Monday, August 22, 2005

Trung Quốc: xoay trở trước cơn khát dầu

Người dân TQ đổ xăng ở vùng Nội Mông
TT - Dầu lửa đang trở thành nỗi ám ảnh của các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc (TQ).

Sự phụ thuộc nguồn dầu lửa bên ngoài với giá cả không ổn định trong khi nền kinh tế ngày càng ngốn nhiều dầu hơn đã buộc mọi nỗ lực kinh tế và ngoại giao trong những năm vừa qua của TQ đều ít nhiều hướng đến mục tiêu: tạo sự chủ động về dầu lửa.

An ninh dầu lửa

TQ có đang thiếu dầu không? Có thể nói câu trả lời hiện nay là: chưa. Theo Trung tâm Thông tin nhà nước của TQ, năng lượng của TQ chỉ phụ thuộc 23% vào dầu lửa, trong khi có đến 67% là than. Thế nhưng con số nhỏ nhoi đó cũng đủ để TQ trở thành nền kinh tế “ngốn” dầu lớn thứ hai thế giới, ở mức 5,5 triệu thùng/ngày, chỉ sau Mỹ.

Dầu khai thác trong nước cũng nhiều nhưng không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước từ năm 1993, tức cách đây 12 năm. Kết quả là có đến hơn 30% lượng dầu tiêu thụ hằng năm tại TQ là dầu nhập khẩu và đến 80% trong số dầu nhập này đến từ Trung Đông.

Trung Quốc điều chỉnh hương thức ấn định giá dầu

Theo China Business Post, TQ đang cân nhắc một cách thức mới ấn định giá dầu nội địa có thể cho phép việc điều chỉnh thường xuyên hơn. Từ đầu năm nay, TQ đã điều chỉnh giá xăng và dầu diesel ba lần nhưng vẫn chưa theo kịp mức tăng toàn cầu. Điều này gây khó khăn cho các nhà lọc dầu TQ trong việc tạo ra lợi nhuận và càng khuyến khích họ gia tăng xuất khẩu.

Hậu quả dẫn đến là tình trạng thiếu xăng dầu trầm trọng ở khu vực miền Nam. Theo kế hoạch mới, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh cách nhau ít nhất trong vòng một tháng. Theo giới chức trách TQ, điều này sẽ tăng cường ý thức của các tập đoàn lớn trong việc nâng cao an ninh năng lượng quốc gia.

* Giá dầu thô giao tháng chín tại thị trường New York, Mỹ ngày cuối tuần đã tăng hơn 2 USD, lên 65,35 USD/thùng do tâm lý lo ngại khủng bố ở Trung Đông và tình trạng ngưng trệ khai thác dầu ở Ecuador. Tại Anh, giá dầu Brent giao tháng mười đã tăng thêm 1,96 USD, lên 64,36 USD/thùng.

S.N. (Theo CBP, AP)

Các nhà kinh tế cho biết nếu theo đà tăng trưởng kinh tế ở mức 9% như hiện nay, mức độ phụ thuộc của TQ vào dầu lửa nhập khẩu ngày càng lớn. Theo tính toán của chính TQ, nếu tỉ lệ tăng GDP chỉ cần trên 7% hằng năm thôi thì nhu cầu dầu của TQ sẽ tăng ít nhất 4% mỗi năm trong liên tiếp 15 năm tới. Một dự báo khác của Mỹ cho thấy đến năm 2025 cần ít nhất 11 triệu thùng/ngày để xe cộ và nhà máy ở TQ có thể hoạt động.

Các con số trên nói lên điều gì? Tuy chưa thiếu nhưng việc TQ phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn dầu lửa bên ngoài đã đem lại một nguy cơ bất ổn mới cho nền kinh tế - một nguy cơ đe dọa “an ninh dầu lửa”. Ví dụ đơn giản nhất là cứ mỗi lần giá dầu tăng, TQ sẽ phải bỏ ra hàng tỉ USD tiền phụ trội để mua dầu.

Dự trữ

“Chiêu” này không có gì mới vì các quốc gia phát triển đều đã xây nguồn dầu dự trữ từ thập niên 1970 sau cuộc khủng hoảng dầu lửa ở Trung Đông. TQ thì mới lên kế hoạch từ năm 2003 và sẽ chỉ có thể bắt đầu đổ dầu vào kho dự trữ này vào cuối năm nay.

Theo kế hoạch, TQ sẽ xây bốn khu vực dự trữ chiến lược ở các tỉnh Triết Giang, Sơn Đông và Liêu Ninh. Một trong những khu dự trữ lớn nhất dự kiến ở tỉnh Triết Giang sẽ có trữ lượng 5,2 triệu m3 dầu. Mục tiêu một khi hoàn thành vào năm 2008 sẽ cung cấp đủ cho nhu cầu của TQ trong vòng 30 ngày. Như vậy vẫn còn là ít nếu so với khả năng dự trữ chiến lược của các nước khác như Mỹ, Nhật, Đức đều có thể đủ dùng từ 3-5 tháng.

Song song với việc dự trữ, TQ cũng chi rất mạnh tay nhằm đầu tư vào ngành dầu khí: tìm kiếm các kỹ thuật mới, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các trữ lượng dầu sẵn có. PetroChina tháng rồi công bố ý định đầu tư 103 tỉ nhân dân tệ, tức toàn bộ số lãi ròng của mình, vào các dự án nâng cấp kỹ thuật. Các chuyên gia dầu khí TQ cũng tuyên bố áp dụng kỹ thuật khoan mới nhằm "tận dụng tối đa" trữ lượng còn lại của mỏ dầu trên bờ lớn nhất TQ, mỏ Đại Khánh ở Hắc Long Giang vốn đã cạn chỉ còn khoảng 1/4 của tổng trữ lượng 2,2 tỉ tấn dầu.

Tìm nguồn thay thế

Theo Washington Post, tháng 7-2005 Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ra lệnh lập một nhóm đặc nhiệm chuyên chú trọng vấn đề năng lượng quốc gia gồm các bộ trưởng ngoại giao, tài chính và thương mại. Việc Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ (CNOOC) sẵn sàng bỏ gần 20 tỉ USD để mua Hãng dầu Unocal của Mỹ, tuy không thành công nhưng cũng cho thấy một trong các nỗ lực này.

TQ đã ký với nhiều nước châu Phi, đặc biệt là Sudan, các hợp đồng thăm dò, khai thác và nhập khẩu dầu thô. Năm ngoái, TQ hoàn tất thỏa thuận nhập khẩu dầu dài hạn của Iran trị giá 70 tỉ USD. Cuộc “viễn chinh tìm dầu” của TQ vươn đến tận Venezuela ở Nam Mỹ, trong khi một đường ống dẫn dầu dài 1.200km từ Kazakhstan sang TQ dự kiến hoàn tất cuối năm nay.

Trong nghị trình của chuyến thăm Nga vừa qua của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hợp tác về dầu lửa cũng được coi là điểm quan trọng, bên cạnh tuyên bố “trật tự thế giới thế kỷ 21”. Có thể nói người TQ đã và sẽ không ngồi yên thụ động nhìn “an ninh dầu lửa” của mình vượt khỏi tầm kiểm soát.

H.NGUYÊN (Tổng hợp từ China Daily, Washington Post)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home