Monday, July 04, 2005

Trung Quốc với nền "ngoại giao dầu hỏa"

TTO - Nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành các nguồn năng lượng để cung ứng cho nền kinh tế khổng lồ của nước này đã ngày càng trở nên mạnh mẽ đến nỗi người ta bắt đầu nói về chính sách "ngoại giao dầu hỏa". Chuyến đi của Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào tới hai cường quốc dầu hỏa là Nga và Kazakhstan càng chứng minh thêm sự quyết liệt của nền ngoại giao này.

Theo nhật báo The Straits Times, kể từ khi lên nắm quyền năm 2003 đến nay, đây là lần thứ hai Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào tới thăm hai nước trên. Cao điểm của chuyến thăm bốn ngày tới Nga của ông Hồ Cẩm Đào sẽ là việc hợp tác năng lượng hai nước, trong đó có việc xây dựng một đường ống dẫn dầu để bơm dầu thô Siberia về Trung Quốc.

Đầu năm ngoái, ông Đào cũng đã tới thăm ba nước sản xuất dầu ở Phi Châu là Gabon, Ai Cập, Algeria để phát triển các liên hệ ngoại giao. Tới tháng 11 năm ngoái, trong chuyến thăm Argentina, ông đã ký các hợp đồng đầu tư trị giá 19,7 tỉ USD, trong đó hết 5 tỉ USD là cho việc khai thác dầu. Đầu năm nay, trong chuyến thăm Venezuela, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã ký một thỏa thuận cho phép TQ được khoan dầu, thành lập các công ty lọc dầu và sản xuất khí đốt tự nhiên.

Các quan chức TQ đã giữ quan hệ "hữu hảo" với Caracas vào lúc mà tổng thống Chavez muốn cắt giảm việc bán dầu khí sang Mỹ. Còn trong một bài báo đầu năm nay, tờ tuần san TQ Beijing Review đã viết Bắc Kinh tăng cường quan hệ với ASEAN để bảo đảm cho các tàu dầu của họ qua lại thông suốt trên eo biển Malacca. Nhấn mạnh rằng nguồn dầu hiện nay của TQ chủ yếu từ Trung Đông và vận chuyển chủ yếu qua eo biển trên, tờ tuần san viết: "TQ sẽ siết chặt quan hệ với Malaysia và Singapore, cả hai trong một khối đang sở hữu kênh đào này".

Cùng lúc, TQ cũng tăng cường quan hệ với những nước có thể giúp bảo đảm nguồn năng lượng cho TQ, trong đó có việc giúp đa phương hóa nguồn cung dầu hỏa. Không phải vì bản thân nền ngoại giao, mà chính dầu hỏa đã đã trở thành nhân tố then chốt cho nền ngoại giao được điều khiển bởi kinh tế của TQ.

Giáo sư Jin Canrong tại Đại học Renmin cho rằng việc khan hiếm năng lượng có thể làm đình trệ sự phát triển kinh tế TQ trong dài hạn, và nếu nó không được giải quyết, tương lai kinh tế của TQ sẽ bất ổn.

TQ cũng là nước sản xuất dầu hỏa, đã trở thành nước nhập dầu năm 1993 và năm ngoái đã nhập tới 30% nhu cầu tiêu dùng dầu của mình. Trong vài năm qua, thiếu năng lượng đã khiến một số nhà máy không hoạt động hết công suất, nhất là vào mùa hè.

Giáo sư Richard Baum, một nhà quan sát TQ tại Đại học California, Los Angeles nhận định việc TQ sẵn sàng trả giá cao cho việc mua lại công ty dầu khí Mỹ Unocal đã cho thấy TQ đặt ưu tiên lên dầu hỏa như thế nào. Tuy nhiên, trong khi Baum liên hệ hành động này với khả năng TQ trở thành một cường quốc quân sự, thì nhiều chuyên gia TQ phản đối, khẳng định nguyên nhân chính cũng chỉ là vì an ninh kinh tế cho đất nước chứ không phải vì nhân tố an ninh chiến lược. Dù sao, TQ cũng bắt đầu xây dựng quỹ dự trữ dầu hỏa chiến lược trong 20 ngày, so với Mỹ có quỹ dự trữ trong sáu tháng và Nam Phi - trong bốn tháng. Nhưng do giá dầu cao hiện nay, TQ đã hoãn việc bơm dầu dự trữ sang quý 4 năm nay.

Bên cạnh việc đi tìm dầu hỏa ở nước ngoài, TQ cũng đang nhắm vận động dùng nguồn năng lượng thay thế cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. TQ cũng gia tăng việc sử dụng năng lượng mặt trời, gió từ 3 lên 10% vào năm 2020, một kế hoạch được đánh giá là đầy tham vọng. Hiện nay TQ vẫn còn lệ thuộc vào nguồn than đá, và cuộc cạnh tranh cho nguồn năng lượng tiếp tục là một khía cạnh chính trị quốc tế của TQ, theo giáo sư Baum.

D. V lược trích (theo The Straits Times)


0 Comments:

Post a Comment

<< Home