Saturday, August 19, 2006

Nguyên nhân thật sự của việc tăng giá xăng dầu?

Nguyên nhân thật sự của việc tăng giá xăng dầu?

TTCT - Theo giải thích của Chính phủ, việc tăng giá xăng dầu lần này là để giải quyết một phần tác động của giá xăng dầu thế giới; để hạn chế chênh lệch giá các mặt hàng này với các nước láng giềng và buôn lậu qua biên giới; để ngân sách NN cũng bớt một phần bù lỗ.

Nhưng nếu nói cho dễ hiểu và cụ thể hơn thì đó là người dân phải có trách nhiệm chia sẻ với Nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về các khoản lỗ do giá xăng dầu thế giới tăng cao. Có thật sự hoàn toàn là do giá xăng dầu thế giới tăng làm giá xăng dầu trong nước tăng theo?

Tăng trưởng kinh tế có đáng để bị kìm hãm và người dân có đáng phải gánh chịu những thiệt hại do giá xăng dầu tăng từ những bất cập mà chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được hay không?

Giá xăng dầu liên tục bất ổn trong nhiều năm qua do những diễn biến quá phức tạp từ tình hình chính trị ở các quốc gia sản xuất dầu hỏa. Nếu là một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bình thường trong một môi trường cạnh tranh như ở các nước có nền kinh tế thị trường, một trong những giải pháp mà họ buộc phải tính đến là bằng mọi giá phải kiểm soát cho bằng được giá xăng dầu thông qua các hợp đồng kỳ hạn hoặc giao sau bất kể các diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới.

Để đảm bảo kiểm soát được mức giá trong kinh doanh, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không còn cách nào khác là phải tham gia các hợp đồng kỳ hạn thế giới trong thời hạn là một năm (hoặc hơn nữa) với một mức giá đã được cố định sẵn, ví dụ 70 USD/thùng chẳng hạn.

Nguyên nhân thật sự của giá xăng dầu trong nước ở mức quá cao?

Điều này có nghĩa là nếu như sau đó giá dầu thế giới có tăng lên 80 USD/thùng thì các doanh nghiệp cũng vẫn mua được với mức giá đã được cố định trước là 70 USD/thùng. Chính phủ hoàn toàn có thể buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở nước ta thực hiện các giao dịch “chốt giá xăng dầu” trên thị trường kỳ hạn hoặc giao sau theo cách như thế.

Giá xăng dầu bán ra vì vậy vẫn không thay đổi so với dự kiến ngay từ thời điểm Chính phủ lên các kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế và người lao động, cũng như nền kinh tế không phải oằn vai với gánh nặng giá xăng dầu.

Đơn giản quá, thế nhưng tại sao các lợi ích hiển nhiên như trên lại không được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện?

Quá dễ hiểu, đó là nếu như thực hiện các giao dịch trên thị trường kỳ hạn, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chịu một rủi ro do giá xăng dầu thế giới giảm thấp. Ví dụ nếu giá giảm xuống còn 68 USD/thùng, các doanh nghiệp vẫn phải mua với giá đã chốt trước đó là 70 USD/thùng, lỗ 2 USD/thùng.

Cần lưu ý trong những trường hợp giá giảm như thế, các doanh nghiệp trên thế giới không gọi đó là lỗ và rủi ro, bởi mục tiêu quan trọng nhất mà họ đạt được khi tham gia thị trường này là chủ động được mức giá kỳ vọng 70 USD/thùng, bất kể giá lên hay xuống. Mức giá mục tiêu đã được chốt lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì không ai gọi là lỗ hoặc rủi ro.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu độc quyền ở ta không dại gì phải chấp nhận một khả năng thiệt hại 2 USD/thùng như thế (trong một môi trường cạnh tranh thì không ai gọi đó là thiệt hại). Bởi các doanh nghiệp đã biết trước, nếu giá xăng dầu thế giới tăng lên họ sẽ được Nhà nước bù lỗ (hoặc trước sau gì người dân cũng phải gánh chịu do Nhà nước tăng giá), còn nếu như giá thế giới có giảm đi thì họ vẫn bán theo giá cao kia mà. Người dân đã từng chứng kiến quá nhiều lần giá xăng thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng, nhưng điều ngược lại rất ít khi xảy ra: giá xăng thế giới giảm trong khi giá xăng trong nước vẫn đứng yên.

Nói cách khác, độc quyền kinh doanh xăng dầu và cùng với đó là sự bảo hộ tuyệt đối của Nhà nước, trong khi không có đối trọng từ các nhà kinh doanh xăng dầu trong nước hoặc nước ngoài, đã làm tê liệt khả năng kinh doanh - ở mức tối thiểu cần có - của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước. Cuối cùng thì người lao động và cả nền kinh tế lãnh đủ, ngoại trừ lợi ích cục bộ của “nhóm lợi ích xăng dầu”.

Đó mới chính là nguyên nhân đích thực của vấn đề tăng giá xăng dầu ở nước ta trong thời gian qua.

Và các câu hỏi khác được đặt ra

Ngoài những bất cập trong kinh doanh và phân phối làm giá xăng dầu ở nước ta luôn ở mức cao không thể không đặt ra các câu hỏi khác.

Kim ngạch xuất khẩu dầu thô ở nước ta trong thời gian qua luôn cao hơn kim ngạch nhập khẩu xăng dầu, khi giá xăng dầu thế giới tăng lên, giá xuất khẩu đương nhiên cũng tăng lên, phần chênh lệch này sau khi bù lỗ cho giá xăng dầu nhập khẩu thì phần ngân sách nhà nước còn lại bao nhiêu và phần chia lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền là bao nhiêu?

Trong khi ai cũng biết thu nhập trong ngành dầu khí nói chung là rất cao, cao hơn nhiều so với nhiều ngành nghề khác, bất kể giá xăng dầu thế giới lên hay xuống. Phải chăng thu nhập cao trong ngành xăng dầu là từ đóng góp của người dân?

Có hay không lợi ích cục bộ của “nhóm lợi ích xăng dầu”? Người dân có thể chấp nhận trong một chừng mực nào đó lợi ích của “nhóm lợi ích ôtô” hay nhóm lợi ích nào khác, nhưng dứt khoát không thể chấp nhận “nhóm lợi ích xăng dầu”.

Tại sao giá xăng ở một số quốc gia trong khu vực và thế giới luôn ở mức thấp, đặc biệt Trung Quốc là quốc gia luôn nhập khẩu xăng dầu ở mức kỷ lục, thì Việt Nam lại ở mức quá cao (xem bảng).

Đây là những vấn đề mà người dân muốn biết và nhận được thông tin chi tiết và rạch ròi từ Chính phủ, chứ không thể cứ lặp lại mãi điệp khúc do giá xăng dầu thế giới tăng nên giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo tương ứng.

PGS.TS TRẦN NGỌC THƠ (ĐH Kinh tế TP.HCM)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home