Tuesday, February 28, 2006

Điều chỉnh giá xăng dầu theo tháng: Vẫn chưa thống nhất


Trước áp lực giá xăng dầu thế giới liên tục biến động, mới đây Bộ Tài chính đã soạn thảo đề án điều chỉnh giá xăng dầu định hướng theo từng tháng để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đề án này, các doanh nghiệp (DN) căn cứ vào biến động giá trên thế giới để tự điều chỉnh giá bán lẻ theo tháng hoặc quý. Có nhiều ý kiến trái ngược xoay quanh vấn đề này.

Biên độ ± 10% liệu có hợp lý?

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex), đến thời điểm này Petrolimex vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ các bộ ngành chức năng về việc cho phép các DN nhập khẩu xăng dầu tự điều chỉnh giá bán hàng tháng theo giá thế giới.

Thế nhưng, nếu chủ trương này của Chính phủ trở thành hiện thực, nó sẽ phù hợp với tình hình nước ta trong giai đoạn đã và đang hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, buộc các DN phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.

Cũng theo ông Cảnh, xét về mặt thị trường, các DN được tự quyết định giá bán với biên độ ± 10% đối với xăng (theo Quyết định 187/CP) mà Bộ Tài chính đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Có thể đây sẽ là tiền đề để mở từng bước cho mặt hàng xăng, hướng tới sẽ thả nổi hoàn toàn giá bán theo giá thế giới.

Cách làm này buộc các DN phải thực sự là nhà thương mại, không bị ảnh hưởng bởi cơ chế bao cấp giá. Trong đó, các DN phải tự tính toán nhập khẩu xăng vào lúc nào, giá bao nhiêu, cách quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường như thế nào với chi phí thấp nhất, tồn trữ hàng ra sao…

Lúc này áp lực về giá bán sao cho cạnh tranh sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu DN nào không có cách tổ chức thị trường tốt hoặc không có chính sách tốt sẽ bị đào thải. DN nào tồn tại sẽ bước vào cuộc chơi mới, trong đó nhiều đối thủ đa quốc gia sẽ xuất hiện. Người tiêu dùng khi đó sẽ thực sự được thụ hưởng đúng mức giá của quy luật thị trường.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí TPHCM, cách tính của Bộ Tài Chính cho phép DN tự định giá với biên độ ± 10% chỉ đúng về mặt lý thuyết. Trên thực tế thì việc ràng buộc bởi biên độ này rất khó thực hiện và không có gì mới so với hiện nay bởi nhà nước đã không còn bù lỗ cho mặt hàng này.

Theo tính toán của ông Sang, với mức giá như hiện nay, nếu áp dụng biên độ ± 10% thì giá xăng cao nhất cũng chỉ đứng ở mức hơn 11.000 đồng/lít và thấp nhất là 8.000 đồng/lít. “Quy định điều chỉnh giá định hướng hàng tháng rất nguy hiểm bởi công tác bảo mật thông tin hiện nay rất khó. Thực tế cho thấy, trong năm 2005, khi nhà nước dự tính điều chỉnh giá, ngay lập tức trên thị trường đã phát sinh hàng loạt vấn đề phức tạp như đầu cơ hoặc ghim hàng để làm giá…” - ông Sang nhấn mạnh.

Thả nổi theo giá thế giới: nên hay không?

Theo phân tích của ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Tư pháp Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, đứng về góc độ thị trường, nhà nước chỉ nên can thiệp, khắc phục những “khuyết tật” từ thị trường và điều tiết giá cả các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng con người. Những mặt hàng nào nằm trong danh mục này, nhà nước cần sớm lập ra để thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Trở lại với mặt hàng xăng dầu, ông Huỳnh phân tích: “đây là mặt hàng vô cùng thiết yếu nhưng về lâu dài Nhà nước không nên can thiệp vì cách làm này không khả thi. Nhà nước đã không còn bù lỗ cho xăng thì nên trả nó về quy luật điều tiết của thị trường. Đây chính là cách để làm minh bạch giá trị của nó.

Mặt khác, chúng ta đang hội nhập, đã có nhiều mặt hàng phải nhập khẩu nên các DN VN cũng như người tiêu dùng cần tập làm quen với mức giá lên xuống của thế giới. Nhà nước nên tính đến những chuyện lớn hơn như điều hành vĩ mô và công tác dự trữ an ninh năng lượng”.

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Vinh Sang cũng cho rằng, nhà nước nên để cho các DN tự định giá bán lẻ theo cơ chế thị trường thì hợp lý hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra các lập luận là mặc dù cho phép DN định giá xăng dầu song trên thực tế nhà nước vẫn áp theo một quy định nào đó nên đôi khi phản tác dụng và làm méo mó quy luật điều tiết của thị trường.

Xăng dầu luôn vận động theo sự biến động của thế giới, trong khi chúng ta rất khó đoán trước được những gì xảy ra. Do vậy việc định khung giá sẽ làm cản trở sự chủ động của các DN.

Có thể nói, đề án cho phép DN điều chỉnh giá xăng dầu theo tháng là một bước tiến mới trong việc điều hành giá cả những mặt hàng thiết yếu. Thế nhưng, như ý kiến của các chuyên gia đã phân tích, nếu chúng ta vẫn áp dụng biên độ trong việc điều chỉnh giá và điều chỉnh theo tháng thì nhiều vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng, tức phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát…

Xét về khía cạnh kinh tế là tốn kém và rất khó thực thi. Mặt khác, nếu giá bán được áp dụng theo cách tính này thì về cơ bản vẫn không có gì thay đổi.

Theo Sài Gòn giải phóng

0 Comments:

Post a Comment

<< Home