Friday, March 03, 2006

Sẽ thiếu điện nghiêm trọng

TT (Hà Nội) - Tại cuộc họp giữa Tổng công ty Điện lực VN (EVN) với đại diện Bộ Công nghiệp và các bộ ngành liên quan hôm qua 2-3, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cảnh báo lượng điện thiếu hụt trong năm 2006 có thể lên đến 180-200 triệu kWh.

Khi có tình huống thiếu điện xảy ra, trung tâm sẽ thông báo lệnh cắt giảm điện trước hai tuần và sẽ cắt từ 1-3 triệu kWh/ngày.

Để tránh tình trạng cắt điện trên diện rộng và kéo dài, tổng giám đốc EVN Đào Văn Hưng cho biết EVN đang thực hiện một số biện pháp như ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc (có thêm khoảng 600 triệu kWh điện). Theo ông Hưng, các nguồn điện than, tuabin khí hỗn hợp, nhiệt điện dầu... đang phải khai thác tối đa.

NHẬT LINH

Thủ tướng yêu cầu sớm trình đề án điều chỉnh giá điện

Chiều 2-3, Văn phòng Chính phủ có công văn 1096 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công nghiệp khẩn trương trình đề án điều chỉnh giá điện. Chính phủ cũng sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia xây dựng các dự án nguồn, lưới điện.

Thủ tướng cũng đồng ý thành lập Tổ công tác liên bộ do 1 lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì để điều hành và xử lý kịp thời các vướng mắc về vốn đối với các dự án điện giai đoạn 2006 - 2010.

Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng các bên liên quan nghiên cứu đề xuất việc sử dụng khoản chênh lệch giá điện để bổ sung nguồn vốn xây dựng các dự án điện; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các dự án nguồn điện theo hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT)...

Thủ tướng giao cho Bộ Công nghiệp nghiên cứu và sớm ban hành danh mục kêu gọi đầu tư các dự án điện theo hình thức BOT ngoài nước. Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện cổ phần hóa phù hợp với phát triển thị trường điện lực. EVN phối hợp với Tổng công ty Sông Đà đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng thuỷ điện Sơn La để vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2010.

Hiện nay, có 4 phương án được tổ công tác liên ngành thống nhất lựa chọn trình lãnh đạo Bộ Công nghiệp xem xét. Theo đó, giá điện bình quân mới sẽ là 852 đồng/kWh, tăng 8,8% so với hiện hành (đề nghị trước đó của EVN là 14,8%).

Phương án 1: Giữ nguyên giá bán điện cho đối tượng sản xuất, bán buôn điện sinh hoạt nông thôn và không tăng giá bán điện sinh hoạt bậc thang đối với 100 kWh đầu tiên. Các đối tượng còn lại (chiếm 25% tổng sản lượng điện thương phẩm) sẽ phải chịu mức tăng rất cao, tăng bình quân 20% so với hiện hành. Các bậc thang từ 100 kWh trở lên tăng bình quân 35% so với hiện hành.

Phương án 2: Không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng; Tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn lên 410 đồng/kWh (tăng 5% so với hiện nay). Chia đôi 100 kWh đầu đối với điện sinh hoạt bậc thang thành 2 mức (50 kWh đầu giá 600 đồng, 50 kWh tiếp theo giá 750 đồng, so với mức giá hiện hành là 550 đồng); các bậc thang tiếp theo tăng từ 12 đến 18%.

Phương án 3: Tăng giá bán điện 100 kWh đầu điện sinh hoạt bậc thang lên 630 đồng. Do tăng giá giờ cao điểm nên bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%. Giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tăng 5%.

Phương án 4: Tăng giá bán điện 100 kWh đầu điện sinh hoạt bậc thang lên 700 đồng, xoá bỏ sự phân biệt về giá điện sinh hoạt giữa thành thị và nông thôn.

Theo VnExpress

Tin bài liên quan:
Tăng giá, chất lượng tăng?
Xóa độc quyền: EVN vẫn có lời và giá điện vẫn sẽ không tăng!
Xã hội hoá ngành điện theo quy luật của thị trường

0 Comments:

Post a Comment

<< Home