Tuesday, August 23, 2005

Cần có cách nhìn công bằng với năng lượng tái tạo



Năng lượng đóng vai trò thiết yếu đối với phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay và đến gần cuối thế kỷ 21, năng lượng hóa thạch đặc biệt là dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng nhất chưa có dạng năng lượng nào thay thế được.

Năng lượng cần đi trước vài bước:

Nhưng đây là dạng năng lượng không tái tạo, dù trữ lượng có lớn đến đâu rồi đến lúc sẽ cạn kiệt, giá thành cao và sử dụng gây ô nhiễm. Dự báo nguồn dầu mỏ thương mại trên thế giới còn dùng khoảng 60 năm, khí tự nhiên 80 năm, than từ 150-200 năm. Dầu mỏ lại tập trung chủ yếu ở các vùng mà tình hình chính trị luôn bất ổn. Mỗi cơn khủng hoảng dầu mỏ làm lung lay nền kinh tế vốn đã mong manh của các nước nghèo. Theo dự báo của cơ quan năng lượng thế giới (IEA) nhu cầu dầu mỏ thế giới hiện nay khoảng 84 triệu thùng/ngày sẽ tăng lên 120-130 triệu thùng/ngày vào năm 2025-2030. Tốc độ tăng bình quân ở mức 1,6-1,8%/năm. Nhận định giá dầu mỏ trên 50 USD/thùng khi có biến động chính trị giá dầu sẽ tăng cao hơn. Nhưng giá xăng diesel chắc còn tăng hơn hiện nay do các nhà máy lọc dầu đã chạy hết công suất.

Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng (than, dầu mỏ), nhưng tiềm năng về năng lượng hóa thạch không phải là lớn. Các chuyên gia kinh tế năng lượng đã dự báo đến trước năm 2020 sẽ phải nhập khoảng 12-20% năng lượng, đến năm 2050 lên đến 50-60% chưa kể điện hạt nhân. Trong lĩnh vực điện năng chủ yếu dựa vào nhiệt điện và thủy điện. Thủy điện tuy có tiềm năng phát triển nhưng lại phụ thuộc vào thời tiết, nếu phát triển quá lớn chưa thể lường trước những biến đổi về dòng chảy tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Điện hạt nhân còn đang trong quá trình chuẩn bị phương án nếu xuôi xẻ cũng phải đến năm 2020 mới bổ sung nguồn điện cho quốc gia. Điện hạt nhân còn là chặng đường gian nan và là vấn đề “nhạy cảm” trong tình hình quốc gia hiện nay.

Xăng dầu dùng cho giao thông vận tải thường chiếm đến 30% nhu cầu năng lượng cả nước, hiện nay phải nhập từ bên ngoài. Khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đưa vào sử dụng năm 2009-2010, mới chỉ cung cấp được khoảng trên 5 triệu tấn xăng dầu cho GTVT trong tổng số nhu cầu 15-17 triệu tấn, vẫn phải nhập trên 10 triệu tấn. Đến năm 2020 khi đưa tiếp 2 nhà máy lọc dầu vào hoạt động chúng ta có chừng 15-16 triệu tấn xăng dầu trong tổng nhu cầu 30-35 triệu tấn. Vẫn phải nhập ít nhất 15 triệu tấn - Lượng xăng dầu sử dụng trên đầu người năm 2020 mới chỉ bằng 60% của Thai Lan năm 2005.

Do giá xăng dầu nhập khẩu luôn tăng, năm 2004 Nhà nước phải bù lỗ trên 5.000 tỷ đồng và thất thu gần 5.000 tỷ đồng do giảm thuế nhập khẩu, ước tính mỗi lít xăng dầu bù lỗ 400-500 đồng. Đầu năm 2005, khi giá dầu mỏ tăng đến 55-60 USD/thùng, riêng quý I đã bù lỗ 4.870 tỷ chưa kể thất thu thuế nhập khẩu. Từ tháng 3/2005 tuy đã điều chỉnh tăng giá và giảm thuế nhập khẩu đến 0%, dự báo năm 2005 vẫn phải bù lỗ 12.300 tỷ (lớn hơn tổng thu ngân sách của các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ).

Những thiệt hại do thiếu điện vừa qua và giá xăng dầu tăng làm cho Nhà nước phải bù lỗ lớn, nền kinh tế bị ảnh hưởng. Hơn thế nữa, hàng loạt các sản phẩm quan trọng cũng phải tăng giá làm cho nền kinh tế bị nén ép, nhiều DNNN tồn tại được nhờ có sự che chắn bảo hộ của Nhà nước và người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất. Mỗi khi có cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm chao đảo nền kinh tế, đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của các nước.

Nhiều nước trên thế giới và các nước ASEAN cũng đang hành động để tăng cường an ninh năng lượng. ASEAN hiện đang nhập siêu dầu mỏ và 60% tiêu dùng năng lượng sơ cấp phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong nhiều năm qua Đảng và Chính phủ đã quan tâm đầu tư cao nhất cho ngành năng lượng so với các ngành công nghiệp khác. Các doanh nghiệp điện, dầu khí, than đá có đóng góp lớn để đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế và sinh hoạt nhân dân. Tuy nhiên, hiện tại đã có những cảnh báo về mất an ninh năng lượng. Nếu ngành năng lượng nước ta không đi trước “vài bước” thì không thể đáp ứng đủ năng lượng cho tăng trưởng kinh tế bền vững, nước ta khó trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết TW đã đề ra. Nếu chỉ dựa vào năng lượng hóa thạch như hiện nay mà không quan tâm phát triển các dạng năng lượng sạch, tái tạo thì cũng khó đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn khi nguồn năng lượng hóa thạch cạn dần. Hơn nữa, nếu sử dụng quá nhiều năng lượng khoáng sẽ gây ô nhiễm lớn.

Môi trường, nỗi lo chung của nhân loại:

Thông báo liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ đã cảnh báo sự nóng dần lên của trái đất đã đến mức báo động: Nồng độ khí nhà kính (CH4, NOx, HFC, PEC, SF6 và CO2) đã tăng lên 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp từ 280 ppmv tăng lên 360 ppmv. Sự gia tăng khí nhà kính mà chủ yếu là CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch quá nhiều làm cho bề mặt trái đất nóng dần lên tăng 0,6-0,8ºC, mực nước biển dâng cao 15-20 cm. Hiện tượng nóng dần lên của trái đất là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ 21. Nếu không hành động tích cực, lượng khí nhà kính có nguy cơ tăng lên 500 ppmv vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm 2-3ºC, nước biển có thể dâng cao 0,5m. Nhiều vụ thiên tai gây lũ lụt hạn hán kéo dài ở quy mô rộng, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp dẫn đến thiếu lương thực và xuất hiện các dịch bệnh mà các nước nghèo khó có khả năng phòng chống. Một số các nhà môi trường học còn cảnh báo nếu để nhiệt độ trái đất tăng thêm 2-3ºC các hệ sinh thái sẽ mất cân bằng không thể tự điều chỉnh được đó thực sự là quả “bom khí hậu”.

Nhân ngày môi trường thế giới 05/6/2005 Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực đã cảnh báo về nhiều vấn đề “nóng” của thực trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta. Ô nhiễm không khí ở các khu đô thị và công nghiệp tăng 2-3 lần, ở các nút giao thông tăng 2-5 lần so với quy định. Ô nhiễm nước là vấn đề hết sức lo lắng... sức khỏe của người dân luôn bị đe dọa mỗi năm. Ở các nước đang phát triển mà hơn nửa triệu người chết do ảnh hưởng của ô nhiễm. Cái giá chúng ta phải trả do ô nhiễm gây ra cao hơn nhiều lần cái lợi trước mắt đã đem lại.

Những thành quả kinh tế đạt được trong 5, 10 năm có thể bị hủy hoại trong chốc lát do thiên tai địch họa. Vì thế bảo vệ khí hậu ngôi nhà chung của nhân loại và phát triển bền vững là trách nhiệm chung của các quốc gia không phân biệt giàu nghèo hệ thống kinh tế chính trị khác nhau.

Cần có cách nhìn công bằng với năng lượng tái tạo:

Tất cả các dạng năng lượng đều cần thiết và có vai trò xứng đáng trong từng giai đoạn. năng lượng hóa thạch, nhất là dầu mỏ đã có đóng góp to lớn trong thời gian qua từ khi E.Drake tìm ra dầu mỏ đầu tiên ở Pennsylvania năm 1859 và vẫn còn là nguồn năng lượng chủ yếu đến gần cuối thế kỷ này. Nhưng nền kinh tế hiện nay vẫn vận hành dựa chủ yếu vào năng lượng hóa thạch là không bền vững trong khi dạng năng lượng này đang cạn kiệt. Mẫu hình sử dụng năng lượng như vậy không đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn và không bền vững về mặt sinh thái. Do vậy, cần phải có chiến lược sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các dạng năng lượng hóa thạch hiện có, và càng sớm càng tốt khai thác sử dụng các dạng năng lượng sạch như điện nguyên tử, đặc biệt là năng lượng tái tạo tràn ngập trên hành tinh không bao giờ cạn kiệt, thân thiện môi trường. Có như thế mới đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn, đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển bền vững.

Có ý kiến cho rằng suất đầu tư và giá điện sản xuất từ gió và mặt trời khá cao, khó cạnh tranh với điện truyền thống hiện nay. Suất đầu tư cho nhà máy điện từ than xấp xỉ 1 triệu USD/1MW điện gió từ 1,2-1,7 lần, điện nguyên tử từ 3-3,5 lần cao hơn so nhiệt điện. Về giá thành, khi phân tích kinh tế để so sánh chúng ta đã bỏ quên nhiều yếu tố chi phí chưa được tính đủ như: sản xuất điện từ than gây ô nhiễm lớn ảnh hưởng đến sức khỏe và mất nhiều kinh phí để khắc phục ô nhiễm (1 nhà máy điện từ than công suất 1.000 MW, mỗi năm phải thải 6 triệu tấn CO2, 44 ngàn tấn SO2, 22 ngàn tấn NOx và nửa triệu tấn thải rắn).

Khi sử dụng năng lượng sạch tái tạo được sẽ giảm khí nhà kính. Chúng ta có thể “bán môi trường sinh thái” thu về nhiều triệu USD.

Thực tế giá thành sản xuất than và điện hiện nay cao hơn giá bán, nếu trình đủ các chi phí ngành điện không thể thu hồi được vốn để tái đầu tư nên vẫn cần Nhà nước bao cấp để bảo đảm điện năng cho tiêu dùng xã hội. Hiện nay, ngành năng lượng được ưu đãi lớn nhất so với các ngành công nghiệp khác về vốn ưu đãi, vốn ODA. Chỉ phải nộp thuế môi trường, hạch toán môi trường vào giá thành (hạch toán môi trường cho phép đánh giá tính bền vững tăng trưởng kinh tế, giúp chúng ta hoạch định chính sách phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên năng lượng ở mức hợp lý). Nếu tính đủ thuế sử dụng tài nguyên, thuế môi trường, tính đủ các yếu tố chi phí hạch toán vào giá thành, cắt bỏ các ưu đãi bao cấp của Nhà nước trong hạch toán kinh doanh thì chưa biết dạng năng lượng nào sẽ có tính cạnh tranh? Hơn thế nữa, chúng ta đã bỏ quên không tính toán lợi ích lâu dài khi sử dụng năng lượng tái tạo đem lại như: Đảm bảo phát triển bền vững kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ mai sau, đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài khi nguồn năng lượng hóa thạch sẽ cạn dần tránh những khủng hoảng năng lượng. Ngành năng lượng đã có 50 năm tồn tại, nhưng bình quân tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2003 mới khoảng 205-210 Kg OE/người, mới bằng 20% bình quân chung của thế giới. Phát triển năng lượng cần thời gian dài, nếu bây giờ không chú trọng phát triển năng lượng thay thế, đa dạng hóa các năng lượng làm sao đảm bảo đủ năng lượng để thực hiện được CNH-HĐH đất nước, và an ninh năng lượng lâu dài. Nếu mỗi năm chi từ 1-2% trong tổng vốn đầu tư cho ngành năng lượng (năm 2005 khoảng 60 nghìn tỷ đồng) để phát triển điện gió, điện mặt trời và nhiên liệu sinh học thì trong vòng 20-30 năm tới điện “xanh” sẽ chiếm được 10-15% điện năng, nhiên liệu sinh học sẽ thay thế được 10-15% xăng dầu khoáng, và đến cuối thế kỷ này chắc chắn có tỷ lệ cao hơn.

Vì vậy, Chính phủ cần sớm phê duyệt chính sách an ninh năng lượng quốc gia, sớm ban hành luật năng lượng trong đó có luật năng lượng tái tạo và sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Cần có cách nhìn đúng đắn và công bằng với năng lượng tái tạo nói chung và nhiên liệu sinh học nói riêng. Bất cứ quốc gia nào không đặt nền móng ngay từ bây giờ cho sự phát triển bền vững sẽ trở nên chậm chạp trong cuộc cạnh tranh. Các nhà kinh tế - môi trường nhiều nước cho rằng sự tiếp cận với năng lượng được sản xuất một cách bền vững vừa là chính sách năng lượng, chính sách khí hậu tích cực, đó cũng là chính sách hòa bình.

Vậy tại sao năng lượng tái tạo nguồn vô tận trên hành tinh vẫn chưa nhập cuộc, vẫn đang đi bộ trên đường đua trong khi năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt vào cuối thế kỷ này.

(Nguồn: CKVN)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home