Tuesday, July 05, 2005

Thủy sản khó khăn vì xăng dầu


Trong cơ cấu giá thành của lĩnh vực khai thác, chi phí nhiên liệu chiếm tới 44%. Với mảng nuôi trồng, tỷ lệ này cũng ngót nghét 10%. Thuỷ sản, vốn đang khốn khó, càng nặng gánh hơn khi xăng dầu tăng giá. Và hệ luỵ sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với dự báo của các bộ ngành.

Ông Vũ Văn Đài: "Đời sống bà con ngư dân sẽ khó khăn khi giá xăng dầu tăng".

Ngay từ đầu năm 2003, khi mỗi lít dầu diesel (nhiên liệu chính cho các tàu thuyền đánh cá) chỉ tăng vài ba trăm đồng, Bộ Thủy sản đã phải tiến hành nghiên cứu tác động của việc tăng giá nhiên liệu đối với khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Trao đổi với VnExpress, Cục phó Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản Vũ Văn Đài lo ngại, giá nhiên liệu tăng cao gây khó khăn không nhỏ cho ngư dân, đặc biệt trong bối cảnh không thể tăng ngay giá bán sản phẩm. Đợt điều chỉnh giá xăng dầu cuối 2002, đầu 2003, nhiều chủ kinh tế bị thua lỗ, tàu thuyền không thể ra khơi.

Toàn ngành thủy sản hiện có hơn 80.000 tàu thuyền máy, với tổng công suất trên 4 triệu CV và tiêu hao khoảng 1,3 triệu tấn dầu mỗi năm. Chỉ với phép tính đơn giản có thể thấy ngay mức tăng giá từ 800 tới 1.600 đồng cho mỗi lít xăng dầu lần này sẽ tác động như thế nào tới đời sống của bà con ngư dân cũng như toàn ngành. Cú sốc đó càng nặng nề hơn khi nhiên liệu chiếm tới 44% chi phí giá thành khai thác. Với lĩnh vực nuôi trồng, chi phí nhiên liệu cũng chiếm tới 10% giá thành.

Ông Trần Phú Tùng, Trưởng văn phòng Hội Nghề cá khu vực Nam Bộ, không khỏi lo lắng khi dầu diesel tăng tới 1.000 đồng, lên 6.500 đồng/lít. Ông tính toán, với mức giá mới, một tàu đánh bắt thủy sản xa bờ mã lực 500-600 CV, chi phí dành riêng cho xăng dầu sẽ tăng thêm 10%. Một chuyến ra khơi cả tháng trời, chiếc tàu này tiêu hao khoảng 10.000 lít dầu.

"Ngành thủy sản, đặc biệt là ngành đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng nặng bởi diễn biến giá xăng dầu tăng. Mỗi chuyến ra khơi luôn luôn phải có một cặp tàu cùng công suất, lênh đênh trên biển ít nhất là 1 tháng, lúc nào cũng chạy và tiêu thụ một lượng dầu đáng kể, thì nhu cầu xăng dầu là rất lớn", ông Tùng lo lắng.

Chủ hai chiếc tàu đánh cá có công suất 90 CV chuyên đánh bắt gần, tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP HCM), tâm sự, có những chuyến ra khơi, lượng cá đánh bắt được chỉ khoảng vài trăm kg đến 1 tấn, thậm chí không đủ để bù tổng chi phí. Ông cho biết, nếu xăng dầu cứ tiếp tục đắt lên nữa thì có lẽ ông chỉ tổ chức ra khơi vào vụ mùa đánh bắt "rộ" mà thôi, chứ không dám "dong tàu chạy rông nữa". Nhiều ngư dân cùng quê với ông cũng nói sẽ thu ngắn thời gian đánh bắt xa và tập trung khai thác biển gần để đỡ tốn nhiên liệu.

Bộ Tài chính dự báo xăng dầu tăng giá sẽ khiến chi phí của ngành thuỷ sản tăng thêm 9%.

Không riêng ngành đánh bắt, nông dân đang nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi tác động của giá xăng dầu. Ông Nghiêm Văn Tuấn, nuôi 3 ha ao tôm tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, cho biết, để đảm bảo hoạt động đèn chiếu sáng liên tục cho các ao tôm, ông phải cho 2 máy phát điện chạy suốt đêm. Lượng xăng dầu tiêu thụ cho 2 máy này khoảng 8 lít/đêm với chi phí 60.000 đồng. "Từ lần tăng giá xăng hồi tháng 3, tôi phải chi thêm khoảng 12.000 đồng/đêm cho xăng dầu. Còn tối hôm qua, ngay ngày đầu tiên giá tăng lần nữa thì tôi mất tròm trèm cả trăm nghìn. Mới tính nhẩm mà đã xanh cả mặt mày", ông Tuấn tâm sự.

Ở lần tăng giá thứ nhất trong năm nay (cuối tháng 3), ngành kinh doanh thủy sản ước tính chi phí đã tăng thêm từ 10 đến 15%, chủ yếu do phí vận chuyển và đánh bắt. Theo tin từ Công ty quản lý chợ đầu mối thủy hải sản Chánh Hưng (TP HCM), 3 tháng qua, giới vận tải vận chuyển thủy sản đến chợ Chánh Hưng đã tăng giá cước 10-20% cho mỗi chuyến hàng. Giá cá không thay đổi nhưng lượng hàng về chợ có xu hướng giảm dần. "Một phần do lượng tàu đánh bắt đã giảm đi về thời lượng cũng như tần suất ra khơi, phần khác cũng do biển động hoặc thời vụ đánh bắt", ông Trương Minh Đức, Phó phòng kinh doanh Công ty quản lý chợ Bình Điền, cho biết.

Sáng 4/7, bà Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương bán cá tại chợ Nguyễn Văn Tráng, quận 1, cũng cho VnExpress biết, giá cá biển do bà lấy hàng từ các chủ vựa kinh doanh thủy sản đã tăng 1.000-3.000 đồng/kg với lý do chi phí vận chuyển tăng. "1-2 tuần hoặc 1 tháng nữa khi các chuyến ra khơi đánh bắt khởi hành ngày hôm nay trở về thì giá cá biển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn", bà Phượng nhận xét.

Lường trước những khó khăn của bà con ngư dân, Bộ Thủy sản đã đề nghị Chính phủ dùng một phần trong phí giao thông đường bộ thu qua xăng dầu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành thủy sản và điều tra nguồn lợi, ngư trường. "Nhà nước có quy định thu phí đường bộ qua giá xăng dầu nhằm tạo nguồn kinh phí tái đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, việc thu phí như vậy chưa hợp lý với ngành đánh bắt thủy sản, bởi họ chủ yếu hoạt động trên biển. Không thể đề nghị Nhà nước áp dụng hai giá với xăng dầu, tuy nhiên, chúng tôi chỉ kiến nghị trích một phần phí đó để đầu tư lại cho ngư dân", ông Vũ Văn Đài trao đổi với VnExpress.

Bên cạnh đó, Bộ Thủy sản cũng khuyến cáo bà con lựa chọn và chuyển đổi nghề đánh bắt có hiệu quả hơn. Đồng thời, nên tổ chức sản xuất theo mô hình tập đoàn, tổ, đội giúp tiêu hao nhiên liệu ít hơn. Áp dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đối với khâu bảo quản sau thu hoạch cũng là một giải pháp giúp tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá bán và giảm bù lỗ khi giá xăng dầu tăng.

Về phần mình, Bộ Thủy sản cho biết sẽ đẩy mạnh các dự án phát triển, điều tra nguồn lợi và dự báo ngư trường chính xác để thông báo cho bà con nơi đánh bắt hiệu quả, đồng thời tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho ngư dân

Phan Anh - Song Linh

Theo dòng sự kiện:
Thời điểm buông giá xăng dầu không còn xa (03/07)
'Không có tình trạng đầu cơ chờ xăng tăng giá' (03/07)
Tranh thủ trước giờ xăng tăng giá (03/07)
Người dân lo giá cả sẽ lại đắt đỏ hơn (03/07)
Giá xăng dầu tăng 800-1.600 đồng/lít (03/07)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home