Saturday, August 13, 2005

Giá dầu bắt đầu đợt tác động mới


Nhựa, dệt may, vận tải cùng một loạt ngành hàng khác từ mấy ngày nay lo lắng theo dõi biến động giá dầu thế giới và liên tiếp nhận các thông báo về việc điều chỉnh giá đầu vào. Dịch vụ có thể tăng theo nhưng các ngành sản xuất thì thực sự khó khăn do cạnh tranh không cho phép họ nâng giá.

Chi phí nhiên liệu cho vận tải biển tăng mạnh.

Theo Công ty vận tải biển VN, tình hình nhiên liệu trên thị tr­ường liên tục biến động không ngừng. Cuối tháng 5 tưởng chừng như đã hạ nhiệt khi giá vàng đen xuống dưới mức 47 USD/thùng. Tuy nhiên, ngày cuối cùng của tháng 5 đã chấm dứt thời gian giảm giá dầu thô, sang tháng 6 giá bắt đầu leo thang qua ngưỡng 50 USD, nay thời điểm chạm mức 70 USD không còn xa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí nhiên liệu cho đội tàu công ty. Trong 6 tháng đầu năm nay, khoản tiền này lên tới 191 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương ứng với giá dầu tăng, giá cước liên tiếp được điều chỉnh. Từ 1/8, phụ phí xăng dầu các tuyến đi châu Âu đã tăng 6,4%, chẳng hạn một container 20 feet đã lên 199 USD. Phụ phí đi Mỹ hiện là 310 USD mỗi container 20 feet, 410 USD container 40 feet , các tuyến đi châu Á cũng vừa tăng thêm 10 USD/TEU lên hơn 100 USD. Dự kiến tới tháng 9 có thể thêm đợt tăng giá mới.

Các hãng vận tải cho hay hiện là mùa cao điểm đi châu Âu, hàng lạc, chè xuất rất nhiều nên khả năng tăng giá càng dễ xảy ra. Thông thường khách ký hợp đồng trước cả năm nhưng những phụ phí kia doanh nghiệp buộc phải chịu theo đà lên giá chung. Dù biết như vậy song cước tăng quá cao khiến họ kêu ca rất nhiều.

Với các doanh nghiệp dệt may, ngoài giá cước vận chuyển cao, giá nhập xơ đang tăng mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bà Phí Mai Hoa, Phó phòng xuất nhập khẩu Công ty dệt may Hà Nội cho hay, mỗi tháng doanh nghiệp nhập tới gần 900 tấn xơ, chỉ cần mỗi kg tăng gần chục cent, số tiền đội lên không ít.

Đối với ngành nhựa tình hình cũng rất khó khăn. Hiện giá nguyên liệu PP là 1.070-1.130 USD/tấn, PPE 1.050-1.080 USD, PET 1.100-1.180 USD, đồng loạt tăng trên dưới 100 USD/tấn. Tổng thư ký Hiệp hội nhựa VN Nguyễn Đăng Cường cho hay chỉ trừ PVC, các nguyên liệu khác ngành nhựa phải nhập khẩu hoàn toàn do đó sản xuất phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới, nhất là khi nhựa có nguồn gốc từ các sản phẩm hóa dầu. Theo ông Cường, xuất khẩu phải tìm mọi cách để giữ mối hàng nhưng các sản phẩm trong nước cứ đà này có thể phải nâng giá bán mới cầm cự được.

Trước tình hình giá nhiên liệu thế giới tăng chóng mặt, ở cấp độ cao hơn các nhà quản lý VN cũng đang tìm mọi biện pháp đối phó cả ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, chỉ thị giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn được nghiêm túc thực hiện song một chương trình dài hơi ở cấp độ vĩ mô đã được tính đến. Bộ Công nghiệp mới đây đã hoàn thành dự thảo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 8. Mục tiêu của chương trình là phấn đấu tiết kiệm từ 3-5% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2006-2010 và 5-8% trong giai đoạn 2011-2015.

Theo chương trình này, các nội dung về tiết kiệm nhiên liệu được đưa vào hệ thống giáo dục quốc gia. Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà chế tạo hiện đại hóa công nghệ, phát triển các trang thiết bị hiệu suất cao. Các bộ ngành đều phải có đề án cụ thể xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phong Lan

0 Comments:

Post a Comment

<< Home