Thắt chặt tiền tệ hợp lý khi dầu tăng giá
Linh hoạt trong việc cung ứng tiền cho nền kinh tế. |
Giá dầu leo cao, chính sách tiền tệ phải "thắt chặt” vừa đủ để giúp kiềm chế lạm phát, cũng phải "nới lỏng" vừa đủ nhằm tránh những tác động không cần thiết tới tăng trưởng kinh tế. Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thu, Trưởng phòng Phân tích kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) sẽ bàn sâu hơn về vấn đề này.
Đợt tăng giá dầu lần thứ 4 (từ năm 2004 đến nay) gây nhiều lo ngại về ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và những vấn đề mà chính sách tiền tệ phải đối mặt. Nếu như 3 đợt khủng hoảng dầu trước (1973-74; 1979-80; 1990- 91) xảy ra đều thuần túy do nguồn cung giảm mạnh, xuất phát từ các cuộc chiến của các nước thuộc khu vực dầu mỏ, thì nguyên nhân của đợt tăng giá dầu hiện tại chủ yếu do cầu tăng cao.
Trước tiên, hãy xem xét giá dầu gia tăng tác động đến lạm phát theo cơ chế nào. Sơ đồ sau có thể được xem như một kiểu mô hình tiêu chuẩn cho việc xác định lạm phát, nơi mà lạm phát được khống chế bởi 3 nhân tố: Kỳ vọng, chênh lệch cung cầu và các loại cú sốc khác nhau, trong trường hợp này là sốc về giá dầu.
Thứ nhất, giá dầu tác động gia tăng lạm phát qua 2 cách: trực tiếp và gián tiếp. Về tác động trực tiếp, khi giá dầu tăng cũng có nghĩa là các nhóm hàng hóa nhất định trong thành phần của CPI mà chủ yếu là nhóm xăng, dầu nhiên liệu gia tăng; về tác động gián tiếp, giá dầu gia tăng làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp và do đó làm tăng giá bán thành phẩm.
Thứ hai, giá dầu tác động tới lạm phát qua kênh chênh lệch cung cầu của nền kinh tế: Về nguyên lý nếu tổng cầu gia tăng và tổng cung cũng gia tăng một lượng tương ứng, có nghĩa là cung vẫn đáp ứng đủ cầu thì sẽ không gây nên lạm phát (chênh lệch tổng cầu và tổng cung lúc này sẽ bằng không). Nhưng nếu sự gia tăng của tổng cầu lớn hơn sự gia tăng của tổng cung có nghĩa là cung không đáp ứng đủ cầu sẽ tạo ra áp lực lạm phát (chênh lệch tổng cầu tổng cầu lúc này sẽ lớn hơn không) và trong trường hợp ngược lại sẽ là giảm phát.
Do đó, hiểu một cách đơn giản nhất là khi giá dầu tăng dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng làm lợi nhuận doanh nghiệp bị co lại, dẫn đến sản xuất suy giảm, tổng cung của nền kinh tế vì vậy sẽ suy giảm. Mặt khác, khi giá dầu tăng cũng làm tăng phần chi tiêu cho các sản phẩm về dầu và phần chi tiêu cho các sản phẩm ngoài dầu đương nhiên sẽ bị giảm xuống khiến tổng cầu nền kinh tế cũng giảm.
Như vậy, một sự tăng lên trong giá dầu sẽ đồng thời làm cả tổng cung và tổng cầu đều suy giảm. Cả hai tác động này cùng làm sản xuất suy giảm dẫn đến tăng trưởng kinh tế suy giảm nhưng lại tác động ngược chiều đến lạm phát: Trong khi tác động của tổng cung suy giảm đẩy giá lên thì tác động của tổng cầu suy giảm lại đẩy giá xuống. Tuy nhiên, thực nghiệm cho thấy sự tăng lên trong giá dầu có xu hướng trùng với sự gia tăng lạm phát, đây là lý do hợp lý để giả định rằng tác động của bên cung sẽ mạnh hơn tác động bên cầu.
Thứ ba, giá dầu tăng tác động gia tăng lạm phát qua lạm phát kỳ vọng: Một sự gia tăng của giá dầu sẽ nhanh chóng lan tỏa tới các loại giá khác của nền kinh tế. Sự lan tỏa càng cao thì lạm phát kỳ vọng càng lớn. Ngược lại, khi lạm phát kỳ vọng càng lớn thì tác động lan tỏa sang các nhóm hàng hóa khác càng nhiều. Mức độ lan tỏa của sự thay đổi giá dầu đến các giá khác và tác động lên lạm phát kỳ vọng phụ thuộc phần lớn vào sự điều hành chính sách tiền tệ và lòng tin vào chính sách này.
Phân tích trên cho thấy, giá dầu tăng cùng lúc có xu hướng đẩy lạm phát gia tăng và làm tăng trưởng kinh tế suy giảm, nên thường gây khó khăn cho chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương chỉ có một công cụ là lãi suất chủ chốt và có thể sử dụng nó để tác động lên tổng cầu (hay tăng trưởng kinh tế) và lạm phát theo cùng một hướng (đối với Việt Nam, lãi suất đã được tự do hóa, do đó lãi suất thị trường sẽ bị tác động thông qua việc các công cụ chính sách tiền tệ tác động lên mức cung tiền). Khi lãi suất được cắt giảm, tổng cầu trong nền kinh tế tăng lên tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời cũng làm lạm phát tăng lên, và khi lãi suất tăng lên thì tăng trưởng kinh tế và lạm phát cùng giảm.
Như vậy, nếu có một cú sốc tác động vào vào tăng trưởng kinh tế và lạm phát theo hướng ngược nhau như cú sốc về giá dầu thì Ngân hàng Trung ương sẽ gặp khó khăn trong việc cùng lúc phải ổn định lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm hướng tới việc giảm mạnh lạm phát thì điều này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế cũng sẽ suy giảm hơn nữa. Nếu thay vào đó Ngân hàng Trung ương cân nhắc khuyến khích tăng cầu thì trong một phạm vi nào đó nhằm trung hòa bớt sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế (do cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế đều đã suy giảm trước sự gia tăng của giá dầu) bằng Chính sách tiền tệ nới lỏng thì kết quả sẽ là lạm phát tăng lên, và một khi lạm phát gia tăng thì kỳ vọng cũng tăng lên theo do đó sẽ khó khăn hơn nữa trong việc kiểm soát lạm phát.
Như vậy, khi giá dầu tăng cao thì một chính sách tiền tệ linh hoạt cần thiết phải được thực hiện, đó là chính sách tiền tệ ”thắt chặt” vừa đủ để tránh sự thúc đẩy lạm phát hơn nữa từ việc giá dầu tăng cao nhằm kiềm chế việc lan tỏa tới tiền lương, giá các nhóm hàng hóa khác và lạm phát kỳ vọng; và chính sách tiền tệ ”nới lỏng” vừa đủ để tránh những tác động tiêu cực không cần thiết tới tăng trưởng kinh tế. Đây là quy tắc hoạch định chính sách linh hoạt, nhưng cũng khó để có thể nói cụ thể hơn. Câu hỏi về việc chính sách nào sẽ là thích hợp nhất phải được xác định trong từng trường hợp, phụ thuộc vào môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại, đặc biệt là những nhân tố khác tác động vào lạm phát hiện tại và những dự báo về giá dầu trong tương lai.
Tuy nhiên, đối với các quốc gia theo đuổi lạm phát mục tiêu, thường thì khi giá dầu tăng dẫn đến sức ép lạm phát trong dài hạn sẽ gia tăng hơn mức vốn có. Điều này có nghĩa là chính sách tiền tệ thắt chặt hơn một cách vừa phải là cần thiết để đưa lạm phát trở về với mức lạm phát mục tiêu.
Sự khác biệt giữa đợt tăng giá dầu hiện tại với các đợt tăng giá dầu trước đây Các động lực tăng giá dầu trong năm 2004, xét về một phạm vi nào đó, khác với các động lực của các đợt tăng giá khác. Giá dầu tăng trong giai đoạn 1973-74, 1979-80 và 1990 chủ yếu do sự sụt giảm nguồn cung vì các cuộc xung đột vũ trang. Còn sự tăng giá dầu trong năm 2004 chủ yếu do cầu về dầu mỏ toàn cầu tăng cao trước xu hướng phục hồi mạnh của tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu dầu Trung Quốc nhằm phục vụ cho tốc độ tăng trưởng được đánh giá là khá nóng. Điều này cũng có nghĩa là bất kỳ một sự kiện nào làm giảm nguồn cung dầu như việc phá hoại các đường ống dẫn dầu ở Iraq, các sự kiện liên quan đến công ty Yukos ở Nga sẽ có tác động rất lớn tới giá dầu. Chính vì vậy mà một số các quốc gia thay đổi chiến lược dự trữ của mình sang dự trữ dầu mỏ lại càng tác động làm giá dầu tăng cao. Việc xác định quyền số của các yếu tố khác nhau tác động đến giá dầu là rất khó khăn, tuy nhiên có thể kết luận rằng tác động từ phía cầu đến đợt tăng giá dầu hiện nay lớn hơn nhiều so với các đợt tăng giá trước đây. Việc giá dầu tăng xuất phát từ phía cầu tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát sẽ khác với giá dầu tăng do xuất phát thuần túy từ phía nguồn cung, đó là tăng trưởng kinh tế sẽ bị suy giảm ít hơn nhưng lạm phát lại tăng cao hơn. Bởi vì nếu giá dầu tăng xuất phát từ phía cầu thì mặc dù tổng cung vẫn suy giảm nhưng về phía tổng cầu mức độ suy giảm sẽ ít hơn. Lý do là việc kinh tế đang tăng trưởng nên tổng cầu sẽ gia tăng là động lực triệt tiêu tác động giảm tổng cầu do giá dầu tăng. Vì vậy động cơ cho việc thực hiện Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ mạnh hơn nếu giá dầu tăng chủ yếu do cầu tăng. Lý do trên đây chỉ ra rằng việc phân tích từng cơn sốc một cách độc lập là rất quan trọng trong việc điều hành Chính sách tiền tệ của các quốc gia. Một trong những lý do cơ bản giải thích tại sao tác động của cơn sốc giá dầu lên lạm phát lại lớn như vậy ở nhiều quốc gia trong suốt thập kỷ 70 là chính sách tiền tệ đã được nới lỏng một cách có hệ thống khuyến khích tổng cầu để trung hòa cho việc kinh tế suy giảm. Do đó, trong một môi trường lạm phát như vậy, không còn chỗ dựa về lòng tin đối với yếu tố lạm phát kỳ vọng. Vì vậy, sự tăng lên trong giá dầu có tác động rất nhanh bởi kỳ vọng lạm phát cao hơn và bởi tiền lương và các chi phí khác sẽ tăng nhanh hơn. Bài học rút ra từ cơn sốc giá dầu thập kỷ 70 đã tạo nên những thay đổi trong cơ chế chính sách kinh tế ở nhiều nước, trong đó lạm phát thấp, ổn định được coi là mục tiêu kinh tế vĩ mô được ưu tiên nhất. Rủi ro lan tỏa của việc tăng giá dầu dường như ít hơn nếu các tác nhân trong nền kinh tế cho rằng lạm phát sẽ được duy trì ở mức thấp trong tương lai. Giữ cho lòng tin vào việc lạm phát sẽ được duy trì ở mức thấp, ổn định là nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tiền tệ, đặc biệt là đối với những cú sốc của giá dầu. Một số nhà phân tích cho rằng chính sách về mục tiêu lạm phát rõ ràng cũng đem lại sự hỗ trợ lớn hơn trong việc hình thành kỳ vọng lạm phát và do đó nó sẽ bảo vệ tốt hơn để chống lại sự gia tăng lạm phát một cách lâu dài. Các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng tác động của việc tăng giá dầu lên lạm phát đã thấp hơn ở Mỹ và khối OECD trong suốt 20 năm qua. Kết quả này có thể được giải thích rằng nền kinh tế Mỹ đã duy trì một chế độ lạm phát thấp đáng tin cậy trong suốt giai đoạn, và tác động lan tỏa từ giá dầu tăng cao chỉ ở mức vừa phải do thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ đã hạn chế được mức độ lan tỏa từ giá dầu sang các hàng hóa khác trong nền kinh tế và sang kỳ vọng. Như vậy chắc sẽ có những ý kiến thắc mắc rằng: trong bối cảnh giá dầu tăng cao như hiện tại, một số Ngân hàng Trung ương khu vực châu Âu vẫn cắt giảm lãi suất. Ở Thụy Điển cũng vậy, ngày 21/6/2005 Thụy điển đã vừa giảm lãi suất chủ chốt 50 điểm % (từ 2% xuống còn 1,5%/năm) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Sở dĩ như vậy là do hiện nay các nước thuộc khu vực châu Âu, trong đó có Thụy điển có một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định: tăng trưởng đang ở mức hợp lý và bắt đầu có biểu hiện suy giảm, lạm phát thấp (1,9% năm 2004) và không có các sức ép lên xu thế tiền lương vì các hợp đồng tiền lương đã được ký trước năm 2004; đồng thời nhu cầu sử dụng dầu của Thụy điển đã được thay thế một phần bằng năng lượng hạt nhân nên việc sử dụng dầu đã giảm đáng kể từ 75% năm 1975 xuống còn 30% vào năm 2002. Điều này càng khẳng định việc tiếp tục nới lỏng thận trọng hay thắt chặt thận trọng trong bối cảnh giá dầu gia tăng còn phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại của quốc gia đó như đã phân tích ở trên. Một câu hỏi được đặt ra tiếp theo là liệu giá dầu thế giới còn biến động đến mức độ nào? Hiện tại còn có một vài yếu tố có thể dẫn đến các diễn biến bất lợi hơn như nguồn cung dầu mỏ của thị trường đang căng thẳng và khả năng dự trữ thấp hơn trước đây; hoạt động của các nhóm khủng bố và xung đột vũ trang có thể có các tác động đáng kể trở lại đến giá dầu, và như vậy cũng có nghĩa là vẫn còn tiềm ẩn các rủi ro về lạm phát. |
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo lạm phát, Riksbank;
- “Các cơn sốc giá dầu và kinh tế vĩ mô: Những bài học từ năm 1996”, Tuần san năng lượng 25, 2004, 1-32.
- Hamilton, J.D., “Thế nào là một cơn sốc dầu mỏ?”, Tập san kinh tế lượng 113, 2003, 363-398; Bernanke, B.S., M. Gertler và M. Watson, “Chính sách tiền tệ có hệ thống và Tác động của cơn sốc giá dầu”, Brooking Papers on Economic Activity, 1997, 91-157; Hamilton, J.D., và A.M. Herrera, “Các cơn sốc dầu mỏ và Hành vi kinh tế vĩ mô tổng thể: Vai trò của chính sách tiền tệ”, Tập san Tiền tệ, Tín dụng và Ngân hàng 36, 2004, 265-286; Xem Hooker, M.A., “Are Oil Shocks Inflationary? Asymetric and Nonlinear Specifications versus Changes in Regime”, Journal of Money, Credit and Banking 34, 2002, 540-561;
- Xem Mishkin, F.S. và K. Schmidt-Hebbel, ”A Decade of Inflation Targeting in the World: What do We Know and What do We need to know”, ở Loayza, N. and R. Soto (ed.), Inflation Targeting: Design, Performance, Challenges, ngân hàng trung ương Chile, 2002.
VNE
0 Comments:
Post a Comment
<< Home