Saturday, August 19, 2006

Thủy điện tư nhân đầu tiên

Một người dũng cảm

TTCT - Từ 44 năm nay, có một người đã lặng lẽ dành cả trái tim và khối óc của mình để làm nên ánh điện thắp sáng cho những vùng đất mới và những buôn làng xa xôi hẻo lánh. Và hôm nay, cái nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên do chính ông xây dựng cũng bắt đầu từ niềm đam mê kỳ lạ ấy... Con người ấy là Nguyễn Quyền, năm nay 66 tuổi.

Từ TP Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 26 đến trung tâm huyện M'Đrăk mất khoảng 90km. Từ thị trấn nhỏ nghèo nàn nằm giáp ranh Phú Yên và Khánh Hòa, theo tỉnh lộ 693 đi thêm khoảng 20km nữa mới đến xã Ea Mđoan.

Đi sâu vào hướng núi, từ đằng xa mới bắt đầu thấy thấp thoáng tuyến kênh và đường ống xiphông khổng lồ nằm vắt ngang mấy triền đồi ràn rạt gió. Băng qua dãy nhà chuyên gia và dãy nhà nghỉ khang trang của công nhân, vòng thêm mấy con dốc quanh co khúc khuỷu nữa, nhà máy thủy điện của ông Nguyễn Quyền hiện ra dưới chân đồi.

Một đời với thủy điện

Ông Nguyễn Đức Trọng, phó giám đốc Sở Điện lực Đắc Lắc:

“Đắc Nông, Đắc Lắc... có rất nhiều tiềm năng về thủy điện. Có chủ trương của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho những người như ông Quyền làm ra điện để cùng tham gia cung cấp điện vào mạng lưới quốc gia.

Với tôi, ông Quyền là một con người dũng cảm thật sự, một người có năng lực thật sự, chỉ có con người ấy mới dám đứng ở đầu tàu để làm những chuyện thế này”.

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1962, ông được điều về công tác ở Lào Cai. Từ ngày ấy, cuộc đời của ông đã gắn bó với không biết bao nhiêu công trình thủy điện lớn nhỏ ở những bản làng người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc và Tây nguyên.

Từ công trình thủy điện Cốc San, công trình thủy điện 68 cấp điện cho cả thị xã Lào Cai và một phần mỏ apatit Cam Đường, giảm bớt nhiều lượng than mà từng đoàn tàu hằng ngày từ Quảng Ninh vượt núi băng rừng chở lên làm điện... đến hàng chục công trình thủy điện lớn nhỏ ở Tây nguyên và nhiều vùng lân cận như Ea H'Leo, Quảng Sơn, Đắc Nông, Ea Súp, trung đoàn 53, trại giam Sông Cái, Z30D, Z30C, Phan Rang, Nông trường cao su Phú Riềng (Sông Bé)..., cái tên Nguyễn Quyền cũng nổi tiếng khắp nơi trong ngành “dọc”, từ địa phương tới trung ương.

Đầu những năm 1980, khi phòng thiết kế của Sở NN&PTNT được nâng cấp thành Công ty khảo sát thiết kế thủy lợi thủy điện, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc, rồi giám đốc.

Nhận xét về người thuộc cấp này, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc, ông Phan Mưu Bính, nói đây là một trường hợp khá đặc biệt vì ít có ông giám đốc nào “không đảng phái” được cất nhắc mạnh tay như vậy. “Chúng tôi tin tưởng bởi vì đó là một con người làm nhiều hơn nói”. Thật ra đã rất nhiều lần ông được đề nghị kết nạp vào Đảng, nhưng tất cả hồ sơ cứ về đến quê là bị “tắc”. Chút lận đận này trong cuộc đời được ông kể lại chỉ gợn một chút tiếc nuối thoáng qua.

Ông sinh ở Hà Tĩnh. Bố ông là Nguyễn Quát vốn học Trường Bưởi, sau đó học luật và được bổ làm tri phủ Nghệ An từ lúc còn rất trẻ; sau Cách mạng Tháng Tám là hiệu trưởng Trường Trần Phú, Trường Phan Đình Phùng, rồi phó trưởng Ty giáo dục Hà Tĩnh, giáo sư ngoại ngữ của Trường ĐHSP Hà Nội, người đã có công rất lớn trong việc biên soạn cuốn Từ điển Pháp - Việt của UBKHXH VN.

Thủy điện tư nhân đầu tiên

Năm 2003 Nhà nước chính thức cho phép tư nhân tham gia làm thủy điện. Bao năm bám trụ khắp Tây nguyên, ông rành rẽ từng con suối ngọn thác. Dự án công trình thủy điện Krông Hin của ông ra đời. Ông hết vào Nam ra Bắc, cuối cùng dự án trị giá đến 102,625 tỉ đồng này cũng đã được duyệt.

Các dự án thủy điện được ưu đãi đầu tư (chỉ sau trồng rừng) nên ông được tỉnh tạo điều kiện khai thác mặt bằng, không phải trả tiền thuê đất, công trình đi đến đâu thì làm công tác đền bù giải tỏa với các đơn vị và địa phương tới đó. Ông nói tưởng đơn giản nhưng cũng không lắm gian nan. Gọi là rừng nhưng chỉ cần một mét dây điện chạy qua một rẫy sắn cũng phải đến nhà từng người dân thương lượng, và muốn mọi chuyện nhanh chóng suôn sẻ lúc nào cũng phải biết vui vẻ nhận thêm ít phần thiệt về mình.

Vay được của ngân hàng 40 tỉ đồng, gom hết vốn liếng tiền bạc của công ty, ông cầm thêm bốn cái nhà, tính cả ba cái nhà của con cái từ Buôn Ma Thuột cho đến Đà Nẵng, Sài Gòn và huy động, kêu gọi “đầu tư” của anh em họ hàng, người thân người quen từ Nam chí Bắc: “Nhiều lúc tiền vốn kẹt cứng cả tuần liền ở ngân hàng, may mắn là người thân của mình ai cũng tin tưởng, chính họ phải cầm cố nhà cửa vườn tược để vay tiền cho tôi mượn... Đó cũng chính là một động lực giúp tôi vượt qua khó khăn để đi tới cùng công việc”.

Nhà máy thủy điện Krông Hin
Nằm ở đầu nguồn con suối Ea Krông Hin nơi có nhiều ghềnh thác và bốn mùa dào dạt nước, thủy điện Krông Hin nằm xen giữa thung lũng rừng dưới chân núi Vọng Phu, cách ranh giới tỉnh Phú Yên khoảng 5km và ranh giới tỉnh Khánh Hòa chưa đầy 10km. Tất cả sắt thép máy móc được đưa về từ Sài Gòn, vật liệu thô thì chở lên từ Nha Trang.

Để tiết kiệm tiền bạc, ông chế tạo hẳn một máy cuốn thép, mua thép về sản xuất hơn 2.000m ống áp lực đường kính gần 2m ngay tại công trường thay vì phải chở từng ống (mỗi ống phải mất một xe tải) từ TP.HCM về.

Mùa nắng thì đối diện với nắng với gió, mùa mưa ở rừng thì càng kinh khủng, nhiều khi mưa cả tháng trời không thấy được mặt trời. Anh Tuấn, kỹ sư xây dựng của công trình, kể mới lên nhìn rừng núi hoang vu ai cũng hãi, đèo dốc thăm thẳm, trơn trượt, anh em toàn mặc áo mưa dầm mình mà làm, đêm về bít kín cả lán trại nhưng vẫn rét thấu xương...

Gần hai năm trời quần quật, có lúc công ty phải huy động cả 500-600 nhân công đào mương, đắp đập, phá mìn bạt núi lấy mặt bằng xây nhà máy. Những đường ống xiphông khổng lồ, đường kính 1,6m, dày 14 li, nặng 3-3,5 tấn phải vận chuyển, lắp ráp qua từng con dốc cao và dài hun hút...

Bạt rừng mà đi, từ đập chính ngăn suối trên núi, đoạn kênh 1km đưa nước tới hồ trung chuyển rộng 20ha rồi theo đường ống xiphông dẫn nước dài đến 1.600m (dài nhất trong số những công trình thủy điện ở VN) băng qua thung lũng theo 2km kênh dẫn đưa nước qua đường ống áp lực dài 500m xuống nhà máy... Ông đi như con thoi từ thành phố Buôn Ma Thuột tới công trình, thường xuyên 4 giờ sáng đã khởi hành để kịp có mặt ở công trường lúc... 6 giờ, những ngày lắp đường ống, đổ bêtông mặt bằng... thì ông cắm trại tại chỗ, một bước không rời...

Trạm đấu nối với mạng lưới điện quốc gia cách nhà máy 17km
Công trình thủy điện Krông Hin cuối cùng cũng hoàn thành với cột nước thiết kế 124m, công suất 5.000kWh, đủ 1/4 số lượng điện cung cấp cho cả tỉnh Đắc Lắc. Ngày 17-7-2006, không kèn không trống, đường dây điện 35kW của thủy điện đã chính thức hòa vào mạng lưới điện quốc gia ở điểm đấu nối cách nhà máy đúng 17km.

Đứng trước chỉ số sản lượng điện chạy thử là 700.000kWh, ông cười xòa: “Thì tôi có làm gì đâu, hiện ở đây vẫn còn là mùa khô, hai máy chỉ mới thay phiên nhau chạy thử, giá bán điện thỏa thuận vẫn còn chờ những thủ tục cuối cùng”...

Dự kiến mỗi năm sản xuất được từ 25-30 triệu kWh, với giá bán điện cho Tổng công ty Điện lực VN từ 585-600 đồng/kW, ông tính toán từ 8-10 năm sẽ thu hồi toàn bộ vốn. Và không chỉ cung cấp điện, thủy điện Krông Hin còn cung cấp nước tưới cho hơn 530ha cà phê của Nông trường 715C cũng như nước sinh hoạt, cải tạo đời sống công ăn việc làm cho đồng bào địa phương, nhất là hai xã Ea M'Đoal và Cư Króa bên cạnh...

Và đó có lẽ cũng chưa là điểm để dừng lại, bởi ông còn đang tiếp tục đầu tư thiết kế hai thủy điện khác, trong đó dự án thủy điện Đăk Pri ở Đắc Nông với công suất 10.000kWh, chi phí đầu tư khoảng 200 tỉ đồng đã được Bộ Công nghiệp ký duyệt.

Bây giờ cũng vậy, trong hai phòng làm việc của ông, một ngay trong phòng ngủ ở căn nhà cũ kỹ tại Buôn Ma Thuột và một ở phòng nghỉ khu tập thể giữa rừng, bao giờ cũng là chiếc máy vi tính với hàng núi hồ sơ bản thảo các công trình. Không rượu chè thuốc lá, niềm đam mê của ông từ xưa còn là việc chụp và làm ảnh. Ông vốn mê nhạc cổ điển, mê sách văn học và bây giờ còn có thêm thú xem và sưu tầm phim.

Trong cái tủ gỗ vốn để đựng quần áo của ông giám đốc ở giữa rừng còn có đến gần cả ngàn đĩa phim đủ loại. Với người cộng sự đã theo ông đến hàng chục công trình từ lúc còn làm nhà nước đến làm tư là KS Bùi Văn Hùng, ông đã tự tay lập từng bản vẽ, bản thiết kế, gõ từng chữ từ A-Z trên bản thuyết minh....

Những ngày ngắn ngủi sục sạo ở vùng đất này, tiếp xúc với nhiều người, chúng tôi còn biết một thông tin thú vị: từ lúc thấy ông Quyền bỏ vốn liếng lao vào đầu tư thủy điện cho riêng mình, không ít công ty tư nhân và người dân ở vùng đất Tây nguyên này cũng nhìn ra một tiềm năng lớn trong việc đầu tư làm thủy điện.

Nhiều người đã và đang tìm tới Công ty Mêkông của ông Quyền, nhờ ông khảo sát tìm nơi chốn, đặt hàng làm dự án, thậm chí đã có dự án của một công ty tư nhân đầu tư với công suất cả 10.000kWh, nhiều dự án chỉ còn chờ một vài thủ tục cuối cùng để đưa vào xây dựng.

HOÀI TRANG

0 Comments:

Post a Comment

<< Home