Tuesday, April 04, 2006

Năng lượng gió của Việt Nam, tiềm năng và triển vọng


http://www.tiasang.com.vn/newspage?id=389

Đàm Quang Minh – Vũ Thành Tự Anh

Bài viết này phân tích một cách ngắn gọn tình hình cung - cầu điện năng ở Việt Nam, từ đó bàn đến một số lựa chọn của Việt Nam trong việc giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng, bằng cách cùng với việc khai thác các nguồn năng lượng truyền thống, chúng ta phải chuyển dần sang các dạng năng lượng mới, đặc biệt chú trọng tới các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường– đó là năng lượng gió.

Tình hình cung - cầu điện năng ở Việt Nam


Tốc độ tăng trưởng trung bình của sản lượng điện ở Việt Nam trong 20 năm trở lại đây đạt mức rất cao, khoảng 12-13%/năm - tức là gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Và theo dự báo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, nếu tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tiếp tục được duy trì ở mức 7,1%/năm thì nhu cầu điện sản xuất của Việt Nam vào năm 2020 sẽ là khoảng 200.000 GWh, vào năm 2030 là 327.000 GWh. Trong khi đó, ngay cả khi huy động tối đa các nguồn điện truyền thống thì sản lượng điện nội địa của chúng ta cũng chỉ đạt mức tương ứng là 165.000 GWh (năm 2020) và 208.000 GWh (năm 2030). Điều này có nghĩa là nền kinh tế sẽ bị thiếu hụt điện một cách nghiêm trọng, và tỷ lệ thiếu hụt có thể lên tới 20-30% mỗi năm. Nếu dự báo này của Tổng Công ty Điện lực trở thành hiện thực thì hoặc là chúng ta phải nhập khẩu điện với giá đắt gấp 2-3 lần so với giá sản xuất trong nước, hoặc là hoạt động sản xuất của nền kinh tế sẽ rơi vào đình trệ, còn đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số lựa chọn chính sách của Việt Nam
Đứng trước thách thức thiếu hụt điện (không nằm ngoài xu thế chung của toàn cầu), chúng ta cần cân nhắc những biện pháp ứng xử thích hợp. Trong ngắn hạn, việc tiết kiệm điện trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét phương án tăng giá điện như đề xuất hiện nay của Bộ Công nghiệp. Việc tăng giá điện một mặt có tác dụng điều chỉnh mức cầu về điện năng, mặt khác giúp tăng tích lũy để mở rộng đầu tư cho ngành điện. Tuy nhiên, vì việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của quảng đại nhân dân và của hoạt động sản xuất kinh doanh nên giải pháp tăng giá điện cần được cân nhắc một cách thận trọng. Phương án tăng giá điện phải tính đến tính công bằng giữa các nhóm dân cư có mức thu nhập khác nhau, trong đó cần hạn chế đến mức độ tối đa tác động tiêu cực đối với các nhóm dân cư có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý rằng điện là một yếu tố đầu vào thiết yếu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc tăng giá điện sẽ có thể ảnh hưởng tới mức lạm phát vốn đã xấp xỉ ngưỡng 2 con số. Không những thế, nếu nhìn sang các nước xung quanh thì thấy ngay với mức giá hiện tại, giá điện của Việt Nam đã cao hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, và Malaysia. Như vậy, việc tăng thêm giá điện 10-15% trong năm nay và những năm kế tiếp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vốn đã bị giảm liên tục trong mấy năm trở lại đây.
Trong trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần có chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng bằng cách một mặt mở rộng khai thác những nguồn năng lượng truyền thống; mặt khác, thậm chí còn quan trọng hơn phát triển các nguồn năng lượng mới, đặc biệt là các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo. Khả năng này phụ thuộc rất nhiều vào những phát triển của công nghệ trong tương lai cũng như vào mức giá tương đối của các nguồn năng lượng khác nhau. Cho đến thời điểm này, chúng ta mới chú trọng đến phương án thứ nhất, tức là tiếp tục khai thác các nguồn năng lượng truyền thống, chủ yếu là thủy điện. Về kế hoạch phát triển nguồn năng lượng mới, ngày 3/1/2006 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ''Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tới năm 2020''. Theo dự báo của Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia thì vào năm 2020, nếu theo đúng tiến độ thì công suất điện hạt nhân sẽ đạt mức 2000 MW, bằng 7% tổng công suất. Cũng theo dự báo này, khi ấy nhiệt điện khí sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất (38%), sau đó là đến thủy điện (29%), nhiệt điện than (17%) và nhập khẩu (9%).

Một điều đáng lưu ý là trong hàng loạt giải pháp phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế (như nhập khẩu điện, phát triển thủy điện, hay điện hạt nhân), dường như Việt Nam còn bỏ quên điện gió, một nguồn điện mà trong mấy năm trở lại đây có tốc độ phát triển cao nhất trên thị trường điện thế giới, hơn nữa giá thành ngày càng rẻ và rất thân thiện với môi trường.

Giá thành của điện gió, liệu có đắt như định kiến?


Cho đến tận những năm 1990, nhiều người vẫn cho rằng giá thành (bao gồm giá lắp đặt và vận hành) của các trạm điện gió khá cao. Nhưng ngày nay, định kiến này đang được nhìn nhận và đánh giá lại, đặc biệt khi quan niệm giá thành không chỉ bao gồm chi phí kinh tế mà còn gồm cả những chi phí ngoài (external cost – như chi phí về xã hội do phải tái định cư, hay về môi trường do ô nhiễm).

Thử lấy một ví dụ cụ thể để so sánh giá thành của điện gió và thủy điện. Nhà máy thủy điện Sơn La với 6 tổ máy, tổng công suất thiết kế là 2400 MW, được dự kiến xây dựng trong 7 năm với tổng mức đầu tư là 2,4 tỷ USD. Giá thành khi phát điện (chưa tính đến chi phí môi trường) là 70 USD/MWh. Như vậy để có được 1 KW công suất cần đầu tư 1.000 USD trong 7 năm. Trong khi đó theo thời giá năm 2003 đầu tư cho 1 KW điện gió ở nhiều nước Châu Âu cũng vào khoảng 1.000 USD. Đáng lưu ý là giá thành này giảm đều hàng năm do cải tiến công nghệ. Nếu thời gian sử dụng trung bình của mỗi trạm điện gió là 20 năm thì chi phí khấu hao cho một KWh điện gió là sẽ 14 USD. Cộng thêm chi phí thường xuyên thì tổng chi phí quản lý và vận hành sẽ nằm trong khoảng 48 – 60 USD/MWh - tương đương với thủy điện, vốn được coi là nguồn năng lượng rẻ và hiệu quả. Theo dự đoán, đến năm 2020 giá thành điện gió sẽ giảm đáng kể, chỉ khoảng 600 USD/KW, khi ấy chi phí quản lý và vận hành sẽ giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 30 USD/MWh.


Khi tính đầy đủ cả các chi phí ngoài – là những chi phí phát sinh bên cạnh những chi phí sản xuất truyền thống, thì lợi ích của việc sử dụng năng lượng gió càng trở nên rõ rệt. So với các nguồn năng lượng gây ô nhiễm (ví dụ như ở nhà máy nhiệt điện Ninh Bình) hay phải di dời quy mô lớn (các nhà máy thủy điện lớn), khi sử dụng năng lượng gió, người dân không phải chịu thiệt hại do thất thu hoa màu hay tái định cư, và họ cũng không phải chịu thêm chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm.

Ngoài ra với đặc trưng phân tán và nằm sát khu dân cư, năng lượng gió giúp tiết kiệm chi phí truyền tải. Hơn nữa, việc phát triển năng lượng gió ở cần một lực lượng lao động là các kỹ sư kỹ thuật vận hành và giám sát lớn hơn các loại hình khác, vì vậy giúp tạo thêm nhiều việc làm với kỹ năng cao.

Tại các nước Châu Âu, các nhà máy điện gió không cần đầu tư vào đất đai để xây dựng các trạm tourbin mà thuê ngay đất của nông dân. Giá thuê đất (khoảng 20% giá thành vận hành thường xuyên) giúp mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, trong khi diện tích canh tác bị ảnh hưởng không nhiều.

Tiềm năng điện gió của Việt Nam


Nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, Việt Nam có một thuận lợi cơ bản để phát triển năng lượng gió. So sánh tốc độ gió trung bình trong vùng biển Đông Việt Nam và các vùng biển lân cận cho thấy gió tại biển Đông khá mạnh và thay đổi nhiều theo mùa.

Trong chương trình đánh giá về năng lượng cho Châu Á, Ngân hàng Thế giới đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất với tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tất nhiên, để chuyển từ tiềm năng lý thuyết thành tiềm năng có thể khai thác, đến tiềm năng kỹ thuật, và cuối cùng, thành tiềm năng kinh tế là cả một câu chuyện dài; nhưng điều đó không ngăn cản việc chúng ta xem xét một cách thấu đáo tiềm năng to lớn về năng lượng gió ở Việt Nam.

Đề xuất một khu vực xây dựng điện gió cho Việt Nam


Ở Việt Nam, các khu vực có thể phát triển năng lượng gió không trải đều trên toàn bộ lãnh thổ. Với ảnh hưởng của gió mùa thì chế độ gió cũng khác nhau. Nếu ở phía bắc đèo Hải Vân thì mùa gió mạnh chủ yếu trùng với mùa gió đông bắc, trong đó các khu vực giàu tiềm năng nhất là Quảng Ninh, Quảng Bình, và Quảng Trị. Ở phần phía Nam đèo Hải Vân, mùa gió mạnh trùng với mùa gió Tây Nam, và các vùng tiềm năng nhất thuộc cao nguyên Tây Nguyên, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, và đặc biệt là khu vực ven biển của hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Theo nghiên cứu của NHTG, trên lãnh thổ Việt Nam, hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60-100m phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận). Gió vùng này không những có vận tốc trung bình lớn, mà còn có một thuận lợi khác, đó là số lượng các cơn bão khu vực ít và gió có xu thế ổn định. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển năng lượng gió. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió nam và đông nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6-7m/s, tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất 3 - 3,5 MW. Thực tế là người dân khu vực Ninh Thuận cũng đã tự chế tạo một số máy phát điện gió cỡ nhỏ nhằm mục đích thắp sáng. Ở cả hai khu vực này dân cư thưa thớt, thời tiết khô nóng, khắc nghiệt, và là những vùng dân tộc đặc biệt khó khăn của Việt Nam.

Mặc dù có nhiều thuận lợi như đã nêu trên, nhưng chúng ta cần phải lưu ý một số điểm đặc thù của năng lượng gió để có thể phát triển nó một cách có hiệu quả nhất. Nhược điểm lớn nhất của năng lượng gió là sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chế độ gió. Vì vậy khi thiết kế, cần nghiên cứu hết sức chi tiết về chế độ gió, địa hình cũng như loại gió không có các dòng rối (có ảnh hưởng không tốt đến máy phát). Cũng vì những lý do có tính phụ thuộc vào điều kiện môi trường như trên, năng lượng gió tuy ngày càng phổ biến và quan trọng nhưng không thể là nguồn năng lượng chủ lực. Tuy nhiên, khả năng kết hợp giữa điện gió và thủy điện tích năng lại mở ra cơ hội cho Việt Nam, một mặt đa dạng hóa được nguồn năng lượng trong đó kết hợp những nguồn năng truyền thống với những nguồn lượng tái tạo sạch với chi phí hợp lý; mặt khác khai thác được thế mạnh, đồng thời hạn chế của mỗi nguồn năng lượng, và tận dụng các nguồn năng lượng này trong mối quan hệ bổ sung lẫn nhau. Một điểm cần lưu ý nữa là khả năng các trạm điện gió sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn trong khi vận hành, cũng như có thể phá vỡ cảnh quan tự nhiên và có thể ảnh hưởng đến tín hiệu của các sóng vô tuyến nếu các yếu tố về kỹ thuật không được quan tâm đúng mức. Do vậy, khi xây dựng các khu điện gió cần tính toán khoảng cách hợp lý đến các khu dân cư, khu du lịch để không gây những tác động tiêu cực.

Thay cho lời kết
Nếu nhìn ra thế giới thì việc phát triển điện gió đang là một xu thế lớn, thể hiện ở mức tăng trưởng cao nhất so với các nguồn năng lượng khác. Khác với điện hạt nhân vốn cần một quy trình kỹ thuật và giám sát hết sức nghiêm ngặt, việc xây lắp điện gió không đòi hỏi quy trình khắt khe đó. Với kinh nghiệm phát triển điện gió thành công của Ấn Độ, Trung Quốc và Philippin, và với những lợi thế về mặt địa lý của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển năng lượng điện gió để đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Liệu Việt Nam có thể "đi tắt, đón đầu" trong phát triển nguồn năng lượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào các quyết sách ngày hôm nay.
--------
* TS. Vũ Thành Tự Anh – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Đàm Quang Minh – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

Đàm Quang Minh – Vũ Thành Tự An

5 Comments:

At 3:37 AM, Blogger VnGG Energy Group said...

03/04/06, Dang Bang Viet

Chao ban,

Bài viet cua bạn khá hay và xúc tích. Mình đang đợi đọc những kì tiếp theo với hy vọng có những phân tích và số liệu sâu hơn và cụ thể hơn :)
Theo mình thì Năng lượng gió có tiềm năng phát triển ở VN. Tuy nhiên, vai trò của nó như thế nào trong hệ thống năng lượng của VN thì còn phải bàn. Hiện tại thì mình chỉ cho rằng nó là nguồn phụ thêm, kiểu năng nhặt chặt bị, giải quyết nhu cầu ở cấp địa phương.
Câu hỏi mấu chốt theo mình là: công suất khả phát được bao nhiêu?
Theo mình biết thì ở nhiều nước (Đức, Đan mạch ...) người ta đã xây dựng nhiều cánh đồng phát điện gió với công suất đặt rất lớn (hàng chục nghìn MW) tuy nhiên công suất phát thực tế lại bé hơn nhiều.

Trong bài của bạn có đoạn : "Trong khi đó, ngay cả khi huy động tối đa các nguồn điện truyền thống thì sản lượng điện nội địa của chúng ta cũng chỉ đạt mức tương ứng là 165.000 GWh (năm 2020) và 208.000 GWh (năm 2030)".
Theo mình, dùng câu này để kết luận là VN thiếu điện là chưa chặt. Bởi lẽ, thiếu điện là do thiếu công suất chứ không phải thiếu sản lượng. Điện là dạng năng lượng không tích trữ được, cần bao nhiêu thì phát bấy nhiêu, lúc non tải cũng không thể phát thừa để dùng vào lúc cao điểm được.

Chào thân ái

Viet

Xin cám ơn bác chịu khó đọc và có những câu hỏi lý thú.
Tiếc rằng bài viết dài quá nên đã bị cắt gọt lại dẫn đến một số đoạn có thể bị nhầm ý :)
Về câu hỏi của của bác Việt đúng là có nhiều điểm rất chí lý, em xin giải thích thêm:
- Vấn đề công suất: năng lượng gió có tỷ suất điện năng / công suất không cao như các loại hình khác như năng lượng nguyên tử hay thủy điện, nhiệt điện do tính chất phụ thuộc vào thời tiết. Theo dự đoán đến năm 2020, điện gió sẽ chiếm 20% công suất nhưng chỉ chiếm 12% sản lượng.
- Vấn đề thiếu công suất hay thiếu sản lượng thì có lẽ là cả hai :) ngoài ra vấn đề đa dạng hóa ngành năng lượng cũng rất quan trọng. Hiện tại do mỏ khí gặp trục trặc và tổ máy 6 của nhiệt điện Phả Lại gặp trục trặc đã gây thiếu điện nghiêm trọng! Với các nhà máy cỡ lớn thì rủi ro là rất lớn trong khi đó phân tán là cách giảm rủi ro khá hiệu quả. Ngoài ra còn nhiều lợi ích về kinh tế khác nữa mà nếu viết hết ở đây sợ các bác phát ngán mất :)))
Bác nào cần thì em xin gửi bản gốc đến để các bác đọc cho vui

Thân mến, Đàm Minh

 
At 3:38 AM, Blogger VnGG Energy Group said...

The Dien NGUYEN

Chao bac Minh,

Co may loi thao luan cung bac:

De chung minh nang luong Gio uu diem hon nang luong Thuy Dien, bac chi don thuan so sanh ve ty so Gia thanh xay dung / Cong suat dien, thay Gio re Nuoc, roi ket luan Gio Dien hon Thuy Dien, toi thay khong hop ly, la vi :

Thuy Dien no khong chi don thuan la phat dien, no thuong la mot du an da muc tieu, goi la "su dung tong hop nguon nuoc" , mot du an thuy dien thuong dam nhiem dong thoi cac muc tieu sau :

Phat dien,
Tuo'i nong nghiep,
cap nuoc sinh hoat va cong nghiep,
Phong chong lu lut,
Phan phoi lai dan cu,
Cai tao lai co cau canh tac nong nghiep,
Du lich,
Thuy San, ...

Con nang luong gio ngoai phat dien ra thi khong biet co the ket hop xay tho'c (nhu kieu coi xay gio) duoc khong?

Ngoai ra Thuy dien co the phat dien cong suat lon, tai duoc dien di xa. VD, co the tai duoc dien tu Bac vao Nam, sang tan Lao Cam Pu Chia. Nang luong gio co the lam duoc nhu vay khong?

Tat nhien moi cai co uu nhuoc diem khac nhau va su dung o nhung khu vuc khac nhau.

-----------

Chào bác Diên,
Thủy điện xưa nay vẫn được coi là loại năng lượng rẻ và hiệu quả nhất nên những nỗ lực chứng minh gió rẻ hơn điện gặp nhiều khó khăn :)
Bác đã nêu thêm một số tác dụng của thủy điện lớn thì cũng cần thêm một số điểm lưu ý:
- Thủy điện lớn luôn là hiểm họa môi trường và thảm họa với các đập nước cỡ lớn
- Việc xây dựng thủy điện gây mất diện tích canh tác truyền thống của các cư dân miền núi
- Bài toán hậu thủy điện vẫn còn đang được chờ được giải đáp
- Di dân luôn để lại những hậu quả xấu nhiều hơn tốt
- ...
Trong một khuôn khổ nhỏ của bài báo và đã phải cắt bớt nên nội dung truyền tải ko được như ý tác giả. Một vấn đề cốt yếu là tiềm năng về thủy điện của Việt Nam đã được khai thác gần hết trong khi đó VN lại KHÔNG nghiên cứu đến một dạng năng lượng đang có tốc độ phát triển cao nhất hiện nay là 28% năm (trong khi Việt Nam có lợi thế).
Còn vấn đề tải điện thì thủy điện như bác nói lại là một hạn chế do lượng điện truyền tải xa sẽ hao phí lớn hơn là các mô hình phân tán dọc theo trục đất nước (đó là lý do TQ thiếu điện nhưng vẫn xuất khẩu sang VN).

Còn về tiềm năng thì tại CHLB Đức, sản lượng điện gió là 18.000 MW gần gấp đôi tổng công suất điện của VN hiện nay là 11.000MW. Có những vùng, điện gió cung cấp đến 50% sản lượng :-)

Ngoài ra với việc phân tán và đầu tư thấp, tư nhân hoàn toàn có thể tham gia thị trường điện mà không cần sự huy động đầu tư quá lớn của nhà nước từ đó xây dựng một thị trường điện lành mạnh (bài học từ Ấn Độ).

Ngoài ra còn nhiều điều có thể trao đổi, em xin trả lời bác từ từ :-)

Chúc các bác nhiều niềm vui

Thân mến, Đàm Minh

 
At 1:23 PM, Blogger VnGG Energy Group said...

Gửi các bác bài đầy đủ
http://dam.minh.googlepages.com/NLG_cho_Vietnam.doc
http://dam.minh.googlepages.com/Phattrien_NLG_the_gioi.doc

thực ra mà nói, em vẫn ủng hộ cả thủy điện cỡ lớn, nhỏ và cả điện hạt nhân. Tuy nhiên, chúng ta cần đa dạng cơ cấu và tích cực tạo môi trường để các nhà đầu tư có thể tham gia vào lĩnh vực mới mẻ này.

Thêm một ý trong việc làm thủy điện, có thể ảnh hưởng
+ thay đổi sinh thái cục bộ
+ gây động đất
+ xây xói lở chân đập (ví dụ khu vực chân đập ở Hòa Bình) và tăng cường xói lở hạ lưu do mất cân bằng trầm tích (khu vực Hải Hậu - Nam Định)

từ đó cho thấy muốn làm gì cũng cần có cái nhìn toàn diện đúng ko các bác :-)

em thấy cần xây dựng một không gian học thuật để phản biện lại xã hội, chứ em thấy nhiều dự án lãng phí kinh khủng, trong khi các đơn vị thi công thi tha hồ bôi vẽ để kiếm dự án. Chuyên môn em hạn hẹp nên chỉ thấy trong lĩnh vực của mình, hy vọng sẽ có dịp tiếp tục trao đổi tiếp với các bác.

Thân mến, Đàm Minh

 
At 3:55 PM, Blogger VnGG Energy Group said...

Ho Trong Long :

1. Trong phần "Bài toán về giá thành, có đắt như định kiến": phần này chưa tính đến chi phí bảo trì, sửa chữa các trạm điện gió. Thông thường các wind turbines có tuổi thọ không cao do các thiên tai tự nhiên như cuồng phong, lốc xoáy, bão, sấm sét….
Các vùng có tiềm năng điện gió ở Việt Nam như Ninh Thuận, Bình Thuận đều có từ 7-10 cơn bão lớn mỗi năm, chưa kể đến khả năng sạt lở đất rất hay xảy ra ở những vùng đồi núi. Như vậy, trong phần này mới chỉ nói một chiều về điện gió, chưa so sánh thuyết phục với thủy điện hay nhiệt điện, và chưa xét đến những chi phí bảo trì, sửa chữa và rủi ro do thiên
tai, trong khi những chi phí này cao hơn thủy điện rất nhiều.

2. Phần "Góc nhìn từ lợi ích môi trường và xã hội", về xã hội: mình có một băn khoăn là thực tế nhà máy thủy điện và cánh đồng điện gió (wind farm), cái nào cần nhiều diện tích đất đai hơn? vấn đề này liên quan đến việc đền bù, di dời và làm mất đi diện tích đất canh tác truyền thống.

Về môi trường, bài báo chỉ nói đến ưu điểm mà chưa nói đến nhược điểm của điện gió như tiếng ồn, sự nhiễu sóng điện từ, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và cân bằng môi trường sinh thái (trong bài viết của Chương có đề cập đến vấn đề này).

3. Theo mình nghĩ nếu đặt mục tiêu của bài báo để chứng minh điện gió là kinh tế nhất ("chi phí gần như tương đương với thủy điện được coi là rẻ nhất và giá thành sẽ giảm đều hàng năm do cải tiến công nghệ") và ưu điểm vượt trội hơn các loại năng lượng khác ("thân thiện nhất với môi trường và ít gây ảnh hưởng xấu đến xã hội nhất" và sau đó là phân tích nhược điểm của các loại năng lượng khác mà không nói đến nhược điểm của điện gió) là chưa thật sự thuyết phục.

4. Đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm rủi ro trong an ninh năng lượng và tích cực tạo môi trường đầu tư là mục tiêu của bài báo cần làm nổi bật. Với những khó khăn về năng lượng như hiện tại thì vấn đề tìm kiếm một nguồn năng lượng mới sạch và thân thiện để bổ sung là rất cần thiết. Điện gió ở Việt nam không những rất có tiềm năng mà còn có thể bổ sung cho thủy điện (là nguồn năng lượng chủ yếu hiện nay) vào những mùa khô hoặc thiếu nước do nhiều nguyên nhân. Tiêu đề của bài báo là: "năng lượng gió cho VN, tại sao không?", tức là chỉ dừng lại ở
mức độ xới lên vấn đề là rất hay. :-))

Sorry thư đến muộn nhé.
Chúc vui.

Long.

---------------


1. Nếu không tính chi phí vận hành thì năng lượng gió không mất tiền :-) hihi, chi phí vận hành chủ yếu bao gồm bảo hiểm, thuê đất, bảo dưỡng định kỳ, ... trong đó có tiền bảo hiểm sẽ chịu khi gặp trường hợp rủi ro như anh nêu

2. Tại các nước phát triển điện gió, thay vì quy hoạch một vùng rộng lớn để làm các khu điện gió (windfarm) thì họ thuê đất của nông dân, diện tích không lớn mà nông dân lại có thêm thu nhập. Trung Quốc xây dựng tại các khu sa mạc Nội Mông, ... Tại sao Việt Nam không xây trên các đồi cát trồng điều khu Nam Trung Bộ :-) hoặc các khu rừng cây bụi thấp ở Ninh Thuận, chắc không phí đất canh tác và sinh sống nhiều như thủy điện đâu

3. Vấn đề này còn tiếp tục và sẽ được nêu chi tiết hơn khi bắt tay vào thực tế, em có điểm danh qua các khó khăn trong bài viết mới nhất

4. Đúng như anh Long nói, em mới chỉ cày xới mang tính đánh động thôi, cần những nghiên cứu nghiêm túc hơn. Một điều đáng lưu ý là theo dự đoán thì đến năm 2030, điện gió châu Âu sẽ đứng hàng thứ 3 chiếm 20% sau nhiệt điện và thủy điện trên cả năng lượng hạt nhân :-)

Thân mến,
Đàm Minh

 
At 3:57 PM, Blogger VnGG Energy Group said...

Hi các bác,

Cám ơn bác Minh đã gửi bản đầy đủ cho tôi. Bài trên báo thiếu nhiều chỗ nên ý tứ bị lệch đi nhiều. Àh, nhưng mà bác vẫn phải để ý chỗ "thiếu công suất và thiếu sản lượng" đấy Người ta nói thiếu điện luôn ngầm hiểu làm thiếu công suất chứ không ai nói là thiếu sản lượng đâu. Không biết bác trích từ nguồn nào của EVN.

Hôm trước thấy bác Đào Văn Hưng, tổng giám đốc EVN, phát biểu về kế hoạch xây dựng các nhà máy điện ở VN thấy hoành tráng phết (tổng CS hiện nay khoảng 10.000MW, đến 2015 dự kiến là 42.000MW, 2020 là 62.000MW, 2025 là 89.000MW) nhưng không hiểu thực hiện được đến đâu? Chắc đấy chỉ là kịch bản cao trong quy hoạch thôi. Khối lượng công việc từng đấy cũng khá lớn với EVN.

Ý bác Minh muốn để tư nhân phát triển loại năng lượng này. Tôi thấy EVN có cấm đâu, kể cả các dạng nhà máy khác như thuỷ điện nhỏ đều khuyến khích tư nhân đầu tư đấy chứ ... Nhưng có điều lưới điện là của EVN, lại muốn cạnh tranh với EVN thì chắc chắn bị xử ép rồi Ngoài ra, việc hiện tại EVN chỉ tập trung phát triển mạnh phần nguồn truyền thống còn có thể là do cạnh tranh với các tổng công ty khác nữa (TCTy Than, TCTy xây dựng sông đà) vì những công ty này đều có khả năng xây nhà máy điện. Mà thằng nào xây trước là của thằng đấy.

Ở cái thời buổi năng lượng khan hiếm thế này các bác không cần tranh cãi gió hay thuỷ điện tốt hơn Năng lượng nguyên tử còn chơi thì nhằm nhò gì mấy thứ còn lại. Quan trọng là cần xác định chính xác tiêm năng của từng loại thôi.


Việt

 

Post a Comment

<< Home