Monday, July 04, 2005

Tăng giá xăng dầu: Các doanh nghiệp lao đao

Xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải lao đao, cước vận tải ô tô sẽ được điều tiết theo cơ chế thị trường. Theo một số DN, với mức tăng như hiện nay, hoạt động vận tải sẽ không có lãi nếu như không kịp thời điều chỉnh cước phí. Trong tình hình hiện nay, giá cước phải tăng từ 15 –20% (khoảng 4 –5 nghìn đồng/tấn) mới đảm bảo cho hoạt động này.

Chưa tăng giá vé xe buýt

Ngay trong ngày đầu tăng giá xăng dầu nhiều người dân tại Hà Nội đã quyết định đi xe buýt thay vì đi xe máy như trước.

Ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, trước mắt trong năm 2005, giá cước đi xe buýt sẽ chưa thay đổi cho dù ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến hoạt động vận tải hành khách công cộng là rất lớn.

Để đáp ứng nhu cầu đi xe buýt dự kiến sẽ tăng cao, ông Dũng cho biết, hiện Tổng công ty đã chuẩn bị 152 xe buýt sẵn sàng đưa vào hoạt động trong tháng 8-2005.

Tổng công ty đã trình lên Sở GTCC Hà Nội phương án thành lập 10 tuyến buýt mới. Khi được chấp thuận, số xe trên sẽ được đưa ngay vào khai thác. Theo kế hoạch, năm 2005, Tổng công ty sẽ đưa 200 xe buýt mới vào hoạt động.

Cước vận tải ô tô sẽ được điều tiết theo cơ chế thị trường

“Chúng tôi đã tiên đoán được vấn đề. Thứ bảy này Hiệp hội sẽ họp bàn về vấn đề cước vận tải trong bối cảnh tăng giá xăng dầu.” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN nói.

Theo ông Hùng, trong tuần, Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép ngành vận tải ô tô thực hiện cơ chế giá theo Pháp lệnh giá.

Có nghĩa là, giá vận tải sẽ chịu điều tiết của cơ chế thị trường trên cơ sở sự thỏa thuận giữa DN vận tải và khách hàng.

Tuy nhiên Hiệp hội cũng sẽ bàn với các DN đưa ra giải pháp phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động vận tải, ảnh hưởng đến khách hàng cũng như tránh tình trạng lợi dụng tăng cước vận tải theo giá xăng dầu để tăng lợi nhuận.

TPHCM: Các doanh nghiệp vận tải lao đao!

Theo một số DN, với mức tăng như hiện nay, hoạt động vận tải sẽ không có lãi nếu như không kịp thời điều chỉnh cước phí. Trong tình hình hiện nay, giá cước phải tăng từ 15 –20% (khoảng 4 –5 nghìn đồng/tấn) mới đảm bảo cho hoạt động này.

Tuy nhiên, với xu thế cạnh tranh ngày càng gắt, nhiều DN cho biết sẽ tính toán mức giá hợp lý nhất mà khách hàng có thể chấp nhận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lự, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải TPHCM ngay trong chiều nay (4-7), Hiệp hội sẽ họp để thống nhất mức tăng cước phí chuyên chở và kiến nghị cơ quan chức năng cho áp dụng.

Dệt may, da giày cũng bị ảnh hưởng

Dự báo trong thời gian tới hai ngành này sẽ rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn khi giá xăng dầu tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Thế Vinh - Phó TGĐ Công ty dệt Thắng Lợi (Vigatexco) cho biết, bình quân mỗi tháng Vigatexco tiêu thụ 300.000-400.000 tấn dầu FO, chi phí cho dầu FO chiếm 15-20% giá thành sản xuất của Cty.

Ở lần tăng giá xăng dầu cuối tháng 3-2005, giá thành phẩm của Công ty đã tăng khoảng 5%. Trong lần tăng giá xăng dầu này, mặc dù chưa thể tính toán được giá thành sẽ tăng thêm bao nhiêu, song chắc chắn chúng tôi sẽ phải gánh thêm nhiều khó khăn, vì trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay, chúng tôi không thể tăng giá bán sản phẩm.

Theo ông Vũ Đức Thịnh, TGĐ Tổng Công ty Dệt may VN, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã thu hẹp sản xuất, riêng đối với những đơn vị trực thuộc Vinatex vẫn phải duy trì sản xuất nhưng phải cắt giảm tối đa về lợi nhuận cũng như khấu hao, và kể cả thu nhập của người lao động.

Ông TGĐ Vinatex còn cảnh báo về tình trạng thụt lùi của ngành dệt may. Theo ông Thịnh, vì chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi các chính sách hỗ trợ xuất khẩu không có khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về vốn.

Để duy trì sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp phải chọn giải pháp quay trở lại làm gia công như những năm 1990-1992 của thế kỷ trước.

Theo Tiền Phong

Xăng dầu tăng giá, nhiều ngành đội chi phí

TT (Hà Nội) - Tại cuộc họp báo sáng qua (3-7), liên bộ Tài chính - Thương mại đã công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ định hướng đối với xăng dầu với mức tăng 800-1.500 đồng/lít.

Theo quyết định 39/2005 vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá ký ban hành sáng cùng ngày, từ 12 giờ trưa 3-7, giá bán lẻ các loại xăng (RON 92, 90, 83) đều đồng loạt tăng 800 đồng/lít, trong khi dầu diesel tăng thêm 1.000 đồng/lít. Có mức tăng cao nhất trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này là dầu hỏa: 1.500 đồng/lít.

“Ảnh hưởng rất lớn” - ông Trần Khắc Sởn, giám đốc Công ty TNHH vận tải và thương mại Triệu Quốc Đạt (taxi Triệu Quốc Đạt) - nói như than với Tuổi Trẻ trước quyết định tăng giá xăng dầu. Ông Sởn cho biết suốt một năm qua, trong khi giá xăng liên tục tăng thì giá cước taxi không tăng lần nào.

Do đó, taxi Triệu Quốc Đạt ước tính mỗi năm lỗ khoảng 500 triệu đồng. Do kinh doanh không có lãi nên thời gian qua taxi Triệu Quốc Đạt đã có hơn 30 lái xe bỏ việc. Hiện taxi Triệu Quốc Đạt có 60 xe nhưng mỗi ngày có khoảng 20 xe không chạy vì không có tài xế.

K.HƯNG

Trả lời báo chí về tác động của đợt điều chỉnh giá này, Thứ trưởng Trần Văn Tá thừa nhận việc tăng giá xăng trong bối cảnh giá cả tiêu dùng vẫn ở mức cao là giải pháp bắt buộc vào thời điểm hiện tại. Giá dầu liên tục xoay quanh mức 60 USD/thùng trong một tháng trở lại đây đã tạo áp lực buộc Bộ Tài chính quyết định tăng giá xăng thêm 800 đồng/lít và 1.000 đồng đối với dầu diesel chỉ sau ba tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất (29-3).

“Chúng ta không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới, giá xăng dầu cũng vậy” - Thứ trưởng Tá nhấn mạnh. Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy ngay cả khi đã điều chỉnh giá, ngoại trừ xăng, giá bán trong nước đối với dầu diesel vẫn tiếp tục thấp hơn so với giá thực 1.600 đồng/lít, trong khi với dầu hỏa là 1.500 đồng/lít. Với lần điều chỉnh giá này, ước tính ngân sách sẽ bớt được khoảng 4.000 tỉ đồng bù lỗ cho xăng dầu trong sáu tháng cuối năm, chỉ còn phải bù... 5.200 tỉ đồng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, kể từ đầu năm tới nay, ngân sách nhà nước phải bù lỗ khoảng 6.450 tỉ đồng do giá trên thị trường thế giới liên tục tăng cao. Nếu không tăng giá bán lẻ, con số này trong sáu tháng cuối năm sẽ vào khoảng 9.324 tỉ đồng, đưa tổng bù lỗ xăng dầu từ ngân sách của cả năm dự kiến lên mức 15.700 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các tính toán của Bộ Tài chính và Bộ Thương mại cho thấy lần điều chỉnh giá xăng lần này sẽ khiến đầu vào của sản xuất ximăng đội thêm 10% chi phí. Ngành đánh bắt hải sản mà dầu diesel là nhiên liệu chính cũng sẽ bị tăng thêm 9% chi phí, trong khi lĩnh vực vận tải ước tính tăng từ 2,82% đến 5,72% và bị ảnh hưởng nhiều nhất là vận tải đường bộ. Với ngành điện, dự kiến chi phí đầu vào sẽ tăng thêm 1,3%, các ngành nông nghiệp nông thôn sẽ tăng 0,1% đến trên 1%; sản xuất cà phê tăng trên 1% chi phí.

Bộ Tài chính cũng có công điện gửi tất cả các bộ và địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm những qui định về tiết kiệm của Thủ tướng Chính phủ, cố gắng giảm chi phí (trong đó có xăng dầu) để giảm giá thành, trong đó các cơ quan tiếp tục phải giảm 10% chi phí xăng dầu... Công điện cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp hành chính và kinh tế cụ thể để bình ổn giá, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá các sản phẩm một cách không hợp lý.

NHẬT LINH

0 Comments:

Post a Comment

<< Home