Chiến dịch 20%
Lưu thông ở New York. Tổng thống Bush hồi đầu tháng mười cũng đã công bố chính sách kêu gọi toàn dân tiết kiệm năng lượng bằng cách "Đi ít, đi chậm, đi chia sẻ và đi công cộng". Ông buộc phải đánh thẳng vào niềm tự hào của người Mỹ là mỗi người một xe rong ruổi vì giá dầu nay đã quá cao - Ảnh: Reuters |
Trở về sinh hoạt kiểu nguyên sơ là qui luật tất yếu không thể tránh do tác động gọng kềm: năng lượng đặc biệt dầu thô - khí đốt trở nên khan hiếm trong khi hiệu ứng nhà kính xuất phát từ hàm lượng khí CO2 thải ra không ngừng tăng trong khí quyển làm Trái đất nóng lên.
Tổ hợp đề xuất chiến dịch “Giảm 20% năng lượng gia dụng” và được Công đảng cầm quyền hậu thuẫn. Chính sách này sẽ làm xanh mặt những ai quen đặt lối sống vật chất lên hàng đầu. Các gia đình ở Anh từ nay sẽ được vận động để không sở hữu quá một ôtô.
Ai mua sắm hơn một xe xem như có hành vi chống xã hội. Lại còn ưu tiên đăng ký cho xe phục vụ công cộng, hạn chế cấp biển số mới cho xe tư nhân. Mỗi người một xe lả lướt phố phường chỉ còn là ước mơ khó trở thành hiện thực trong 15 năm tới. Chính sách tiết kiệm năng lượng thò mũi vào sinh hoạt của từng gia đình. Thiết bị gia dụng từ nay cũng phải lột xác. Vì rằng tủ lạnh kết hợp ngăn đông tiêu tốn điện phải bị thay bằng loại chạn giữ thực phẩm tươi mát.
Sở thích tắm vòi sen cũng bị khuyến cáo vì đó là cách đơn giản nhất để lãng phí điện và nước. Nên nhớ tắm bằng nước nóng càng là lãng phí vì nước phải được đun bằng điện. Những sản phẩm công nghệ cao cũng có khả năng bị xem như “con ghẻ”. Màn ảnh truyền hình tinh thể lỏng, bàn chải đánh răng bằng điện... nay cũng bị kết án là “chống xã hội”.
Không những thế, các hộ gia đình từ nay được khuyến cáo thực thi một số biện pháp để tiết chế hao tổn điện; nào là trám trét mọi vết nứt ở tường, nào là tăng cường vật liệu cách nhiệt cho trần nhà. Thói quen để các thiết bị ở chế độ chờ (stand by) cũng bị cấm triệt để. Thậm chí có khuyến cáo rút hết các phích cắm điện khỏi ổ khi không dùng đến thiết bị hoặc khi rời khỏi nhà. Vừa tiết kiệm vừa an toàn cháy nổ.
Chính phủ Anh thậm chí còn hi vọng biến mỗi hộ gia đình thành “trạm” phát năng lượng tự cung tự cấp bằng cách triệt để khai thác các nguồn năng lượng tự nhiên như nắng, gió. Năng lượng khai thác này, nếu không dùng hết, được phép hòa ngược trở lại mạng lưới điện quốc gia và hộ gia đình sẽ được trả tiền “ngược” theo kilowatt/giờ hẳn hoi.
Chính sách phân bổ định mức khí thải CO2 vào khí quyển cũng được áp dụng nghiêm ngặt theo nhân khẩu và diện tích mặt bằng. Hộ nào dùng quá tải sẽ phải thương lượng mua hạn ngạch chưa dùng từ láng giềng (tương tự như các quốc gia đang mua bán hạn ngạch khí thải để đảm bảo tuân thủ Nghị định thư Kyoto). Tổ hợp không xem đó là chuyện đùa khi đề nghị hình thành bộ phận cảnh sát môi trường (green police) để chế tài nghiêm ngặt bất kỳ cá nhân hoặc hộ gia đình nào vi phạm qui định về hạn ngạch khí thải.
Tổ hợp tính toán khi cắt 20% năng lượng tiêu dùng trên định mức hiện tại, mỗi hộ tiết kiệm được 250 bảng/ năm tiền khí đốt và tiền điện. Bản báo cáo của Tổ hợp còn đưa ra dự báo khiến các nhà kinh tế hẳn phải nhăn mặt: hệ thống sưởi trung ương (của các tòa nhà), các máy điều hòa nhiệt độ rồi đây sẽ xếp xó (khi người ta quen trở lại với lối sống không cần các tiện nghi hiện đại đó).
MAI KIM ĐỈNH
<< Home