Tuesday, June 28, 2005

Châu Á trước nguy cơ thâm hụt thương mại vì giá dầu


Giá dầu thô từ đầu năm 2005. (AP)
Giá dầu thô từ đầu năm 2005. (AP)

Giá dầu leo cao đang kéo căng thêm những mối lo lắng về cán cân thương mại ở Thái Lan và Ấn Độ, trong khi giới chức Hàn Quốc dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của nước này giảm đáng kể.

Ông Han Duck-soo, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc nhận định rằng giá dầu cao sẽ gây ảnh hưởng tới sức mua trong nước và xuất khẩu, đẩy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế từ 5 xuống 4%.

Han cho hay giá dầu thô Dubai - giá tham khảo chuẩn của Hàn Quốc, đã lên tới 53,4 USD/thùng vào hôm thứ sáu, so với mức 35 USD mà Ngân hàng trung ương dự tính trước đó.

Dự đoán u ám của bộ tài chính Hàn Quốc cũng tương tự những lời bình luận của bộ trưởng kinh tế Nhật tuần trước về nguy cơ giá dầu tăng gây ảnh hưởng xấu tới sự phục hồi của nền kinh tế nước này. Thị trường chứng khoán Seoul và Tokyo hôm qua đều giảm chừng 1%, mức giảm nhiều nhất thuộc về các công ty xuất khẩu và các hãng sản xuất có liên quan nhiều đến năng lượng.

Cho đến nay hầu hết các nền kinh tế châu Á đều cầm cự được. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhận xét: "Nhu cầu cao trên toàn cầu cộng với giá hàng xuất khẩu của châu Á tăng đã giúp kiềm chế những ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu cao".

Tuy nhiên, các nước kém phát triển hơn ở châu Á như Thái Lan và Ấn Độ ngày càng lo ngại về thâm thủng ngân sách ngày càng lớn và nguy cơ lạm phát.

Cuối tuần trước, Kanok Abhiradee, chủ tịch hãng hàng không nhà nước của Thai Airways, cho biết hãng đang cân nhắc lại việc tiếp nhận 5 máy bay Airbus mới trong năm nay, sau khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra kêu gọi các công ty tìm cách cắt giảm nhập khẩu sản phẩm không thiết yếu.

Dù Thai Airways khó có thể bỏ các đơn hàng máy bay đã đặt, việc chính phủ Thái đưa ra những biện pháp nói trên cho thấy mối quan ngại của Bangkok về nguy cơ giá dầu tăng có thể khiến cán cân thương mại nước này chao đảo.

Ban lãnh đạo hãng hàng không trong tuần này sẽ tìm cách để thực hiện yêu cầu của thủ tướng. Tháng 5 vừa rồi, thâm hụt thương mại của Thái Lan đã lên tới mức cao nhất trong 9 năm qua, một phần là do giá dầu nhập khẩu quá cao.

Gerard Lyons, trưởng chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered, đánh giá rằng hầu hết các nền kinh tế châu Á đều có "khoảng đệm" để giảm nhẹ ảnh hưởng của giá dầu. "Tôi không nghĩ sẽ có vấn đề lớn ngay trong thời gian trước mắt, bởi các nước trong khu vực đều chuẩn bị đối mặt với giá dầu cao trong tình trạng được chuẩn bị kỹ", ông nói. "Các nước như Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc đều có thể cắt giảm thuế".

Để giảm bớt áp lực lạm phát, Thái Lan, Ấn Độ và Phillippines chắc chắn sẽ tăng lãi suất, Lyons dự đoán.

Hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng giá dầu sẽ ở mức cao trong thời gian dài do sức tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu cao.

Tuy nhiên, một số nước đang trợ giá năng lượng phải chịu sức ép ngày càng lớn về việc thả lỏng hoặc bỏ hệ thống này, nếu không muốn lâm vào lạm phát. "Hiện mức bao cấp xăng dầu vẫn còn cao tại các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Thái Lan", BIS nhận xét.

"Chính sách đó làm yếu khả năng tài chính quốc gia, làm nhụt những sáng kiến tiết kiệm dầu và tăng mức độ phụ thuộc vào dầu lửa". Chính phủ một số nước châu Á đã tăng giá xăng dầu, khiến người dân phản ứng tức giận.

Leo Drollas, trưởng chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng toàn cầu có trụ sở tại London, cho hay Indonesia hiện trợ cấp cho các hãng lọc dầu nước này mỗi năm chừng 4 tỷ USD.

Tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu dàu so với tổng thu nhập quốc dân (GDP) của châu Á tăng lên trong thập kỷ qua, cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng giảm. Năm 1995, nhập khẩu dầu chiếm 1,1% tổng GDP châu Á; năm 2003, con số này là 2,2%.

T. Huyền (theo FT)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home