Châu Á phản ứng nhanh với vấn đề năng lượng
Báo chí Indonesia cho biết một số quan chức trên đảo Sulawesi đang kêu gọi nhân viên dùng xe đạp đi làm để tiết kiệm nhiên liệu |
Trong khi đó, nhiều nước ở khu vực và vùng đông Bắc Á đã có những sáng kiến của riêng mình nhằm tiết kiệm năng lượng.
Tại Thái Lan, chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra liên tục đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm giảm bớt tiêu thụ năng lượng.
Các biện pháp cấp bách mới nhất gồm có ngừng phát sóng các kênh truyền hình cáp và các đài phát thanh cộng đồng từ nửa đêm; các bảng hiệu dùng đèn phải được tắt từ 21g, tức sớm hơn một giờ so với trước đây; hệ thống điều hòa nhiệt độ tại các công sở chỉ được phép hoạt động từ 9g-16g hằng ngày và nhiệt độ phải khống chế không dưới 25oC.
Việc sử dụng đoàn xe hộ tống các nhà hoạt động chính trị và quan chức cấp cao phải được hạn chế. Việc thả nổi giá dầu diesel cũng là một trong những yếu tố đang được tính đến nhằm giảm bớt gánh nặng trợ cấp giá dầu từ ngân sách nhà nước.
Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Lee Hae Chan đã yêu cầu cắt giảm thời gian bật đèn chiếu sáng ban đêm, hạn chế việc sử dụng cầu thang máy. Các thành viên chính phủ cũng đang xem xét việc hạn chế sử dụng ôtô riêng, theo đó trong 10 ngày mỗi chủ xe phải sử dụng phương tiện công cộng một ngày để đi lại.
Chính phủ cũng quyết định sẽ chi một khoản ngân sách trị giá 124,4 triệu USD trong năm nay, một phần của kế hoạch ba năm nhằm cắt giảm việc sử dụng năng lượng. Theo tính toán, trong ba năm tới Hàn Quốc sẽ cắt giảm một lượng tiêu dùng năng lượng tương đương với 17,63 triệu tấn dầu.
Tại Trung Quốc, từ những ngày đầu tháng bảy, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thúc giục các quan chức chính phủ thực hành tiết kiệm điện, nước và xăng dầu nhằm làm gương cho người dân cả nước.
Theo một qui định mới, định nhiệt độ trong các phòng máy lạnh của cơ quan chính phủ không được dưới 26OC, việc sử dụng máy lạnh được rút ngắn một giờ mỗi ngày và tắt máy lạnh nếu có ít người trong phòng. Các quan chức cũng được yêu cầu tắt đèn đúng giờ và sử dụng tối đa các loại bóng đèn tiết kiệm điện.
Trong trường hợp của Indonesia, chính phủ của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono phải đưa ra những chính sách tiết kiệm năng lượng giữa lúc nước này trải qua một cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng.
Giá dầu toàn cầu lên cao, tiêu thụ gia tăng, tình trạng khó khăn của chính phủ trong trợ cấp giá nhiên liệu, khả năng lọc dầu trong nước hạn chế và sự quản lý yếu kém của nhà chức trách là những nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng người lái xe sắp thành hàng dài tại các cây xăng.
Cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng hơn khi người dân xách thùng chứa đi mua xăng dầu để tích trữ và những kẻ đầu cơ tìm cách trục lợi. Giao thông công cộng đã bị đình trệ ở một số thành phố trong khi tình trạng cắt điện bắt đầu xảy ra. Tổng thống Susilo đã phải hủy bỏ các chuyến công du nước ngoài để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
0 Comments:
Post a Comment
<< Home