Wednesday, June 29, 2005

Xuất lậu xăng dầu: Chống "voi" hay chống "kiến"?!



15:39' 29/06/2005 (GMT+7)

Thật khó có thể chấp nhận khi những lực lượng hùng hậu chống buôn lậu của ta lại chỉ chăm lo ngăn chặn những "con kiến" đi qua biên giới mà bỏ sót những "con voi" hàng trăm tấn như vụ buôn lậu xăng dầu ở Đồng Tháp vài năm trước đây




Ghe chở xăng dầu từ bên Khánh An (An Giang) đang vận chuyển và đổ bộ lên bờ Prekchray, Khothom (Campuchia). (Ảnh: Lao động)

Những ngày vừa qua, cùng với những tin tức về giá dầu thô leo thang trên thế giới và việc Chính phủ phải bù lỗ xăng dầu nhập khẩu, trên các báo lại nổi lên một câu chuyện cũ: xuất lậu xăng dầu qua biên giới.

Nếu như việc nhập lậu đường, xi măng, sắt thép, hay xe máy chứng tỏ các công ty nước ngoài có thể sản xuất với giá thành thấp hơn chúng ta, và thể hiện sức cạnh tranh kém của công nghiệp trong nước, thì việc xuất lậu xăng dầu lại hoàn toàn không thể hiện sức cạnh tranh hơn nước ngoài của DN Việt Nam...

Chính phủ "xử" thế nào?

Giá xăng dầu thế giới tăng cao lại đúng vào thời điểm Chính phủ đang phải nỗ lực để kìm giữ tốc độ lạm phát. Dùng lợi nhuận từ xuất khẩu dầu thô để trợ giá xăng dầu là điều dễ dàng, nhưng kéo dài tình trạng này lại gây ra nhiều điều bất hợp lý.

Thứ nhất, sẽ đến lúc những người ít sử dụng hoặc không sử dụng xăng dầu lên tiếng: tại sao chỉ những người sử dụng xăng dầu được trợ giá. Thứ hai, những công ty kinh doanh xăng dầu sẽ dần quen với tình thế được trợ giá và mất đi khả năng cạnh tranh một khi không còn trợ giá. Thứ ba, tiếp tục dùng ngân sách nhà nước để trợ giá ở mức cao có thể gây mất ổn định về vĩ mô. Thứ tư, điều khó chấp nhận nhất là khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn nước ngoài sẽ gây xuất lậu, và ngân sách "quí hiếm" của Chính phủ đáng lẽ để trợ cấp cho người tiêu dùng trong nước lại được dùng để trợ giá cho người nước ngoài và những kẻ buôn lậu.

Nhưng nếu tăng giá xăng dầu theo giá thế giới thì có thể kéo theo tăng giá của hàng loạt các mặt hàng khác và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kìm giữ lạm phát năm 2005 dưới hai chữ số.

Đừng đánh đồng "xăng" và "dầu"

Nếu giá xăng dầu tăng đủ để loại bỏ trợ giá nhưng giá của ta vẫn thấp hơn giá bên kia biên giới, thì việc ngăn chặn xuất lậu trở nên không cần thiết: hãy để người dân bên kia được mua xăng dầu rẻ trong khi các công ty xăng dầu của ta vẫn có lãi.

Trong một tình huống khác, nếu giá xăng dầu tăng để giá hai bên biên giới gần như cân bằng và không còn động cơ buôn lậu, thì việc trợ giá ở một mức độ nào đó hoàn toàn có thể chấp nhận được, với mục tiêu là ổn định giá trong nước trước các biến động nhất thời trên thế giới.

Cũng nên phân biệt giữa giá xăng và giá dầu. Các ngành công nghiệp chủ yếu sử dụng dầu nên việc tăng giá dầu dễ gây ra tăng giá "thực" của các sản phẩm có liên quan. Người tiêu dùng chủ yếu sử dụng xăng nên tăng giá xăng dễ gây tác động tâm lý và gây ra tăng giá "ảo" trên thị trường.

Việc tăng giá "thực" là điều không thể tránh khỏi khi chúng ta hội nhập với nền kinh tế thế giới. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ để ổn định giá trong ngắn hạn, nhưng Chính phủ không có trách nhiệm và không thể bao cấp kéo dài. Để chống lại việc tăng giá "ảo" trong người tiêu dùng, điều cần phải làm mà chúng ta chưa làm là hãy công khai toàn bộ cơ cấu giá xăng dầu để người tiêu dùng hiểu, thông cảm, và ổn định tâm lý.

Cần dốc sức để chống "voi" thay vì ngăn "kiến"!

Một điều cũng khó chấp nhận là các cơ quan chỉ kêu ca về tình trạng buôn lậu mà không nêu được con số buôn lậu là bao nhiêu? Làm sao có thể ngăn chặn một hiện tượng khi mà còn chưa biết rõ qui mô của hiện tượng này?

Việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới có thể thấy qua hai dạng: buôn lậu lẻ tẻ của người dân cạnh biên giới với qui mô vài chục lít mỗi người, hay buôn lậu có tổ chức với qui mô lớn. Với qui mô nhập khẩu và tiêu thụ mười hai triệu tấn mỗi năm, tác động của buôn lậu lẻ là hoàn toàn không đáng kể. Với buôn lậu qui mô lớn, các tổ chức chống buôn lậu như biên phòng, Hải quan, và chính quyền địa phương nhất thiết phải có khả năng phát hiện và ngăn chặn. Thật khó có thể chấp nhận khi những lực lượng hùng hậu như vậy lại chỉ chăm lo ngăn chặn những "con kiến" đi qua biên giới mà bỏ sót những "con voi" hàng trăm tấn như vụ buôn lậu xăng dầu ở Đồng Tháp một số năm trước đây.

Hãy dùng cơ hội này để tăng cường kỷ cương biên giới, để phát hiện và triệt tiêu những "con voi" buôn lậu.

VietNamNet Nhận định
Xăng dầu "vượt biên" ồ ạt

TT - Chiều 28-6, tức là chỉ mới hơn một ngày sau khi giá dầu thế giới tăng đạt mức kỷ lục 60 USD/thùng, chúng tôi trở lại các cửa khẩu và vùng biên.
Khác với hình ảnh bình bình của những ngày trước đó, cảnh mua bán xăng dầu ở những vùng biên giới này hết sức sôi động.

Kiên Giang: bơm xăng mỏi tay

Dọc trên tuyến đường từ trung tâm thị xã Hà Tiên ra cửa khẩu chúng tôi đếm được có đến gần chục cây xăng, trong đó có hai cây xăng vừa mới hoạt động. Ghé một cây xăng trên đường ra cửa khẩu Xà Xía, xã Mỹ Đức, ngay tiền sảnh cửa hàng này tôi ước có chừng 30 can đang sắp thành hàng để chờ bơm.

Bà chủ cửa hàng chừng 45 tuổi đang đếm tiền trong gian nhà trong, bên ngoài ba nhân viên còn khá trẻ, hai nam một nữ, mồ hôi nhễ nhại đang hì hục bơm xăng cho khách. Tôi là khách lẻ nên phải chờ cả chục phút mới đến lượt mình. Một trong ba người bơm xăng bảo: “Oải quá, sáng đến giờ bơm mỏi tay tụi tui có được nghỉ tí nào đâu. Bà con thông cảm, sắp hàng chờ chứ cửa hàng có bốn máy bơm, bơm nhiều quá chiều nay cháy mất một máy rồi”.

Tôi thử hỏi một người đàn ông đang chất sáu can xăng lên xe máy chuẩn bị rời cửa hàng, anh này nhìn tôi vẻ nghi ngờ. Anh bảo: “Chú em hỏi làm gì, tụi này đi chở thuê kiếm ăn, mấy cha đầu nậu bên Campuchia”. Rồi anh vù xe phóng như điên về hướng bên kia biên giới. Ghé vào chốt biên phòng H., một sĩ quan biên phòng cho hay: những người buôn xăng chủ yếu là cư dân nghèo biên giới Hà Tiên, được hậu thuẫn phía bên kia biên giới, buôn xăng không có gì lời bằng, mỗi can xăng trót lọt họ kiếm cả trăm ngàn đồng.

Chúng tôi đến xã Tân Khánh Hòa - nơi chỉ cách biên giới Campuchia chừng 1km. Chỉ một đoạn chừng hơn 1km có tất cả sáu cửa hàng xăng dầu mà cửa hàng nào cũng tấp nập người mua kẻ bán, dưới sông hàng chục chiếc ghe đang chờ “ăn hàng”, trên bờ can (loại 30 lít) chất la liệt.

Petrolimex đảm bảo đủ nguồn xăng dầu

Ông Bùi Ngọc Bảo - phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) - khẳng định mặc dù giá xăng dầu trên thế giới hiện tăng cao nhưng Petrolimex sẽ vẫn đảm bảo nguồn xăng dầu mua vào và bán ra thị trường.

Theo ông Bảo, việc giá xăng dầu trên thế giới tăng sẽ gây khó khăn cho việc nhập khẩu hàng. Hiện tại, mỗi ngày Petrolimex phải chịu mức lỗ 30 tỉ đồng, tăng 10 tỉ so với trước đây.

Để đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp ra thị trường và giảm mức lỗ thấp nhất, Petrolimex đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành cân đối nguồn xăng dầu bán ra, chống buôn lậu xăng dầu ra biên giới, tiết kiệm chi phí.

K.HƯNGGhé vào một cây xăng nằm cạnh chốt biên phòng Đầm Trích, chúng tôi thấy có cả trăm can nhựa chất lỉnh kỉnh. Trong vai một khách đi đường ghé vào đổ xăng, nhân viên bán xăng nhìn tôi bảo: “Anh đi chỗ khác mà đổ, tụi tui kẹt bơm xăng cho mối rồi, họ chờ từ sáng đến giờ đấy. Sáng giờ mấy cha quản lý thị trường vô kiểm tra bán không được”. Ghé vào một quán nước ven đường, hỏi thăm bà chủ quán cho biết hai bữa nay khu vực này sôi động lắm, nhờ dân buôn xăng mà hàng quán đắt hàng. Dân buôn xăng toàn là dân Việt có mối (đầu nậu) bên Campuchia, lời giữ lắm. Ở đây có sáu cây xăng, chủ yếu bán sang Campuchia nên cây nào cũng đắt hàng cả, sáng giờ có thêm bốn chiếc xe bồn chở xăng vô cung cấp các cửa hàng rồi - bà chủ quán nước cho biết thêm.
Theo ông Trần Văn Tiên - cán bộ quản lý thị trường huyện Kiên Lương - tình hình xăng dầu chảy qua biên giới rất đáng lo ngại, mỗi ngày ước có hàng ngàn can xăng được tuồn qua biên giới. Một số cây xăng ở đây còn bán xăng, dầu với giá cao hơn qui định của Nhà nước 200 đồng/lít. Tuy nhiên, giá này vẫn được dân buôn xăng đồng ý bởi chỉ cần vận chuyển trót lọt qua bên kia biên giới họ đã có lời khoảng 3.000 đồng/lít xăng và cũng gần bằng ngần ấy đối với dầu.

Trong khi đó một nguồn tin cho biết tại Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc mỗi ngày có ít nhất vài chục chiếc tàu đánh cá của ngư dân Campuchia sang mua bán xăng dầu công khai trên biển rồi vận chuyển về phía Campuchia.

An Giang: đầu nậu ứng tiền buôn lậu xăng

Tại cửa khẩu Xuân Tô (Tịnh Biên), ở mỗi bè xăng neo đậu trên kênh Vĩnh Tế sát biên giới đều lố nhố dân Campuchia lần lượt ghé qua mua xăng dầu, hết tốp này quay ra có tốp khác ùa đến. Từng chiếc can loại 30 lít cũng lần lượt được bơm đầy, số đem chất xuống xuồng rồi chỉ vài cú đẩy nhẹ chiếc xuồng chở đầy xăng dầu quay lại bờ bên kia. Bên ấy luôn có người núp chực chờ sẵn nhận hàng rồi đai vác vượt băng đồng trở về Thum Đưng. Số thì được chuyển lên những chiếc xe ba gác “siêu trọng”, sau đó chất đủ thứ hàng hóa lên che kín.

Chúng tôi lân la làm quen với vợ chồng anh Chan Đa, lúc ấy đang ém mấy can xăng dưới hàng đống thùng mì gói. Khi hỏi thăm về chuyện “buôn xăng”, anh chân chất với tiếng Kinh trọ trẹ: “Mua về bỏ lại cho mối ở chợ Thalop. Bên ấy nhiều mối lắm, nhiều người thiếu vốn còn được họ ứng tiền cho mượn để đi mua về bán lại họ”.

Theo lời anh kể, ở Thum Đưng có không dưới 100 người ngày ngày qua Xuân Tô mua xăng dầu về bán. Anh bảo: “Loại xăng 8.000 cũng có mua nhưng ít lắm! Thường chỉ mua loại xăng 7.600 thôi, mua về bán khoảng 11.000 đồng”. Mỗi ngày dân buôn lậu xăng dầu như anh qua lại ít nhất cũng vài ba chuyến.

Từ đây chúng tôi ngược kênh Vĩnh Tế, thỉnh thoảng gặp vài chiếc tắc ráng phủ kín tấm cà rèm lên trên, dưới khoang xếp đến mấy lớp can nhựa cũ mèm. Đang chạy nhanh bất chợt họ ghé vào vài con rạch nhỏ ăn thông qua đất Campuchia. Tại ngã ba sông Châu Đốc, sát biên giới, từng chiếc ghe và tắc ráng loại không số từ hướng Praychusa thỉnh thoảng ghé qua mấy bè xăng ở đây đổ đầy xăng dầu rồi quay ngược về, có chiếc cẩn thận ngụy trang bằng đủ thứ hàng hóa. Cùng với họ là những tốp tàu buôn, ghe chở hàng đường dài lên Phnom Penh trước khi qua biên giới mỗi chiếc cũng đều ghé mua hàng chục can.

Chiều 28-6, chúng tôi có mặt ở doi đất ngay ngã ba sông Bình Di và sông Hậu, bên kia sông là Kohthom, Kan Dal. Tại đây có đến hai bè xăng và một điểm bán xăng dầu chỉ cách biên giới chừng 10m. Những tốp bạn hàng Campuchia thản nhiên cho ghe ghé cặp vào mấy cây xăng mua xong rồi ngược quay về. Ngồi tại một điểm bán xăng ở đây, chúng tôi thấy không biết bao nhiêu chuyến ghe trùm mui kín cứ liên tục đổ qua bên kia biên giới rồi vội quay về. Lúc đi xuống mấy bè xăng ở ấp 2, Khánh An, chúng tôi phát hiện số ghe trùm mui này đang ghé chất hàng đống can xăng dầu. Cứ mỗi lần ghe quay về đây luôn có vài chiếc ghe nhỏ khác cặp vào để phụ lên hàng.

Trời chập choạng tối, bên những con đường cặp sông Bình Di và sông Hậu thuộc địa phận hai xã Khánh Bình, Khánh An (huyện An Phú) hàng đống can nhựa đã tập kết sẵn cạnh mấy cây xăng, bè xăng. Đó đây, lố nhố bóng người với những chiếc xe đạp thồ và đống can nhựa lỉnh kỉnh. Những can nhựa chứa đầy xăng dầu chất sẵn, rồi lần lượt những chiếc ghe ghé nhận hàng vượt sông.

Quảng Ninh: điểm nóng Hoành Mô

Chiều qua 28-6, ông Nguyễn Đăng Trưởng - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh - khẳng định đã có tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới Việt - Trung hơn một tuần nay. “Các đối tượng lợi dụng giá xăng dầu phía VN thấp hơn bên Trung Quốc nên đã đóng hàng vận chuyển qua biên giới bằng đường tiểu ngạch” - ông Trưởng nói.

Ông Trưởng cho hay hiện nay việc vận chuyển xăng dầu qua biên giới bắt đầu rộ lên phía cửa khẩu Hoành Mô.

HOÀNG TRÍ DŨNG - ĐỨC VỊNH - ĐỖ HỮU LỤC

0 Comments:

Post a Comment

<< Home