Wednesday, August 31, 2005

Việt Nam nên dự trữ thêm dầu


17:33' 31/08/2005 (GMT+7)

GS David Dapice nhận định như vậy trong cuộc trò chuyện gần đây với Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn khi cảnh báo một số điều về an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện nay.

Soạn: AM 535054 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Giá dầu trên thế giới đã vượt quá mức kỷ lục là 70 đô la một thùng. Tình hình nhạy cảm đến mức một số yếu tố trước đây không ai để ý thì nay lại có thể gây chấn động thế giới. Ví dụ như cơn bão ở Vịnh Mexico làm gián đoạn hoạt động khai thác dầu ở đây, hoặc lý do rất ngộ nghĩnh như giá dầu cuối tuần tăng vì các nhà kinh tế đi nghỉ và không có ai dự báo giá dầu.

Tin đồn về giá xăng tăng lên 14.000 đồng/lít tại thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm qua là một ví dụ khác. Người ra xếp hàng rồng rắn ở các cây xăng, lỉnh kỉnh can thùng để cố mua xăng trước khi tăng giá. Cuối cùng thì giá xăng không tăng. Đối với những người xếp hàng, chẳng thà giá xăng tăng thật thì không sao, nhưng giá không tăng làm cho họ vừa lãng phí thời gian thì ít, nhưng ấm ức vì bị quê độ thì nhiều.

Hoặc là chuyện trời không mưa một số ngày đã khiến người ta lại nghĩ đến cảnh mất điện bởi chỉ mới gần đây thôi, người dân Hà Nội đã từng lội cầu thang bộ lên tầng 10. Đã qua thời kỳ lo mãi lo cái ăn để phải chỉ lo lắng về an ninh lương thực, chúng ta phải đối mặt với những nỗi lo khác... VietNamNet Nhận định trích đăng một phần bài thảo luận gần đây giữa Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn và Giáo sư David Dapice đến từ đại học Harvard về chủ đề dầu khí và an ninh năng lượng.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: GS có nghĩ Dung Quất có thể thay đổi mô hình và trở thành khu kinh tế mở giống như Chu Lai để không chỉ dành cho dầu khí mà cho cả các ngành công nghiệp khác? Và liệu VN có thể mời một số công ty dầu khí của Mỹ đầu tư vào hay không?

GS David Dapice: Đó là một ý hay. Theo tôi, có lẽ ý tưởng lúc đầu khi xây dựng nhà máy lọc dầu là ưu đãi những tỉnh miền Trung còn nghèo, đồng thời không muốn quá trình phát triển chỉ tập trung ở những vùng quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đó là điểm quan trọng và tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng nếu các bạn tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nới lỏng quy chế hơn, các bạn có thể thu hút nhiều đầu tư mà chẳng phải liên quan gì với lọc dầu. Tất nhiên, Quảng Ngãi cần phải phát triển, Quảng Nam cần phải phát triển, nhưng đừng làm những việc không hợp lý. Cần tạo điều kiện để nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể thực sự đưa ra những quyết định kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng bền vững. VN đang từng bước thực hiện điều này, song chưa đủ và các bạn đang lãng phí hàng tỉ đô la.

Như tôi đã đề cập, các bạn có thể xây dựng một nhà máy lọc dầu bằng vốn đầu tư nước ngoài ở phía Nam. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng vốn đầu tư cho Chính phủ. Còn một vấn đề quan trọng nữa là phải sử dụng nhiên liệu một cách có hiệu quả. Hiện tại, xe ô tô của Việt Nam thường sử dụng không hiệu quả năng lượng, giao thông đô thị cũng cần được tổ chức lại cho tốt hơn.

- VN hiện cần phải quan tâm tới vấn đề an ninh năng lượng. Gần đây chúng tôi theo dõi vụ Công ty dầu khí Trung Quốc CNOOC đã rút khỏi vụ mua bán Unocal và tập đoàn Chevron của Mỹ đã nhảy vào. Theo GS, VN sẽ xử lý vấn đề này thế nào một khi phải đối mặt với nó?

- Trước hết, công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã đấu giá để mua Unocal - một công ty vừa và nhỏ tại Mỹ. Lý do chính là vì Unocal có một số nhà máy dầu và khí tự nhiên ở Đông Nam Á, đây là điều Trung Quốc muốn có. Theo tôi, Mỹ lẽ ra không nên dính líu tới vấn đề này và trên thực tế, chính phủ Mỹ không hề dính líu. Nhưng Quốc hội Mỹ đã dính vào.

Việc này khiến vụ mua bán bị trì hoãn và làm nảy sinh nhiều nhân tố bất ổn. Nó buộc cổ đông của Unocal phải lựa chọn một khách hàng Mỹ để bán - đó là Chevron, một công ty dầu khí khác của Mỹ. Hiện Chevron đang tỏ ra khá quan tâm tới Trung Quốc và tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu họ quyết định bán tống bán tháo một số cơ sở xăng tại Đông Nam Á cho công ty dầu khí Trung Quốc bởi lẽ họ sẽ tập trung vào những vấn đề khác.

Việt Nam hiện có thừa dầu thô và có thể cả khí (Việt Nam đang là nhà xuất khẩu dầu thô). Các bạn có thể muốn Petro Vietnam mua những công ty ở Malaysia, Singapore hay thậm chí Việt Nam. Điều quan trọng là các bạn cần đảm bảo có đủ nguồn năng lượng mà các bạn có thể kiểm soát và dễ dàng khai thác được. Tôi không dám chắc lúc này là thời điểm thích hợp để mua những tài sản như vậy bởi lẽ giá dầu đang tăng rất cao.

Nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên trước vụ mua bán của CNOOC, họ trả giá quá cao cho những cơ sở của Unocal. Trong bối cảnh họ là công ty nhà nước, tất nhiên họ sẽ có thể vay với lãi suất 0% từ chính phủ. Vì lý do này, nhiều người nghĩ, vụ mua bán có lẽ mang tính địa chính trị hơn là thương mại. Mà theo tôi, sẽ dễ dàng để tiến hành một vụ mua bán khi đó đơn thuần là một giao dịch thương mại.

Đối với Petro Vietnam, tất nhiên, việc mua bán như vậy sẽ là cả một vấn đề vì Petro Vietnam là một công ty thuộc sở hữu nhà nước. Mặt khác, Petro Vietnam không nên vay với lãi suất 0% từ chính phủ và đấu thầu một giá hợp lý. Lúc đó, tôi nghĩ người ta sẽ không nổi giận. Ngoài ra, người ta đôi khi dè chừng những nước lớn như Trung Quốc trong khi lại không cảnh giác với VN. Do vậy, trước mắt, VN sẽ được đối đãi "dễ chịu" hơn so với Trung Quốc trong một số vấn đề.

Thực tế, vấn đề an ninh năng lượng cần nhiều thời gian, nhưng nếu tôi ở VN, tôi sẽ nghĩ tới việc dự trữ dầu trong vòng 1-2 tháng. Điều gì sẽ xảy ra nếu có khủng bố và nhà máy lọc dầu tại Singapore phải đóng cửa? Điều gì sẽ xảy ra nếu một cơn bão nhiệt đới làm tê liệt nhà máy lọc dầu và buộc nó đóng cửa? Do vậy các bạn cần phải dự trữ thêm dầu, đó là cách tăng cường an ninh năng lượng. Tôi sẽ quan tâm tới việc đó trước khi phải lo lắng quá nhiều về kế hoạch tương lai xa. Song thẳng thắn mà nói, vì VN là một nước xuất khẩu dầu, các bạn không phải tốn tiền mua những cơ sở dầu như kiểu Unocal ngay lúc này, hãy đợi đến khi giá dầu giảm. Đó là thời điểm tốt để mua.

-An ninh năng lượng sẽ phải là một chính sách tổng thể nhiều mặt của Việt Nam. Giáo sư có nhận định gì về vấn đề này?

- Ngoài vấn đề xăng dầu ra, tôi không hiểu vì lý do nào mà VN vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy thủy điện mặc dù các bạn thỉnh thoảng lại gặp hạn hán. Tất nhiên thuỷ điện là tốt, tôi không phản đối song Việt Nam cần phải kết hợp cân bằng hơn các nguồn than, xăng dầu, và nước. Khi đó, tình trạng mất điện sẽ không còn xảy ra thường xuyên. Đó là một khía cạnh khác của vấn đề an ninh năng lượng.

Khi tôi ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi thường gặp cảnh mất điện và đã phải làm việc trong bóng tối. Vấn đề là điện bị cắt trong một thời gian rất dài, cũng không phải chỉ mang tính địa phương mà nó xảy ra trên diện rộng. Các công ty sản xuất cần phải trang bị máy phát điện riêng, làm tăng chi phí đầu tư cho kinh doanh.

Do vậy, tôi cho rằng cần chính sách phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng và không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm. Việt Nam đang đi theo hướng này song có thể chưa xứng với tiềm năng.

  • TBT Nguyễn Anh Tuấn (Thực hiện)

Theo dòng sự kiện

VietNamnet

"Không thể có chuyện giá xăng tăng vọt lên 14.000 đ/lít"

Tăng giá xăng dầu, thách thức lớn với nền kinh tế

"Sẽ đạt mục tiêu nếu có những bước chuyển đổi chiến lược"

Tuổi trẻ

Việt Nam sẽ có kho dầu dự trữ chiến lược

Tiền phong

Tháng 9, OPEC sẽ đưa ra giải pháp giảm giá dầu

Thanh Niên

Nhốn nháo vì tin đồn giá xăng 15.000 đ/lít

0 Comments:

Post a Comment

<< Home