Monday, October 24, 2005

Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ có công suất 2000 đến 4000 MW

Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ có công suất 2000 đến 4000 MW (10:42 20-10-2005)

Ông Lê Văn Hồng, Viện Phó Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam khẳng định rằng xây dựng nhà máy điện nguyên tử là giải pháp mà Việt Nam lựa chọn để đáp ứng nhu cầu điện năng quốc gia, dự báo sẽ vào khoảng 200 đến 230 tỷ KWh vào năm 2020.

Tại buổi họp báo chiều 19/10 nhân kết thúc hội thảo Việt-Pháp về công nghệ năng lượng hạt nhân dân dụng, ông Hồng cho biết theo kết quả tính toán của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, vào năm 2020, tổng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng trong nước chỉ có thể đáp ứng được 165 tỷ KWh. Để bù số 65 tỷ KWh còn thiếu các giải pháp như tiết kiệm, sử dụng năng lượng tái tạo hay nhập khẩu than và điện cũng chỉ đáp ứng 1/3 số này, tức là vào khoảng 20 tỷ KWh. Như vậy, Việt Nam vẫn còn thiếu khoảng 40 tỷ KWh mới đảm bảo đủ số điện năng tiêu thụ như dự báo, và điện hạt nhân sẽ là nguồn cung cấp ổn định cho Việt Nam lúc đó. “Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân không những giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất điện từ các nguồn sơ cấp”, ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, nhà máy điện hạt nhân xây dựng tại Việt Nam dự kiến có công suất 2000 đến 4000 MW, tương đương với sản lượng điện từ 14 đến 28 tỷ KWh. Hiện dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Theo Luật đầu tư, việc chọn đối tác chính thức để thực hiện dự án chỉ được tiến hành ở giai đoạn sau khi thực hiện nghiên cứu khả thi. Hiện nay, Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm và hợp tác rộng rãi với các nước công nghiệp hàng đầu về điện hạt nhân như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Pháp. Riêng đối với Pháp, hai nước đã có hợp tác về việc xây dựng dự thảo Luật Năng lượng hạt nhân dân dụng, đào tạo nguồn nhân lực và giới thiệu công nghệ các loại lò phản ứng hạt nhân và cách thức lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Trả lời phóng viên TTXVN bên lề hội thảo, điều phối viên hợp tác quốc tế của Viện An toàn Bức xạ Hạt nhân Pháp (IRSN), ông Abdallah Amri nhấn mạnh rằng đảm bảo an toàn khi vận hành nhà máy điện nguyên tử luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Do đó, Việt Nam cần có một đội ngũ chuyên gia an toàn hạt nhân có trình độ cao và có khả năng làm việc độc lập, và đó cũng là điều mà IRSN quan tâm hỗ trợ Việt Nam. Hiện IRSN đã ký thỏa thuận với Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, theo đó cơ quan này sẽ giúp Việt Nam đào tạo nhân lực để vận hành các nhà máy điện nguyên tử, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực kiểm soát an toàn các lò phản ứng hạt nhân.

Về xử lý rác thải hạt nhân, ông Jean Claude Prenez, Giám đốc phụ trách các dự án quốc tế của Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), cho biết đây cũng là vấn đề trọng tâm của nhiều cuộc thảo luận khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu. Riêng ở Pháp, chất thải từ các nhà máy điện nguyên tử chiếm thể tích rất nhỏ và các giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải như chôn vùi sâu trong lòng đất hay thuỷ tinh hóa đã được sử dụng từ 50 năm nay.

Trưởng phòng hợp tác quốc tế của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, ông Trần Thanh Liễn cho biết dự kiến trong năm 2006, Pháp sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam tổ chức hội thảo về an toàn và kinh phí khi xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Ngoài ra, cũng trong năm 2006, có thể sẽ có triển lãm thứ hai về công nghệ năng lượng hạt nhân dân dụng tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều nước.


: Tổng hợp từ TTXVN và Báo Tiền Phong, 20/10/2005