Phát triển kinh tế phải lường giá năng lượng tăng
15:20' 08/07/2005 (GMT+7) |
(VietNamNet) - Xây dựng kế hoạch kinh tế trong bối cảnh VN gia nhập WTO đã được TP.HCM bàn tới vào ngày 7/7, tại hội nghị hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2006 và 5 năm (2006 - 2010). "Việc xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội phải được đặt trong khung cảnh VN đã gia nhập WTO, chịu sự tác động từ giá cả chung mạnh mẽ hơn nhiều so với hiện nay. Phải lường trước việc giá cả thị trường thế giới tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng" - Ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch thường trực UBND TP, nói. Theo ông Nhân, "nhiều nước đã chủ động bảo tồn nguồn nhiên liệu tự nhiên, phòng cạn kiệt, và chấp nhận nhập năng lượng. Sắp tới, phải bàn một cách nghiêm túc giải pháp cho những ngành phụ thuộc nhiều vào năng lượng". Một nghịch lý lớn hiện nay của TP là, những lĩnh vực thu nhập thấp lại thu hút nhiều lao động hơn hẳn những lĩnh vực thu nhập cao. 63% lao động hiện nay đem tới giá trị gia tăng không tới 25 triệu đồng/người/năm, trong khi mức trung bình của TP là khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Giải pháp cho thực trạng trên, theo ông Nhân, "TP cần tập trung theo hướng phát triển dịch vụ nghiên cứu thuê cho các nước giàu, như Ấn Độ, Trung Quốc đang làm với Mỹ. Và việc công viên phần mềm Quang Trung đang được thuê thiết kế nhà tù, nhà ở cho nước ngoài là ví dụ". Ngoài ra, TP.HCM cần hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực, không phải bằng cách cho tiền mà xây dựng lộ trình để doanh nghiệp phát triển một cách khoa học. TP cũng phải tạo điều kiện cho nông dân khắc phục nghèo nàn, như: lập chương trình giúp người nông dân trong trường hợp gặp rủi ro khi chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; xây dựng hệ thống tiêu thụ nông sản; xây dựng máy chế biến da để phát huy hết tiềm năng cá sấu... Các chỉ tiêu kinh tế TP.HCM (2006 - 2010) được ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TP, đưa ra: Tốc độ tăng trưởng GDP là 12%. Đặc biệt, phải chú ý tới chất lượng tăng trưởng (có ý nghĩa quan trọng không kém số lượng tăng trưởng). "TP.HCM phải trở thành trung tâm công nghiệp với mũi nhọn là các ngành: cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin... Ngoài ra, phải đột phá vào dịch vụ chất lượng cao: thương mại quốc tế, dịch vụ viễn thông, thị trường bất động sản, dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ..." - Ông Lịch nói.
|
0 Comments:
Post a Comment
<< Home