Tuesday, June 28, 2005

Nóng bỏng chuyện xăng dầu

Sức ép đè nặng giá xăng trong nước

Cảnh buôn lậu xăng lậu qua Campuchia vẫn tiếp diễn trên đoạn sông biên giới giữa An Phú (An Giang) với Kohthom, Kan Dal (Campuchia). Trong ảnh, ghe chở xăng dầu từ bên Khánh An đang vận chuyển và đổ bộ lên bờ Prekchray, Khothom - Ảnh: Đức vịnh

TT - Giá dầu thô thế giới giao tháng tám tại thị trường New York ngày hôm qua (27-6) đạt mức kỷ lục mới, 60,58 USD/thùng, tăng 12% so với hai tuần trước và tăng 39% so với tháng giêng.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nhấp nhổm không yên vì giá xăng dầu thành phẩm nhập từ thị trường Singapore cũng đang nóng lên từng giờ.

Đã lỗ 200 đồng/lít xăng

Ông Bùi Ngọc Bảo, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết giá xăng dầu tăng đã đặt các công ty kinh doanh xăng dầu vào tình trạng cực kỳ khó khăn về tài chính.

Theo ông Bảo, trong năm tháng đầu năm kinh doanh xăng của Petrolimex lãi khoảng 65 tỉ đồng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng vọt trở lại trong hai tuần gần đây, tổng công ty đã lỗ

Giá dầu leo thang khiến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành nhựa, cũng “phát sốt” theo.

Hiện nguyên liệu PEHD có giá nhập trung bình 1.018-1.020 USD/tấn, PELLD khoảng 1.280 USD/tấn, PELD chừng 1.295 USD/tấn, PVC 740-750 USD/tấn, PE 1.122 USD/tấn. Mức giá này đã tăng bình quân 10-15 USD/tấn so với hồi đầu tháng sáu.

Bà Nguyễn Thị Kim Yến, trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần nhựa Bình Minh, cho biết: “Chừng mới nghe giá dầu nhóng lên một tí thì họ đã hăm he tăng giá mới lên rồi!”. Công ty nhựa Đạt Hòa cho biết đang mua nguyên liệu PVC với giá 740 USD/tấn, nhưng hiện nhà cung cấp đã thông báo “đợt giao hàng mới tạm ngưng, chờ giá mới !”.

T.V.NGHI

khoảng 3 tỉ đồng/ngày. “Giá xăng trong nước cần phải đắt hơn một chút, không chỉ để các công ty đảm bảo hiệu quả kinh doanh mà còn nhằm đặt người dân vào thế phải tiết kiệm, lại vừa giảm thiểu vấn nạn xăng dầu chảy qua biên giới” - ông Bảo phân tích.

Một công ty xăng dầu đầu mối khác cho biết hiện giá xăng 92 tại thị trường Singapore đã tăng lên 60,33 USD/thùng. Với mức giá này cộng với các chi phí khác thì kinh doanh xăng đã lỗ khoảng 200 đồng/lít. Trong khi đó mặt hàng dầu hỏa đã lỗ đến 3.200 đồng/lít, dầu diesel lỗ 2.500 đồng lít.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho biết khoản chênh lệch khá lớn giữa giá xăng dầu trong nước với mức giá của những nước trong khu vực đang gây áp lực rất lớn đối với công tác chống buôn lậu mặt hàng xăng dầu. Đây không phải là chuyện mới mẻ mà ngay từ năm 2004, khi xăng dầu thế giới tăng lên quá cao trong khi giá xăng dầu trong nước vẫn được bảo hộ, hoạt động buôn lậu xăng dầu qua biên giới bắt đầu xuất hiện.

“Chỉ cần đem qua biên giới khoảng 10 lít xăng/ngày là người ta đã có thể kiếm được 40.000-50.000 đồng thì ai mà không làm? Nói thật nếu cứ 5m có một ông bộ đội biên phòng đứng canh cũng khó có thể kiểm soát được chuyện buôn lậu xăng dầu trong tình hình hiện nay” - ông Ruệ nói. Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Bấu nêu trường hợp một cây xăng gần khu vực biên giới tại Kiên Giang có mức tiêu thụ lên tới 300.000 lít xăng/tháng, tức bình quân 10.000 lít/ngày, một con số mà ngay cả các cây xăng tại TP.HCM cũng không thể thực hiện được.

Sẽ điều chỉnh giá xăng dầu?

Ông Ruệ cho rằng giải pháp căn cơ và lâu dài là phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu lên mức tương ứng với giá thế giới, “nếu không bằng cũng phải xấp xỉ giá thế giới”. Vào tháng 3-2005, Chính phủ đã điều chỉnh giá xăng dầu khi giá dầu thế giới ở mức 54 USD/thùng, còn hiện nay giá dầu đã vượt qua mức 60 USD/thùng.

“Với mức giá thế giới hiện nay, giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ được điều chỉnh nhưng mức điều chỉnh bao nhiêu và thời điểm nào thực hiện sẽ phải được tính toán cho hợp lý” - ông Ruệ nói. Theo ông Ruệ, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới sẽ đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất là giảm bảo hộ cho phù hợp với quá trình hội nhập, buộc các doanh nghiệp chủ động hơn. Thứ hai là giúp người tiêu dùng làm quen dần với những biến động giá trong nền kinh tế thị trường. “Tuy nhiên cũng không thể đùng một cái nâng giá xăng dầu vì sẽ gây khó khăn đối với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, mà phải uyển chuyển theo một lộ trình phù hợp” - ông Ruệ nói.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá dầu thế giới chỉ mới vượt ngưỡng 60 USD/thùng trong những ngày gần đây và “cần thêm thời gian theo dõi”. “Ở mức giá 59 USD/thùng, các DN báo giá vốn của xăng lỗ 110 đồng/lít nhưng theo cách tính của chúng tôi thì mức lỗ chỉ xoay quanh 50 đồng/lít. Thành ra tình hình chưa có gì ghê gớm cả” - ông Thỏa nói. Tuy nhiên, theo ông, nếu giá tiếp tục tăng và các doanh nghiệp lỗ nhiều quá thì sẽ phải tính đến giải pháp mở biên độ. “Theo qui định hiện hành có thể mở tối đa 10% so với giá định hướng, nhưng mở tới mức nào còn phải cân nhắc kỹ” - ông Thỏa cho biết.

Nóng bỏng chuyện xuất lậu xăng dầu

TT (TP.HCM) - Ngày 27-6, tại hội nghị chống buôn lậu và gian lận thương mại cụm các tỉnh biên giới Tây Nam - TP.HCM, Ban chỉ đạo 127 trung ương nhận định: trong những tháng đầu năm nay buôn lậu qua tuyến biên giới Tây Nam tuy có giảm về qui mô nhưng tính chất vẫn phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi và tổ chức chặt chẽ hơn so với trước.

Mặt hàng nhập lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá ngoại, rượu ngoại, vải, hàng điện tử đã qua sử dụng... Đáng chú ý là chuyện xuất lậu xăng dầu. Theo ông Đỗ Thanh Hòa, giám đốc Sở Thương mại Tây Ninh, do sự chênh lệch giữa giá xăng dầu của VN với Campuchia từ 4.000-5.000 đồng/lít nên đã dẫn tới tình trạng xuất lậu xăng dầu gia tăng.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại- phó Ban chỉ đạo 127 trung ương Phan Thế Ruệ cho rằng cần sớm thành lập bộ phận dự báo để có thể dự báo chính xác và đưa ra phương án phòng chống buôn lậu phù hợp với từng mặt hàng nhạy cảm.

Ngoài ra, các lực lượng cũng phải mạnh tay trong xử lý việc buôn bán các mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng gian và hàng giả tại các chợ đầu mối. Ông Ruệ “nhắc” lại các văn bản chỉ đạo của Bộ Thương mại về việc yêu cầu các tỉnh, thành hạn chế cho xây dựng các cây xăng sát biên giới; khống chế số lượng bán ra, chỉ bán cho người sử dụng phương tiện, không bán can hoặc thùng...

V.H.Q.

N.HẰNG - H.ĐĂNG

Quảng Ngãi: điều chỉnh dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1

TT (Quảng Ngãi) - Ngày 27-6, tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định điều chỉnh dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.

Theo đó, dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất do Tổng công ty Dầu khí VN làm chủ đầu tư, triển khai ở xã Bình Trị và Bình Thuận (huyện Bình Sơn) trên diện tích đất và mặt biển rộng 816ha; trong đó nhà máy chính rộng 110ha, khu bể chứa sản phẩm 85,8ha. Nhà máy có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Các chủng loại sản phẩm của nhà máy gồm propylen, khí hóa lỏng, xăng A90, A92, A95, nhiên liệu phản lực, dầu hỏa dân dụng, diesel...

Tổng vốn đầu tư xây dựng nhà máy 2.501 triệu USD.

V.Q.CẦU

Giá dầu đang "cháy"
23:34:58, 27/06/2005

Cả thế giới đang "hoa mắt" trước giá dầu - Ảnh: CD

Giá dầu đã vượt ngưỡng 60 USD/thùng sau khi Iran, nước có trữ lượng dầu lớn thứ 2 thế giới, chọn được tổng thống mới - người chủ trương theo đuổi chính sách hạt nhân và từ chối đối thoại với Mỹ.


Phát triển chương trình năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình "là quyền của Iran". Tuyên bố trên của tân Tổng thống M.Ahmedinejad như đổ thêm dầu vào ngọn lửa giá dầu đang bừng bừng cháy. Trong những giây phút đầu tiên của phiên giao dịch ở thị trường New York (Mỹ) ngày 27.6, giá dầu thô giao tháng 8 đã lập kỷ lục mới khi đạt mức 60,47 USD/thùng, tăng 39% so với tháng 1. Theo Cho Seung-joon, nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Meritz ở Seoul (Hàn Quốc), giá dầu có vẻ không dừng lại ở đó mà có thể đạt mức 63 - 65 USD/thùng.

Viện Các nền kinh tế thế giới Kiel rất uy tín của Đức cảnh báo giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng nếu như Nga đột ngột ngưng cung cấp dầu hoặc có bất cứ xáo trộn nào đó về mặt chính trị tại Ả Rập Xê Út, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Còn theo Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria C.Khelil, tình hình tiếp tục mất ổn định tại các nước sản xuất dầu như IraqNigeria có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng.

Theo giới phân tích, chiến thắng của phe bảo thủ cứng rắn trong cuộc bầu cử tổng thống ở Iran, nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC), gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường dầu thế giới.

Sau khi qua mặt cựu Tổng thống A.Rafsanjani, Tổng thống tân cử M.Ahmedinejad đã có tuyên bố xanh rờn rằng sẽ quét sạch tham nhũng khỏi ngành dầu khí nước này và các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng quyền ưu tiên khi phân bổ các hợp đồng dầu và khí đốt. Điều này có thể làm chậm nỗ lực thúc đẩy Iran tăng sản lượng dầu ngay vào thời điểm mà các nhà sản xuất dầu đang trong tình trạng căng thẳng vì phải đẩy mạnh nguồn cung. M.Smith, người đứng đầu bộ phận phân tích dầu của Tập đoàn BP, hôm qua cho biết mức cầu về dầu thế giới có thể lên đến 2 triệu thùng/ngày, chỉ riêng Trung Quốc chiếm khoảng 1/4. Trong khi đó, lượng dầu mà OPEC, chiếm 40% sản lượng dầu thế giới, chuyển đi sẽ giảm từ đây cho đến ngày 9.7. Theo đó, OPEC có kế hoạch vận chuyển 24,2 triệu thùng/ngày, giảm 60 ngàn thùng so với 4 tuần trước.

Hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) J.Trichet, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản T.Fukui đã cảnh báo ảnh hưởng của giá dầu đến sự phát triển kinh tế thế giới tại Hội nghị Ngân hàng thanh toán quốc tế ở Basel (Thụy Sĩ). Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lo ngại ECB sẽ phải một lần nữa hạ thấp dự báo phát triển kinh tế của khối trong năm 2005 và giá dầu cao khiến ECB phải cắt giảm lãi suất.

Thụy Miên

Công nghiệp sống chung với giá dầu tăng

Giá dầu trên thị trường thế giới liên tục leo thang và đạt đến các mức kỷ lục mới đang tạo ra sức ép buộc các doanh nghiệp cải tổ bộ máy quản lý, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh.

Nung nóng phôi trước khi cán thép.

Trước đây, Công ty phân lân nung chảy Văn Điển đã tính đến việc tìm giải pháp tiết kiệm chi phí năng lượng. "Giá nhiên liệu thay đổi từng ngày, trong khi muốn tăng giá sản phẩm chúng tôi phải mất tới vài tháng, mà cũng không thể đẩy lên ngang với mức tăng giá của nhiên liệu. Thực tế đó buộc doanh nghiệp phải tìm mọi cách giảm chi phí, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng nhằm hạ giá thành", Giám đốc Bùi Quang Lanh chia xẻ. Ông cho biết, từ năm ngoái khi thị trường nhiên liệu thế giới lên cơn sốt giá, công ty đã tập trung nghiên cứu sử dụng than Antraxit nội địa thay cho than cock nhập khẩu, đồng thời cải tiến thao tác đổ lò cao nhằm giảm định mức tiêu hao nhiên liệu, điện năng và các chi phí khác.

Ở Công ty Thép Thái Nguyên, dầu được sử dụng để nung nóng phôi trước khi đưa qua khâu cán cho ra thành phẩm. Ông Hoàng Văn Tòng, Phó tổng giám đốc công ty cho hay, giải pháp công nghệ nhà máy áp dụng nhằm giảm tiêu hao dầu đốt là thực hiện quy trình đúc cán liên tục, cho phép tiết kiệm hơn 50% nhiên liệu. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ có thể áp dụng đối với những doanh nghiệp sản xuất thép từ phế liệu hoặc quặng sắt.

Tương tự, mỗi tháng Thép Hòa Phát sử dụng khoảng 320 tấn dầu cho công đoạn nung nóng phôi. Theo Giám đốc Chu Quang Vũ, cùng một loại máy móc công nghệ, lượng dầu tiêu hao nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào trình độ kinh nghiệm và tay nghề của công nhân, vì thế, ngay từ đầu công ty rất chú trọng đến việc nâng cao tay nghề cho người lao động.

Với Tổng công ty gốm sứ thủy tinh Viglacera, quy trình công nghệ sản xuất tất cả các mặt hàng đều có điểm chung là sử dụng nhiều nhiên liệu đốt như gas, dầu, than đá. Từ năm ngoái, công ty quyết định thực hiện chương trình đầu tư nhằm chuyển các nhà máy sản xuất gạch ceramic sử dụng gas sang dùng than đá. Một vị lãnh đạo nhà máy cho biết: "Chúng tôi lắp đặt hệ thống thiết bị khí hóa than, chuyển than đá dưới dạng rắn thành khí đốt để dùng làm nhiên liệu cho các lò nung sản phẩm. Ngoài ra, từng nhà máy phải rà soát lại tất cả các bộ phận, tính toán lại mọi chi phí để xem chỗ nào có thể cắt giảm, dù ít hay nhiều".

Riêng đối với các công ty dệt may, tăng tăng suất lao động là giải pháp tốt nhất để đối phó với giá nguyên nhiên liệu leo thang. Theo phân tích của các chuyên gia Bộ Công nghiệp, trang bị máy móc của ngành may VN không thua một nước nào trong khu vực, tay nghề công nhân cũng không hề kém, vậy mà năng suất ngành dệt chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực, còn may thì bằng hai phần ba. Vấn đề chính được các nhà quản lý nhìn nhận là cách tổ chức hệ thống sản xuất của VN quá kém. Nhằm khắc phục tình trạng này, Tổng công ty Dệt may VN bước đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý quy trình sản xuất trong các doanh nghiệp, thí điểm trước tại Công ty may Nhà Bè. Nhờ áp dụng công nghệ, ban giám đốc công ty nhận thấy gần 30% thời gian làm việc của một công nhân trong ca sản xuất là thời gian chết, từ đó có giải pháp khắc phục điều chỉnh lại. Bộ Công nghiệp đang lạc quan, quy trình này được nhân rộng có thể giúp ngành may VN đạt năng suất tương đương các nước trong khu vực.

Phong Lan


0 Comments:

Post a Comment

<< Home