Sunday, June 05, 2005

Điện gió ở Pơ Yâu - Miền Bắc sắp hết thiếu điện

Miền Bắc sắp hết thiếu điện

* Thủ tướng chỉ thị: tiết kiệm ít nhất 10% điện năng hằng ngày

TT (Hà Nội) - Tin từ phòng điều độ trung tâm (Nhà máy thủy điện Hòa Bình) cho biết trong ngày hôm qua (3-6), lưu lượng nước về hồ Hòa Bình đã tăng mạnh từ 360m3/giây lên 800m3/giây.

Với lưu lượng này, mực nước hồ Hòa Bình chiều qua đã lên đến mức 78,94m (tăng 30cm so với hôm trước). “Dù tăng sản lượng nhưng vẫn nằm ở mức khống chế là dưới 8 triệu kWh/ngày để tiếp tục tích nước” - giám đốc thủy điện Hòa Bình Trần Văn Thành cho biết.

Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng cho biết lượng điện phải cắt mỗi ngày tuy đã giảm (so với mức 6-8 triệu kWh trong tuần trước) nhưng sẽ vẫn phải duy trì cho đến khi nước hồ Hòa Bình vượt qua mực nước chết (còn thiếu 1,1m). Nếu lưu lượng nước về hồ giữ nguyên như ngày 3-6 và không có sự cố, dự báo trong 3 - 4 ngày nữa hồ Hòa Bình sẽ tích đủ lượng nước này.

Thủ tướng vừa ban hành chỉ thị số 19/2005 về tiết kiệm trong sử dụng điện. Chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô (từ ngày 1-4 đến 30-6 hằng năm) với chỉ tiêu là mỗi bộ, ngành, địa phương tiết kiệm ít nhất 10% điện năng sử dụng hằng ngày. Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc cắt giảm ít nhất 10% cho việc tiêu dùng điện của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách.

Thủ tướng giao trách nhiệm cho Tổng công ty điện lực phải có biện pháp đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư nguồn điện, tránh cắt điện sinh hoạt trên diện rộng, kéo dài và bố trí cắt giảm điện hợp lý để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

NHẬT LINH

CÁI QUẠT GIÓ SINH ĐIỆN VÀ…
“Thành phố từ trên trời rơi xuống”!
09:29' 04/06/2005 (GMT+7)

TỐ PHƯƠNG

Cái quạt gió sinh điện đã về "lõm" Pơ Yâu

“Giàng ơi, điện là vậy ư? Sao mà nó sáng thế? Đời dân mình, con cháu mình hết khổ rồi!”. Những ánh mắt rạng ngời; những gương mặt háo hức; những bước chân rộn rã; những tiếng gọi nhau í ới mừng vui khiến màn sương giăng giăng “lõm” núi loang dần trong ánh mai đang rắc vàng lên cỏ cây hoa lá. Người dân làng Pơ Yâu, xã Lơ Bang, huyện Măng Giang, tỉnh Gia Lai mở hội đón “cái điện” về “lõm” mình.

“Lõm” Pơ Yâu

Nằm lọt giữa vùng núi vành khăn, để đến được Pơ Yâu người ta phải lội trên 20 cây số đường rừng xuyên qua đỉnh núi cao gần 1.500m. Cả huyện Măng Giang này có gần 100 “lõm” núi, nhưng Pơ Yâu là “lõm” xa nhất, trở ngại nhất với đèo dốc lớn và rộng nhất tỉnh. Pơ Yâu cách trung tâm Gia Lai 85km, cách ga Vân Canh (Bình Định) 130km. Vì thế 65 gia đình với 378 nhân khẩu ở đây, có người chưa một lần qua khỏi “lõm”. Cả “lõm” cũng chỉ có một dòng họ nên ai muốn dựng vợ gả chồng phải “đi tìm” ở vùng ngoài rất xa.

Khi nhóm công tác của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM do ông Nguyễn Văn Tư, Phó chủ tịch Hội làm trưởng đoàn đến đây, ai cũng ngạc nhiên khi thấy đời sống dân làng quá cách biệt với hơi thở văn minh của cuộc sống. Tuy bên dưới nhà sàn bà con không còn nuôi gia súc, nhưng cả “lõm” không có đến một cái bàn bán tạp hóa. Người dân vẫn dùng trái bầu khô để đựng nước, ai cho mấy cái chai nước suối thì mừng lắm. Ai có bình nhựa 5 lít thì xem như của quý trong nhà. Chăn nuôi thì chỉ mới manh nha, còn trồng rau thì chẳng có hộ nào làm. Nghèo là vậy, xa xôi là vậy, nhưng cán bộ tỉnh vận động bà con rời “lõm” vào sống ở vùng gần đô thị hơn, để có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, thì không ai chịu rời đi cả. “Lõm” núi này, rừng cây này đã là mảnh đất ngấm hồn, đượm máu người dân rồi. Những năm tháng kháng Pháp, chống Mỹ, người dân của “lõm” đã anh dũng bảo vệ từng nếp nhà sàn chưa một lần cho giặc đặt chân đến. Số vũ khí tự tạo mà dân làng dùng đánh giặc giữ gìn mảnh đất quê hương hiện vẫn được trưng bày ở bảo tàng tỉnh. Yêu thương, gắn bó với “lõm” núi này nên còn gì vui sướng hơn khi giờ đây bà con dân làng lại được đón “cái điện” của văn minh về “lõm” mình.

"Đảng đã bắt cái gió của trời thành điện phục vụ cho đồng bào làng Pơ Yâu rồi"

Cái quạt gió sinh điện và “thành phố từ trên trời rơi xuống”

Kéo điện về cho bà con! Kế hoạch này xem ra thật khó với một tỉnh không phải giàu như Gia Lai. Bởi vì, phải bỏ ra 15 tỷ đồng để làm đường dây, lại phải phá rừng thì may ra mới kéo được điện về phục vụ cho trên 300 con người trong lõm núi này. Và tỉnh “bó tay”! Nhưng cái tâm cộng với tấm lòng yêu thương con người thì lại cao hơn cái đỉnh núi 1.500m kia.

Một năm trước, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo (BTBNN) TP.HCM đã có một sáng kiến tuyệt vời là tạo ra điện tại chỗ cho bà con. Và ý tưởng ấy đã được các kỹ sư, các nhà khoa học của Đại học Bách khoa TP.HCM tiếp sức. “Vì lương tâm và trách nhiệm hãy hướng về người nghèo, người dân tộc, trẻ em bất hạnh. Góp phần cải thiện đời sống và đem lại niềm vui cho họ” – câu khẩu hiệu nghe có vẻ khô cứng ấy thực ra lại chứa đựng biết bao tấm lòng nhân ái của những con người luôn dành trọn tâm nguyện cho việc đem lại hạnh phúc cho mọi người, nhất là người nghèo, bất hạnh. Cùng với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Hội BTBNN TP.HCM, Đại học Bách khoa TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Chi hội Thiện Nhân (thuộc Hội BTBNN) đã cùng bắt tay nhau đồng tâm hiệp lực cho một mục tiêu đẹp đẽ: đem ánh sáng về với vùng cao.

Đèo dốc cheo leo, quanh co hiểm trở không ngăn được những con người kiên gan xuyên rừng già cho xe qua núi. Mở đường, dùng xe hai cầu, gắn thêm tourpo…nguy hiểm có là gì đâu khi hai chiếc quạt gió được lắp đặt. Có lẽ nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi nghe chuyện quạt gió sinh điện. Nhưng đó lại là sự thật. Chiếc quạt gió được hình thành từ trí tuệ, công sức và cả tấm lòng của những nhà khoa học. Đó là kiểu quạt đạp nước, trục quạt thẳng góc với hướng gió có kèm theo thùng tích điện, biến áp, công tắc, hệ thống cột, dây điện…rất khoa học và hiện đại. Cán bộ quản lý cũng đã được huấn luyện về cách xử lý, về nguyên tắc an toàn…; và lễ khánh thành mừng “cái điện” về “lõm” đã ghi lại một dấu ấn không thể mờ phai trong lịch sử của “lõm”.

Trẻ em Pơ Yâu vui đón "cái điện" về làng

Ông Nguyễn Văn Tư, Phó Chủ tịch Hội BTBNN TP.HCM hồ hởi kể: “Từ đứa trẻ chạy lon ton đến cụ già trăm tuổi đều ra dự lễ. Buổi lễ đã bắt đầu, mọi người đã phát biểu, nhưng gió vẫn “lặng tăm”. Rồi tiếng hô “cắt băng khánh thành” vang lên! Gió bỗng ào ạt thổi. Công tắc bật rồi và điện sáng lòa. Niềm vui như vỡ òa trên từng gương mặt! Nhưng “sao điện ở đây thì có mà ở nhà tui thì không?”. 70 căn nhà của dân vẫn “im lìm”! Thì ra, vì cẩn thận, bà con “quấn” hai đầu dây điện lại với nhau cho “gọn”. Vậy là “chập”, điện không có, lại phải sửa. Rồi 100 bóng đèn (70 bóng ở nhà dân và 30 bóng đèn đường) và chiếc tivi đã nối “lõm” núi Pơ Yâu tối tăm với thế giới văn minh”.

“Đảng đã bắt cái gió của trời thành điện phục vụ cho đồng bào làng Pơ Yâu rồi. “Lõm” Pơ Yâu đã là thành phố từ trên trời rơi xuống rồi!”. Tiếng reo vui, tiếng vang ca của trẻ lẫn già “lõm” Pơ Yâu làm cho cả núi rừng tỉnh giấc!

T.P

0 Comments:

Post a Comment

<< Home