Sòng phẳng hơn với giá xăng dầu
Nhiên liệu ngày một đắt đỏ, để sẻ chia gánh nặng bù lỗ với Nhà nước, người tiêu dùng phải chắt bóp chi tiêu, còn khối sản xuất thì tính toán chi li để kiềm chế chi phí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân sẽ thấy sòng phẳng hơn nếu để giá dầu buông theo thị trường, có lên có xuống.
Doanh nghiệp và người dân đều đau đầu vì giá xăng dầu tăng. |
Sau nhiều ngày cân nhắc, quyết định tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước thêm 800-1.600 đồng đã được đưa ra với một kỳ vọng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đầu ngành về tài chính, tiền tệ cho rằng, giá nhiên liệu tăng là một cú sốc bên cung và xét về lý thuyết kinh điển, mọi cú sốc như vậy đều có tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Một khi dầu lên giá, lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là vận chuyển, chịu ảnh hưởng ngay lập tức. Những ngành khác sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào cũng đối mặt với sức ép tăng giá thành. Nếu giá thành tăng thêm 1%, hệ quả tất yếu là giá bán ra dùng sẽ phải tăng thêm với mức tương tự, tất nhiên diễn biến giá tiêu dùng còn phụ thuộc vào cung cầu thị trường. Những phân tích lý thuyết này cho thấy, hiển nhiên là giá xăng dầu tác động tới hầu hết các ngành sản xuất cũng như tới tất cả các nhóm trong rổ hàng hoá tính CPI (chỉ số giá tiêu dùng).
"Xăng dầu tăng giá sẽ tác động tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, và như vậy giá thành bị đội lên, kéo theo đó lợi nhuận đương nhiên bị giảm. Nó cũng trực tiếp làm CPI tăng lên và cả hai gánh nặng này lại đè lên tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính trao đổi với VnExpress.
Ông Thoả còn lo hơn khi nhận thấy yếu tố tâm lý của người dân Việt Nam tác động không nhỏ tới diễn biến giá cả, thị trường. Cứ mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu, tất yếu sẽ khiến giá một số mặt hàng thiết yếu tăng cao và xuất hiện phản ứng dây chuyền lan toả sang nhiều nhóm khác. Theo tính toán, việc tăng giá xăng lần này sẽ khiến đầu vào của sản xuất xi măng đội thêm 10%, ngành đánh bắt thủy sản khoảng 9%, vận tải tăng tới 5,72%, điện 1,3%. Ngành than chịu thiệt hại nặng nhất với mức giảm thu khoảng 30 tỷ đồng trong tổng số 815 tỷ đồng bị ảnh hưởng chung của các ngành. Tuy nhiên, là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá cả, ông Thoả và lãnh đạo của ông tin rằng lần tăng giá xăng dầu này, khả năng giá các mặt hàng khác leo theo kiểu "té nước theo mưa" sẽ hạn chế hơn do có sự chuẩn bị tâm lý từ trước.
Một chuyên gia trong lĩnh vực hoạch định chính sách tiền tệ cho rằng, quyết định tăng giá xăng dầu hôm 3/7 hoàn toàn có thể dự báo được, bởi đợt điều chỉnh cuối tháng 3 chưa đủ để giảm bù lỗ và ngăn nạn "chảy máu" nhiên liệu qua biên giới. Theo chuyên gia này, cần thiết phải tránh sự lan toả đối với giá các nhóm hàng hoá khác, song thực tế khó có thể giữ CPI theo yêu cầu đề ra. Lạm phát năm nay sẽ leo tới 7-8%.
"Mức tăng giá xăng dầu vừa qua tương đối lớn. Chính phủ không thể làm gì hơn bởi nạn xuất lậu đang gia tăng. Tuy nhiên, lý tưởng nhất là nên buông giá định hướng theo diễn biến thế giới và cho phép áp dụng biên độ phần trăm nhất định. Làm như vậy sẽ sòng phẳng hơn cho dân chúng. Đồng thời giảm bớt sức ép tâm lý về cái gọi là lạm phát kỳ vọng", vị chuyên gia tiền tệ trao đổi với VnExpress.
Theo phân tích của chuyên gia này, phần lớn các lần điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua đều theo hướng tăng giá bán lẻ hoặc mở biên độ, chứ không có chuyện giảm, kể cả khi giá dầu thế giới xuống thấp. Điều này gây thiệt thòi cho người dân, hơn nữa lại tạo ra tâm lý giá cả sẽ chỉ có tăng chứ không bao giờ giảm (chính là hiện tượng lạm phát kỳ vọng). Bản thân doanh nghiệp cũng có chung tâm lý này, và họ sẽ xây dựng sẵn một "quỹ" dự phòng, tính toán chi phí giá thành cũng như giá đầu ra cho cả việc tăng giá xăng dầu trong tương lai. "Doanh nghiệp sẽ nghĩ cứ tăng giá đi, đằng nào giá cả đầu vào cũng tiếp tục tăng nữa. Và như vậy, vô hình chung lạm phát sẽ càng tăng. Giá cả phải có lên có xuống mới không tạo tâm lý lạm phát kỳ vọng", vị chuyên gia nhận định.
Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập Kinh tế Quốc tế (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), cho rằng phải nhìn nhận tác động của việc tăng giá xăng dầu trong bối cảnh cân đối nền kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chia sẻ một phần trách nhiệm với cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề khiến ông băn khoăn hiện nay là chưa ai đặt lên bàn cân để so sánh giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phản ứng dây chuyền từ việc tăng giá xăng dầu. Hơn nữa, Việt Nam xuất khẩu dầu thô nhiều hơn nhập khẩu xăng dầu, và trong trường hợp chưa thể buông giá theo diễn biến thế giới, người dân có quyền đòi hỏi khoản thu này bù cho phần nhập khi giá thế giới tăng cao. Lần điều chỉnh này, mỗi cá nhân sử dụng phương tiện xe gắn máy phải chi thêm bình quân khoảng 20.000 đồng/tháng. Chưa kể đến giá tiêu dùng liên tục tăng cao, nhiên liệu đắt đỏ hơn sẽ khiến người dân có ít thu nhập hơn để chi tiêu cho các hàng hóa khác.
Phương án buông giá xăng dầu theo thị trường đã được các bộ ngành cân nhắc từ lâu, và có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, từ nay cho tới lúc đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được dự báo là sẽ phải tiếp tục nâng lên cho ngang mặt bằng thế giới. Trong bối cảnh đó, người dân và doanh nghiệp lại tiếp tục thắt lưng buộc bụng.
Ông Đặng Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam cho biết do nhu cầu phụ tải ở miền Bắc trong đợt hè này tới 28%, cao hơn 12% so với dự báo EVN đang phải huy động các nguồn sản xuất điện với giá cao. Để có 1 kWh chạy bằng dầu Tổng công ty phải chi tới 1.700-1.800 đồng. Do thiếu điện, phải huy động tối đa công suất các nguồn điện chạy bằng dầu, 6 tháng đầu năm nay EVN lỗ hơn 200 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái lãi tới 1.200 tỷ. Ông Hùng cho hay, với tình hình này có thể cả năm tổng công ty không lỗ nhưng lãi sẽ rất thấp. Thực tế EVN vẫn chưa có giải pháp nào mang tính chất cơ bản để đối phó với tình trạng giá dầu leo cao, vì với ngành điện các giải pháp đều rất dài hơi, như xây các nhà máy nhiệt điện chạy dầu hoặc than theo công nghệ mới. Trong bối cảnh xăng dầu tăng giá như hiện nay, EVN chỉ có thể tổ chức lại nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống quản lý và điều độ. Nếu làm tốt công việc này có thể làm giảm số giờ vận hành của các nhà máy nhiệt điện qua đó giảm mức tiêu thụ dầu. Ngành sản xuất nhựa cũng khó khăn không kém, giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao do dầu thô thế giới đắt đỏ, Nay giá xăng dầu trong nước cũng đắt lên khiến chi phí vận chuyển và vận hành máy móc cũng đội lên. Hiện giá hạt nhựa nhập khẩu tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty vận tải mới đây cũng đồng loạt tăng cước trong khi toàn bộ sản phẩm công ty phải bao vận chuyển đến tận khách hàng. Đầu vào tăng, vận chuyển tăng nhưng sức mua trong nước thấp, lại phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc nên không thể tăng giá bán. Một ngày sau quyết định tăng giá xăng dầu bán lẻ, Giám đốc công ty Cao su Sao Vàng Nguyễn Gia Tường ngay lập tức yêu cầu các cán bộ tập hợp số liệu tính toán xem chi phí tính đến cuối năm tăng bao nhiêu tỷ đồng. Ông Tường cho hay, không phải đến khi Nhà nước tăng giá xăng dầu công ty mới tính chuyện tiết giảm chi phí vì thế đợt này chỉ còn cách giãn bớt việc hoặc giảm lương công nhân. "Tăng giá sản phẩm không thể kích cầu được vì bình thường người ta sử dụng 2 năm có thể thay một cái lốp nhưng giá đắt quá họ tận dụng không thay nữa", ông Tường giải thích. Cũng tính tới giải pháp giảm lương công nhân, ông Bùi Quang Lanh, Giám đốc Nhà máy phân lân Văn Điển cho hay, trong vụ hè thu doanh nghiệp không thể tăng giá bán vì đã có chỉ thị giữ ổn định giá. Trong khi đó, chi phí cho vận tải đối với phân bón khá lớn. Tính sơ sơ mỗi năm công ty vận chuyển 600.000 tấn nguyên nhiên liệu đầu vào và vận chuyển 400.000 tấn sản phẩm đầu ra. "Đợt trước đàm phán mãi doanh nghiệp vẫn phải trả thêm cước vận chuyển 5% tính chung cả đường bộ lẫn đường thủy. Lần này tăng giá mạnh như vậy không cớ gì họ lại không tăng", ông Lanh nhận định. Với tình hình như vậy, công ty sẽ cố cầm cự đến hết năm, lúc đó tình hình không khả quan hơn sẽ buộc phải tính tới giải pháp tăng giá bán. Giá xăng dầu tăng khiến chi phí sản xuất của Casumina tăng thêm 5%. Ông Lê Văn Trí, Phó giám đốc công ty cho hay sẽ phải tính toán lại chiến lược kinh doanh của đơn vị mình. Trước mắt, trong tháng 7 giá bán sản phẩm sẽ không tăng giá do công ty có những hợp đồng nguyên liệu mua dài hạn. Tuy nhiên đến đầu tháng 8, chắc chắn sẽ phải tính lại, ít nhất là với mức tăng tương ứng chi phí xăng dầu. |
Kinh Doanh
Thời điểm buông giá xăng dầu không còn xa
Trao đổi với báo chí sáng nay, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá cho rằng việc tăng giá bán định hướng với xăng dầu trong nước lần này mang tính cấp bách, nhằm cân đối thi chi ngân sách và hạn chế xuất lậu. Nếu giá thế giới tiếp tục biến động, tiến tới sẽ buông giá để thị trường tự điều tiết.
- Xin ông cho biết, nguyên nhân tăng giá bán lẻ xăng dầu lần này? Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá
- Đợt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước cuối tháng 3 vừa qua được thực hiện khi giá dầu thô dao động từ 45-55 USD/thùng. Tuy nhiên, cuối tháng 6, có lúc giá đã vượt qua ngưỡng 60 USD/thùng. Hiện giá dầu thô đã bắt đầu chững lại song vẫn dao động trong khung giá 55-60 USD/thùng.
Nhiều nguồn tin cho rằng, OPEC sẽ điều hành giá dầu trong thời gian tới không xuống dưới mức 50 USD/thùng và từ nay đến cuối năm giá dầu có nhiều khả năng dao động trong khoảng 55 đến trên 60 USD/thùng.
Do giá thế giới tăng cao nên 6 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước vẫn phải bù lỗ khoảng 6.454 tỷ đồng. Với giá dầu tiếp tục ở mức 60 USD/thùng, nếu giữ nguyên giá bán xăng dầu trong nước thì kinh doanh tất cả các chủng loại xăng, dầu đều lỗ lớn. Dự đoán 6 tháng cuối năm ngân sách Nhà nước phải bù lỗ khoảng 9.324 tỷ đồng và cả năm phải bù lỗ hơn 15.700 tỷ đồng, chưa kể ngân sách bị giảm thu do giữ mức thuế nhập khẩu xăng dầu là 0%. Con số đó quá lớn khi đem so sánh với dự toán ngân sách của năm dự kiến là 183.000 tỷ đồng
Ngoài ra, giá trong nước đang chênh lệch khá lớn so với các nước láng giềng (khoảng 2.000-4.700 đồng/lít) nên nạn xuất lậu xăng dầu trên biên giới đất liền và trên biển sang Trung Quốc, Campuchia và Lào diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng, khó kiểm soát.
Chúng ta không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới, giá xăng dầu cũng vậy. Do vậy, việc điều chỉnh giá bán trong nước là bất khả kháng.
- Tại sao liên bộ lại quyết định điều chỉnh giá định hướng mà không tính chuyện mở biên độ theo Quyết định 187?
- Giá dầu thô thế giới tăng mạnh, nếu chúng ta điều chỉnh theo biên độ theo hướng xăng 10%, dầu 5% thì Nhà nước vẫn phải bù lỗ từ nay đến cuối năm là 19.000-20.000 tỷ đồng, riêng dầu lỗ 12.000 tỷ. Liên bộ trình 2 phương án tăng giá định hướng và mở biên độ 5%, Chính phủ thấy phương án mở biên độ không đáp ứng được tình hình hiện nay. Nhu cầu tăng cao, giá dầu vẫn tiếp tục biến động, nếu chúng ta không nới lỏng ngay từ bây giờ thì khi giá thế giới lên cao, lại phải tiếp tục lại phải điều chỉnh. Theo lần điều chỉnh này, diezel tăng 18%, dầu hỏa 36%. Trước đó dầu hỏa điều chỉnh quá thấp, xuất hiện tình trạng gian lận thương mại, pha trộn dầu hỏa với diezel và xăng 83 để bán với giá cao.
- Hiện nay, giá xuất khẩu dầu thô lên cao, nguồn thu này có bù đắp được giá nhập khẩu không thưa ông?
- Nguồn thu từ dầu thô năm 2005 dự kiến sẽ đạt 54.500 tỷ với sản lượng đạt 18,3 triệu tấn. Con số này tăng cao so với dự kiến hồi đầu năm là 16.500 tỷ. Nhưng theo quy định, Công ty liên doanh dầu khí VietsoPetro vẫn được giữ lại 50% số tăng để tái đầu tư, do vậy, ngân sách Nhà nước khi hạch toán gần như không được thêm là bao.
- Lần tăng giá này tác động đến một số ngành sản xuất kinh doanh khác như thế nào?
- Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, do vậy dù là điều chỉnh nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến một số ngành sản xuất khác. Theo tính toán của chúng tôi, việc tăng giá xăng lần này sẽ khiến đầu vào của sản xuất xi măng đội thêm 10%, ngành đánh bắt thủy sản khoảng 9%. Ngoài ra các ngành khác như vận tải tăng chi phí khoảng 2,82%-5,72%, trong đó, kinh doanh vận tải đường bộ tăng 5,72%, đường sắt 2,82% và đường sông 3,44%. Với ngành điện, dự kiến chi phí đầu vào tăng thêm 1,3%, các ngành nông nghiệp nông thôn sẽ tăng 0,1% đến trên 1%. Chi phí cho sản xuất cà phê tăng trên 1%, mía khoảng 0,2-0,4%.
Tuy giá đầu vào tăng nhưng trước đó, Chính phủ đã có chỉ thị, từ nay đến cuối năm, 3 mặt hàng thiết yếu là điện, than, xi măng sẽ không được tăng giá. Do vậy, các doanh nghiệp phải có các phương án quyết liệt, bằng mọi cách cắt giảm chi phí, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ Thương mại sẽ chỉ đạo các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đảm bảo nguồn cung ổn định (cả về số lượng và chủng loại); kiểm tra, kiểm soát các đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên cả nước bán đúng giá quy định, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, gian lận thương mại.
- Lần nào tăng giá xăng dầu, Nhà nước cũng có chỉ đạo tiết kiệm 10% chi phí, vậy liên bộ đã tiến hành kiểm tra và đánh giá việc thực hiện như thế nào?
- Thực hành tiết kiệm, cắt giảm chi phí được cơ quan Nhà nước kiểm tra định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, điều này liên quan đến trách nhiệm thực hiện của các doanh nghiệp và là vấn đề mang tính xã hội. Nhà nước chỉ kiểm tra một số việc làm như tiết kiệm điện, sử dụng xe công, quà biếu, công khai tài chính... Chúng tôi đang có phương án tích cực, ai thực hiện tốt thì khen ngợi đánh giá, đến kỳ họp tới này Quốc hội sẽ đưa ra Luật thực hành tiết kiệm, việc kiểm soát và xử lý những hành vi lãng phí sẽ tích cực hơn.
- Một trong những lý do để điều chỉnh giá xăng dầu là tình trạng xuất lậu sang biên giới. Mức giá mới này có hạn chế được tình trạng này không thưa ông?
- Sở dĩ, xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu là do mức giá chênh lệch quá lớn giữa VN với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, lần điều chỉnh này, giá các mặt hàng đã tăng bình quân 18% nên khả năng hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu là rất cao.
- Tác động của lần điều chỉnh giá xăng dầu đến chỉ số giá tiêu dùng như thế nào?
- Nếu cứ để biến động chỉ số giá tiêu dùng cao, sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát và rất nguy hiểm cho cân đối vĩ mô chung của nền kinh tế. Khi quyết định tăng giá xăng dầu, Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc mức tăng sao cho không ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Đi đôi với nó là áp dụng đồng bộ các biện pháp để cắt giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm xăng dầu, để không vì giá xăng dầu mà đội giá bán sản phẩm. Đặc biệt là phải đảm bảo cầu không vượt cung, trong đó các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, xi măng, phân bón, điện... phải đảm bảo không được thiếu. Chúng tôi tin, với những biện pháp quyết liệt và đồng bộ thì có thể giữ được chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng ở mức Quốc hội đã phê duyệt (6,5%).
Minh Khuyên thực hiện
0 Comments:
Post a Comment
<< Home