Thursday, August 18, 2005

'Tiếp tục mở biên độ chứ chưa buông giá xăng dầu'


Trao đổi với báo giới chiều 17/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng, việc tăng giá bán định hướng với xăng dầu trong nước lần này mang tính cấp bách và "không còn cách nào khác". Tuy nhiên, nếu giá dầu thế giới tiếp tục biến động thì sẽ mở biên độ thêm 10% chứ chưa tính đến việc thả nổi giá.
*Giá xăng 10.000 đồng/lít / Các cây xăng nóng bỏng trước giờ G / Giá dầu tiếp tục giảm.

Người dân lo giá cả sẽ đắt đỏ hơn.
- Xin ông cho biết, lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu này xuất phát từ nguyên nhân nào?

- Đợt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước đầu tháng 7 vừa qua được thực hiện khi giá dầu thô dao động 55-60 USD/thùng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8, có lúc giá đã vượt qua ngưỡng 67 USD/thùng. Hiện giá dầu thô đã bắt đầu chững lại song vẫn ở mức trên 66 USD/thùng.

Do giá thế giới tăng cao nên 7 tháng đầu năm, ngân sách Nhà nước vẫn phải bù lỗ khoảng 7.554 tỷ đồng. Với giá dầu tiếp tục ở mức cao như đầu tháng 8, nếu giữ nguyên giá bán xăng dầu trong nước thì kinh doanh tất cả các chủng loại xăng, dầu đều lỗ lớn. Trong đó, dầu diezel, dầu hỏa lỗ 1.800 đồng/lít, xăng lỗ 550-700 đồng/lít tùy theo chủng loại, mazut lỗ gần 500 đồng/kg. Dự đoán 5 tháng cuối năm, ngân sách Nhà nước phải bù lỗ khoảng 5.400 tỷ đồng và cả năm là 13.000 tỷ đồng, chưa kể ngân sách bị giảm thu do giữ mức thuế nhập khẩu xăng dầu là 0%. Con số đó quá lớn khi đem so sánh với dự toán ngân sách của năm dự kiến là 183.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, giá trong nước đang chênh lệch khá lớn so với các nước láng giềng nên nạn xuất lậu xăng dầu trên biên giới đất liền và trên biển sang Trung Quốc, Campuchia và Lào diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng, khó kiểm soát.

Chúng ta không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới, giá xăng dầu cũng vậy. Do vậy, việc điều chỉnh giá bán trong nước lần này là bất khả kháng.

- Tình hình buôn lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, biện pháp tiếp theo của các cơ quan quản lý trong thời gian tới là gì?

- Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 3/7, tình hình buôn lậu xăng dầu giảm xuống chút ít sau đó bùng phát trở lại với những thủ đoạn tinh vi hơn dù cơ quan quản lý đã thực hiện việc giám sát ngay tại mỗi cây xăng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là khoản chênh lệch khá cao (khoảng 3.000-4.000 đồng/lít) giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Ngày 19/8 tới, Bộ Thương mại sẽ họp với các doanh nghiệp đầu mối để tìm những biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, lần này Nhà nước sẽ kiên quyết làm mạnh tay hơn với các đối tượng buôn lậu và chắc chắn thời gian tới sẽ đưa một số vụ buôn lậu ra xét xử.

- Lần tăng giá này có tác động như thế nào đến các ngành sản xuất kinh doanh?

- Lần điều chỉnh này theo dự tính của chúng tôi, các ngành chỉ giảm lợi nhuận chứ không bị lỗ. Ngành sử dụng nhiều dầu nhất là than, tuy nhiên, do chính sách nới lỏng xuất khẩu cho các doanh nghiệp nên 2 lần điều chỉnh trước (ngày 29/3 và 3/7), lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 815 tỷ đồng, giảm khoảng 2,6%. Lần này tác động khoảng 1,6% - tương đương với 75 tỷ đồng - trong những tháng cuối năm. Tiếp đó là ngành điện giảm khoảng 136 tỷ đồng tương đương với 1,1%. Ngành xi măng giảm 35 tỷ đồng, riêng Nhà máy xi măng Hà Tiên giảm lợi nhuận 20 tỷ đồng. Thép giảm khoảng 0,3%. Ngành ôtô vận tải giảm 6%, đường sắt 2,7%, đường sông 3%. Riêng đánh bắt xa bờ vẫn là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm 8-9%. Còn các ngành như lúa gạo, cà phê và các mặt hàng nông sản khác ảnh hưởng không đáng kể.

- Nếu giá dầu thế giới vượt mức 70 USD/thùng, VN có tính đến phương án thả nổi giá?

- Chúng tôi chỉ có thể nói là "để giá trong nước tiếp cận giá thế giới đối với xăng và tiếp tục chính sách bù lỗ với dầu" chứ chưa tính đến phương án thả nổi. Bởi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, nên nếu không có chính sách điều hành thì rất dễ gây rối loạn thị trường. Với giá 10.000 đồng/lít xăng hiện nay so với giá dầu dao động ở mức 65-67 USD/thùng thì doanh nghiệp vẫn đảm bảo có lãi.

Nếu giá dầu thế giới tiếp tục biến động thì sẽ mở biên độ thêm 10% và đến thời điểm nào đó vượt ngưỡng trên 70 USD/thùng sẽ tiếp tục mở thêm biên độ tối đa 10% nữa. Như vậy, kế hoạch sắp tới, giá xăng vẫn ở mức đảm bảo hòa vốn hoặc có lãi. Còn thời điểm bãi bỏ chính sách bù lỗ cho dầu thì đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

- Trước sức ép hội nhập thì việc VN không thả nổi giá theo diễn biến thế giới phải chăng là do chúng ta đã có chính sách điều hành phù hợp?

- Mục tiêu của Nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu theo Quyết định 187. Theo đó, giá trong nước sẽ được điều chỉnh theo hướng tiếp cận với giá thế giới và điều này vẫn phù hợp với cam kết quốc tế và quy định của WTO. Lý do chúng ta vẫn bảo hộ cho giá dầu vì Nhà nước căn cứ vào đời sống của người dân. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, chính sách bảo hộ cũng sẽ phải nới dần và ở mức tránh gây sốc cho người dân và doanh nghiệp. Việc từ từ xóa bỏ bao cấp sẽ chuẩn bị tâm lý tốt cho doanh nghiệp để họ có cơ hội tích lũy vốn lớn dần và khi mở cửa thị trường, các doanh nghiệp VN có thể cạnh tranh được với các đối tác nước ngoài.

Trong quá trình đàm phán đa phương để gia nhập WTO, VN vẫn đưa ra những chính sách bảo hộ cho một số ngành nghề, lĩnh vực, các nước trên thế giới họ cũng làm vậy. Điều này có thể khẳng định là VN mở cửa thị trường nhưng không có nghĩa là mở tất cả.

- Kịch bản tăng giá được Bộ Tài chính tập dượt nhiều lần nhằm tạo tâm lý cho người dân, tuy nhiên, việc làm này cũng dẫn đến hiện tượng đầu cơ găm hàng. Hướng giải quyết đối với những trường hợp này như thế nào?

- Mấy ngày qua, Bộ Thương mại phối hợp với các địa phương, ban ngành tiến hành đợt tổng kiểm tra toàn bộ các điểm kinh doanh xăng dầu từ miền Nam trở ra. Chuyện một số đại lý, cửa hàng lợi dùng tình hình để găm hàng trục lợi là có thật. Chúng tôi đang liệt kê và phân loại các đối tượng cụ thể và với những đơn vị ngừng bán hàng hoặc có biểu hiện đầu cơ với bất kể lý do gì đều bị xử lý. Theo kết quả khảo sát ban đầu, nhiều đại lý chính hãng vẫn hoạt động bình thường, chỉ có những cửa hàng và đại lý bán lẻ có biểu hiện găm hàng chờ tăng giá. Kết quả xử lý như thế nào sẽ được chúng tôi công bố trong tuần tới.

- Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xi măng... vẫn bị "nhốt", phải chăng Chính phủ đã dự đoán được tốc độ tăng giá sẽ bùng phát vào năm sau?

- Việc Chính phủ chỉ đạo kìm chế giá các mặt hàng này hoàn toàn có lý do chính đáng bởi những ngành này có tác động mạnh đến nền kinh tế và vẫn thuộc quản lý của Nhà nước. Do vậy, nếu 3 ngành này ổn định thì sẽ điều tiết được các lĩnh vực khác.

Hiện nay, than chính là đầu vào của điện và xi măng nên chủ trương của Nhà nước là nới lỏng xuất khẩu đối với mặt hàng này. Từ đầu năm đến nay, ngành than đã xuất khẩu được 13-14 tấn với giá cao, khoản chênh lệch đó sẽ bù đắp được chi phí khi giá xăng dầu tăng.

- Giả sử đến thời điểm nào đó, giá dầu thế giới giảm mạnh, thì việc đầu tiên cần làm là giảm giá bán lẻ trong nước bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng hay nâng thuế để thu ngân sách cho Nhà nước?

- Nếu giá dầu thế giới giảm mạnh, tất nhiên, chúng tôi sẽ nâng dần thuế nhập khẩu và khi nâng đủ thuế rồi mới tính đến việc giảm giá bán lẻ. Bởi riêng việc để thuế bằng 0% mỗi năm Nhà nước đã thất thu gần 10.000 tỷ đồng, chưa kể phải dốc ngân sách ra bù lỗ cho dầu. Trong khi đó, chi phí đi lại của người dân sẽ phát sinh khoảng 20.000-30.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mọi dự báo đều cho thấy khả năng giá dầu thế giới giảm mạnh là chuyện khó xảy ra, nhưng dù sao chúng ta vẫn có quyền hy vọng.

Minh Khuyên ghi

0 Comments:

Post a Comment

<< Home