Sunday, April 09, 2006

Mô thức an ninh hạt nhân thế giới đang phá sản?


TTCT - Không chỉ Bắc Triều Tiên, Iran ngày hôm nay, rồi sẽ còn nhiều nước cũng đòi phát triển vũ khí hạt nhân (VKHN) để tự vệ trong thế giới bất trắc hiện nay. Liệu TNP (Hiệp ước không phổ biến VKHN) còn đứng vững như một công cụ điều giải khi bản thân chứa đựng nhiều bất hợp lý, bất bình đẳng?

Sau hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima ngày 6-8-1945 và Nagasaki ngày 9-8-1945 (giết chết ngay 80.000 người và 70.000 người sau vụ nổ), thế giới đã bước vào kỷ nguyên nguyên tử. Cho đến nay gần 61 năm, loài người vẫn không biết làm sao thoát khỏi nó. Và may thay, cho đến giờ một nền hòa bình hạt nhân đã đạt được, cho dù từ 1945 đến nay, từ chỗ chỉ có một số quốc gia với 2-3 quả bom nguyên tử thì đến giờ đã có 10 quốc gia với 11.000 VKHN các loại, chi phí mỗi năm đến hàng chục tỉ USD.

Thật ra, trong thành quả duy trì hòa bình hạt nhân đó, phải nói đến vai trò của Liên Xô (cũ), quốc gia thứ hai có bom hạt nhân sau Mỹ (1949), tạo được đối trọng trong cuộc chạy đua vũ trang ráo riết ngay sau Thế chiến thứ hai, chính Liên Xô đã tạo được thế “cầm chân mã” cần thiết.

Chỉ sau hơn 10 năm vụ nổ ở Hiroshima, đã có năm nước có bom hạt nhân: Mỹ, Liên Xô, Pháp, Anh, Trung Quốc. Thế “cầm chân mã” giữa hai siêu cường đứng đầu hai khối không còn đủ an toàn cho nền hòa bình hạt nhân, và một mô thức mới ra đời: “Hiệp ước không phổ biến VKHN” gọi tắt là “Hiệp ước chống phổ biến” (Traité de non - prolifération, TNP) ký năm 1968 và có hiệu lực năm 1970. Hiệp ước được ký giữa một bên là năm nước được coi về mặt pháp lý có quyền có VKHN (Mỹ, Liên Xô, Pháp, Anh, Trung Quốc) và bên kia là 183 nước cam kết không tìm cách có nó, và đánh đổi lại họ được những nước trên giúp đỡ phát triển các ứng dụng dân sự của hạt nhân.

Còn có nhóm nước thứ ba: những nước không ký vào hiệp ước (Ân Độ, Pakistan, Israel) là các nước cũng đã có được VKHN. Họ không vì thế mà bị coi là ngoài vòng pháp luật vì họ không có cam kết gì với cộng đồng quốc tế cả.

Nhưng trên thực tế, hiệp ước trên không mấy được tôn trọng và thực hiện. “Không phổ biến” có thể bị hiểu như không nhất thiết đòi hỏi tài giảm (désarmement) mà chỉ có nghĩa không phổ biến những hiểu biết chế tạo hạt nhân cùng những trang bị nguyên liệu phức tạp trong lĩnh vực này. Nên dù có những cam kết song phương giữa Liên Xô - và sau này là Nga - số lượng VKHN cắt giảm vẫn không đáng kể so với mức họ nắm giữ.

Năm 2003, Mỹ và Nga cam kết sẽ đưa kho VKHN của họ xuống còn 1.700 (Mỹ) và 2.200 (Nga) đơn vị, đến 31-12-2012. (Matxcơva khẳng định cuối 2001 họ chỉ còn 1.136 bệ phóng và 5.518 đầu đạn hạt nhân. Washington thì chỉ nói cắt giảm được “hai phần ba” trong số 10.315 đầu đạn hạt nhân, và rằng Bush muốn có được nhiều bom mini có khả năng hủy diệt các căn cứ ngầm dưới đất hơn và có thể sử dụng trên chiến trường. Người Anh thì bám giữ vào bốn chiếc tàu ngầm nguyên tử Trident, được trang bị mỗi tàu 48 đầu đạn. Trung Quốc đã có đến 400 bom hoạt động và hầu như không cắt giảm chút gì. Còn Pháp, mức cắt giảm không đáng kể, tuyên bố “cần bảo toàn quyền lợi sống còn”).

Cho đến nay, năm cường quốc hạt nhân còn giữ 18.500 đầu đạn hạt nhân trong tay họ (theo Libération, 6 và 7-8-2005). Không những thế họ còn có xu hướng giúp ngầm cho một số nước khối 2 và 3 hợp pháp hóa việc có VKHN. Năm rồi Mỹ đã thỏa thuận hợp tác với Ân Độ về hạt nhân dân sự, mặc nhiên thừa nhận quyền có VKHN của nước ở khối không ký TNP này. Việc Nga muốn hợp tác với Iran hiện nay cũng nằm trong xu hướng đó?

Còn sự vi phạm trong số đông đảo các nước ký kết TNP, cam kết không tìm cách có được bom hạt nhân và chịu sự kiểm soát của IAEA (Cơ quan quốc tế về năng lượng, thành lập năm 1957 thuộc Liên Hiệp Quốc)?

Ở đây, cần thừa nhận một sự thật là việc phổ biến khó lòng được chặn đứng khi mà VKHN được xem như một bảo đảm sống còn cho các dân tộc tin rằng sự tồn tại của họ bị đe dọa. Vậy là sự vi phạm ở khối nước nhóm 2 đã xảy ra dựa trên chính điều được hứa có quyền thụ hưởng là được phát triển “hạt nhân dân sự”. Nhưng đường ranh “dân sự” - “quân sự” thật dễ dàng vượt qua, khó được kiểm soát hữu hiệu. Ngoài ra ở đây còn có vấn đề bình đẳng trong quan hệ pháp lý quốc tế và vấn đề đạo lý.

Khi TNP ra đời, các nước ký kết, dù thuộc nhóm nào, đều có lý do hài lòng: năm “ông lớn” hạt nhân - những người tán thành giải trừ quân bị - thì thấy TNP là một thành công lớn, do nó tạo được một hàng rào chính trị và pháp lý cho việc không phổ biến VKHN. Đối với các cường quốc tầm vóc nhỏ hơn, TNP cũng là một công cụ tốt: các nước lớn hạt nhân cam kết một mặt giảm rồi thủ tiêu hẳn có kỳ hạn kho VKHN, đồng thời giúp đỡ các nước không có VKHN tiếp cận với những ứng dụng hạt nhân hòa bình.

Khối các nước này coi quyền được sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình là hòn đá tảng của TNP. Nhưng nay, sau 35 năm TNP có hiệu lực, Mỹ là nước hơn ai hết muốn sửa đổi TNP theo hướng có lợi cho Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm TNP đi vào hiệu lực (1970-2005), ông Bush kêu gọi các nước ký kết hãy lấp đi các khiếm khuyết đã cho phép một số quốc gia sản xuất ra những thiết bị có khả năng chế tạo những quả bom dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự; bên cạnh hai loại nước trong TNP - có bom và không có bom nhưng được phát triển hạt nhân dân sự, cần ấn định một loại mới gồm các nước không có bom nhưng cũng không được phát triển chương trình hạt nhân dân sự (có vẻ muốn nhắm đến trường hợp Iran).

Hội nghị “xét lại” TNP đã được diễn ra vào tháng 5-2005. Những nước không có VKHN than phiền mạnh mẽ các đại gia hạt nhân - trước tiên là Mỹ - chỉ làm chiếu lệ việc giải trừ VKHN. Trong khi đó, điều mà Mỹ mưu cầu ở hội nghị này (áp đặt được việc tạo ra loại nước mới nêu trên) đã không thành, do không được sự đồng tình của IAEA. Một số nước đã phát biểu là việc Mỹ xâm lược Iraq càng thúc đẩy nhiều nước tìm cách có được khả năng phòng vệ hạt nhân bằng mọi giá và TNP không đáp ứng cho điều lo sợ trên. Cũng có ý kiến cho rằng không khéo việc xem xét lại TNP lại đẩy nhanh cái chết của nó.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran có vẻ không dễ dàn xếp, vì đằng sau đó là tham vọng chính trị lớn của Mỹ ở Trung Đông mà sự tồn tại của Iran như hiện nay là một trở lực lớn. Xét rộng hơn, vấn đề an ninh hạt nhân thế giới đang trở nên cực nóng tại khu vực vốn thường xuyên nóng bỏng này của thế giới, được gắn chặt với chuyển động địa - chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Cho đến nay, với hai điểm nóng an ninh hạt nhân là Bắc Triều Tiên và Iran, cộng đồng thế giới còn phải dựa vào công cụ điều giải hình thành từ thời điểm chiến tranh lạnh là TNP. Nhưng rồi những chuyển động của bức tranh địa chính trị thế giới - với những điểm nóng mới không chỉ ở Trung Đông và Bắc Á - TNP khó lòng tránh khỏi phá sản trước nhu cầu về một mô thức an ninh hạt nhân thế giới mới hữu hiệu.

Trong khi số nước mưu cầu để có VKHN có giảm (Iraq của Saddam Hussein sau chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Libya sau ký kết với Mỹ 12-2003, Nam Phi sau sụp đổ của apartheid đã tháo dỡ sáu VKHN, Ukraine tự nguyện phi hạt nhân hóa) thì xu thế chung vẫn là ngày một thêm nhiều nước đang muốn “phá cửa xông vào” câu lạc bộ những nước thủ đắc thứ vũ khí phòng vệ lợi hại này. Ngoài Bắc Triều Tiên và Iran, có thể sẽ có Hàn Quốc trong trường hợp Bắc Triều Tiên và Nhật Bản cũng có VKHN, Đài Loan, Ai Cập, Algerie, Saudi Arabia, Brazil...

Trong hội nghị xét lại TNP giữa năm rồi đã dấy lên cuộc tranh luận quanh một luận điểm được một vị giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Colombia (Mỹ) đưa ra: nên chăng khuyến khích việc phổ biến VKHN? Nghe như điều thật nghịch lý, nhưng nghĩ kỹ cũng có logic của nó: với nước yếu, đối phó với sự đe dọa của kẻ mạnh thì không gì lợi hại hơn là sự dọa đáp trả hạt nhân.

Và khi VKHN có được trong tầm tay của mọi nước thì cuối cùng mối đe dọa hạt nhân cũng triệt tiêu. Ngay những ý kiến phản bác quan điểm trên cũng chỉ đưa ra được những lý do rất phụ, như nguy cơ chủ nghĩa khủng bố... Phải chăng chính việc hạt nhân hóa hành tinh lại là mô thức mới đang cần có cho an ninh hạt nhân ở thế kỷ 21 này?

Một nhân tố mới, tuy không liên quan trực tiếp vấn đề an ninh hạt nhân, mà từ một vấn nạn khác là cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2005 (và có thể cả sau này) có khả năng làm phức tạp thêm tình hình an ninh hạt nhân: sự phục hồi của các chương trình phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình trên khắp thế giới. Các chương trình đó từng có ở nhiều nước, nhưng rồi bị xếp lại do có khó khăn trong sự thuyết phục cộng đồng dân cư.

LÊ KHẮC THÀNH

0 Comments:

Post a Comment

<< Home