Thursday, August 18, 2005

Xăng: 10.000 đồng/lít


TT (Hà Nội) - Từ 18g ngày 17-8, giá bán lẻ định hướng đối với xăng đã tăng thêm 1.200 đồng/lít (xăng 92 tăng lên 10.000 đồng/lít) - mức tăng giá cao nhất từ trước đến nay, trong khi giá dầu diesel và dầu hỏa cũng tăng thêm 1.000 đồng/lít. Tăng thấp nhất trong đợt điều chỉnh giá này là dầu mazut (FO) - 500đồng/kg.

Đây là lần thứ ba trong năm, Bộ Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu nhưng là lần đầu tiên trong nhiều năm Bộ Tài chính phải điều chỉnh giá định hướng xăng dầu hai lần chỉ trong chưa đầy một tháng rưỡi (lần gần đây nhất là ngày 3-7).

>> Trước giờ tăng giá
>> Điện, than, ximăng không tăng giá

Tăng thu từ xuất dầu thô không đủ bù đắp

“Những biến động trên thế giới khiến giá dầu tăng nhanh không ngờ và ngưỡng giá dầu làm cơ sở để Chính phủ đưa ra giá định hướng trong nước đã chuyển từ 55-60USD/thùng lên 60-70 USD/thùng” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá nhìn nhận. Giá thế giới chuyển sang ngưỡng mới đã đặt ra một áp lực mới: nếu Chính phủ không điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, từ nay đến cuối năm ngân sách sẽ còn phải bù lỗ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu ít nhất 5.400 tỉ đồng, trong khi từ đầu năm đến nay mỗi tháng ngân sách phải dành gần 1.100 tỉ đồng bù lỗ, chưa kể phần giảm thu do thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu từ lâu đã ở mức 0%.

Trạm xăng 70-72 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM trước giờ xăng tăng giá, đông đảo người dân đổ xăng và trở lại bình thường sau giờ tăng giá Ảnh chụp ngày 17-8-2005 - Ảnh: N.C.T.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, với mức giá giữ liên tục trên 60USD/thùng từ đầu tháng đến nay, hoạt động kinh doanh tất cả các chủng loại xăng dầu đều lỗ lớn: diesel và dầu hỏa lỗ 1.800 đồng/lít, xăng lỗ từ 550 đồng-700 đồng/lít.

Bản thân việc điều chỉnh giá lần này, theo ông Tá, cũng chỉ đạt mục đích giảm bớt phần bù lỗ của ngân sách nhà nước cho dầu hỏa, dầu diesel: 1.000 đồng tăng thêm cho mỗi lít dầu diesel, dầu hỏa sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách hơn 2.900 tỉ đồng, phần bù lỗ còn lại chỉ khoảng... 2.500 tỉ đồng. “Chúng ta có phần tăng thu từ xuất khẩu dầu thô, nhưng phần tăng thêm đó vẫn không đủ để bù đắp” - Thứ trưởng Tá cho biết.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, chi phí đối với vận tải bằng đường bộ sẽ tăng thêm 4%, đường sắt tăng 2,7%, chi phí sản xuất điện tăng thêm khoảng 1% và than tăng thêm 1,76%. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu lần này là ngành đánh bắt xa bờ - khoảng 8%.

Thừa nhận việc điều chỉnh giá như vậy sẽ khiến mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,5% trong cả năm là khó thực hiện được, Thứ trưởng Trần Văn Tá vẫn khẳng định đây là biện pháp bắt buộc khi VN đang bước vào hội nhập kinh tế. “Chúng ta phải chấp nhận và thích ứng với mặt bằng giá mới, giá xăng dầu trong nước cũng không thể đứng biệt lập với giá xăng dầu các nước khác” - Thứ trưởng Tá nhấn mạnh.

Không thể bù lỗ cho DN nước ngoài

Chính việc giá trong nước chênh lệch với giá của các nước lân cận quá lớn đã khiến tình trạng buôn lậu tăng mạnh trong thời gian gần đây ở biên giới Tây Nam. “Sau lần điều chỉnh giá hồi tháng ba, tình trạng xuất lậu xăng dầu ở biên giới phía Bắc đã giảm hẳn nhưng với việc giá xăng ở Campuchia hiện lên đến 13.000 - 15.000 đồng/lít đã khiến xuất lậu xăng dầu thời gian gần đây tại các tỉnh phía Nam tăng mạnh” - Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ vừa trở về Hà Nội sau chuyến thị sát c

Hơn 90% trụ bơm xăng của các cửa hàng ở TP.HCM đơn giá chỉ có bốn hàng số do thuộc thế hệ cũ. Giá mới của xăng Mogas 92 là 10.000 đồng/lít nhưng trụ bơm chỉ có thể điều chỉnh là 1.000 đồng/lít nên nhiều cửa hàng đành phải dán thêm số 0 hoặc viết thêm số 0 vào đơn giá và tổng số tiền như ở cửa hàng xăng dầu số 70 Trương Định, quận 3, TP.HCM (ảnh chụp lúc 20g33 ngày 17-8-2005) - Ảnh: N.C.T.

ác tỉnh phía Nam cho biết.

“Ngân sách nhà nước không thể gánh luôn cả phần bù lỗ cho các DN nước ngoài kiểu này được, nhất là trong bối cảnh hội nhập” - Thứ trưởng Tá bổ sung.

Lường trước khả năng một số đối tượng có thể lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá các sản phẩm khác một cách không hợp lý, đồng thời với việc ký quyết định tăng giá xăng, Thứ trưởng Trần Văn Tá đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường.

“Tới đây Bộ Thương mại và UBND các địa phương sẽ phải bám sát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng để tăng giá các sản phẩm bất hợp lý” - Thứ trưởng Tá cho biết.

N.LINH



Điện, than, ximăng không tăng giá

TT - Trao đổi với báo chí về tác động của tăng giá xăng dầu đối với các ngành kinh tế, Thứ trưởng Trần Văn Tá cho biết: tiếp tục đảm bảo bình ổn giá và hạn chế tối đa tác động của tăng giá xăng dầu đến ngành sản xuất khác, các ngành trọng yếu là điện, than, ximăng tiếp tục phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, không được tăng giá ít nhất là trong năm nay.

* Các ngành đều bị tăng chi phí, kể cả điện, than, ximăng nhưng ba sản phẩm này lại không được tăng giá. Như vậy liệu có ổn không, thưa thứ trưởng?

- Thứ trưởng TRẦN VĂN TÁ: Chúng tôi đã tính toán kỹ tình huống của các ngành này và thành thật mà nói, giá xăng dầu tăng chỉ khiến các ngành này giảm lãi mà thôi, chưa kể một số tác động khác có thể làm giảm ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu. Ví dụ như với ngành điện, tuy chi phí tăng như vậy nhưng thời điểm hiện nay là mùa mưa, có thể khai thác thủy điện nhiều hơn nên mức độ ảnh hưởng có thể hạn chế phần nào.

Cũng tương tự là sản xuất ximăng: vừa qua đã có thêm một nhà máy công suất lớn nữa đi vào hoạt động nên lượng cung tăng, trong khi nhu cầu đã giảm vì vào mùa mưa nên ảnh hưởng cũng không quá nhiều. Chỉ có duy nhất Nhà máy ximăng Hà Tiên 2 là ảnh hưởng nặng hơn cả vì sử dụng dầu FO nhiều thôi. Còn đối với ngành than thì khác hơn: lợi nhuận thu được từ xuất khẩu than sẽ đủ để bù đắp phần bán trong nước.

* Nhưng với cách điều hành như vậy, liệu chúng ta có quay trở lại cơ chế bao cấp cho các DN trong nước thông qua giá đầu vào?

- Thứ trưởng Phan Thế Ruệ: Chính phủ muốn qua đó đảm bảo sự ổn định cho sản xuất trong nước trong một thời gian nhất định. Bởi vì đi kèm với chính sách này, Chính phủ cũng đang tiếp tục đốc thúc các DN thuộc mọi lĩnh vực sản xuất phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, thay đổi cung cách quản lý, cách thức tiếp cận thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh. Tất cả những chuyện này chúng ta đều có lộ trình rồi, về lâu dài sẽ không có bao cấp.

NHẬT LINH ghi

Doanh nghiệp vận tải chờ động tĩnh

Ông Nguyễn Văn Liễu - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô VN - cho biết như vậy vào tối qua.

Theo ông Liễu, đợt tăng giá ngày 3-7 các DN vận tải mới họp lại với nhau tìm cách ứng phó chứ chưa dám tăng giá. Mặc dù Cục Đường bộ cho phép các DN tăng giá cước đến 8% nhưng các DN vẫn chưa dám nhúc nhích vì sợ khách hàng phản ứng.

Các DN đang cố gắng tổ chức lại hoạt động để tìm cách tiết kiệm xăng dầu chứ chưa dám tăng giá. Bởi vì trong tình trạng cạnh tranh hiện nay, DN này tăng mà DN khác chưa tăng thì sẽ bị mất thị phần. Cho đến lần tăng giá này các DN vẫn đang nhìn nhau, chưa ai dám nhúc nhích dù giới hạn chịu đựng và cách tiết kiệm xăng dầu cũng đã hết mức.

Việc tăng giá cước vận tải hay không sẽ được quyết định trong một vài ngày tới sau khi hiệp hội bàn bạc kỹ với các DN.

T.PHÙNG ghi

0 Comments:

Post a Comment

<< Home