“Chảy máu” xăng dầu: Những thủ đoạn mới
Tập kết xăng dầu chuẩn bị đưa sang Campuchia |
Nhộn nhịp ở biên giới Tây Nam
Tuyến lộ vành đai cặp kinh Vĩnh Tế, từ cầu Hữu Nghị, xã Xuân Tô đến ngã ba Cây Mít, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) có 4 điểm kinh doanh xăng dầu hoạt động khá rôm rả.
Hai ngày sau khi Chính phủ ra quyết định tăng giá xăng dầu, dù đã hơn 17 giờ nhưng nhiều phụ nữ Khmer vẫn đang vội vã mua và cho xăng vào can nhựa loại 20 lít để gùi về bên kia biên giới.
Trong vai một “tay mơ” đang tìm cách buôn xăng dầu kiếm chút cháo, tôi được một phụ nữ quấn khăn rằn người Khmer, tuổi chừng 40 chỉ dẫn: "Bên Campuchia, các loại xăng được bán đồng giá; sát biên giới Việt Nam thì 10.500 - 11.000 đồng/lít, về đến trung tâm tỉnh lỵ Ta Keo (Campuchia) thì 13.000 - 13.500 đồng/lít, không phân biệt A92 hay A83.
Do các cây xăng dọc biên giới của Việt Nam hầu như chỉ bán loại xăng A92, giá 8.800 - 9.000 đồng/lít, cho nên muốn lời nhiều thì phải chịu khó tới mấy cây xăng phía trong một chút, ở đó mới có loại xăng A83, giá chỉ 8.400 đồng/lít, đem qua Campuchia bán lời hơn".
Quả đúng như lời chị ta nói, rảo một vòng các cây xăng trên tuyến biên giới, chúng tôi chỉ thấy một số trường hợp mua xăng vào can loại nhỏ, trong khi trên tuyến Quốc lộ 91, từ thị trấn Nhà Bàn (Tịnh Biên) ngược ra cửa khẩu Tịnh Biên lại thấy những chiếc ba gác, mô tô chở can nhựa loại 30 lít chạy như bay ngược lên biên giới. Từng can xăng sau đó được tập kết dọc bờ Nam kinh Vĩnh Tế chờ trời tối chuyển sang Campuchia.
Tình hình buôn lậu xăng dầu trên tuyến biên giới của huyện An Phú còn "nóng" hơn, do địa bàn này cách Pec-chray, huyện Koh Thom, tỉnh Kan Dal (Campuchia) chỉ một con sông Bình Gi chưa đầy trăm mét. Do vậy, dân buôn đến các cây xăng dầu trên sông, đong vào can, chất lên xuồng máy, rú ga và nhanh chóng thoát khỏi tầm kiểm soát của lực lượng chống buôn lậu tỉnh An Giang. Để dễ bề tẩu tán khi bị phát hiện, gần đây dân buôn lậu chuyển sang dùng can nhựa loại nhỏ, có cột chì để sẵn sàng ném xuống sông; hoặc cho xăng vào túi nilon, khi bị truy đuổi thì dùng chính những túi xăng này làm hung khí, dọa ném vào lực lượng chống buôn lậu, rồi... phóng hỏa.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia thuộc địa bàn tỉnh An Giang dài khoảng 100 km, có tất cả 36 đại lý kinh doanh xăng dầu. Chưa có con số thống kê chính thức lượng hàng bán ra của 36 đại lý này, nhưng chỉ tính riêng 4 đại lý trực thuộc Công ty Xăng dầu An Giang, lượng xăng dầu bán ra đã lên tới 100.000lít/tháng. Câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý là trong số hàng trăm ngàn lít xăng dầu bán ra này, bao nhiêu xăng dầu bị chảy qua biên giới.
Ông Phan Lợi, Phó trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết: "Gần đây tình trạng buôn lậu xăng dầu có giảm, nhưng do chênh lệch giá khá cao nên lúc cao điểm, trên tuyến biên giới của tỉnh vẫn còn khoảng 40-50 người tham gia vác xăng dầu qua biên giới. 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng phòng chống buôn lậu của tỉnh đã phát hiện, thu giữ 42.000 lít xăng dầu".
Tại Kiên Giang, trên tuyến biên giới thuộc huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên dài khoảng 56 km, có hơn 20 cây xăng nằm cách đường biên chỉ vài trăm mét, tình hình buôn lậu xăng dầu cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện tại, dù giá xăng dầu trong nước đã nhích lên, nhưng vẫn còn thấp hơn giá tại thành phố Kép và tỉnh Campốt (Campuchia) từ 4.000-5.000 đồng/lít.
6 tháng đầu năm nay, các lực lượng phòng chống buôn lậu của tỉnh Kiên Giang đã phát hiện, tịch thu gần 120.000 lít xăng dầu. Chắc chắn đó chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng xăng dầu thực tế đang từng ngày ào ạt chảy qua biên giới.
Biên giới Việt - Lào: Xăng dầu "tràn" qua sông Sê Pôn
Sông Sê Pôn thuộc khu vực biên giới hai nước Việt-Lào qua địa phận huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dài gần 20 km, hiện đang là điểm nóng của tình trạng buôn lậu xăng dầu sang thị trường Lào.
Các cây xăng trên dọc Quốc lộ 9 suốt ngày nườm nượp khách. Để qua mắt các lực lượng kiểm soát, những đối tượng buôn lậu đã thuê người mua xăng đổ vào các can nhựa lớn (từ 30 lít trở lên), dùng xe Minsk, xe công nông... tập kết tại nhà, ngoài bìa rừng. Đêm đến, họ tiếp tục thuê người gùi cõng hàng xuống dọc bờ sông Sê Pôn, dùng thuyền chở qua bên kia biên giới.
Ước tính, dọc sông Sê Pôn và các bản làng của huyện Hướng Hóa hiện có khoảng 20 thuyền chèo tay, thuyền máy công suất nhỏ, chuyên sử dụng vào mục đích vận chuyển hàng hóa trái phép, trong đó chủ yếu là xăng dầu sang Lào. Các con buôn còn cấu kết với các chủ xe khách, xe tải chở hàng, chở đá..., đổ đầy xăng rồi "thong thả" qua cổng A cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang Lào. Lực lượng chức năng hầu như không thể xử lý do các chủ xe thường giải thích vì... đường xa, phải ở lại dài ngày nên dự trữ xăng nhiều.
Ông Lê Chí Dụng - Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết: đến nay đã có hơn 21 vụ buôn lậu xăng, dầu qua cửa khẩu bị phát hiện với số lượng trên 3.520 lít xăng, dầu. Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, lực lượng biên phòng Lao Bảo cũng đã bắt giữ và tịch thu hơn 3.000 lít xăng dầu. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng khoảng 1/10 thực tế, bởi mỗi ngày ít nhất có từ 2.000 - 3.000 lít xăng dầu vận chuyển trái phép qua biên giới.
Mới đây nhất ngày 24/6, lực lượng liên ngành gồm biên phòng và hải quan phối hợp với Công an Lào triển khai đợt truy quét quy mô lớn trên sông Sê Pôn, phát hiện và bắt giữ một thuyền lớn vận chuyển 2.200 lít xăng và dầu diesel.
Ngày 5-7, hai ngày sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, đại úy Lê Văn Sĩ - Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo cho biết: "Tình hình buôn lậu trên vùng biên giới Lao Bảo tuy có giảm nhưng vẫn còn tiếp diễn phức tạp. Bởi giá xăng dầu giữa Việt Nam và Lào vẫn còn chênh lệch rất lớn, bình quân mỗi lít xăng dầu ở Lào có giá bán cao hơn thị trường Việt Nam từ 3.000 đến 5.000 đồng".
Theo Thanh Niên
0 Comments:
Post a Comment
<< Home