Friday, July 08, 2005

Hiệu ứng dây chuyền từ tăng giá xăng


Giá cả hàng hoá tăng theo giá xăng. Ảnh:M.PHÚC

“Nói rằng việc tăng giá xăng dầu không có tác động tới giá các loại hàng hoá khác thì không phải, mà vấn đề là chúng ta phải có những giải pháp tích cực để hạn chế sự ảnh hưởng dây chuyền này”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá đã nói như thế trong một cuộc phỏng vấn báo chí mới đây.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua là giá các hàng hoá, dịch vụ sẽ tăng phổ biến 2 - 5%. “Sẽ có một số hàng hoá, dịch vụ giá tăng ở mức cao hơn, do chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành”, ông Tá thừa nhận.

Tuy nhiên, điều khiến ông Tá lo lắng hơn cả là nguy cơ xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, các doanh nghiệp (DN) lợi dụng việc tăng giá xăng dầu hay các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước để tăng giá hàng hoá, dịch vụ một cách quá đáng nhằm bắt chẹt người tiêu dùng. Chẳng hạn, mới đây, Bộ Tài chính mới chỉ dự kiến sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia hơi, thì ngay lập tức giá bia chai Hà Nội và một số loại bia khác đã tăng thêm 25.000 đồng/két.

Ban lãnh đạo Nhà máy Bia Hà Nội giải thích, các đại lý tự tiện tăng giá, chứ Nhà máy không có chủ trương này.

Kiểu giải thích thiếu trách nhiệm như vậy đã từng diễn ra đối với các mặt hàng khác như sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh…

Theo ông Tá, đây là hiện tượng tăng giá ở khâu lưu thông, mà nguyên nhân là do các DN tổ chức khâu phân phối hàng theo hình thức mua đứt, bán đoạn cho các đại lý. “Hậu quả là các đại lý trở thành độc quyền, thậm chí là đầu nậu, mất hết tính chất của đại lý là tổ chức bán hàng và hưởng hoa hồng, khiến thị trường bị méo mó”, ông Tá nói.

Không những thế, điều đáng nói, theo ông Tá là Chính phủ đã nhận thấy những bất cập nói trên và chỉ đạo phải thiết lập một trật tự mới trong khâu lưu thông những mặt hàng “nhạy cảm” chi phối lớn đến nền kinh tế từ nhiều tháng trước đây, nhưng không hiểu sao cho đến nay vẫn chưa làm được.

Gần một tuần sau ngày tăng giá xăng dầu, khảo sát của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, so với các lần tăng giá xăng dầu trước đây, hiện tượng tăng giá hàng hoá, dịch vụ “ăn theo” giảm hẳn.

“Vận tải là dịch vụ bị tác động trực tiếp nhất bởi giá xăng dầu, nhưng bề ngoài vẫn thấy im ắng”, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thoả nhận xét. Giá một số mặt hàng không cơ bản khác có nhích lên, nhưng không cao bằng những lần trước đây, trong khi một số hàng hoá lại giảm như lúa… Tuy nhiên, ông Thoả cũng không loại trừ khả năng việc tăng giá theo xăng dầu lần này có độ “trễ” từ 1 đến 2 tuần.

Trước thực tế nói trên và kết quả lạm phát trong nửa đầu năm 2005 được thống kê ở mức 5,2%, ông Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, việc kiềm chế tăng giá ở mức bình quân 0,2%/tháng vào những tháng còn lại của năm 2005, nhằm giữ mục tiêu lạm phát ở mức dưới 6,5% như Quốc hội đã đề ra vào đầu năm này là điều khó tưởng. “Năm nay, cố gắng giữ lạm phát ở mức thấp hơn so với mức tăng trưởng GDP là điều hạnh phúc lắm rồi”, ông Ruệ nhận định.

Nhiều chuyên gia tài chính nhìn nhận, việc yêu cầu các mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến đời sống xã hội như than, điện, xi măng… không tăng giá cho đến cuối năm nay xem ra lại đi ngược với chủ trương hướng tới mặt bằng giá mới mà Chính phủ vừa nói. Không những thế, có người còn cho rằng, việc “neo giá” sẽ dẫn đến sự mất ổn định, kéo giãn khoảng cách giá giữa các sản phẩm, như một chiếc lò xo bị kéo giãn ra…

Theo ông Tá, đây chỉ là biện pháp tình thế trong thời điểm hiện nay, nguyên nhân một phần là do các DN chưa có giải pháp tích cực trong giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. “Có chăng thì các DN than, xi măng, điện chỉ bị giảm lợi nhuận trước sự tăng giá xăng dầu, như ngành than giảm lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng”, ông Tá nói.

Theo các chuyên gia tài chính thì câu chuyện mặt bằng giá thế giới tăng không chỉ mang lại những yếu tố tiêu cực cho nền kinh tế, mà còn có cả những yếu tố tích cực.

Chẳng hạn, giá xăng dầu trên thế giới tăng đã khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô của VN tăng theo, với dự tính của Bộ Tài chính là năm nay thu thuế dầu thô ước sẽ đạt 54.500 tỷ đồng, tăng so với dự toán đúng bằng số tiền mà ngân sách phải bù lỗ cho các đầu mối nhập khẩu nếu không điều chỉnh tăng giá xăng dầu (khoảng 16.500 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo ông Tá, 50% số tăng thu này được dành cho Tổng công ty Dầu khí VN để làm nguồn đầu tư cho các công trình trọng điểm, số còn lại không đủ bù lỗ, đó là chưa kể số tiền mà ngân sách mất đi do không thu được thuế nhập khẩu xăng dầu, cũng như thuế thu nhập DN bị giảm do chi phí đầu vào tăng…

Tương tự thì nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của VN cũng đã được hưởng lợi từ việc mặt bằng giá thế giới cao như than đá trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 22,8%, nhưng kim ngạch tăng tới 76,2% (do giá tăng từ 25,7 USD/tấn lên 36,9 USD/tấn); gạo xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ 10%, nhưng kim ngạch tăng 10,6%; cà phê xuất khẩu giảm 5,4%, nhưng kim ngạch tăng 2,6%…

Theo Đầu tư

0 Comments:

Post a Comment

<< Home