Friday, August 19, 2005

Sẽ tăng tiếp giá xăng nếu dầu vượt ngưỡng 70 USD/thùng


Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress ngày 18/8 đã khẳng định, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh nếu dầu thế giới leo thang tiếp. Nhà nước cũng sẽ cho phép các ngành bị ảnh hưởng như điện, than, xi măng tăng giá nếu không còn sức chịu đựng.

- 2 ngày trước khi điều chỉnh giá bán lẻ trong nước vào chiều 17/8, giá dầu thế giới bắt đầu hạ nhiệt, tại sao liên bộ Tài chính - Thương mại lại quyết định tăng giá?

- Chúng tôi đã tính toán rất kỹ trước khi đưa ra quyết định tăng giá. Nếu giá dầu về mức 60 USD/thùng thì doanh nghiệp trong nước mới chỉ hòa vốn. Mức hiện nay được chúng tôi tính toán khi giá dầu ở ngưỡng trên 60 USD, thậm chí lên đến 67 USD/thùng thì vẫn phải bù lỗ.

Hiện chúng tôi cũng chưa hình dung nổi nếu giá dầu vượt lên mức trên 70 USD/thùng thì sẽ phải tính toán thế nào cho hợp lý. Nếu ngân sách Nhà nước không chịu được thì phải điều chỉnh giá bán, chứ chưa tính đến việc thả nổi hoàn toàn.

- Trước đó, Bộ Tài chính có trình mấy phương án và giá xăng A 92 dự kiến là 9.700 đồng/lít, nhưng vì sao đến khi quyết định lại là mức giá 10.000 đồng/lít?

- 9.700 đồng là tính bình quân của các loại xăng và có thể là con số mà các chuyên gia đã tính toán trước đó.

- Xin bộ trưởng đánh giá ảnh hưởng của việc giá xăng dầu tăng với các ngành khác?

- Xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành, chắc chắn sẽ chịu tác động nhiều. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, các mặt hàng thiết yếu chỉ giảm lãi chứ chưa bị lỗ. Giá xăng, dầu tăng chắc chắn sẽ tạo nên một bằng giá mới, tạo ra sức ép lên toàn bộ nền kinh tế. Vấn đề là làm sao không để sức ép đó không gây lên đảo lộn thị trường.

Với các ngành như than, điện, xi măng, Chính phủ vẫn chọn phương án kìm giá nhưng đến một lúc nào đó, họ không chịu được thì chắc chắn sẽ phải tính đến phương án tăng giá chứ không để họ bị lỗ. Tuy nhiên, tăng như thế nào cũng phải tính toán rất thận trọng bởi những ngành này có tác động rất lớn đến đời sống nhân dân khi lương chưa tăng, các mặt hàng nông sản như thóc gạo, cao su, cà phê... vẫn giữ giá thấp.

- Chỉ số giá năm nay sẽ bị tác động như thế nào, thưa ông?

- Quốc hội đầu năm quyết định chỉ số giá CPI là 6,5% là hoàn toàn có cơ sở. Bởi tại thời điểm ấy, giá dầu thế giới đang dao động trong mức 50-55 USD/thùng. Trong đó, mặt bằng chung của nền kinh tế lúc ấy hoàn toàn cho phép đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 8,5%.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, do giá dầu thế giới đã lên mức cao và giữ trong khoảng 65-67 USD/thùng và tiếp tục được dự đoán ở mức 70 USD/thùng, giá dầu tăng tác động đến nguyên liệu đầu vào nếu lấy giá trị xuất khẩu so với nhập khẩu thì khoản chi phí này có lúc vẫn cao hơn tốc độ phát triển GDP. Với tốc độ tăng giá này, có thể nhìn thấy rất rõ rằng, khả năng giữ chỉ số giá là khó đạt được.

Theo tôi, các chỉ tiêu như tăng trưởng, lạm phát... chỉ nên coi là mục tiêu định hướng thôi.

Minh Khuyên thực hiện

Doanh nghiệp “đón đầu” xăng dầu tăng giá

Trước giờ xăng dầu tăng giá, nhiều hộ nuôi cá ở làng bè Phước Hưng, An Phú (An Giang) đi mua xăng dầu dự trữ - Ảnh: Đ.V.
TT - Với đợt tăng giá xăng dầu ngày 17-8 (mức tăng cao nhất từ trước đến nay), nhiều doanh nghiệp cho biết không còn “sốc” bởi đã có kế hoạch “đón đầu”.

Bình tĩnh đón giá mới

Ông Phạm Trung Cang, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng (chuyên làm hàng xuất khẩu bao PP), cho biết giá xăng dầu tăng lần này như “người quen” nên không quá bất ngờ.

Theo ông Cang, vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào xây dựng được một mặt bằng giá mới và thuyết phục được khách hàng chấp nhận. “Công ty phải chấp nhận giảm lợi nhuận cho các hợp đồng đã ký, nhưng với các hợp đồng sắp tới sẽ giải thích cho khách hàng hiểu để họ đồng ý cho tăng giá ở mức chấp nhận được”, ông Cang cho hay.

“Tôi cho rằng khi giá thế giới tăng, xu hướng tất yếu là giá trong nước phải thay đổi” - ông Phạm Tân, giám đốc Công ty dệt sợi len V., khẳng định. Với đợt tăng giá xăng dầu lần thứ ba trong năm, ông Tân nhẩm tính công ty sẽ phải chi thêm gần 40 triệu đồng/tháng cho chi phí xăng và dầu mazut, tăng hơn 13%. “Tôi vừa yêu cầu bộ phận kinh doanh xây dựng mặt bằng giá theo xu hướng tăng dần, để từ đó tính xem khả năng “chịu đựng” giảm lợi nhuận còn cầm cự được bao lâu. Tuy nhiên, với chúng tôi, không thể bỏ các khách hàng quan trọng chỉ vì tăng giá để muốn tăng lợi nhuận”, ông nói.

Ông Huỳnh Tấn Phong, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết: “Từ mấy ngày qua các đội quản lý thị trường đã bám sát các chợ đầu mối và chợ bán lẻ để theo dõi biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu. Có những mặt hàng lên giá do ảnh hưởng một số yếu tố khách quan như thời tiết, hàng về ít... Nhưng có những mặt hàng tăng bất thường vì chủ hàng muốn “tát nước theo mưa”, chúng tôi báo cáo lên Sở Thương mại và UBND TP để tìm biện pháp xử lý”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tổng công ty Thủy tinh và gốm sứ VN (Viglacera), nói rằng mặc dù đã có những chuẩn bị như giảm thiểu các chi phí, đẩy mạnh triển khai các sáng kiến kỹ thuật..., nhưng tổng công ty vẫn chịu ảnh hưởng khá nặng từ việc tăng giá xăng dầu.

Theo ông Tuấn, hằng tháng Viglacera sử dụng một lượng lớn dầu diesel, gas, mazut... Các khoản tăng nhiên liệu đã “ăn” vào lợi nhuận của công ty từ đầu năm đến nay khoảng 70 tỉ đồng. “Có những mặt hàng chúng tôi chủ động giảm đến một nửa sản lượng, thậm chí có tháng đóng cửa luôn nhà máy. Nhưng chúng tôi phải tính toán cẩn trọng về việc tăng giá” - ông Tuấn cho biết.

Nghe ngóng

Các ngư dân tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết với mặt bằng giá xăng dầu mới, ngày càng nhiều tàu đánh cá sẽ bổ sung vào danh sách hàng trăm tàu đang nằm bờ vì không thể cáng đáng nổi các chi phí chạy tàu. Chi phí cho mỗi chuyến ra khơi của một cặp tàu tốn 500-600 triệu đồng, trong đó tiền dầu DO chiếm 65%. Với giá dầu mới, ngư dân phải bỏ thêm 50-60 triệu đồng cho mỗi cuộc hải trình.

Ông Thanh - chủ sáu tàu cá ở Vũng Tàu - nói rằng trước đây các chủ cây xăng cho ngư dân mua gối đầu, nhưng giờ thì khác. “Sau khi xăng dầu tăng giá, họ lập tức bảo chúng tôi phải mua dầu kiểu tiền trao cháo múc, đẩy chúng tôi vào tình thế cực kỳ khó khăn: nằm bờ cũng lỗ mà ra khơi lỗ càng nặng hơn”, ông Thanh nói.

Các doanh nghiệp vận chuyển đang rục rịch cho một đợt tăng cước mới. Theo tính toán, với giá dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít, thu nhập của một đầu xe sẽ giảm khoảng 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Hiệp hội Vận tải TP.HCM có hơn 50 thành viên với gần 8.000 đầu xe, tính ra mỗi ngày chi phí sẽ tăng thêm khoảng 400 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Quảng, chủ tịch hiệp hội, cho hay các thành viên hiệp hội đã thống nhất sẽ tăng giá 8-10% nhưng vẫn còn nghe ngóng các doanh nghiệp khác. “Tăng hay không còn phụ thuộc vào cung cầu thị trường và khách hàng, quyết định như thế nào là tùy từng doanh nghiệp”, ông Quảng nhấn mạnh.

T.V.NGHI - N.HẰNG - H.ĐĂNG

Bộ trưởng bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng:

Tính việc tiết kiệm rồi mới tính việc tăng giá

Ngày 18-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã có cuộc trao đổi với báo chí về những tác động của việc tăng giá xăng dầu ngày 17-8 đối với nền kinh tế. Bộ trưởng cho biết:

- Xăng dầu tăng giá chắc chắn sẽ có tác động đối với nền kinh tế. Tất nhiên sẽ có sản phẩm, có ngành phải tăng giá, nhưng là tăng hợp lý. Các ngành vận tải, đánh cá xa bờ... bị ảnh hưởng lớn thì chắc chắn phải tăng giá. Nhưng hiện nay Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đổi mới dây chuyền, công nghệ, tiết kiệm được năng lượng. Tính việc tiết kiệm rồi mới tính đến việc tăng giá. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp phải có biện pháp không để xảy ra tình trạng giá cả lợi dụng tăng theo giá xăng. Đối với những ngành quan trọng như điện, than, ximăng, Thủ tướng đã chỉ thị phải giữ ổn định, không được tăng giá trong năm 2005.

* Nhưng ép các doanh nghiệp không được tăng giá trong khi yếu tố đầu vào là xăng dầu tăng liệu có hợp lý?

- Giá xăng dầu tăng tạo nên mặt bằng giá mới, tạo ra sức ép lên toàn bộ nền kinh tế, từ tài chính dân cư, tài chính doanh nghiệp và tài chính ngân sách đều bị tác động. Nhưng phải kìm giá vì không thể đẩy giá lên được, đẩy lên là tác động đến dân trong khi lương chưa lên. Vấn đề là làm sao không để sức ép đó gây đảo lộn tình hình; làm sao đi theo thị trường mà không bao cấp. Với các ngành than, điện, ximăng..., ta chọn cách giữ nguyên giá các sản phẩm này, nhưng không để đến mức lỗ.

* Giá tăng, các doanh nghiệp, các bộ, ngành phải tìm mọi cách để bình ổn giá. Như vậy liệu mục tiêu tăng trưởng có thể đạt được như đã đề ra không, thưa bộ trưởng?

- Giữ mức tăng chỉ số giá tiêu dùng vào thời điểm này là khó khăn thật sự, nhưng đấy chỉ là một yếu tố tác động đến tăng trưởng. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, nên nếu Chính phủ có các biện pháp quyết liệt, theo tôi nghĩ vẫn có khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra.

NHẬT LINH thực hiện

Cần Thơ: chưa tăng giá phà, xe khách

Bến phà Cần Thơ chưa tăng giá, khách qua lại bình thường - Ảnh: Q.A.
Phà Cần Thơ không thay đổi giá cước dù giá xăng dầu tăng. Phó giám đốc cụm phà Hậu Giang Nguyễn Duy Thái nói: “Chúng tôi không tăng giá cước vì đây là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động chủ yếu phục vụ nhân dân và lấy thu bù chi”. Phó giám đốc Xí nghiệp bến xe tàu Cần Thơ Nguyễn Văn Mạnh cho hay: “Trước mắt chưa tăng giá cước xe khách. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp thấy bị lỗ, có yêu cầu hợp lý có thể ngành quản lý sẽ xem xét”.

TP.HCM: giá vé xe đò tăng 8%

Theo ông Nguyễn Nam Sơn - giám đốc bến xe miền Đông, bắt đầu từ 21-8 giá xe đò từ TP.HCM về các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc tăng khoảng 8%. Các đơn vị vận tải cho rằng giá vé xe đò tăng này đã được tính trong đợt tăng giá xăng dầu lần trước. Với đợt tăng giá xăng dầu ngày 17-8, các đơn vị sẽ bàn việc tăng giá sau ngày 2-9. Bến xe miền Tây cho biết giá vé xe đò được điều chỉnh tăng 7,7% bắt đầu từ 1-9-2005.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM Đinh Quang Hiền nói sẽ họp bàn với các doanh nghiệp để tính toán giá thành vận tải taxi trước khi đề xuất tăng giá cước. Ông Bùi Văn Quảng - chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM - chủ trương các doanh nghiệp sẽ tự thương lượng với chủ hàng để điều chỉnh giá tăng không quá mức 8% như chỉ đạo của Cục Đường bộ VN.

Bình Dương: tu bổ động cơ để đỡ hao tốn nhiên liệu

Toàn tỉnh Bình Dương có ba đơn vị kinh doanh loại vận tải hành khách công cộng, các doanh nghiệp đang bối rối nhưng chưa có động thái gì ngoài ý định “cầu cứu” tỉnh tăng trợ giá. Ông Vũ Quang Thanh, giám đốc Công ty TNHH Phương Trinh chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện công ty đang tiến hành tu bổ động cơ của các xe khách nhằm giảm tối đa tiêu hao nhiên liệu. Theo ông Nguyễn Xuân Lưu - giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Bình Dương - sau khi giá xăng dầu tăng, công ty này gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù vậy các hoạt động vận tải hành khách vẫn không tăng giá dịch vụ.

N.ẨN - Q.ANH - ANH THOA

0 Comments:

Post a Comment

<< Home