Nhiên liệu vẫn chảy qua biên giới
Rót xăng dầu vào can, bịch nilon, lắp thêm bình xăng phụ vào máy cày, kéo dài dây bơm... là những thủ đoạn đang được người dân nhiều tỉnh áp dụng để bán nhiên liệu qua biên giới, kiếm lời. Cục Quản lý thị trường cho biết, những hành vi gian lận này không còn nhỏ lẻ, tự phát mà được tổ chức rất quy mô, bài bản.
Vận chuyển xăng dầu vượt kênh Vĩnh Tế, An Giang. |
Trao đổi với VnExpress hôm nay, ông Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Quản lý thị trường, cho biết, hoạt động buôn lậu xăng dầu thời gian qua diễn ra rất sôi động trên toàn biên giới Tây Nam. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại các địa bàn như bắc đảo Phú Quốc, Mỹ Đức, Kiên Lương (Kiên Giang), Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, Đức Huệ, Tân Hưng (Long An)...
Các cây xăng trên tuyến biên giới thường bơm vào can 30 lít hoặc bịch nilon với dung tích vài chục lít sau đó các đối tượng vận chuyển bằng xe đạp, xe máy, tàu thuyền và bằng dây kéo qua biên giới. Tại nhiều điểm xuất lậu xăng dầu qua biên giới, hằng ngày có từ 30 đến 40 cửu vạn, có ngày lên tới hàng trăm người sẵn sàng túc trực. Tinh vi hơn, nhiều cây xăng nối dài dây bơm ra phía sau cửa hàng hoặc trong nhà kho để bơm tránh bị phát hiện. Tình hình xuất lậu xăng trên tuyến biển Kiên Giang được xem là phức tạp nhất bởi ở đây có 200 km đường biển và khoảng 105 đảo với khoảng 7.000 tàu thuyền đánh cá của tỉnh (không kể hàng trăm tàu thuyền vãng lai ở các nơi khác đến đánh bắt và trao đổi hải sản).
Ông Phạm Quang Viễn, Cục phó Quản lý thị trường, cho biết, gần đây tại Tây Ninh, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra một số thủ đoạn xuất lậu xăng dầu mới. Trên tuyến biên giới đường sông An Giang, các cây xăng sông hầu hết đều là bè nổi, xăng được bơm vào can, phuy rồi dùng dây kéo sang bên kia sông. Thậm chí, quản lý thị trường đã phát hiện hàng chục máy cày lắp thêm bình xăng phụ 200 lít mua dầu chạy qua bên kia biên giới đổ rồi quay về.
Theo đánh giá của ông Viễn, hoạt động buôn lậu xăng dầu qua biên giới không còn nhỏ lẻ mang tính tự phát như trước nữa mà có tổ chức và quy mô lớn với các hình thức tinh vi hơn trước, lượng xăng dầu bị xuất lậu vì thế cũng rất lớn. Theo kiểm tra của các cơ quan chức năng, trung bình, mỗi tháng lượng xăng bán ra của nhiều cây xăng là 300.000-400.000 lít. Thậm chí, lượng bán ra của nhiều cây xăng lên đến mức 500.000-600.000 lít/tháng, gấp 10 lần lượng bán của những cây xăng trong nội thị. "Dân cư tại các tỉnh biên giới nhìn chung là rất thưa thớt, như vậy, không thể có chuyện lượng bán ra lại nhiều đến thế, chỉ có xuất lậu mà thôi" - ông Thịnh nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường đã giao cho sở thương mại các tỉnh kiểm tra xác định cụ thể mức tiêu thụ thực tế của các cây xăng và nhu cầu thực tế của người dân tại các địa phương. Sau đó sẽ yêu cầu các đầu mối chỉ "rót" dầu theo đúng định mức này. Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu các chi cục phân công kiểm soát viên thị trường bám sát trực từng cây xăng có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động xuất lậu để giám sát việc mua bán hàng ngày.
Những biện pháp trên đã được áp dụng tại hai tỉnh là Tây Ninh và An Giang. Theo báo cáo nhanh của tỉnh An Giang gửi tới Cục sáng nay, ngay sau khi triển khai các hoạt động trên, lượng xăng bán ra tại các cây xăng trên địa bàn đã giảm tới 80%. Còn tại Tây Ninh, một số cây xăng đã xin rút lượng hàng bán xuống còn khoảng 150.000 lít/tháng.
Mặc dù có những biến chuyển mới như trên, ông Thịnh cho rằng, trong thời gian tới, tình hình buôn lậu xăng dầu sẽ diễn ra phức tạp hơn bởi hiện giá dầu trên thế giới vẫn đang diễn biến khó lường. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần vừa qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng tới 7%. Hiện, dầu thô giao tại New York đã giảm nhẹ song vẫn đứng ở mức cao, với 66,35 USD/thùng.
Hà Vy
0 Comments:
Post a Comment
<< Home