Giá dầu tăng, phải chuyển thách thức thành cơ hội
TTCN - Đối với nước ta, cú “sốc” giá xăng dầu này là một gánh nặng, bất khả kháng, không thể xem thường. Do phải nhập toàn bộ xăng dầu, phần lớn phân bón và nguyên vật liệu cho dệt may, chất dẻo nên tác động của tăng giá xăng dầu khá sâu rộng.
Ngành điện cần công bố các khả năng tiết kiệm điện, nêu gương các điển hình làm tốt để rút kinh nghiệm. Và việc điều chỉnh giá điện một cách hợp lý để tạo thêm đòn bẩy kinh tế cho tiết kiệm điện cũng cần phải xem xét một cách đồng bộ với các biện pháp khác. Công đoàn, đoàn thanh niên... cần hưởng ứng chỉ thị tiết kiệm của Thủ tướng Chính phủ với những chương trình hành động thiết thực.
Chúng ta có 25.000 ôtô tải nhưng bình quân mỗi xe chỉ chạy 18 ngày trong một tháng, mỗi ngày chạy 7 giờ, với tải trọng 1,7t/xe và cung đường dưới 100km/ngày; so với xe tải ở Nhật Bản chạy không dưới 26 ngày/tháng, mỗi ngày không dưới 20 giờ, đủ tải và hai chiều. Cải tiến trên lĩnh vực này có thể tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí không nhỏ cho toàn nền kinh tế.
Các nước trong khu vực đã thực hiện ngay các biện pháp trước mắt, kể cả những nước giàu có hơn nước ta rất nhiều. Nhật Bản đã hạn chế việc sử dụng máy điều hòa khí hậu ở các công sở, các quan chức không cần mặc bộ complet và mang cravatte trong mùa hè, người đi đầu chính là Thủ tướng Koizumi. Hàn Quốc đã tắt đèn cả nước hai phút để khởi đầu chiến dịch tiết kiệm điện. Thái Lan và các nước khác đều có các biện pháp đột xuất, gay gắt để giảm tiêu dùng xăng dầu. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP đều được áp dụng.
Nếu so với năm 1960 để sản xuất ra 1 tỉ USD GDP, nước Mỹ năm 2003 chỉ phải sử dụng có 49% số dầu lửa. Các loại năng lượng khác như sức gió, thủy điện nhỏ, địa nhiệt hay dựa trên thủy triều lại được nghiên cứu và vận dụng trong tình hình mới. Năng lượng hạt nhân lại được đẩy mạnh nghiên cứu để nâng cao mức độ an toàn. Toàn bộ trang thiết bị, ôtô, máy bay... đều phải hướng tới sử dụng triệt để tiết kiệm năng lượng.
Trong khi ở ta, mức tăng giá của các mặt hàng nhập khẩu vượt khoản tăng thu từ tăng giá của số dầu lửa nước ta có thể xuất khẩu được. Hệ quả là thâm hụt thương mại và cân đối thanh toán quốc tế sẽ gia tăng. Chỉ số giá cả trong nước sẽ bị ảnh hưởng, thu nhập của dân cư, nhất là của nhóm có thu nhập thấp, sẽ bị tác động. Điều phải làm là biến sức ép nặng nề này thành cơ hội để chuyển sang một nền kinh tế có hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn và lành mạnh hơn.
Nếu chúng ta không nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm thì sản phẩm, hàng hóa của chúng ta không thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới và ngay cả trên thị trường nước ta vì các nước khác đều nỗ lực giảm. Trước mắt, phải chấp nhận giá xăng dầu tương đương với sự tăng giá trên thế giới và thực hiện tiết kiệm ngay, một cách có hiệu quả với ý thức đây là vấn đề căn bản, chiến lược của đất nước.
Về lâu dài, khoa học - công nghệ phải đi đầu để nâng cao hiệu quả năng suất lao động và giá trị gia tăng trong nền kinh tế, phát triển công nghiệp tái sinh các chất phế thải và các dạng năng lượng khác. Và các đòn bẩy kinh tế, chính sách đầu tư phải hướng tới sử dụng năng lượng có hiệu quả nhất.
|
TS LÊ ĐĂNG DOANH
0 Comments:
Post a Comment
<< Home