Khai thác dầu diesel từ cây
Khai thác dầu diesel từ cây
Cây dầu mỏ được trưng bày tại Techmart Hòa Bình 2006 |
Trên thế giới, đã có nhiều nước phát triển cây dầu diesel từ rất sớm, nhưng ở nước ta phải đến năm 2001, các nhà khoa học thuộc Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên TP.HCM (Viện Khoa học và Công nghệ VN) mới chính thức bắt tay vào nghiên cứu, tuyển chọn giống cây triển vọng này.
Ở đâu cũng sống được
TS Lê Võ Định Tường - tác giả công trình nghiên cứu cho biết: "Diesel là một loại cây dầu có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ. Ở VN, loại cây này cũng đã mọc lác đác ở một số nơi, song chưa thành hệ thống và các giống chưa được phân lập, tuyển chọn".
Cây diesel cao khoảng 1-5m, thân mọng nước rất khó cháy nên không gây cháy rừng mà còn có thể làm hàng rào ngăn lửa. Các loại gia súc, chuột... rất sợ mùi của cây nên ít bị chúng phá hại. Cây ít bị sâu bệnh, có đặc tính chịu hạn rất cao, có thể mọc ở nơi chỉ có 250 mm mưa/năm, thậm chí có thể sống trong điều kiện khô hạn kéo dài 8-9 tháng.
Cây diesel sống thích hợp với đất cát và có thể mọc ở nhiều loại đất khác, kể cả đất sỏi đá và nhiễm mặn. Kỹ thuật trồng cây rất đơn giản, có thể trồng bằng hạt hay thân. Để tận dụng đất đai và tăng sản phẩm, có thể trồng xen với các cây trồng khác như: gừng, nghệ, keo, bạch đàn...
Cây có thời gian sinh trưởng rất nhanh, sau 1 năm có thể cho quả, đến 5 năm cho năng suất cao và sống tới 50-60 năm.
Hiện, các nhà khoa học đã phân lập ra được hai chủng cây là chủng không độc (dùng làm thức ăn cho gia súc, nhưng vẫn lấy dầu được) và chủng độc (chuyên lấy dầu). Đối với cây lấy dầu, tỷ lệ dầu đạt từ 31-37%, ép cho 1-3 tấn diesel sinh học/ha.
Theo TS Tường, dầu ép từ cây không cần chế biến phức tạp có thể dùng thẳng cho các động cơ diesel, không phải thay đổi gì về máy móc, hơn nữa nó còn làm tăng tuổi thọ của động cơ.
Triển vọng phủ xanh đất trống, đồi trọc
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có tới trên 9,3 triệu ha đất hoang hóa, trong đó có 7,55 triệu ha đang chịu tác động mạnh của sa mạc hóa, diện tích còn lại chủ yếu là các bãi cát di động, đất bị xói mòn nặng, đất nhiễm phèn, mặn, đất khô hạn theo mùa hoặc vĩnh viễn, cùng hàng chục triệu ha đất trồng không có hiệu quả kinh tế. Trồng cây diesel trên các vùng đất này sẽ có tác dụng chống xói mòn, cát bay, tăng độ ẩm cho môi trường, tăng dự trữ nước, cải tạo cho đất rất tốt, lá cây khô rụng nuôi giun, tăng độ mùn cho đất.
TS Lê Võ Định Tường cho biết thêm: "Trước mắt, chúng tôi đã sản xuất thử nghiệm trên diện tích hơn 30 ha cây giống ở Nha Trang và Bình Thuận. Bước đầu, cây đã cho thu hoạch với năng suất đạt 10 tấn giống/ha và tổng lượng giống ở đây sẽ đáp ứng đủ để trồng cho khoảng trên 100.000 ha". Theo tính toán, với năng suất trung bình khoảng 12 tấn quả/ha, cây dầu diesel có thể cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong việc nhân rộng diện tích trồng cây diesel là thiếu kinh phí. Do đó, các nhà khoa học của Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên TP.HCM đang rất hy vọng được các công ty, doanh nghiệp cùng bắt tay hợp tác. Đối với các hộ nông dân, Phân viện sẵn sàng cung cấp giống với giá rẻ và bao tiêu sản phẩm cho bà con, đồng thời cung cấp luôn cả các loại máy ép dầu diesel với quy mô từ hộ gia đình đến nhà máy.
Một số sản phẩm chính từ cây dầu diesel: Dầu diesel sinh học (1.000-3.000 lít/ha). Vỏ quả, thân, lá có thể sản xuất biogas, phân hữu cơ, làm thức ăn gia súc, tôm, cá... Cũng từ lá, vỏ, thân, rễ và dầu ép có thể sản xuất nhiều hóa chất mầu, glycerin, thuốc chữa bệnh (nhuận tràng, xổ tẩy, cầm máu (nhựa), trĩ, phù, rắn cắn (rễ), thuốc sốt rét (lá). Thân khô làm củi. Ngọn non dùng làm rau xanh, lá có thể nuôi một loạt tằm cho tơ. Cây có thể thả nuôi cánh kiến...
Theo Nông thôn ngày nay
0 Comments:
Post a Comment
<< Home