Xăng dầu vẫn chảy mạnh qua Campuchia
Giá dầu thế giới tăng cao:
Xăng dầu vẫn chảy mạnh qua Campuchia
Dân buôn lậu xăng dầu qua biên giới ở Quốc Thái, An Phú (An Giang) - Ảnh: Đức Vịnh |
Kiên Giang: cấm không xuể
Cách trụ sở Hải quan Xà Xía chừng non cây số chúng tôi ghé khu vực Bến Xuồng - một điểm nóng trung chuyển xăng dầu lậu nằm ngay giữa đồng trống. Phát hiện có người lạ, hàng chục người và xe máy chất đầy can xăng rồ ga tháo chạy. Dưới sông, một toán người khác thi nhau lũ lượt đẩy xuồng ra giữa dòng sang bên kia biên giới.
Anh Trần Minh Tiến - chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Xà Xía - cho hay: "Ban ngày họ không đi công khai và rầm rộ như trước nhưng buổi trưa, chập tối, thậm chí cả ban đêm thì những tay buôn lậu hoạt động mạnh nên lượng xăng dầu chảy qua biên giới vẫn cực lớn”.
Chiều cùng ngày, chúng tôi tiếp tục về các xã khu vực vành đai biên giới thuộc huyện Kiên Lương. Tại Giang Thành, xã Vĩnh Điều, xã Tân Khánh Hòa tình hình cực kỳ sôi động, các cây xăng vẫn tấp nập cảnh mua bán. Một người dân nhà cặp ven đường cho biết: “Khu vực này có tất cả sáu cửa hàng xăng dầu, mấy hôm trước khá yên ắng, nhưng không biết vì sao từ sáng nay (11-8) lại trở nên sôi động lắm, cửa hàng nào cũng đông khách vào mua xăng dầu, dưới sông nhiều ghe vào chờ ăn hàng”.
Xăng dầu xuất lậu bị bắt ở Kiên Giang - Ảnh: H.T.D. |
Theo một cán bộ QLTT Kiên Lương, điều rất khó hiểu là xăng dầu vẫn tiếp tục xuất lậu sang biên giới như vậy nhưng lại chưa có sự phối hợp của các lực lượng chống buôn lậu để ngăn chặn. Và rất nhiều ghe chở xăng dầu lậu vẫn vô tư lọt qua chốt biên phòng Đầm Trích về bên kia biên giới mà không hề bị ngăn lại.
Trên bộ là vậy, trên biển còn phức tạp hơn. Trong chiều qua (11-8) đại tá Huỳnh Thanh Văn - chỉ huy trưởng biên phòng Kiên Giang - cho biết: chỉ riêng những ngày đầu tháng 8-2005 đã bắt được 12.100 lít dầu DO vận chuyển bằng tàu đánh cá xuất qua Campuchia. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần chìm, chứ tình trạng xuất lậu xăng dầu trên biển vô cùng lớn, một mình lực lượng biên phòng không thể kiểm soát nổi.
Long An: cơ quan chức năng "bó tay"?
Theo Hải quan cửa khẩu Xà Xía, tại Hà Tiên chiều 11-8, giá bán xăng A92 là 8.200 - 8.300 đồng/lít; dầu DO 5.600 - 5.700 đồng/lít (cao hơn qui định của Nhà nước 200 đồng/lít). Trong khi đó giá xăng dầu ở Lục Sơn (Campuchia) hiện nay vẫn chênh lệch cao hơn 3.000 đồng/lít xăng và khoảng 4.000 đồng/lít dầu DO, nếu vào sâu trong địa phận Campuchia mức chênh lệch còn "hấp dẫn" hơn. |
Theo một báo cáo của một cơ quan chức năng ở tỉnh Long An, bình quân mỗi ngày có 30.000 - 40.000 lít xăng dầu xuất lậu sang Campuchia. Lượng xăng dầu xuất lậu này chủ yếu được xuất qua cửa ngõ huyện Vĩnh Hưng, theo các tuyến kênh Tà Nu, 28, khu vực Bình Tứ, xã Hưng Điền A.
Một số quan chức có chức trách của tỉnh cho biết thêm: vấn đề đau đầu cho một số cơ quan có chức năng chống buôn lậu xăng dầu hiện nay là dọc tuyến biên giới tỉnh (khoảng 137,7km) có gần chục cây xăng đang hoạt động có giấy phép (có cây xăng cách biên giới chưa tới 1km).
An Giang: tấp nập xăng dầu lậu
Bến Xuồng (xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang), một điểm nóng xuất lậu xăng dầu - Ảnh: H.T.Dũng |
Theo hướng những chiếc tắc ráng này, chúng tôi lần lượt tiếp cận vài bè xăng. Ở đây, đống can nhựa được bơm đầy và chuyển ngay xuống, rồi từng chiếc tắc ráng, ghe xuồng tất tả chở đổ qua bên kia biên giới… Tại cây xăng ở Phú Tâm, khi gạn hỏi, một thanh niên Campuchia nói: “Giá xăng bên Takeo cao thêm nữa rồi, có lời hơn nên nhiều người qua mua lắm! Mua về bỏ mối tại chợ Thalop”.
Ở những bè xăng trên các ngả sông biên giới thuộc huyện An Phú, chúng tôi đều gặp từng tốp ghe, tắc ráng từ bên Kothom lần lượt đổ qua ghé mua xăng dầu, hết chiếc này quay về lại có chiếc khác đến, cảnh mua bán không kém phần tấp nập! Dọc tỉnh lộ 956, chúng tôi còn gặp những chiếc ba gác, xe gắn máy chất đầy can nhựa đựng xăng dầu cứ liên tục ngược lên biên giới.
HOÀNG TRÍ DŨNG - KIẾN VĂN - ĐỨC VỊNH
Theo dõi chặt diễn biến giá xăng dầu
Giá dầu thô nhẹ giao tháng chín tại thị trường New York ngày hôm qua (11-8) lại lập kỷ lục mới, đạt 65,23 USD/thùng, tăng 33 cent so với ngày hôm trước. Giá xăng dầu thành phẩm nhập về VN cũng đứng ở mức cao khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu lỗ nặng.
Theo các DN, giá xăng 92 hiện đứng ở mức 72,2 USD/thùng, tính theo mức giá mới vừa điều chỉnh tăng đầu tháng bảy đã lỗ 600 - 700 đồng/lít. Dầu diesel lỗ 2.100 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 1.600 đồng/lít. Ông Bùi Ngọc Bảo, phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết tính trung bình 10 ngày qua mỗi ngày tổng công ty lỗ khoảng 20 tỉ đồng, có ngày cao nhất lỗ đến 29 tỉ đồng.
“Trong sáu tháng đầu năm, lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước tăng 7% so với cùng kỳ nhưng số tiền chi trả tăng hơn 48% khiến áp lực về vốn đối với các DN rất căng thẳng” - ông Bảo nói.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết giá dầu thô mới đạt đỉnh cao trong vài ngày gần đây và bộ đang theo dõi chặt. “Theo qui định hiện hành, nếu giá dầu thô tiếp tục vượt trên 64 USD/thùng trong một thời gian dài, khoảng một tháng, bộ sẽ tính đến giải pháp điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, cũng tùy tình hình thì chúng tôi có cân nhắc cụ thể” - ông Thỏa nói.
NHƯ HẰNG
Giá dầu lên đến hơn 66 USD/thùng
Sáng 12-8, giá dầu thô nhẹ giao tháng 9 tăng 0,4% so với phiên giao dịch trước đó một ngày và đã đạt kỷ lục mới là 66,05 USD/thùng...
Đây là mức giá cao nhất kể từ khi dầu được mang ra giao dịch chính thức trên các thị trường quốc tế (1983).
Chỉ trong hơn 10 ngày đầu của tháng 8, giá dầu đã tăng liên tiếp và sáu lần lập kỷ lục. Tính đến ngày 12-8, giá dầu đã tăng khoảng 46% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14% trong vòng 3 tuần qua.
Tuy Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng sản lượng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, song giá dầu thô thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục tăng cao. Nhiều thương gia thị trường dự đoán giá dầu thô thế giới có thể lên tới 70 USD/thùng trong mùa Đông này - thời điểm nhu cầu sử dụng dầu tăng mạnh nhất ở Mỹ và châu Âu.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao thì sản lượng dầu đang ở mức hạn chế. Các nhà sản xuất và lọc dầu đã nỗ lực hết sức để có thể đáp ứng đủ tốc độ tăng nhu cầu dầu mỏ trong 2 năm qua. Các cơ sở lọc dầu ở Mỹ đã hoạt động tới 95% công suất và khó có thể đáp ứng nếu nhu cầu tiếp tục tăng. Những lo ngại về nguồn cũng đang tiếp tục gia tăng với một loạt các sự cố như thiên tai, hỏa hoạn, tình hình chính trị bất ổn ở Iran và Arập Xêút.
Tập đoàn Năng lượng Anh BP vừa tuyên bố sẽ đóng cửa đến hết tháng này mỏ dầu Schiehallion ở Biển Bắc để sửa chữa. Sự cố này có thể làm giảm sản lượng dầu Biển Bắc khoảng 10% trong tháng 8. Trước đó, BP cũng đã phải đóng cửa nhà máy lọc dầu ở Thành phố Texas, bang Texas (Mỹ).
Ngày 12-8, hãng chế biến dầu Sunoco Inc cũng cho biết hệ thống đường ống dẫn dầu của hãng tại khu vực Lufkin thuộc bang Texas vừa bị công nhân làm hỏng trong khi thao tác. Cùng lúc đó, ConocoPhillips, xưởng lọc dầu lớn nhất nước Mỹ, đưa thêm một tin chấn động giới buôn dầu rằng một số phân xưởng của họ tại khu vực bang Illinois phải ngừng lọc do trục trặc mất điện.
Theo TTXVN
0 Comments:
Post a Comment
<< Home