Wednesday, July 06, 2005

Xăng dầu tăng giá, giá cả nhấp nhổm tăng theo

Niêm yết bảng giá xăng mới - Ảnh Vi Thảo

TT - Ngày thứ ba sau khi xăng dầu tăng giá, nhiều mặt hàng đã bắt đầu nhích giá lên và nhiều mặt hàng khác cũng đang nhấp nhổm...

TP.HCM: nhiều mặt hàng đã bắt đầu “nóng” lên

Tại chợ đầu mối Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) ngày 5-7, giá thịt heo bán sỉ tại chợ vẫn ổn định. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Trang, trưởng BQL chợ, do giá xăng dầu tăng nên chi phí chở thịt từ lò mổ về chợ đã tăng thêm 10.000 đồng/chuyến.

Tại chợ Trần Chánh Chiếu, đại diện BQL chợ cho biết giá các loại thực phẩm nhích nhẹ 5-10% so với các ngày trước đó cũng với lý do giá xăng dầu tăng. Giá nhích nhẹ làm mãi lực tại chợ vốn trầm lắng, nay càng trầm lắng hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, giám đốc siêu thị Hà Nội, cho biết đến cuối ngày 5-7 vẫn chưa thấy có nhà sản xuất nào gửi thông báo điều chỉnh giá bán.

Giá đường tăng lại

Giá đường đã tăng lại 200 - 300 đồng/kg. Tại TP.HCM, giá bán buôn đường RE từ 7.300 - 7.400 đồng/kg, đường RS khoảng 7.200 đồng/kg. Trước đó trong tháng 6-2005 giá đường đã giảm sau khi các nhà máy đường đẩy mạnh bán đường ra thị trường.

Các nhà máy đường cho biết ngoài yếu tố cung cầu, nay giá đường tăng còn do giá xăng dầu tăng. Chi phí dầu để sản xuất đường luyện đã tăng từ 500 đồng lên 700 đồng/kg. Chi phí vận chuyển đường từ nhà máy về các thị trường tiêu thụ cũng tăng.

T.TU.

Còn tại siêu thị Sài Gòn, đã có 40 mặt hàng thực phẩm chế biến đông lạnh và khô được các doanh nghiệp gửi thông báo điều chỉnh giá bán, mức tăng trung bình 10-11%. “Với mức giá mới này chắc chắn mãi lực tại siêu thị sẽ khó giữ được như cũ” - bà Lê Thị Vũ, giám đốc siêu thị, nói.

“Căng quá! Giá các sản phẩm thịt gà đang đứng ở mức cao, nếu tăng giá nữa là không bán được hàng, mà không tăng thì doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn...” - ông Phạm Văn Minh, giám đốc Công ty Phú An Sinh, lo lắng nói. Ông Minh cho biết do nguồn nguyên liệu thịt gà đang thiếu, giá bán các sản phẩm này đã chạm mức “trần”, không thể tăng thêm nữa.

Theo tính toán, việc giá xăng dầu tăng khiến giá thành loại sản phẩm này tăng 2-3%, chủ yếu là chi phí vận chuyển nguyên liệu từ các tỉnh về. Ông Nguyễn Hoài Đức - phó giám đốc Công ty Vissan - cũng cho biết đơn vị này chưa có kế hoạch tăng giá bán do giá cả các loại sản phẩm thịt heo, bò... hiện đều đứng ở mức khá cao.

Ông Nguyễn Đức Hy - trưởng phòng nghiên cứu phát triển Công ty du lịch Fiditourist - cho biết: giá vận chuyển trong du lịch từ đầu năm đến nay đã tăng trên 10%, và hiện đang rục rịch tăng nữa. Tùy theo tour du lịch dài hay ngắn, phí vận chuyển chiếm 30-50% giá tour. Chính vì vậy, nếu phí vận chuyển đợt này điều chỉnh tăng từ 5% trở lên, công ty sẽ buộc lòng phải tăng giá theo.

Ông Đinh Quang Hiền - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM (giám đốc Công ty cổ phần vận chuyển Saigontourist) - cho hay: “Chúng tôi vừa quyết định ngay trong ngày 7-7 tới đây các thành viên trong hiệp hội sẽ họp để có ý kiến xung quanh việc có điều chỉnh giá cước taxi hay không”.

Cần Thơ: chủ tàu khách than trời

Giá xăng dầu tăng đã làm nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải và người tiêu dùng ở ĐBSCL rất lo lắng.

Anh Huỳnh Văn Lẹ, chủ tàu khách tuyến Cần Thơ - Mái Dầm, cho biết: “Việc tăng giá này khiến giới kinh doanh tàu khách như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì suốt bảy, tám năm nay giá tàu khách chưa một lần được tăng giá”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Hữu Hạnh, trưởng bến tàu khách Cần Thơ, nói: “Hôm nay 6-7 các đơn vị liên quan sẽ tổ chức hiệp thương tăng giá cước vận tải thủy để “cứu” các chủ tàu. Dự kiến giá vé tuyến ngắn sẽ tăng 100%, còn tuyến đường dài tăng 80-90%”.

Trong khi đó, anh Lê Công Hiệp, giám đốc Xí nghiệp Vận tải hành khách công cộng Cần Thơ (xe buýt), băn khoăn: “Với giá xăng dầu như hiện nay, nếu không có sự điều chỉnh giá vé kịp thời, mỗi tháng có thể phát sinh thêm 200 triệu đồng chi phí cho 80 đầu xe hoạt động”.

Đến chiều 5-7 tại một số chợ trên địa bàn TP Cần Thơ, giá nhiều mặt hàng bắt đầu nhích lên do giá xăng dầu tăng. Chị Đào, một tiểu thương chợ Ba Tháng Hai, cho biết: “Do giá xăng dầu tăng nên các phương tiện vận chuyển hàng nông sản, thủy hải sản đã bắt đầu tăng chi phí vận chuyển, kéo theo giá nông hải sản tăng”. Chẳng hạn, một số loại hải sản đã tăng giá bán 1.000 - 2.000đ/kg, cá đồng nuôi cũng tăng từ 1.000đ/kg trở lên.

X.TOÀN - V.NGHI - H.ĐĂNG - PHƯƠNG NGUYÊN - THANH XUÂN

0 Comments:

Post a Comment

<< Home