Monday, August 22, 2005

Xăng biến động, tính lại CPI

Giá xăng dầu, giá gạo, thực phẩm... tăng cao khiến CPI cũng có chiều hướng tăng mạnh và cách tính lại CPI đang được đặt ra vì cách tính như lâu nay không còn phản ứng đúng tình hình của nền kinh tế.

Tin giá dầu thô tại thị trường New York liên tiếp lập những kỷ lục mới khiến mọi người không khỏi lo ngại về tác động đối với mặt bằng giá trong nước. Nhưng cũng vì lẽ đó, vấn đề tính toán chỉ số giá cả (CPI) theo cách phù hợp hơn đang được nhiều người nhắc đến.

Không thể giữ được mục tiêu giá

Như khẳng định dự báo của Bộ Tài chính, rằng “tình hình giá cả năm 2005 sẽ không có nhiều biến động trừ trường hợp giá dầu có đột biến”, giá dầu thế giới hôm 13-8 đã leo tới trên 67,10 đô la Mỹ/thùng. Trước tình thế này, dù áp dụng phương án điều chỉnh tăng giá bán lẻ hay phương án mở rộng khoảng 10% biên độ cho giá xăng nội địa, Thứ trưởng Trần Văn Tá vẫn phải thừa nhận: “với giá xăng dầu tăng cao như hiện nay thì mục tiêu kiềm chế CPI ở con số 6,5% là gần như không thể thực hiện được”.

Bởi, theo ông Tá, khi Quốc hội thông qua chỉ tiêu kiềm chế mức tăng giá dưới 6,5%, giá dầu thô trên thế giới đang đứng ở mức 50-55 đô la Mỹ/thùng. Hiện nay, với việc giá dầu thô tăng cao đã vượt ra ngoài tầm dự đoán của các nhà quản lý (dự đoán tối đa chỉ khoảng 60 đô la Mỹ/thùng), thì việc không giữ được chỉ số CPI như mục tiêu Quốc hội đặt ra là điều khá hiển nhiên.

Theo ông Tá, chưa thể tính toán được ngay giá xăng dầu sẽ tác động đến chỉ số giá và chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế năm nay cụ thể là bao nhiêu, nhưng có thể nhìn thấy ngay các ngành kinh tế quan trọng bị ảnh hưởng là than, xi măng, vận tải... Thêm vào đó, giá lương thực - thực phẩm cũng đã nhích lên chủ yếu do giá gạo xuất khẩu tăng cao (250 đô la Mỹ/tấn so với trước 210 đô la Mỹ/tấn), dịch cúm gia cầm quay trở lại... cũng khiến CPI đang ở chiều hướng tăng mạnh.

Tuy nhiên, ông Tá cũng cho rằng, nếu biến động của chỉ số giá thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế (dự kiến 8,5% trong năm 2005) thì “chấp nhận được và không ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô”.

Nên tính lại CPI...

Nhận định về CPI, Thứ trưởng Trần Văn Tá cho rằng, việc biến động giá xăng dầu hay giá lương thực đang đặt ra yêu cầu cần phải có cách tính toán chỉ số giá phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, giá cả biến động bất thường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và đe dọa phá vỡ cân đối vĩ mô. Cách tính chỉ số CPI của VN hiện nay vẫn bị chi phối bởi chỉ số giá của nhóm hàng lương thực - thực phẩm (chiếm tới 40% trong rổ hàng hóa) và điều này, theo ông Tá, “không phản ánh đúng thực chất sức khỏe của nền kinh tế”.

Trước đây, khi nền kinh tế còn non yếu, ít chủng loại hàng hóa, Chính phủ đã cho lương thực - thực phẩm vào rổ hàng tính CPI với tỷ trọng lớn trong khi lương thực - thực phẩm lại chiếm tỷ trọng không đáng kể trong rổ hàng tính CPI ở các nước khác, bởi mặt hàng này hay biến động bất thường và không phản ảnh đúng thực trạng nền kinh tế. Ví dụ, hồi đầu năm, khi giá gạo xuất khẩu của VN tăng đã kéo CPI tăng lên trong khi giá gạo xuất khẩu tăng phải được coi là dấu hiệu tốt chứ không phải dấu hiệu xấu như chỉ số CPI diễn tả.

Tại VN, giá hầu hết các mặt hàng đã thích ứng theo các biến động thị trường. Viễn thông và xăng dầu cũng đang được “thả nổi” từng bước, trừ giá điện vẫn “chốt”.

Theo ông Tá, để phù hợp với xu hướng chung và với cơ chế thị trường, cách tính chỉ số CPI của VN dự kiến sẽ được cải tiến trong thời gian ngắn tới.

...Và nhìn theo hướng khác

Không chỉ thay đổi trong cách tính CPI, nhiều ý kiến cho rằng phải thay đổi cả cách sử dụng chỉ số này. Trao đổi với TBKTSG, Cục phó Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cũng thừa nhận rằng “các nước hiện gần như không còn đưa ra chỉ số giá cố định cụ thể vào đầu năm như VN”.

Tại một hội thảo về giá cả ở Hà Nội mới đây, đại diện của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, cách ấn định chỉ số giá như VN hiện nay là không thực tế. Các nước trên thế giới chỉ đưa ra con số lạm phát mục tiêu và mức phấn đấu là kiềm chế lạm phát dưới con số đó. Lạm phát mục tiêu được hiểu như một cơ chế điều hành chính sách tiền tệ dựa trên việc ngân hàng trung ương sẽ dự báo xu hướng lạm phát năm tới để đưa ra chỉ số lạm phát mục tiêu (định hướng bằng một chỉ số hoặc một khoảng biên độ) cho năm kế hoạch.

Trên diễn đàn Quốc hội, đã hơn một lần cũng có ý kiến cho rằng không nên đưa ra mức CPI mục tiêu bằng con số cụ thể như hiện nay mà Chính phủ nên đưa ra một mục tiêu lạm phát có biên độ để căn cứ vào đó, các cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh làm sao cho giá thấp hơn và tương ứng với mục tiêu tăng trưởng.

Ông Thỏa phân tích rằng việc ấn định CPI từ đầu năm như hiện nay có cái lợi là có mục tiêu cố định để làm mốc khi điều hành chính sách vĩ mô. Nhưng thực tế, do tác động từ thị trường thế giới, thiên tai, những yếu tố chưa lường hết... Chính phủ dễ bị động và mọi hành động nhằm “níu kéo” CPI sẽ khiến kinh tế gặp bất lợi. Nếu chỉ vì mục tiêu tăng trưởng hình thức mà không dám điều hành thị trường phù hợp với bản chất tình hình thì không ổn.

Theo TBKTSG

0 Comments:

Post a Comment

<< Home