Thursday, June 02, 2005

Điện từ lòng đất


23:53:26, 31/05/2005

Việt Nam đang bỏ trống nguồn tài nguyên năng lượng xanh, sạch, vĩnh cửu còn rất nhiều tiềm năng là phong điện, thủy triều, mặt trời và đặc biệt là địa nhiệt. Các nhà khoa học năng lượng hàng đầu của Việt Nam đã khẳng định như vậy.

Trái đất được ví như một máy sinh nhiệt khổng lồ mà sự hoạt động của núi lửa, các điểm phun nước nóng, khí nóng... là những biểu lộ xung yếu về năng lượng dư thừa của máy sinh nhiệt ấy. Nhiệt lượng của trái đất là vô cùng lớn mà con người mới chỉ khai thác, sử dụng được một phần vô cùng nhỏ bé.

Hiện nay, tất cả các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nga, Nhật, và các nước đang phát triển như Trung Quốc, Philippines, Malaysia... đã ráo riết, nỗ lực không ngừng để xây dựng các nhà máy địa nhiệt, vốn được coi là nguồn năng lượng cho thế kỷ 21. Tính ưu việt của nguồn năng lượng sạch, vĩnh cửu này là không thải ra bất kỳ chất khí, nước, chất rắn độc hại nào trong môi trường, không tạo ra khí nhà kính, bởi vậy cũng không đóng góp vào việc tạo ra các trận mưa axít. Vốn đầu tư ban đầu của địa nhiệt là khoảng 1,5 triệu USD cho 1 MW, tức là gấp 1,5 lần so với thủy điện nhưng bù lại việc xây dựng một nhà máy địa nhiệt với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay chỉ kéo dài khoảng 2-3 năm, diện tích xây dựng nhỏ hơn rất nhiều so với thủy điện. Đặc biệt, giá thành của dạng điện năng mới này có khả năng cạnh tranh cao với các dạng điện năng truyền thống.

Điều đặc biệt đáng chú ý là Việt Nam cũng có tên trên bản đồ địa nhiệt thế giới. Theo khảo sát ban đầu của các nhà khoa học Việt Nam thì tổng công suất những nhà máy địa nhiệt nếu được xây dựng ở Việt Nam thì lên tới khoảng trên 400 MW. Đây là một con số biết nói nếu chúng ta biết rằng tổng công suất các nhà máy địa nhiệt đang hoạt động ở Mỹ là 3.170 MW. Con số này ở Nhật là 458 MW; Indonesia 379 MW; New Zealand 300 MW... Riêng Philippines có tiềm năng lên tới 2.164 MW. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, Philippines sẽ đuổi kịp Mỹ trong ngành công nghiệp này.

Ở Việt Nam, những vùng có tiềm năng địa nhiệt lớn là Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ và đặc biệt là Trung Bộ: Lệ Thủy (Quảng Bình), Mộ Đức, Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi), Hội Vân (Bình Định), Tu-bông, Đảnh Thạnh (Khánh Hòa)... Đây là những vùng các dự án địa nhiệt có tính khả thi rất cao. Các nhà máy địa nhiệt, nếu được xây dựng, sẽ dao động trong công suất 20-50 MW. Tuy trữ lượng không thể lớn bằng thủy điện nhưng rõ ràng tính ưu việt, sự ổn định của nguồn năng lượng xanh, sạch, vĩnh cửu... sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về đa dạng hóa điện năng của Việt Nam.

Cũng trong những ngày nắng nóng nhất, thiếu điện trầm trọng trên diện rộng hồi tháng 5 vừa qua, Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo Khai thác, sử dụng năng lượng địa nhiệt ở Việt Nam. Vấn đề "nóng" nhất của hội thảo chính là việc các nhà khoa học mong muốn Chính phủ nhất thiết phải triển khai xây dựng, phát triển năng lượng địa nhiệt ở Việt Nam, không chần chừ thêm được nữa.

Phạm Ngọc

0 Comments:

Post a Comment

<< Home