Bếp mặt trời cải tiến - Tàu buồm mặt trời sẽ cất cánh trong tháng 6
Sáng tạo trẻ
Bếp mặt trời cải tiến
Phạm Anh Tuấn (trái) |
Các tia nắng hè hắt xuống chảo lóa mắt, tia phản xạ tập trung thành một quầng sáng dưới đáy nồi. Vài phút sau, nước trong nồi sôi sùng sục. Tuấn lấy một mảnh giấy châm vào quầng sáng, trong tích tắc tờ giấy cháy bùng lên.
Bếp mặt trời của nhóm “Mặt trời nhỏ” gồm hai bộ phận chủ yếu. Một chảo parabol bằng thiếc, bề mặt phía trên được dán nhiều mảnh kính vụn. Đấy là kết quả của sự trằn trọc bao đêm của nhóm, vì các sản phẩm trên thị trường thường dán bằng nhôm (người tiêu dùng phải thường xuyên chà bề mặt thật bóng) hoặc inox.
Bộ phận quan trọng thứ hai là thiết bị điện tử dùng để điều khiển “chảo” luôn xoay về hướng mặt trời. Thay vì mua thiết bị cùng loại của Pháp với giá 1.000 USD, nhóm đã tự mày mò chế tạo với chi phí vật tư chỉ 100.000 đồng.
Thật ra, bếp mặt trời không phải là chuyện mới mẻ - trên thế giới người ta đã chế tạo từ lâu rồi. Nhưng những cải tiến của nhóm “Mặt trời nhỏ” đã giúp giảm giá thành một cách ngoạn mục, đồng thời tận dụng được kính vụn. Một bếp mặt trời của họ có thể giúp tiết kiệm khoảng 10 bình gas (loại 25kg) mỗi năm, tương đương 3,5 tấn củi đốt; khá thích hợp cho vùng sâu vùng xa, đồng thời sẽ góp phần hạn chế nạn phá rừng làm chất đốt.
Được biết, bếp mặt trời thông minh có giá khoảng 900.000 đồng/bếp (tại khu vực TP.HCM và vùng lân cận).
THÁI BÌNH
Tàu buồm mặt trời sẽ cất cánh trong tháng 6
Hiệp hội hành tinh, một nhóm phi lợi nhuận của Mỹ trong lĩnh vực khám phá vũ trụ, dự định phóng phi thuyền gắn buồm đầu tiên trên thế giới vào ngày 21/6.
Chiếc Cosmos 1 sẽ cất cánh từ một tàu ngầm của Nga ở biển Barents và được đưa vào quỹ đạo bằng một tên lửa đạn đạo liên lục địa đã được hoán cải. Khi bay quanh trái đất ở độ cao khoảng 800 kilomét, phi thuyền sẽ dần dần tiến lên phía trước nhờ 8 cánh buồm tam giác, dưới sức đẩy của các hạt ánh sáng từ mặt trời thổi tới.
Hành trình của nó không có điểm đến. Mục tiêu của chuyến bay đơn giản là để chứng minh rằng công nghệ tàu buồm mặt trời thực sự có hiệu quả. Các cánh buồm không mang theo nhiên liệu và có thể tiếp tục tăng tốc trên hầu hết những khoảng cách vô định. Điều này mang lại hy vọng cho các nhà khoa học về một thời gian không xa, khi mà công nghệ này có thể có ích cho những chuyến bay giữa các hành tinh trong thái dương hệ. Một ngày nào đó, các tàu buồm mặt trời có thể được dùng để gửi các nhà du hành tới những hành tinh mới ở các ngôi sao khác trong thiên hà.
"Đây là công nghệ duy nhất được biết tới nay có thể đem lại những chuyến bay liên vì sao một cách thực tế", Louis Friedman, giám đốc điều hành của Hiệp hội hành tinh ở Pasadena, California, nhận định. "Ý tưởng bay đi bay về giữa các hành tinh mà không cần mang theo nhiên liệu là một ý tưởng rất hiệu quả".
NASA, Cơ quan vũ trụ châu Âu, Nhật Bản và Nga đều từng phát triển buồm mặt trời, song chưa có cơ quan nào thử nghiệm để chứng minh rằng các cánh buồm có thể đẩy một phi thuyền bay đi trong trạng thái kiểm soát được.
Friedman, giám đốc dự án Cosmos 1, không phải là người xa lạ với công nghệ này. Ông đã tham gia dự án tàu buồm của NASA những năm 1970. Song chương trình này cuối cùng đã bị cắt bỏ một phần bởi sự thu hẹp tài chính.
Dự án mới, có giá trị khoảng 4 triệu đôla, là một dự án do tư nhân tài trợ. Năm 2001, thử nghiệm đầu tiên về tàu buồm mặt trời đã thất bại.
T. An (theo NationalGeographic)
0 Comments:
Post a Comment
<< Home