩnh Hưng) phải lấy xăng dầu của bà Bé. Một cán bộ phụ trách cây xăng cho biết: “Nguồn xăng dầu của đại lý được lấy từ đại lý chị Năm Hạ (tên thường gọi của bà Bé). Mỗi lần nhập 12.000-15.000 lít xăng, dầu. Chừng nào hết thì gọi điện cho chị Năm Hạ cho xe bồn chở tới”.
Tự thua trên “sân nhà”
Cây xăng này nhập từ Nhật Linh 12.000-15.000 lít/lần. Ảnh: H.K. |
Trong những ngày theo chân giới buôn lậu tuồn xăng dầu qua biên giới, chúng tôi không ít lần chứng kiến cảnh đầu nậu đang... nói chuyện thân mật với lực lượng bộ đội biên phòng, trong khi đó đám cửu vạn chở xăng dầu phóng vù vù qua mặt như chỗ không người. Tại trạm kiểm soát liên hợp khu vực Mộc Hóa, cánh cửa nhỏ bên chốt gác mở cửa ngày đêm cho bọn cửu vạn chở xăng dầu tới điểm tập kết.
Một đầu nậu đã ngậm ngùi kể rằng chỉ vì không lấy xăng dầu ở trạm xăng Khánh Dương đành phải mất nguyên chiếc ghe chở dầu trên 300 lít vì bị biên phòng rượt đuổi. Trong khi đó, những đầu nậu là “mối ruột” của hai “đại lý” Khánh Dương và Nhật Linh ngang nhiên hoạt động bất chấp ngày đêm.
Trong những lần tiếp cận với đầu nậu và dân cửu vạn, chúng tôi hỏi: nếu các cây xăng kia không phải là của Khánh Dương, cũng không phải Nhật Linh thì có dám “hiên ngang” qua lại biên giới không? Câu trả lời nghe buồn đến nao lòng: “Nếu không phải của Khánh Dương, Nhật Linh thì tụi này... húp cháo”.
HOÀNG KHƯƠNG - MINH LUẬN
------------
Kỳ sau: Những người có trách nhiệm ở Long An nói gì?
Tin bài liên quan:Từ 20g 27-4: giá xăng tăng thêm 1.500 đồng/lít
Các cây xăng: “trùm” của đầu nậu
Buôn lậu xăng dầu qua biên giới: Những điểm “nóng”
ĐBSCL: “sốt” xăng dầu
Chưa tăng giá xăng dầu
* Tất cả...
0 Comments:
Post a Comment
<< Home